Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống hay nhất (11 mẫu)

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 1

 I. KHÁI NIỆM

 * Thế nào là một hiện tượng đời sống ?

–   Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người (như ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ…). Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê.

–    Để làm tốt kiểu bài này, học sinh cần phải hiểu hiện tượng đời sống được đưa ra nghị luận có thể có ý nghĩa tích cực cũng có thể là tiêu cực, có hiện tượng vừa tích cực vừa tiêu cực… Do vậy, cần căn cứ vào yêu cầu cụ thể của đề để gia giảm liều lượng cho hợp lý, tránh làm bài chung chung, không phân biệt được mặt tích cực hay tiêu cực.

* Phần mở bài cần giới thiệu hiện tượng đời sống phải nghị luận.

* Thân bài có:

– Luận điểm 1: giải thích sơ lược hiện tượng đời sống; làm rõ những hình ảnh, từ ngữ, khái niệm trong đề bài.

– Luận điểm 2: nêu rõ thực trạng các biểu hiện và ảnh hưởng của hiện tượng đời sống; thực tế vấn đề đang diễn ra như thế nào, có ảnh hưởng ra sao đối với đời sống, thái độ của xã hội đối với vấn đề. Chú ý liên hệ với thực tế địa phương để đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục từ đó làm nổi bật tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề.

–  Luận điểm 3: lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đời sống, đưa ra các nguyên nhân nảy sinh vấn đề, các nguyên nhân từ chủ quan, khách quan, do tự nhiên, do con người.

– Luận điểm 4, đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống (từ nguyên nhân nảy sinh vấn đề để đề xuất phương hướng giải quyết trước mắt, lâu dài. Chú ý chỉ rõ những việc cần làm, cách thức thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp với những lực lượng nào).

* Kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận, bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống đang nghị luận.

II. CẤU TRÚC

VỚI HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG CÓ TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN CON NGƯỜI

 I. MỞ BÀI : (các em cần nắm vững kỹ năng mở bài mà thầy cho ở bên dưới)

 Nếu vấn đề thuộc mảng trường học thì mở bài như sau:

Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, nói tục chửi thề, bệnh thành tích trong giáo dục… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là (…). Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.

 Nếu vấn đề thuộc mảng ngoài trường học thì mở bài như sau:

Xã hội của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức như: tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nạn tham nhũng, bệnh vô cảm… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là (…). Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.

II. THÂN BÀI

Giải thích:

– Trước hết ta cần hiểu (…) là gì ?

– Biểu hiện của hiện tượng này là: (Nêu một số dẫn chứng tiêu biểu)

Ví dụ: đề bàn về tai nạn giao thông.

Trước hết ta cần hiểu “Tai nạn giao thông” là gì ? Tai nạn giao thông là tai nạn do các phương tiện tham gia giao thông gây nên. Bao gồm: tai nạn giao thông đường bộ, tai nạn giao thông đường thủy, tai nạn giao thông đường sắt, tai nạn giao thông đường hàng không. Trong đó nhiều nhất là tai nạn giao thông đường bộ.

Bàn luận:

a. Từ cách giải thích đã nêu ở trên ta thấy đây là một hiện tượng xấu để lại nhiều tác hại gây ảnh hướng rất lớn tới mọi mặt của đời sống: (chứng minh)

 b. Từ việc phân tích tác hại đã nêu ở trên, ta cần tìm ra nguyên nhân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến (…) nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau: (Trình bày nguyên nhân)

c. Qua việc phân tích những nguyên nhân ở trên ta cần tìm ra biện pháp khắc phục: (trình bày biện pháp)

Từ đó mỗi người cần rút ra cho mình bài học để không dính vào những tác hại ở trên. Như rèn luyện nhân cách, bản lĩnh; tham gia vào các sinh hoạt văn hóa lành mạnh. (Trình bày thêm)

III. KẾT BÀI

Tóm lại, (…) là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Mỗi cá nhân và tập thể cần lên án, đấu tranh và loại bỏ thói xấu ấy ra khỏi môi trường sống của chúng ta. Vì một (…) văn minh, tất cả hãy nói KHÔNG với (…)

VỚI HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG CÓ TÁC ĐỘNG TỐT ĐẾN CON NGƯỜI

 I. MỞ BÀI

Việt Nam vốn là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và có nhiều truyền thống nhân văn cao đẹp về lòng yêu thương con người, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng cảm sẻ chia… Một trong những biểu hiện cao đẹp của truyền thống ấy đang được tuổi trẻ ngày nay phát huy. Đó chính là (…). Đây là một hiện tượng tốt có nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp.

II. THÂN BÀI

Giải thích:

– Trước hết ta cần hiểu (…) là gì ?

