Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê hay nhất (28 mẫu)

Dàn ý cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê 1

1. Mở Bài

Giới thiệu bài thơ: Đau buồn trước hung tin bạn mất, Nguyễn Khuyến đã sáng tác bài thơ Khóc Dương Khuê để bày tỏ nỗi lòng mình trước vong linh tri kỷ.

2. Thân Bài

* Sơ lược về Dương Khuê và tác phẩm:
- Dương Khuê (1839-1932), hiệu là Vân Trì, quê ở tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), là người học rộng tài cao, cùng đỗ cử nhân với Nguyễn Khuyến, và đỗ Tiến sĩ vào năm 1868, sinh thời đã làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Là một trong những người bạn tri âm, tri kỷ nhất của Nguyễn Khuyến.
- Khóc Dương Khuê được Nguyễn Khuyến viết vào năm 1902 khi Dương Khuê bệnh mất.

* Hai câu thơ đầu:
- Thể hiện sự buồn thương, bàng hoàng khi người bạn tri kỷ của ông bỗng nhiên bệnh mất.
- Cách gọi "bác Dương" nghe vừa thân thiết vừa kính trọng.
- Nỗi đau xót của tác giả không chỉ khu trú riêng tâm hồn tác giả mà còn vượt ra phủ khắp mây trời, biển nước.

* 14 câu thơ tiếp "Nhớ từ...than trời"
- Là những hồi tưởng của Nguyễn Khuyến về những kỷ niệm với Dương Khuê thời trai trẻ.
- Là kỷ niệm cùng đỗ khoa cử, cùng làm quan chốn quan trường, cống hiến cho đất nước, là tình cảm kính yêu trước sau không đổi, là cuộc gặp gỡ "duyên trời".
- Là những ngày cùng nhau vui vầy thú tao nhã, ngắm cảnh núi sông, làm thơ, uống rượu, nghe đàn, nghe hát,...
- Không chỉ chung vui lúc thái bình mà còn cùng hoạn nạn lúc thế sự nhiễu nhương.

=> Tất cả những kỷ niệm ấy đều in dấu sâu đậm trong lòng Nguyễn Khuyến, là những thú vui, là những hạnh phúc dẫu thông thường, giản dị thế nhưng lại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc với tác giả.

* 6 câu thơ tiếp "Bác già...chưa can":
- Những khó khăn về sức khỏe đã không cho phép hai người tri kỷ không có nhiều cơ hội gặp nhau.
- Niềm vui mừng, hạnh phúc khi gặp lại bạn sau thời gian dài xa cách, nỗi an tâm về sức khỏe của bạn.
=> Tình cảm càng trở nên tha thiết, sâu nặng.

* 10 câu thơ tiếp "Kể tuổi...tiếng đàn"
- Nỗi bàng hoàng, xót xa vì bạn hiền ra đi đột ngột
- Người đã mất, đứng trước những thú vui vốn là tao nhã, là thú vị khi xưa thì hôm nay nó cũng trở nên nhạt nhòa, không còn hứng thú.
- Sự trống rỗng đến tột cùng trong tâm hồn tác giả mà không một âm điệu, không một vần thơ, không một thứ rượu ngon nào có thể bù đắp.
- Nguyễn Khuyến sử dụng tinh tế các điển cố cùng ngôn từ điêu luyện, âm điệu đậm những nỗi trầm buồn, nuối tiếc xa xăm càng thể hiện được tình nghĩa thắm thiết, sâu sắc của mình với người tri kỷ đã khuất.

* 4 câu thơ cuối:
- Mọi nỗi đau, mọi nỗi nhớ dường như đã ép cả vào lòng, chôn giấu vào tim, chẳng thể khóc thành tiếng, nước mắt cũng không thể "chứa chan" mà đều chảy cả vào tâm hồn của thi sĩ.
- Đó là nỗi đau tận cùng, tột bậc không khóc thành tiếng, không thể nói thành lời được nữa.

3. Kết Bài

- Nội dung: Niềm xót thương sâu sắc trước người bạn đã khuất, ca ngợi tình bạn đẹp đẽ, thiêng liêng sâu sắc của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê.
- Nghệ thuật: Thể thơ song thất lục bát, với ngôn ngữ giản dị, thân tình, trong sáng, đậm chất suy tưởng, trầm ngâm, với nhiều những điển tích, điển cố sâu sắc.

Dàn ý phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê 2

I. Mở bài:

Giới thiệu tác giả Nguyễn Khuyến và bài thơ “Khóc Dương Khuê” : Những bài thơ của ông mang những tình cảm chân thực đẹp đẽ của người Việt Nam

II. Thân bài

- Giới thiệu về tình bạn của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê: Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Nguyễn

- Nỗi đau buồn của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột của Dương Khuê: Cái chết đột ngột của Dương Khuê là một đau của Nguyễn Khuyến

- Nhắc lại những kỉ niệm của đôi bạn tri kỉ: Đôi bạn tâm đầu ý hợp đã từng trải qua những ngày tháng vui vẻ, thú vị

- Nỗi buồn mất bạn hòa chung với nỗi buồn mất nước: Cùng phụng sự dưới một triều đại, đôi bạn thân đã cùng chi sẻ nỗi đau mất nước

III. Kết bài:

- Ý nghĩa bài thơ “Khóc Dương Khuê”: Bài thơ Khóc Dương Khuê mang một nỗi niềm tiếc nuối sâu sắc về một tình bạn tri kỉ

Dàn ý chi tiết phân tích bài Khóc Dương Khuê 3

a) Mở bài:

- Giới thiệu khái quát nhà thơ Nguyễn Khuyến: là một nhà thơ của tình yêu quê hương, của lòng yêu thương sâu sắc.

- Giới thiệu chung về bài thơ Khóc Dương Khuê.

b) Thân bài:

* Nỗi đau đột ngột khi mất bạn

“Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”

- Câu lục ngắt nhịp 2/1/3 => đọc lên nghe nhói đau, quặn thắt như những tiếng nấc tắc nghẹn trong nỗi đau đến quá đỗi bất ngờ.

- Cách dùng “thôi đã thôi rồi”: cách nói giảm nói tránh để giảm bớt nỗi đau mất bạn

- Cách xưng hô “bác”: thể hiện sự thân thiết trân trọng với người đã khuất

- Các từ láy “man mác, ngậm ngùi” kết hợp với nhịp thơ 4/4 ở câu bát -> diễn tả nỗi đau kéo dài như vô cùng vô tận -> nỗi đau từ chính cõi lòng nhà thơ lan tỏa ra cả không gian rộng lớn, bao la.