Bàn luận

a. Từ cách giải thích đã nêu ở trên ta thấy đây là một hiện tượng tốt để lại nhiều tác dụng và ý nghĩa tích cực tới mọi mặt của đời sống: (chứng minh kết hợp nêu dẫn chứng phù hợp)

 b. Tuy nhiên bên cạnh đó ta còn thấy có rất nhiều những biểu hiện trái ngược cần lên án. Đó là hiện tượng: (chỉ ra và cho dẫn chứng phù hợp)

 (…) là một hiện tượng có tính nhân văn cao đẹp. Vì vậy chúng ta cần có biện pháp để nhân rộng hiện tượng này: (chỉ ra biện pháp)

Qua hiện tượng trên, bản thân mỗi người cần rút ra cho mình bài học: …

III. KẾT BÀI

Tóm lại, (…) là một hiện tượng tốt có nhiều tác dụng to  lớn đến đời sống xã hội. Mỗi cá nhân và tập thể cần học tập và phát huy để môi trường sống của chúng ta luôn đầy (…)

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 2

* 5 bước làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.

Bước 1: Giải thích

Tìm và giải thích nghĩa của các từ được coi là từ khóa mà đề bài đưa ra. Tuy nhiên không phải sự việc nào cũng cần giải thích vì có những khái niệm phổ biến mà ai cũng biết như tai nạn giao thông, nói tục chửi thề...

Bước 2: Nêu hiện trạng

Dựa vào thực tế đời sống để trả lời các câu hỏi sự việc, hiện tượng này xuất hiện ở đâu, xuất hiện vào thời gian nào, diễn ra ở quy mô nào, đối tượng của sự việc hiện tượng là ai, mức độ ảnh hưởng ra sao...

Bước 3: Lý giải nguyên nhân

Lập luận theo hai hướng nguyên nhân khách quan (tác động từ bên ngoài như pháp luật, nhà nước, xã hội...) và nguyên nhân chủ quan (do nhận thức, ý thức, thói quen của con người...).

Bước 4: Đánh giá hậu quả/ kết quả

Dù là hiện tượng tích cực hay tiêu cực thì đều dẫn đến một kết quả hay hậu quả tương ứng. Nếu đó là hiện tượng xấu thì cần nhấn mạnh khía cạnh đạo đức, nâng cao nhận thức, ý thức của con người để giảm thiểu, loại bỏ hiện tượng đó khỏi đời sống xã hội.

Bước 5: Giải pháp

Dựa vào phần đánh giá hậu quả/ kết quả để đưa ra giải pháp phù hợp. Đối với hậu quả thì phải đưa ra giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn; nếu là kết quả thì phải khuyến khích, cổ vũ, khích lệ và phát triển.

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 3

 Kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội về một sự việc, hiện tượng đời sống

Bước 1: Tìm hiểu đề

Xác định 3 yêu cầu:

Yêu cầu về nội dung: Nắm được yêu cầu của đề bài nói về hiện tượng gì, vấn đề cần bàn luận như thế nào (tốt, xấu, tích cực hay tiêu cực)? Có bao nhiêu ý cần triển khai ở trong bài viết? Mối quan hệ giữa các ý như thế nào?

Yêu cầu về phương pháp: Các thao tác nghị luận chính cần sử dụng (giải thích, chứng minh, bình luận,…)

Yêu cầu về phạm vi dẫn chứng: Trong văn học, trong đời sống thực tiễn (chủ yếu là trong đời sống thực tiễn). 

Bước 2: Lập dàn ý

Mở bài: Giới thiệu hiện tượng, sự việc trong đời sống cần nghị luận.

Thân bài:

Khái niệm, bản chất của hiện tượng (giải thích), mô tả hiện tượng đó.

Nêu thực trạng và nguyên nhân (khách quan và chủ quan) của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh.

Nêu tác dụng, ý nghĩa (hiện tượng tích cực- nêu ý nghĩa, tiêu cực nêu tác hại, hậu quả).

Giải pháp phát huy hay biện pháp khắc phục.

Kết bài:

Bày tỏ ý kiến của bản thân về hiện tượng xã hội vừa nghị luận.

Rút ra bài học, nhận thức hành động cho bản thân.

Bước 3: Tiến hành viết bài

Triển khai bài viết theo hệ thống luận điểm, luận cứ, luận chứng đã xây như như ở trên dàn ý. Một bài văn nghị luận thưỡncfg yêu cầu về số lượng chữ nên cần phối hợp thời gian sao cho phù hợp, tránh viết dài dòng, sa vào kể lể, lan man. Trên cơ sở dàn ý, luyện tập cách viết sao cho ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và có tính thuyết phục cao.

 Bước 4: Đọc, sửa chữa và hoàn chỉnh bài đã viết.

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 4

Đề bài: "Trong thế gian này chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu mà còn là sự im lặng đáng sợ của những người tốt" (M.L.King). Anh/ chị hãy viết bài văn ngắn khoảng 600 từ bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Phân tích đề

- Yêu cầu về nội dung: Bàn về sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu- bệnh cô cảm.

- Yêu cầu về thao tác lập luận: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận.

- Yêu cầu về phạm vi tư liệu: đời sống xã hội.

Lập dàn ý

a. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng cần bàn:

Sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu và căn bệnh cô cảm.

b. Thân bài:

* Nêu bản chất của hiện tượng - giải thích hiện tượng

- Cuộc sống là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên luôn luôn tồn tại hai loại người: xấu và tốt. Vì thế, ta thấy đau lòng vì hàng ngày, hàng giờ vẫn có những nhiều đáng tiếc xảy ra, chà đạp lên các giá trị.

 - Sự im lặng của người tốt là sự im lặng đáng sợ vì đó là phản ứng bất bình thường của người người mà từ trước đến nay ta trân trọng -> bệnh vô cảm.

-> Đây là lời cảnh báo nghiêm khắc về sự băng hoại các giá trị đạo đức trong xã hội hiện nay. Ý kiến này khẳng định: sự đau đớn, thất vọng do lời nói và hành động của kẻ xấu không lớn bằng việc những người tốt không có bất cứ phản ứng gì trước những việc làm của kẻ xấu.


* Bàn luận thực trạng, nguyên nhân của hiện tượng bằng các thao tác phân tích, chứng minh
- Thực trạng: hiện tượng khá phổ biến trong xã hội.

+ lời nói, hành động của những kẻ xấu (d/c)

+ sự im lặng đáng sợ của những người tốt - bệnh thờ ơ, vô cảm

- Nguyên nhân của hiện tượng:

+ Những kẻ xấu, những kẻ kém đạo đức. Chúng làm nhiều việc trái với chuẩn mực đạo đức xã hội chỉ mong vụ lợi cho bản thân, không nghĩ đến người khác, không quan tâm tới tập thể (d/c).

+Trước những bất công, vô lí, điều xấu xa đang xảy ra, trước nỗi đau của người khác... người vô cảm không có phản ứng gì bởi vì họ đã không dám lên tiếng, không dám đấu tranh để cho cuộc sống này tốt đẹp hơn.

Tại sao họ im lặng? Vì họ thấy bất lực. Họ thấy cô độc. Họ mất niềm tin...

* Hậu quả của hiện tượng:

Lời nói, hành dộng của kẻ xấu, sự thờ ơ vô cảm làm cho xã hội trở nên bất ổn, con người mất hết niềm tin vào những điều tốt đẹp (d/c).

* Giải pháp khắc phục:

+ Nâng cao nhận thức ở giới trẻ: nhà trường và đoàn thanh niên ...cần thường xuyên tổ chức các diễn đàn để tuyên truyền, giáo dục thanh niên về lối sống đẹp.

+ Cần phê phán quyết liệt và nghiêm khắc nhắc nhở những cá nhân có hành vi xấu,
vô cảm.

c. Kết bài:

- Phải nhận thức rõ nhưng việc làm tốt – xấu xunh quanh cuộc sống của mình. Không làm ngơ trước cái xấu, cái ác, không có thái độ sống thờ ơ, vô cảm.

- Ủng hộ việc làm của những người tốt, có ý thức bảo vệ người khác để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 5

Cách làm bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống

Muốn làm tốt bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống, phải tìm hiểu kĩ đề bài, phân tích sự việc, hiện tượng đó để tìm ý, lập dàn bài, viết bài và sửa chữa sau khi viết.

Dàn bài của bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống thường gồm ba phần:

Mở bài: Giới thiệu sự việc, hiện tượng cần bàn luận.

Thân bài: Liên hệ thực tế, phân tích các mặt; nêu đánh giá, nhận định.

Kết bài: Kết luận, khẳng định, phủ định, lời khuyên.

Bài làm cần lựa chọn góc độ riêng để phân tích, nhận định; đưa ra ý kiến, suy nghĩ và cảm thụ riêng của người viêt.

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 6

– Đối với bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống cần lưu ý hai điểm :

+ Một là : hình dung cho rõ sự việc, hiện tượng cần nghị luận. Người viết bài cần nêu được sự việc, hiện tượng cần nghị luận ; gọi tên nó ra, kể các biểu hiện của nó, mức độ phổ biến của nó đến đâu. Việc gọi tên hiện tượng, sự việc đòi hỏi phải có năng lực khái quát nhất định. Tên gọi có thể trở thành nhan đề của bài viết.