 => Lời thơ như một tiếng than đầy thương tiếc, nhẹ nhàng mà thắm thiết.

* Những kỉ niệm tươi rói về tình bạn sống lại trong hồi tưởng của nhà thơ

- Kỉ niệm của tác giả với người bạn của mình:

     + Cùng nhau thi đỗ làm quan

     + Cùng nhau rong chơi khắp chốn non nước


 + Cùng ngân nga hát ả đào

     + Cùng nhau uống rượu và bình luận thơ văn

     + Cùng nhau trải qua những buổi hoạn nạn, vật đổi sao rời

     + Cuộc gặp gỡ cuối cùng

=> Đây là những kỉ niệm kéo dài từ tuổi trẻ cho đến lúc về già => thể hiện tình bạn gắn bó keo sơn, thắm thiết.

* Nỗi đau tắc nghẹn, hụt hẫng, chơi vơi khi đối diện với hiện thực phũ phàng (mất người tri âm, tri kỉ)

- Muốn gặp bạn nhưng tuổi già không cho phép, nay bạn mất, đau đớn vô cùng.

- Nỗi đau đớn, trống vắng khi bạn mất:

     + Chân tay rụng rời khi nghe tin bạn mất

     + Rượu ngon không có bạn hiền

     + Câu thơ hay không có người bình luận

     + Đàn kia gảy cũng không ai thấu hiểu

=> Mất bạn trở nên cô đơn: rượu không muốn uống, thơ không muốn làm, đàn không gảy,...

- Kết cấu trùng điệp, điệp ngữ: “không có, không mua, không phải” (điệp từ “không” 5 lần) => cảm giác nức nở, sự trống vắng đến nghẹn ngào, chua xót.

- Sử dụng điển tích Trung Quốc: Trần Phồn, Bá Nha, Tử Kì => tình bạn tri âm, tri kỉ.

- Từ “đàn” đầu câu láy lại cuối câu: trạng thái ngẩn ngơ chuyển sang thống thiết, tình cảm như đợt sóng trào dâng.

- Sự tinh tế ở hai câu thơ cuối “tuổi già... chứa chan": không còn nước mắt để khóc bạn, nhưng kì thực câu thơ đầm đìa nước mắt.

c) Kết bài:

- Khái quát nội dung bài thơ

- Cảm nhận của em về bài thơ.

Phân tích bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến 4


1. Mở bài:

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) là một nhà thơ trung đại nổi tiếng của thơ ca Việt Nam. Ông để lại cho hậu thế khoảng 800 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán trong đó có rất nhiều bài thơ viết về tình bạn. Trong số đó phải kể đến bài thơ cảm động “ Khóc Dương Khuê”.

2. Thân bài

– Giới thiệu Dương Khuê: Dương Khuê ( 1839 – 1902) là bạn đồng khoa với Nguyễn Khuyến tại khoa thi Hương năm 1864. Dương Khuê đỗ tiến sĩ, làm quan to, để lại nhiều bài thơ hát nói tuyệt bút. Từ bạn đồng khoa đã phát triển thành bạn tri âm tri kỉ của Nguyễn Khuyến.

– “ Khóc Dương Khuê” được sáng tác khi Dương Khuê mất.

2.1. Hai câu đầu:

– câu thơ như một sự thảng thốt khi nhà thơ bất ngờ bị đánh rơi mất một điều gì vô cùng quý giá, “ bác” – cách nói thân mật, gần gũi, Dương Khuê đã mãi mãi rời xa trần thế

– nghệ thuật nói giảm nói tránh bằng cụm từ “ thôi đã thôi rồi” giúp giảm bớt đi nỗi đau, sự mất mát.

2.2. Hai tư câu thơ tiếp theo

– kỉ niệm khi cả hai cùng đỗ đạt, cùng làm quan:

+ là kỉ niệm về những cuộc du ngoạn, cùng thăm thú nơi “dặm khách” chan hoà với thiên nhiên, thảnh thơi giữa chốn lâm tuyền

+ là những lần cùng nhau đi hát ả đào nơi lầu cao, thưởng thức cung đàn, giọng hát.

+ Là những lần uống rượu làm thơ.

Câu thơ vừa để liệt kê gợi nhớ, vừa tạo nên âm hưởng quấn quýt, thiết tha. Những kỉ niệm ấy vô cùng sâu sắc, đẹp đẽ về tình bạn, không bao giờ có thể quên được.

– Kỉ niệm buồn:

+ Kỉ niệm khi đất nước bị xâm lăng, dân tộc chìm trong ách nửa thực dân nửa phong kiến, là kẻ sĩ, là nhà nho “cùng nhau hoạn nạn”, Khuyến đã cáo bệnh, còn Dương Khuê vẫn làm quan. Tuy cảnh ngộ khác nhau, kẻ làm quan, người từ quan, nhưng Nguyễn Khuyến vẫn bao dung bạn, “kính yêu từ trước đến sau”, không bao giờ thay lòng.

+ Nỗi ân hận vì đường xa, vì tuổi già sức yếu mà không thể đến thăm bạn, lần cuối cùng gặp bạn đã là ba năm trước.

Nhà thơ đau đớn, bàng hoàng khôn xiết khi nghe tin bạn mất, đến cả chân tay cũng rụng rời.

2.3. Tám câu tiếp:

– Tự khóc mình. Những tháng ngày còn lại của ông càng thêm cô đơn, bơ vơ sầu tủi. Bởi cuộc đời này đã mất hết ý nghĩa: không muốn uống rượu, không thiết ngâm thơ, gian nhà và tâm hồn trở nên trống vắng, trơ trọi khi không còn bạn tri âm để thấu hiểu.

2.4. Bốn câu cuối:

– Là tiếng nấc đau đớn. Tuổi già vốn ít lệ nên chỉ biết khóc ở trong lòng. Thương bạn gắn liền với bao nỗi nhớ. Khóc bạn chuyển thành nỗi niềm như cam chịu số phận bi thương. Chỉ cầu mong cho linh hồn bạn thanh thản “lên tiên”.

3. Kết bài

“Khóc Dương Khuê” là tiếng khóc xót xa đồng thời thể hiện một tình bạn đẹp và cảm dộng của các nhà nho thuở trước. Thời gian đã phủ bụi mờ lên mọi vật nhưng sau bao thế kỷ, chúng ta vẫn thấy bùi ngùi xúc động khi đọc những vần thơ này. Đây cũng chính là sức sống vượt thời gian của thơ ca Nguyễn Khuyến.