+ Hai là : phân tích, đánh giá tính chất tốt, xấu, lợi, hại, hay, dở của sự việc, hiện tượng ; chỉ ra nguyên nhân của sự việc, hiện tượng đó và bày tỏ thái độ đồng tình, biểu dương hay lên án, phê phán.

– Đề bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống cần lưu ý :

+ Có sự việc, hiện tượng tốt cần ca ngợi, biểu dương.

+ Có sự việc, hiện tượng không tốt cần lưu ý phê bình, nhắc nhở.

+ Có đề cung cấp sẵn sự việc, hiện tượng dưới dạng một truyện kể, một mẩu tin để người làm bài sử dụng.

+ Có đề không cung cấp nội dung sẵn, mà chỉ gọi tên. Người làm bài phải trình bày, mô tả sự việc, hiện tượng đó.

+ Mệnh lệnh trong đề thường là : “nêu suy nghĩ cửa mình”, “nêu nhận xét, suy nghĩ của mình”, “nêu ý kiến”, “bày tỏ thái độ”…

– Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống thường có ba loại nhỏ. 

+ Trình bày suy nghĩ về một hiện tượng trong đời sống xã hội: như nghị lực, ý chí, tình yêu thương…

+ Trình bày suy nghĩ về hai hiện tượng trong đời sống xã hội trở lên: như thất bại và thành công, cho và nhận… Loại này cần xem xét quan hệ giữa hai hiện tượng.

+ Từ một hiện tượng thiên nhiên, trình bày suy nghĩ về đời sống xã hội như: Giữa một vùng khô cằn sỏi đá, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những đóa hoa thật đẹp; câu chuyện hai biển hồ ở Palétxtin… Suy nghĩ của anh (chị) về hiện tượng trên.

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 7

Kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống thường đề cập tới những hiện tượng, vấn đề đáng chú ý, có sự tác động đến xã hội như bạo hành học đường, tai nạn giao thông, sự vô cảm, tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích, những tấm gương tốt..

I/ Mở bài

- Giới thiệu về sự việc, hiện tượng cần bàn luận

- Mở ra hướng giải quyết để triển khai ở thân bài

Ví dụ: Bàn về vấn nạn bạo hành học đường hiện nay

=> Có thể mở bài: Trường học là nơi giáo dục nhân cách con người, là nơi để trao đổi học hỏi từ thầy cô và bạn bè. Thế nhưng thật đáng buồn khi môi trường ấy lại đang bị tha hóa bởi bạo lực học đường. Đây không phải vấn nạn mới nhưng ngày càng trở nên nổi cộm và khiến nhà trường, phụ huynh cũng như chính học sinh e ngại. 

* Với những hiện tượng đời sống có tác động tốt, thí sinh có thể tham khảo cách mở bài: Việt Nam vốn là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và có nhiều truyền thống nhân văn cao đẹp về lòng yêu thương con người, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng cảm sẻ chia... Một trong những biểu hiện cao đẹp của truyền thống ấy đang được tuổi trẻ ngày nay phát huy. Đó chính là (nêu hiện tượng đó ra). Đây là một hiện tượng tốt có nhiều ý nghĩa nhân văn cao đẹp.

II/ Thân bài

1/ Giải thích hiện tượng đời sống cần bàn luận

- Giải thích khái niệm và bản chất của hiện tượng (Ví dụ: Thế nào là bạo lực học đường, là bệnh thành tích...)

- Mô tả được hiện tượng (hiện trạng, thực trạng hiện nay. Bạn có thể lấy cái ví dụ thực thế trong xã hội. Chẳng hạn vấn nạn bạo lực học đường rất nổi cộm trong năm qua với nhiều sự việc bị đưa lên báo chí, tivi. Có thể lấy 1-2 sự việc này để làm nổi bật thực trang hiện tượng).

Lưu ý:  Bám sát hiện tượng đời sống mà đề yêu cầu, tránh suy diễn chủ quan, tùy tiện

2/ Bàn luận về hiện tượng đời sống 

- Phân tích các mặt, các biểu hiện của sự việc, hiện tượng đời sống cần bàn luận

- Đánh giá, nhận định về mặt đúng – sai, lợi – hại, lý giải mặt tích cực cũng như hạn chế của sự việc, hiện tượng ấy,

- Bày tỏ thái độ đồng tình, biểu dương hay lên án, phê phán

- Chỉ ra nguyên nhân, hậu quả của của sự việc, hiện tượng ấy, nêu phương hướng khắc phục mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực của sự việc, hiện tượng.