Phân tích Khóc Dương Khuê để cho thấy đây là khoảnh khắc tình bạn quân tử của Nguyễn Khuyến hay nhất 1

Khóc Dương Khuê là bài thơ hay nhất, cảm động nhất nói về một tình bạn đẹp, thắm thiết, thủy chung của 2 nhà nho, 2 nhà thơ một trăm năm về trước. Nguyễn Khuyến khóc bạn cũng như đang tự khóc mình.

Tình bạn được xếp hạng thứ năm trên thang giá trị "Ngũ luân". Không tình bạn nhân loại khó phát triển bình thường được. Tình bạn quân tử tập hợp chứ không hề hùa. Không đòi hỏi kết chặt như tình vợ chồng, bạn đời mà chấp nhận sự đứt nối, vơi đầy qua năm tháng. Tính bất nhất ấy thường dễ gây tan vỡ nhưng cũng có khi làm tình bạn đậm đà thêm ra. Quy luật tâm lí ấy cũng tương đương quy luật vật lí: Chỗ nối lại thường bền chắc hơn chỗ chỗ chưa đứt, số đo giữa vơi với đầy luôn lớn hơn giữa đầy với... chưa vơi! Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến ra đời trong trường hợp như thế, và do đó đạt độ đậm đà tha thiết hiếm có. Mối kết giao giữa hai người từng bị sờn đi, vơi đi một thời gian dài, nếu Nguyễn Khuyến không giữ đạo “thẳng thắn và tha thứ” của người quân tử, hẳn tình bạn giữa hai người khó lòng hàn gắn và Khóc Dương Khuê khó phô hết chân tình.

Họ là bạn đồng niên (cùng đỗ khoa thi Hương 1864). Với người quân tử, bạn đồng niên là “chuẩn” nhất, bởi phương châm của họ là “không kết bạn kẽ không bằng mình, thậm chí còn cầu toàn một chiều đến vô nghiệm, kết bạn phải hơn mình, như mình thì không bằng không kết. Nói tắt một lời thì trong kết bạn, quân tử nặng lí trí hơn tình cảm, nhưng chính nhờ vậy mà vẫn “hòa hợp dù không đồng lòng". Tình trạng ấy thực đã xảy ra giữa giao tình Nguyễn Khuyến và Dương Khuê.

Khi kinh thành thất thủ (1883), Nguyễn Khuyến nhất quyết lui về ẩn dật cho đúng đạo “lúc đạt thì làm tốt cho cả thiên hạ, lúc cùng thì làm tốt cho riêng mình". Trái lại, Dương Khuê giữ đạo quân tử theo cách khác: "quân tử làm quan là làm điều nghĩa”, mà thời điểm ấy mới cần đến điều nghĩa biết bao! Vả chăng Á thánh đã dạy "Lúc thường giữ cho đúng lề lối, lúc biến linh động theo tình hình". Thế nên Dương không lui về như Nguyễn mà nấn ná thêm sáu đời vua đầy rối ren, không cơn biến nào sánh kịp. Rồi khi Nguyễn phải “dằn tâm” làm “Ông phỗng đá” để “giữ thân” trong lớp vô gia sư bất đắc dĩ ở dinh Kinh lược Bắc Kì thì Dương đường đường là quan Tham Tá của Nha Kinh lược ấy (ông Tham tá nọ hẳn kha mẫn cán nên sau đó mới thăng Tổng đốc Nam Định - Nam Bình rồi về hưu với hàm Binh bộ Thượng thư).

Ai cũng biết rằng đối với phe hợp tác (Lê Hoan, Hoàng Cao Khải, Nguyễn Hữu Độ v.v...) Nguyễn Khuyến thường có lời lẽ ác cảm (cả khi họ đã qua đời). Tuy nhiên thánh nhân cũng dạy; “Nước quá trong không cá – xét nét quá không bạn” vì thế Nguyễn Khuyến đã châm chước cho Dương Khuê những khoảnh khắc tình bạn quân tử mà một trong những khoảnh khắc ấy đạt đến cao trào là 38 câu Khóc Dương Khuê.

Nỗi đau mất mát của ông bật lên thống thiết.

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta (câu 1-2)

Tiếng kêu thảng thốt ấy thật là đầy ắp chân tình. Ông đã quên mình để xót xa tột cùng cho số phận bạn. Người đọc không thể không nhận ra nỗi niềm ấy. Thế nhưng ở bài chữ Hán (bộ phận thơ văn chủ yếu mỗi nhà nho) thì câu đầu là “Dĩ hĩ Dương đại niên” (Thôi rồi bác Dương ơi). Hai chữ “Dĩ hĩ” ở đầu câu ngụ ý tiếc vì “mất người tri kỉ“ hơn tiếc vì ‘‘người tri kỉ mất”. Nếu không trả lại bản gốc chữ Hán, ta dễ nhầm rất nhiều “ý ngầm” của ông Tam Nguyên ngay trong bản Nôm.

Tiếp theo là 12 câu nhắc những kỉ niệm chung của hai người:

Nhớ tử thuở... điển phần trước sau (câu 3-14)

Hai mươi năm (1864-1883) giao du tương đắc ấy lại bao kỉ niệm êm đềm! Chính những năm tháng đậm đà tình nghĩa ấy cộng với độ lượng quân tử nơi Nguyễn Khuyến mới đủ sức hàn gắn những sứt mẻ hiển nhiên khi mà Dương không đồng chí hướng với Nguyễn để giữ cái "Đạo chưa cùng” như hàng trăm nho sĩ khác, kẻ lui về ẩn dật, kẻ bỏ đi kháng chiến. Sự không bằng lòng của Nguyễn “bọc nhung" trong bốn câu:

Buổi dương cửu... thì thôi mới là (câu 15-18).

Lời thơ nghe tưởng như kể lể thật tâm đắc tình họ “tuy hai mà một”, ai ngờ lại là lời chỉ trích không khoan nhượng, bấm đúng vào “yếu huyệt” của kẻ sĩ; đạo xuất xử của người quân tử. Lời trách nhẹ nhàng như có mà như không, tất cả chỉ găm chặt vào hai tiếng mới là! Nếu không rõ hành trạng của mỗi người, ta rất dễ “mắc lỡm” lối nói lấp lửng ấy; tuy cùng gặp buổi mạt vận của đạo Thánh (dương cửu) nhưng Nguyễn nhận ra để “biết thôi” còn Dương thì... chưa chịu biết! Nguyễn có bổn phận vạch ra điều ấy vì “trách cho tốt ra là cái đạo bạn bè. Tâm lí người đời thì “nghĩa tử là nghĩa tận” nhưng với người quân tử đấy mới là lúc người ta “tính sổ” nhau thật thẳng thắn vồ “tăm tiếng” lẫn về “tai tiếng” đế còn răn đời; Bởi vì "đậy áo quan công luận mới xác định” (có lẽ vì thế mà tập quán Á Đông trọng ngày chết trơn trọng ngày sinh như Âu Tây chăng?)