3/ Rút ra bài học và hành động trong cuộc sống 

Phàn này, bạn liên hệ tới bản thân để rút ra bài học, hành động 

Ví dụ: Bàn về sự đồng cảm với nhiều tấm gương tốt trong đời sống, thí có thể liên hệ bản thân là phải biết sống đồng cảm, sẻ chia không chỉ trong suy nghĩ, mà phải hành động thực tế, biết giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn... 

III/ Kết bài 

- Đánh giá chung lại hiện tượng

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 8

I. KHÁI NIỆM

Những bài viết mà bạn bày tỏ quan điểm, bàn luận, cách đánh giá về một hiện tượng có ý nghĩa xã hội, vấn đề đáng chê trách hay đáng phải suy nghĩ thông qua một ý kiến, một quan đểm thì được gọi là nghị luận về một hiện tượng đời sống.

II. DÀN Ý

1. Mở bài: Giới thiệu vấn đề
Có hai cách:
-       Trực tiếp: lấy yêu cầu của đề bài làm mở bài.
-       Gián tiếp: từ những vấn đề xung quanh đi vào vấn đề cần nghị luận.
2. Thân bài:

-      Bước 1:
+ Giải thích quan điểm, ý kiến (giải thích từ, sau đó giải thích cả câu).
+Làm rõ sự việc,hiện tượng đề yêu cầu, các biểu hiện của sự việc hiện tượng trong xã hội bằng phương thức tự sự, miêu tả kết hợp với biểu cảm.


-      Bước 2: Bày tỏ suy nghĩ, đánh giá của mình về sự việc, hiện tượng.
+ Nếu là sự việc hiện tượng tốt thì chú ý đến: nguyên nhân (chủ quan, khách quan), mục đích, tác dụng của hiện tượng đối với bản thân, với mọi người.
+ Nếu là sự việc hiện tượng xấu thì chú ý đến: nguyên nhân (chủ quan, khách quan), hậu quả (đối với cá nhân, gia đình, xã hội, các giải pháp khắc phục (tương ứng với nguyên nhân đã trình bày). Chú ý đưa ra các giải pháp có tính gần gũi, thiết thực, tránh các giải pháp viển vông hay quá lớn lao.
+ Nếu là sự việc hiện tượng vừa xấu, vừa tốt thì chỉ rõ mặt tốt, mặt xấu, tác dụng, hậu quả....


-      Bước 3: Phản đề, mở rộng bàn luận
Xem xét trong hiện tượng còn điểm nào chưa triệt để thì tiếp tục đưa ra bàn luận; hoặc phê phán những sự việc, hiện tượng đi ngược lại với sự việc, hiện tượng tốt.


-      Bước 4: Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.
Bản thân em nhận thức về vấn đề như thế nào, em đã có những hành động cụ thể gì để học theo hiện tượng tốt/ lên án hiện tượng xấu.


3.  Kết bài: Khẳng định lại vấn đề đã nghị luận.

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 9

Nhận biết dạng đề Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống

Nghị luận về một hiện tượng đời sống và nghị luận về một tư tưởng đạo lí, bên cạnh những nét khác biệt còn rất nhiều điểm tương đồng. Vì vậy học sinh cần nhận diện rõ đề thuộc kiểu bài nào để có cách làm bài phù hợp.

Kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống thường đề cập đến những hiện tượng nổi bật, tạo được sự chú ý và có tác động đến đời sống xã hội như:

+ Ô nhiễm môi trường, sự nóng lên của trái đất, nạn phá rừng, thiên tai lũ lụt…
+ Bạo hành gia đình, Bạo lực học đường, tai nạn giao thông…
+ Tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, hiện tượng chảy máu chất xám…
+ Phong trào tiếp sức mùa thi, giúp đỡ đồng bào lũ lụt, tấm gương người tốt, việc tốt, nếp sống đẹp…

Một vài lưu ý về dạng đề Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống

Yêu cầu của kiểu bài này là học sinh cần làm rõ hiện tượng đời sống ( qua việc miêu tả, phân tích nguyên nhân, các khía cạnh của hiện tượng…) từ đó thể hiện thái độ đánh giá của bản thân cũng như đề xuất ý kiến, giải pháp trước hiện tượng đời sống.

Cần có cách viết linh hoạt theo yêu cầu của đề bài, tránh làm bài máy móc hoặc chung chung.

Ví dụ: Cùng bàn về vấn đề internet nhưng nếu đề yêu cầu rình bày suy nghĩ về vai trò của internet thì cần nhấn mạnh về vai trò, tác dụng. Còn nếu đề yêu cầu trình bày ý kiến trước hiện tượng “nghiện” internet trong thanh niên hiện nay thì cần chú ý nhiều hơn đến mặt hạn chế và tác động tiêu cực của nó.