Lời thơ giải thích cho việc ngại đi lại là vì tuổi tác:

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác

Trước ba năm gặp bác một lần (câu 19-20)

Trước ba năm, ấy là lúc Nguyễn 65, Dương 61. Liệu có đúng là cả hai đã “già”, đã “nhác đi lại” không? Đừng quên rằng với hàm trí sĩ một Tham tri như Nguyễn, một Thượng thư như Dương, khái niệm “để lại” của họ chỉ giới hạn trong việc bước xuống thuyền hay ngồi lên cáng, vây quanh tiểu đồng, là học trò, là giai nhân, là... một trọng khoa bảng, danh vọng. Tôi nghĩ rằng hai tiếng mới ở câu 18 thực sự “chịu trách nhiệm” việc nhác “đi lại” của họ chứ không phải hai tiếng tuổi già ở câu 19, bằng cớ là ở bản chữ Hán, tuổi già hoàn toàn... ngoại phạm: "Vãng lai bất xác đác”. (Qua lại không... thật đặng). Cách đặt câu đến lạ! Nếu dùng trong bài thi, chắc gì ông đỗ Tam Nguyên nhưng trong Khóc Dương Khuê thì đừng thế nghe mới xứng Tam Nguyên!

Có lẽ họ “nhắc đi lại” vì còn lí do khách quan nữa: Cả hai đều ngại gảy ghi ngờ cho dư luận lẫn thực dân, trừ lẩn gặp nhau hồi ba năm trước rất có khả năng là chuyện bất khả kháng: Đám tang vợ Nguyễn Khuyến. Và như vậy, câu “Trước ba năm gặp bác một lần” độ nhấn tất phải năm vào chữ một, đó là trường hợp "bất qui tắc” của “Qua lại không... thật đặng”.

Dù sao thì chuyện cũng thật buồn. Người bạn duy nhất còn lại 131, thật ra chỉ còn... phân nửa tình bằng hữu, chợt cũng qua đời nốt! Nguyễn Khuyến cảm thấy bơ vơ thật sự, bàng hoàng thật tình, ông như góa bụa thêm lần nữa, cái chết vốn gợi lòng trắc ẩn, mà “lòng trắc ẩn là đầu mối của đức nhân, đức nhân đem lại là nền tảng của Ngũ thường, người quân tử nào chẳng thấm nhuần điều đó. Thế nên những ray rứt của ông (câu 19-28) rất “cận nhân tình”. Mất Dương Khuê, liệu trên đời có còn ai hiểu Nguyễn Khuyến? Quản Trọng khóc Bảo Thúc, Khổng Minh khóc Chu Du cũng đều bởi lẽ ấy: “Quen biết đầy thiên hạ, hiếu lòng chẳng mấy người”. Việc Nguyễn Khuyến chẳng còn thiết gì rượu, thơ, giao (câu 29-34) là chuyện hoàn toàn dễ thông cảm. Bút mực Tam Nguyên nhân vậy mà có dịp cống hiến cho đời những vần thơ thấm tình bằng hữu.

Ở bốn câu kết, thái độ quân tử của Nguyễn Khuyến mới thật rạch ròi, sòng phẳng đến lạ lùng (theo góc nhìn của chúng ta).

Bác chẳng ở... hai hàng chứa chan (câu 35-38).

Ông ấy thế là chết thật rồi. Tôi chí nhớ (những kỉ niệm cũ) chứ không thương, không khóc. Y sờ sờ là thế nhưng ma lực của lời lẽ bản Nôm cứ lôi người đọc theo lòng tha thứ hơn là tỉnh táo nhận ra đạo thẳng thắn của tác giả. Cái tài ông Tam Nguyên thật đáng nể. Hãy thử phân tích một câu:

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương

Chữ tuy vốn phủ nhận nhất thời cái ý đi kề sau nó (ví dụ: tuy giàu nhưng bủn xỉn, tuy nghèo mà xài sang...). Vậy là ông “nhác khóc”, có chung lí do với “nhắc đi lại”. Thẳng thắn đến thế thật quá đáng! Như suy lòng ta để phê phán lòng quân tử lại quá đáng hơn.

Vậy Khóc Dương Khuê đích thực là khoảnh khác tình bạn quân tử. Tình bạn ở họ vốn chuẩn mực, lí trí. Họ “nhanh nhạy trong công việc mà thận trọng trong lời cân nhắc giữa hai bản Hán và Nôm, ta thấy Khóc Dương Khuê là đem lòng tha thứ làm dịu đi dạo thẳng thắn quá căng ở nguyên tác. Ít ai chịu nhận ra ý đồ ấy vì người đời quen nghĩ rằng khóc là việc của tình cảm đơn thuần, quân tử, Tam nguyên gì cũng thế thôi, Nguyễn Khuyến vận dụng đúng đắn “đạo thẳng thắn và tha thứ“ của người quan tử vào cả hai bài nhưng điều thú vị là ông dành thẳng thắn cho nguyên tác, dành tha thứ cho bản Nôm. Rốt cuộc, quân tử vẫn đủ chất quân tử mà không làm chạnh lòng những “phi quân tử”. Không độc đáo được thế thì tài Tam nguyên còn kể làm gì!

Cũng nên biết thêm rằng trong nguyên tác, Nguyễn Khuyến xưng mình là dư chứ không xưng ngã. Xưng dư nghe lãnh đạm hơn, có thể phiếm xưng với cả người không quen biết (Kiểu Chu Hi mở đầu bài tựa Kinh Thi: “Hoặc hữu vấn ư dư viết”. Nếu ai đó hỏi Ta rằng...). Cũng trong nguyên tác, Nguyên gọi Dương vỏn vẹn hai lần bằng chữ Quân thích đáng, phải chăng (để nhắc quãng ngày thân thiết), còn bảy lần xưng hô tiếp theo (các câu 17, 23, 24, 25, 28, 35, 36) ông đều gọi bằng công là cách thường dùng ở ngôi thứ ba và chỉ dùng xưng hô trực tiếp khi cố tránh vẻ mặn mà. Trong bản Nôm, Nguyễn Khuyến dịch thành “bác” cho cả quân lẫn công, thế là ông “quân tử thêm phen nửa”, vẻ lạnh nhạt của ông đã che chắn khéo léo, cảnh “hòa nhi bất" càng ít bị nhận ra càng hay. Chính vì thế mà Khóc Dương Khuê càng thực thụ là khoảnh khắc tình bạn quân tử.

Cái kiểu “giận thì giận mà thương thì thương” ấy thật chẳng nhất quán, chăng đồng bộ chút nào, nhưng phải thế mới cân bằng giữa lí trí với tình cảm. Với chúng ta, điều ấy nghe rất chướng nhưng đạo quan tử thà đành phải thế. Chỗ đặc sắc của Khóc Dương Khuê là nó làm vừa lòng cả hai phía cảm thụ: phía thích nghĩ răng Nguyễn nẫu cả lòng vì thương bạn lẫn phía nhận ra rằng người thực sự chẳng thương bạn mà chỉ không kìm nổi xúc động vì “chút nghĩa”. Chính khả năng hai chiều ấy mới làm đậm dấu ấn Tam Nguyên. Cái lối người đọc vốn là thú sở trường của Nguyễn Khuyến (nhất là trong lĩnh vực câu đối). Cũng đừng quên rằng đâỵ là bài thơ tự sự riêng tư chứ không phải nét để chia buồn, để truy điệu theo kiểu thù tạc đời thường. Rất có thể tang gia họ Dương vào thời điểm ấy chưa mấy ai biết đến.

Cuối cùng, nếu có ai đó nghĩ rằng “bảo là khóc nhưng cuối cùng nhác khóc thì thà đừng khóc”. Nghĩ như thế là dựa lập trường “phi quân tử” để phủ nhận tính cách quân tử của Nguyễn Khuyến cũng như trong cuộc đời và đánh mất đi của cõi đời một kiệt tác về Tình Bạn vậy.

Cảm nhận về bài thơ Khóc Dương Khuê của nhà thơ Nguyễn Khuyến 2



Trong lịch sử văn học Việt Nam, bài thơ Khóc Dương Khuê của nhà thơ Nguyễn Khuyến được xếp vào hàng những tác phẩm xuất sắc nhất viết về đề tài tình bạn.

   Bao trùm bài thơ này là nỗi lòng đau xót khôn nguôi của tác giả, trước việc bạn qua đời.

   Nguyễn Khuyến mở đầu bài thơ bằng một tiếng than thảng thốt:

"Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta!

   Tin bạn mất đột ngột quá, bất ngờ quá khiến nhà thơ sững sờ. Cách xưng hô ở câu thơ đầu khiến người đọc ít nhiều có thể đoán được đây là mối quan hệ bạn bè giữa những người cao tuổi.  Đúng vậy, khi Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đã ngót 70 tuổi. Nỗi đau của người già, hơn nữa lại là một nhà nho luôn quen sống chừng mực, thâm trầm tất phải lận vào trong lòng, phải xoáy vào trong tim, ít khi phô ra bên ngoài. Bằng cách sử dụng nhiều tình thái từ một cách tự nhiên gợi cảm, nhà thơ không nói trực tiếp đến việc bạn mất, nhưng người đọc ai cũng hiểu. Đây là một cách nói giảm, dường như nhà thơ sợ không nhắc trực tiếp đến một sự thực phũ phàng. Hơn nữa, cụm từ “thôi đã thôi rồi” còn thể hiện tình cảm nuối tiếc lẫn sự bất lực của nhà thơ trước sự thật đau đớn. Mất bạn, Nguyễn Khuyến thấy không gian rộng lớn dàn trải, “nước mây" đâu cũng thấm đượm một nỗi buồn thầm lặng khôn nguôi: "Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

   Sau phút giây hàng hoàng ban đầu, dường như nhà thơ có phần trấn tĩnh. Nguyễn Khuyến nhớ lại những kỉ niệm gắn bó giữa hai người: những ngày thời đi học, đi thi, đỗ đạt... Nhà thơ cảm thấy sự gắn bó giữa mình và Dương Khuê như đã có “duyên trời định sẵn". Nguyễn Khuyến và bạn đã từng đặt chân đến những vùng đất xa lạ, có tiếng suối “róc rách lưng đèo”, cùng thưởng thức thú đi hát ả đào “thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”, cùng nhau uống rượu và bàn luận văn chương. Đặc biệt, họ đã cùng nhau sống trong cảnh đau khổ của đất nước: “Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn - Phận đẩu thăng chẳng dám than trời". Viết câu thơ trên, khẳng định sự đồng cảnh giữa hai người, chứng tỏ Nguyễn Khuyến cảm thông sâu sắc nỗi lòng của bạn: cho dù vẫn làm quan với tân triều, nhưng đâu phải Dương Khuê không có ít nhiều nỗi chán ngán trước thế cuộc?

   Bằng đoạn hồi tưởng này, người đọc có thể hình dung ra đôi bạn Nguyễn - Dương đều là những “tao nhân mặc khách" gắn bó keo sơn với nhau lâu bền từ lúc hàn vi tới khi vinh hiển. Những kỉ niệm được trình bày theo trình tự thời gian tạo nên ở người đọc ấn tượng về mối quan hệ liên tục bền vững trong toàn bộ cuộc đời của hai người. Trong tình bạn ấy có cả sự kính trọng, lẫn tình yêu mến “kính yêu”, thủy chung “từ trước đến sau”.

   Nhà thơ còn nhớ rất rõ lần cuối cùng gặp gỡ người bạn già cách đây đã ba năm. Tác giả chỉ mô tả lần gặp gỡ này bằng một vài chi tiết:

“Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can”

   Người đọc đủ hình dung ra hình ảnh thật xúc động của Nguyễn Khuyến đối với Dương Khuê. Nhà thơ ân cần hỏi han bạn đủ điều và mừng rỡ khi thấy bạn tuổi đã cao, song vẫn minh mẫn, tỉnh táo. Đây chính là nét đáng quý trong con người Nguyễn Khuyến, dù đã có khi đạt tới đỉnh cao danh vọng, tâm hồn nhà thơ vẫn bình dị, gần gũi, thương mến vợ con, bè bạn, xóm giềng... Chẳng cứ đối với Dương Khuê, tình cảm nhà thơ đối với Bùi Văn Quế (tức ông nghè Châu Cầu) cũng đằm thắm không kém. Nhân nước lụt, nhà thơ hỏi thăm bạn thật kĩ lưỡng, tỉ mỉ tựa hồ như một nhà nông chính cống thăm hỏi người ruột thịt cùng cảnh ngộ:

     “Ai lên nhắn hỏi bác Châu cầu,

  Lụt lội năm nay bác ở đâu?