Ngoài việc trang bị cho mình những kỹ năng làm bài, học sinh cần tích lũy những vốn hiểu biết thực tế về đời sống xã hội.

Các bước làm bài

Bước 1: Miêu tả hiện tượng được đề cập đến trong bài.
+ Giải thích ( nếu trong đề bài có khái niệm, thuật ngữ hoặc các ẩn dụ, hoán dụ, so sánh…)cần làm rõ để đưa ra vấn đề bàn luận.
+ Chỉ ra thực trạng ( biểu hiện của thực trạng)

+ Nhờ đâu em biết những biểu hiện này?

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng/ qua bài giảng của cô giáo/ qua chứng kiến thực tế…( có thể nêu rõ em biết qua đài nào, báo nào )

+ Hiện tượng diễn ra trên quy mô nào?

 Diễn ra quy mô rộng (Hay hẹp) trên địa bàn toàn quốc/ Các tỉnh thành phố/ thôn xóm/ hay nhà trường. ( có thể nêu rõ  các số liệu về người, thiệt hại… em biết )

+ Mức độ diễn ra?

Diễn ra thường xuyên từng ngày từng giờ Hay hạn chế trong thời gian ngắn?

+ Đối tượng tham gia thực hiện các hành vi này?

  Mọi người/ thanh thiếu niên/ ( có thể nêu rõ  số liệu về người, vụ việc… em biết )

+ Hãy kể hoặc miêu tả một vài  thực tế về con người vi phạm những hành vi bị cấm em chứng kiến hoặc biết?

 Kể 1 chuyện em biết/chứng kiến, theo mẫu : Thời gian địa điểm chứng kiến? nhân vật làm gì? Hậu quả/ kết quả xảy ra.

Bước 2: Phân tích tác hại, các mặt đúng – sai, lợi – hại của vấn đề.

Phân tích tác dụng của vấn đề nếu là hiện tượng tích cực.

Phân tích tác hại của vấn đề nếu là hiện tượng tiêu cực.

Phân tích cả hai mặt tích cực và hạn chế nếu đề có cả hai mặt.

+ Hiện tượng làm ảnh hưởng đến đời sống Xh?
+Hiện tượng làm ảnh hưởng đến con người (đặc biệt học sinh) như thế nào?
Bước 3: Chỉ ra nguyên nhân.
Bước 4: Bày tỏ thái độ, ý kiến đánh giá của người viết về hiện tượng., Giải pháp khắc phục hiện tượng tiêu cực.

– Biện pháp Chung : tuyên truyền cho mọi người có nhận thức về tác dung,tác hại/ Giáo dục cho mọi người hiểu sâu sắc và tự tuyên truyền cho nhau/ Xây dựng hành động và hành động thực tế ứng xử trong cuộc sống ntn cho đúng.

– Biện pháp cá nhân : tự học tập nâng cao nhận thức về cuộc sống/ tìm hiểu sâu sắc về vấn đề và kêu gọi bè bạn và cộng đồng tham gia/ xây dựng những hành động đúng trước (vấn đề đó) trong cuộc sống/ phê phán hành vi xấu, học tập tấm gương tốt.

Kết bài :

– Tóm lược nội dung đã trình bày

– Nêu suy nghĩ về tầm quan trọng của vấn đề đã nghị luận.

– Đưa ra một thông điệp, hay lời khuyên cho mọi người.

Vận dụng

  Gợi ý với dạng bài bàn về một hiện tượng đời sống có tính chất tiêu cực.

Đề bài:

Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày ý kiến của anh ( chị) về nạn bạo hành trong xã hội hiện nay.

Gợi ý:

Bước 1: Miêu tả hiện tượng

Nạn bạo hành- sự hành hạ xúc phạm người khác một cách thô bạo, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đếnsức khỏe, tinh thần của người khác.

Nạn bạo hành thể hiện ở nhiều góc độ, nhiều phương diện của đời sống xã hội: không chỉ là sự hành hạ thể xác người khác bằng bạo lực mà còn hành hạ về tinh thần.

Nạn bạo hành diễn ra trong gia đình, trường học, xã hội; phụ nữ, trẻ em thường là nạn nhân của bạo hành.

Bước 2: Nêu nguyên nhân của hiện tượng.

Do bản tính hung hăng, thiếu kiềm chế của một số người

Do ảnh hưởng của phim ảnh mang tính bạo lực.

Do áp lực cuộc sống.

Do sự thiếu kiên quyết trong cách xử lí nạn bạo hành.

Bước 3: Tác hại to lớn của hiện tượng.

Làm tổn hại đến sức khỏe, tinh thần của con người.

Làm ảnh hưởng tới tâm lí, sự phát triển nhân cách, đặc biệt là cử chỉ.