 Mấy ổ lợn con rày lớn bé ?

           Vài gian nếp cái ngập nông sâu?

   Thế rồi, Cụ Tam Nguyên tự xưng “Em” với ông bạn Châu Cầu và kể chuyện về mình một cách hóm hỉnh, dí dỏm:

Em cũng chẳng no mà chẳng đói,

Thung thăng chiếc lá rượu lưng bầu

(Lụt, hỏi thăm bạn)

   Tình cảm chân thành, nồng hậu, chu đáo, lời lẽ mộc mạc... là những yếu tố quan trọng làm cho những bài thơ viết về tình bạn của Nguyễn Khuyến lay động trái tim người đọc. Ở bài Khóc Dương Khuê, tình cảm này tập trung ở phần cuối.

   Hình ảnh Dương Khuê trong lần gặp gỡ cuối cùng vẫn sâu đậm trong tâm trí Nguyễn Khuyến. Nhà thơ cảm thấy việc bạn mất là phi lí. Tác giả tự hỏi:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày,

Lùm sao bác vội về ngay”.

   Nhưng tiếc rằng điều phi lí, điều trái lẽ thường ấy đã là một sự thật. Chính vì phi lí nên sự đau xót, nuối tiếc càng được nhân lên gấp bội:

"Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”.

   Câu thơ buông ra một cách tự nhiên, khó có thể thấy đâu là kĩ thuật đặt câu dùng từ, nhưng đã diễn đạt thành công nỗi đau to lớn ập đến bất ngờ.

   Cái chết của bạn làm cho nhà thơ thêm chán chường. Cuộc đời đầy những điều ngang trái, tuổi cao, lên tiên cũng là lẽ thường tình. Có điều, sao bạn nỡ vội vàng để người bạn già ở lại phải chịu sự trống vắng không gì bù đắp nổi? “Ai chẳng biết chán đời là phải - Vội vàng chi đã mải lên tiên”. Câu thơ có ý trách bạn, nhưng đằng sau đó còn là một tâm trạng khôn nguôi về thế sự. Tâm trạng này không những bàng bạc trong tiếng khóc Dương Khuê, mà có khi còn được bộc bạch một cách trực tiếp hơn qua những câu thơ như: "Đời loạn đi về như hạc độc - Tuổi già hình bóng tựa mây côi” (Cảm túc), hay " Bạn già lớp trước nay còn mấy? - Chuyện cũ mười phần chín chẳng như” (Cảm hứng)...

Tuổi già, mắt lòa, chân chậm, mối quan hệ vốn đã hạn hẹp; nay, mất bạn, nhà thơ càng đơn độc, chơ vơ:

“Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua”.

“Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai ai biết mà đưa?".

   Ở đây nghệ thuật điệp từ đã mang lại hiệu quả đáng kể. Trong ba dòng thơ tổng cộng 21 chữ, "không" xuất hiện đến 6 lần, diễn tả tài tình tâm trạng trống vắng ghê gớm của con người. Đồng thời, cách kết cấu trùng điệp ở những câu thơ nói trên tạo được cảm giác nghe tiếng khóc nức nở không dứt.
Mất bạn, nhà thơ mất tất cả những gì hứng thú và thay đổi cả nếp sinh hoạt trong cuộc sống thường nhật: không uống rượu, không làm thơ, đàn không muốn gảy, giường phải treo lên. Như vậy, hỏi còn gì đáng sống? Những thay đổi ấy, chứng tỏ tác giả đã phải trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần quá sức chịu đựng bởi cái chết của bạn. Điều đó khẳng định tình bạn giữa hai người thật keo sơn gắn bó.

   Nghệ thuật trùng điệp còn tiếp tục phát huy được hiệu quả cao hơn ở một số câu tiếp theo: “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở - Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương”, tạo cho câu thơ có âm điệu tựa hồ như sóng biển từng đợt tràn lên rồi rút xuống, rồi lại tràn lên mạnh mẽ hơn diễn đạt thành công nỗi đau của nhà thơ càng về sau càng sâu xa, thống thiết.

   Mở đầu bài thơ là tiếng kêu ngạc nhiên, kết thúc bài thơ là tiếng khóc:

“Tuổi già giọt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”

   Sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời đen bạc nay sắp trở thành người “cổ lai hi" (xưa nay hiếm), cụ Yên Đổ làm gì còn đủ nước mắt mà khóc bạn? Nỗi đau không tràn ra ngoài được, ắt phải lặn âm thầm vào bên trong trái tim nhà thơ. Nhà thơ nói là mình không khóc, nhưng dường như hai câu kết thấm ướt nước mắt nóng hổi xót thương!

   Bằng tài năng kiệt xuất, Nguyễn Khuyến đã để lại cho hậu thế một bài thơ khóc bạn chan chứa nước mắt, qua những lời diễn đạt chân tình thống thiết.

Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê 3

     Bên cạnh chủ đề tình yêu quê hương đất nước, tình cảm lứa đôi được nhắc tới qua rất nhiều tác phẩm thì ta cũng chẳng thể nào quên được những bài thơ viết về một thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng khác - đó chính là tình bạn. Trong nền văn học Việt Nam, chắc hẳn những người yêu thơ ca chẳng thể nào được bài thơ “Khóc Dương Khuê” của nhà thơ Nguyễn Khuyến viết dành tặng người bạn hiền của mình đã khiến bao trái tim phải thổn thức.

     Bắt nguồn cảm hứng từ nỗi lòng thương tiếc khôn nguôi của tác giả trước tin bạn qua đời, Nguyễn Khuyến đã gửi những tâm tình của mình qua những lời thơ sau:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”

     Còn nỗi đau nào xót xa hơn khi hay tin người bạn, người thân của mình đột ngột qua đời. Người sống kẻ chết, biết còn gì đây. Ngay khi hay “bác Dương" qua đời, tác giả đã chợt thốt lên một tiếng lòng thảng thốt, tiếc nuối. Hai tiếng "thôi” như một lời buông xuôi, chẳng thể nào cứu vãn được sự thật đắng cay ấy đây. Tác giả dường như muốn phủ nhận cái chết của người bạn ấy mà chẳng nhắc đến một từ “chết” trong câu. Chỉ là tiếng “thôi đã thôi rồi” càng thể hiện nỗi bất lực, một nỗi đau đến vô thức, nỗi đau chèn nén giữa lồng ngực mà chẳng thể nào bật lên tiếng khóc. Mất bạn rồi, không gian nơi đây càng trở nên trống trải, vắng vẻ biết nhường nào “nước mây” cũng thấm đượm một nỗi buồn khôn nguôi. Tựa như câu thơ của nguyễn Du “Người buồn cảnh có bao giờ vui đâu”.

     Sau những phút giây khiến con người ta phải giật mình, thảng thốt, Nguyễn Khuyến ngồi đây và nhớ lại những kỉ niệm thuở người còn sống. Còn nhớ những ngày chúng ta cùng đi thi, đi học, đỗ đạt.

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau

Kính yêu từ trước đến sau

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời”

     Tác giả nhớ lại khoa thi năm Giáp Tí, hai người đã cùng nhau “đăng khoa”, Nguyễn Khuyến đậu giải Trạng nguyên nhưng "tôi" và "bác" vẫn sớm hôm cùng nhau, tâm sự bàn thế sự đời. Cuộc gặp gỡ ấy tựa như duyên trời định, cảm thấy chẳng bao giờ có thể tách rời. Những kỉ niệm được tác giả sắp xếp, giãi bày từ những giây phút đầu tiên gặp gỡ, cho đến ngày ta cùng nhau tiến bước, góp mặt trong những giai đoạn cuộc đời của nhau khiến cho mối quan hệ ấy càng trở nên quan trọng, gắn bó. Trong tình bạn ấy có cả sự kính trọng, tin tưởng và thề suốt đời thủy chung bên nhau.

“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách;

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo.

Có khi từng gác cheo leo, 

Khúc vui con hát lựa chiều cầm xoang.

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp:

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích điển phần trước sau”

     Nguyễn Khuyến và người bạn ấy đã cùng nhau chu du đến những vùng đất mới, nơi có tiếng suối reo lưng đèo, từng hòa chung niềm vui trong nhịp hát ả đào, cùng nhau uống rượu đầy ắp khí xuân thực là mãn nguyện. Sung sướng biết bao khi tôi và bác còn được bàn luận văn chương, chữ nghĩa của đức thánh hiền để sống sao cho phải đạo làm người.

     Tác giả còn hồi tưởng lại những thời khắc mà ông và Dương Khuê cùng sống trong bối cảnh đất nước hoạn nạn nhưng vẫn cùng nhau giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn vất vả:

“Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn

Phận đấu thăng chẳng dám than trời

Bác già tôi cùng già rồi

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là”

     Khi đất nước lâm vào cảnh lầm than, nhân dân bị bóc lột đô hộ, phận là những người làm quan thật khiến lòng xót xa khi phải chứng kiến những cảnh ấy. Sau đó, Nguyễn Khuyến đã từ quan về ở ẩn, tránh xa những cảnh tham quan bóc lột, đánh đập tôi tớ. Sống trong cảnh hoạn nạn ấy, tác giả chẳng dám mong được hưởng danh vọng, bổng lộc cao sang. Sau bao năm cống hiến tuổi trẻ cho đất nước, giờ đây cáo phó chức quan về với chốn quê nhà, ngẫm lại thật khiến cho người xót xa khi giờ đây, đôi ta phải trở thành nạn nhân của thời thế hoạn nạn.

Đường đi lại, tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm, gặp bác một lần,

Cầm tay, hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.

     Tuy xa nhau nhưng lòng vẫn luôn hướng về nhau. Tuổi tác giờ đây đã chẳng thể khiến cho tôi và bác được cùng nhau rong ruổi trên những miền đất mới. Biết bao năm ta mới được hàn huyên, tâm sự đôi lần, thế nhưng nhìn thấy bác vẫn mạnh khỏe, tâm tính vẫn thanh cao trong sạch thật khiến cho Nguyễn Khuyến thấy an lòng.

     Vậy nên, sau biết bao lời thăm hỏi gần xa, bỗng nhiên hay tin bác ra đi, thật khiến cho tác giả không thể tin được. Nhà thơ tự đặt ra câu hỏi rằng:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác

Tôi lại đau trước bác mấy ngày

Làm sao bác vội về ngay

Chợt nghe tôi những chân tay rụng rời”

     Cái chết đến đâu có phân biệt già trẻ trước sau, bác đi trước rồi sẽ được an nghỉ nơi đất mẹ, nhưng nỗi đau của người sống biết lời nào diễn tả cho hết. Nghe tin đột ngột như sét đánh ngang trời, thật khiến cho người ta bủn rủn, rụng rời. Cảm xúc chân thực của tác giả khi nghe tin như vậy thật chân thực, sâu sắc biết bao.

“Ai chả biết chán đời là phải,

Vội vàng chi đã mải lên tiên.

Rượu ngon, không có bạn hiền, 

Không mua, không phải không tiền không mua.”

     Sự ra đi của người bạn hiền khiến cuộc đời tác giả trở nên chán chường, buồn tủi biết bao. Cớ sao tuổi chưa phải quá già, mà bạn đã vội vàng rời xa trốn trần tục để đến một nơi thật xa. Biết lấy gì đây bù đắp lại nỗi trống vắng mà người đã khuất để lại. Câu thơ để lại một lời trách móc, nhưng đằng sau đó là một lời thổn thức về những tâm trạng đang ngổn ngang trong lòng tác giả. Tuổi ta đã già, sống ở ẩn ở chốn yên bình này, giờ đây mất đi người bạn tâm giao thật khiến cảm thấy cô quạnh biết nhường nào. Rượu ngon, nhưng không có bạn hiền bầu bạn thì uống để làm gì. Uống rồi chỉ càng thêm sầu thương, nhớ bạn mà thôi.

“Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa.

Giường kia treo những hững hờ,

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn !”

     Bao lời chất chứa trong lòng nay muốn được viết thành tràng thơ, nhưng viết rồi biết đưa ai để còn bình luận, tâm tình như những ngày tháng trước đây. Mất bạn rồi, những hứng thú trước đây cũng chẳng còn nghĩa lý gì. Không uống rượu, không làm thơ, đàn cũng không muốn gảy, giường phải treo lên, những thứ đã gắn bó biết bao năm tháng trong suốt cuộc đời Nguyễn Khuyến giờ đây cũng đã chẳng còn quan trọng nữa. Chắc hẳn, tác giả đã phải trải qua một cú sốc thật lớn trước những mất mát mà cái chết của người bạn hiền mang tới. Thật buồn!