Bước 4: Ý kiến, thái độ của bản thân, đề xuất giải pháp.

Cần lên án đối với nạn bạo hành.

Cần xử lí nghiêm khắc với những người trực tiếp thực hiện hành vi bạo hành.

Cần quan tâm giúp đỡ kịp thời với những nạn nhân của bạo hành.

*Gợi ý với dạng bài bàn về một hiện tượng đời sống có tính chất tích cực.

Đề bài: Đồng cảm và sẻ chia là một nếp sống đẹp trong xã hội hiện nay. Hãy viết một bài văn ngắn trình bày ý kiến của anh (chị) về nếp sống ấy.

Bước 1: Miêu tả hiện tượng.

Đồng cảm: Là biết rung cảm trước những buồn, vui của người khác, hiểu và cảm thông với những gì đang diễn ra xung quanh cuộc đời mình, luôn đặt mình trong hoàn cảnh của mọi người để nhìn nhận vấn đề, từ đó thể hiện thái độ quan tam của mình.

Sẻ chia: cùng người khác sẻ chia niềm vui, nỗi buồn, sẵn sàng có mặt khi người khác cần.Không tỏ thái độ thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác cũng như không ganh ghét, đố kị, nhạo báng vinh quang, niềm vui của họ.

Đồng cảm, sẻ chia là nếp sống đẹp, là lối sống được coi trọng trong xã hội ta hiện nay.

Bước 2: Nguyên nhân của hiện tượng.

Lối sống đồng cảm, sẻ chia bắt nguồn từ truyền thống nhân ái của dân tộc ta: : “Lá lành đúm lá rách”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”…

Xã hội ngày càng phát triển, nhiều lối sống hiện đại được du nhập vào nước ta nhưng nhân dân ta vẫn giữ được lối sống đồng cảm, sẻ chia.

Bước 3: Tác dụng của lối sống.

Làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.

Làm cho một dân tộc, một đát nước trở nên vững mạnh.

Phê phán lối sống ích kỷ, vô cảm do bị cuốn theo những tham vọng vật chất của nhiều người trong xã hội hiện nay.

Bước 4: Liên hệ bản thân

Phải biết sống đồng cảm, sẻ chia không chỉ trong suy nghĩ, tình cảm mà phải hành động thực tế .

– Có tinh thần giúp đỡ, hi sinh cho những người xung quanh mình.

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 10

Đặc điểm

– Đề tài nghị luận thường gần gũi với đời sống và sát hợp với trình độ nhận thức của học sinh: tai nạn giao thông, hiện tượng môi trường bị ô nhiễm, đại dịch AIDS, những tiêu cực trong thi cử, nạn bạo hành trong gia đình- trong học đường, phong trào thanh niên tiếp sức mùa thi, cuộc vận động giúp đỡ đồng bào hoạn nạn, những tấm gương người tốt việc tốt, hiện tượng lãng phí, lối sống thờ ơ  vô cảm, hiện tượng chạy theo thời thượng, thói dối trá…

 Nghị luận về một hiện tượng đời sống không chỉ có ý nghĩa xã hội, tác động đến đời sống xã hội mà còn có tác dụng giáo dục tư tưởng, đạo lí, cách sống đúng đắn, tích cực đối với học sinh, thanh niên.

Cách làm

Mở bài:

– Dẫn dắt vào đề (…) để giới thiệu chung về những vấn đề có tính bức xúc mà xã hội ngày nay cần quan tâm.

– Giới thiệu vấn đề nghị luận đặt ra ở đề bài: hiện tượng đời sống mà đề bài đề cập…

–   (Chuyển ý)

Thân bài:

* Bước 1: Trình bày thực trạng – Mô tả  hiện tượng đời sống được nêu ở đề bài (…). Có thể nêu thêm hiểu biết của bản thân về hiện tượng đời sống đó (…).

Lưu ý: Khi miêu tả thực trạng, cần đưa ra những thông tin cụ thể, tránh lối nói chung chung, mơ hồ mới tạo được sức thuyết phục.

– Tình hình, thực trạng trên thế giới (…)

– Tình hình, thực trạng trong nước (…)

– Tình hình, thực trạng ở địa phương (…)

* Bước 2:  Phân tích những nguyên nhân – tác hại của hiện tượng đời sống đã nêu ở trên.

– Ảnh hưởng, tác động – Hậu quả, tác hại của hiện tượng đời sống đó:

+ Ảnh hưởng, tác động – Hậu quả, tác hại đối với cộng đồng, xã hội (…)

+ Hậu quả, tác hại đối với cá nhân mỗi người (…)

– Nguyên nhân:

+ Nguyên nhân khách quan (…)

+ Nguyên nhân chủ quan (…)

   * Bước 3:  Bình luận về hiện tượng ( tốt/ xấu, đúng /sai…)

    – Khẳng định: ý nghĩa, bài học từ hiện tượng đời sống đã nghị luận.

    – Phê phán, bác bỏ một số quan niệm và nhận thức sai lầm có liên quan đến hiện tượng bàn luận (…).

   – Hiện tượng từ góc nhìn của thời hiện đại, từ  hiện tượng nghĩ về những vấn đề có ý nghĩa thời đại

       * Bước 4:  Đề xuất những giải pháp:

Lưu ý: Cần dựa vào nguyên nhân để tìm ra những giải pháp khắc phục.

–         Những biện pháp tác động vào hiện tượng đời sống để ngăn chặn (nếu gây ra hậu quả xấu) hoặc phát triển (nếu tác động tốt):

     + Đối với bản thân…

     + Đối với địa phương,  cơ quan chức năng:…

     + Đối với xã hội, đất nước: …

     + Đối với toàn cầu

Kết bài:

– Khẳng định chung về hiện tượng đời sống đã bàn (…)

– Lời nhắn gửi đến tất cả mọi người (…)

Cách làm bài nghị luận về Hiện tượng đời sống 11

Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống cũng là một dạng đề bài quen thuộc và là xu hướng ra đề trong những năm gần đây, thể hiện qua các đề thi nói về hâm mộ thần tượng thái quá hay nghiện mạng xã hội. Do đó, ngoài việc nắm vững cấu trúc dàn bài cần thiết, người viết cần liên tục cập nhật thông tin xã hội để nắm bắt những chuyển biến trong đời sống, từ đó dễ dàng đưa ra những liên hệ, những dẫn chứng thú vị và mới mẻ.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ:

– Giới thiệu hiện tượng cần bàn:

+ Đi từ 1 sự kiện xã hội có liên quan đến vấn đề được nêu.

+ Cảm nghĩ của mình, ấn tượng đối với hiện tượng.

II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ:

BƯỚC 1: Giải thích hiện tượng.

BƯỚC 2: Phân tích hiện tượng.

– Nguyên nhân gây ra hiện tượng.

– Thực trạng hiện nay.

BƯỚC 3: Giải pháp, cách giải quyết hiện tượng.

BƯỚC 4: Bài học, suy nghĩ của bản thân.

III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ:

– Phương hướng hành động.

– Sự tác động đối với bản thân.

– Khẳng định vai trò, giá trị.

VÍ DỤ:

Đề Bài: Giữa một vùng sỏi đá khô cằn, cây hoa dại vẫn mọc lên và nở những chùm hoa đẹp. Anh chị suy nghĩ gì trước hiện tượng trên.

I. Đặt Vấn Đề.

II. Giải Quyết Vấn Đề:

Bước 1: Giải Thích.

– Đây là một hiện tượng thường thấy trong tự nhiên. Tuy đây là một hiện tượng rất bình thường nhưng gợi nên cho ta những bài học sâu sắc về cuộc sống.

– Hình ảnh “một vùng đất khô cằn” gợi nên một môi trường sống khắc nghiệt với nhiều khó khăn thách thức.

– Hỉnh ảnh cây hoa dại vẫn nở những chùm hoa đẹp gợi suy nghĩ rằng sự sống tưởng như sẽ lụi tàn ở nơi có điều kiện khó khăn, nhưng với niềm khát sống mãnh liệt, sự sống sẽ vẫn tiếp diễn.

– Hiện tượng trên như muốn khẳng định một điều rằng những mầm sống nhỏ bé phải chịu hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng vẫn vươn lên, cũng như những con người nhỏ bé chịu nhiều khổ đau trong cuộc sống nhưng với niềm khát sống đã khiến cuộc đời mình trở nên đầy ý nghĩa.

Bước 2: Phân Tích.

– Đây là một hiện tượng đời sống phổ biến, ngay xung quanh ta luôn có những con người đầy ý chí và nghị lực trong cuộc sống, để từ đó làm cuộc sống của họ trở nên đây ý nghĩa. (Dẫn chứng + Phân tích dẫn chứng: Nick Vujicic,…).

Bước 3: Đánh Giá.

– Những con người sống đẹp khiến cuộc sống của họ đầy ý nghĩa và đem đến niềm tin vào ý chí và nghị lực của con người.

– Sống có khát vọng sẽ giúp con người vượt qua được những thử thách mà cuộc sống đưa ra.

– Không phải cứ có điều kiện thuận lợi thì sẽ thành công, nếu không biết trân trọng và tận dụng thì cuộc đời cũng sẽ vô nghĩa.

Bước 4: Bài Học.

IV. Kết Thúc Vấn Đề.