     Sau điệp từ “không” được nhắc lại tới 11 lần trong các câu thơ, tác giả một lần nữa sử dụng nghệ thuật trùng điệp ở trong khổ thơ cuối:

“Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở;

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương,

Tuổi già, hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan ?

     Tuy thương, tuy nhớ biết bao nhưng bác cũng chẳng thể ở lại chốn nhân gian, để bầu bạn cùng tôi. Câu thơ mang những dòng cảm xúc dồn dập, hối hả để diễn tả ước mong của Nguyễn Khuyến như muốn níu giữ sự sống của Dương Khuê. Thế nhưng kết thúc bài thơ bằng tiếng khóc, đã được kìm nén biết bao lâu “hạt lệ như sương”. Sau bao thăng trầm biến cố, Nguyễn Khuyến tưởng rằng đâu còn nước mắt để khóc bạn. Nỗi đau đớn nhất của lòng người chính là chẳng thể nào thể hiện qua được những giọt nước mắt. Một người đã từng giữ chức ở chốn quan trường, mạnh mẽ là thế nhưng giờ đây đang ướt đẫm hai hàng nước mắt nóng hổi gửi tới sự ra đi của người bạn tri kỉ.

     Bằng tài năng của mình, tác giả đã để lại cho đời một bài thơ khiến cho biết bao trái tim độc giả cũng cảm nhận được nỗi đau thương, mất mát khi mất đi những người thân yêu của mình. Biện pháp so sánh, ẩn dụ, điệp từ được sử dụng khéo léo tài tình, những tình cảm chân thành của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê đã được lưu danh tới muôn đời qua bài thơ "Khóc Dương Khuê”.

Cảm nhận bài thơ Khóc Dương Khuê 4

     Nguyễn Khuyến được xem là một tác giả nổi bật trong thi ca Việt Nam. Những tác phẩm của ông luôn chứa đựng nhiều tình cảm tha thiết, dạt dào, tiêu biểu là bài thơ Khóc Dương Khuê. Có thể nói, cho đến nay chưa có một bài thơ nào thể hiện được tình bạn đẹp đẽ, chân thành đến vậy. 

     Tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê xét cho cùng cũng không phải là một tình bạn thật hoàn mỹ. Tuy nhiên Dương Khuê mất đi cũng đã để lại một nỗi đau cho Nguyễn Khuyến. Khi đó ông không còn biết gì cả, ông đau đớn khi mất đi một người bạn thân, mất một nguồn tình cảm quý giá không thế lấy gì thay thế được. Khi nỗi đau trở nên quá sức chịu đựng, Nguyễn Khuyến đã chợt kêu lên những tiếng kêu thảng thốt:

Bác Dương thôi đã, thôi rồi,

Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta.

     Hai tiếng “thôi” tưởng như tự nhiên và dân dã nhưng lại làm bật lên nỗi đau khổ đến tột cùng. Nói đến cái chết, nhưng Nguyễn Khuyến lại không dám động đến từ “chết”. “Thôi đã… thôi rồi”, nghĩa là hết, nghĩa là kết thúc một cuộc đời. Không đau nỗi đau thật, làm sao có thể khóc một tiếng khóc thật như thế được. Chỉ có điều Nguyễn Khuyến không thét lên, tiếng khóc của người là khóc với mình, tiếng khóc lắng vào lòng, khóc cho tự mình nghe.

     Lúc này ông chỉ muốn ngồi một mình, đối diện với người bạn tri kỷ, cùng nhắc lại tình bạn, ôn lại những gì đã từng có giữa hai người.

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Những sớm hôm tôi bác cùng nhau

Kính yêu từ trước đến sau

Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên trời

     Hai người vốn chẳng quen biết gì nhau, Nguyễn Khuyến quê ở Bình Lục - Hà Nam, Dương Khuê quê ở Vân Đình - Hà Đông, lần đầu gặp nhau trong khoa thi Hương và cùng thi đỗ, thế mà cứ như duyên trời định sẵn, tình bạn bắt đầu từ đây. Nào “lúc sớm hôm”, rồi “tôi bác”,… sao mà bình dị, sao mà nôm na, thân mật đến thế.

     Mới gặp lần đầu nhưng Dương Khuê đã để lại một ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhà thơ, đó là sự “kính yêu từ trước đến sau”. Một cảm giác mà chỉ có tri âm mới nhận ra được. Cùng với giọng kể lể chân thành đó, nhà thơ nhắc lại với bạn về những kỉ niệm khác:

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo

Có khi từng gác cheo leo

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.

     Họ đã từng cùng nhau trải qua những giờ phút thú vị, họ đều có tâm hồn biết thưởng thức và chia sẻ những niềm vui thanh cao của kẻ tao nhân mặc khách. 

     Nhà thơ như đang cùng người bạn quá cố của mình sống lại với những cảm giác thích thú “nơi từng gác cheo leo”, lắng nghe tiếng hát, tiếng đàn hay rung cảm vì tiếng suối “róc rách lưng đèo” nơi “dặm khách”. Ông không thể quên được những thú vui “lựa chiều cầm xoang” để trải lòng mình theo tiếng đàn, tiếng hát xa xôi.

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp

Chén quỳnh tương ấm áp bầu xuân

Có khi bàn soạn câu văn

Biết bao đông bích, điển phần trước sau.

     Sự tinh tế của nhà thơ được thể hiện qua việc nhà thơ dùng từ “cùng nhấp”, chính là theo lối cùng nhâm nhi đối thơ trò chuyện của các bậc thánh nhân, chứ không thô tục như những kiểu xuống suồng sã, bợm rượu.

     Thật là những ngày vui không sao kể hết, nhưng cũng có khi hai người cùng trải qua những ngày buồn, rất buồn. Đó là những ngày nước mất, nhà tan:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn

Phận đấu thăng chẳng dám than trời

Bác già, tôi cũng già rồi

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!

     “Buổi dương cửu” nghĩa là để chỉ thời kỳ loạn lạc khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhà thơ coi đó như là một vận hạn mà đất nước và con người hay chính ông và Dương Khuê đang phải trải qua. 

     Qua 16 dòng thơ, Nguyễn Khuyến đã nhắc lại một cách cô đọng và đầy đủ nhất về tình bạn giữa hai người. Có rất nhiều kỷ niệm đang nhờ khiến ông chưa bao giờ hình dung ra sự mất mát có thể xảy đến vào lúc này.

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác

Trước ba năm gặp bác một lần

Cầm tay hỏi hết xa gần

Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

     Nguyễn Khuyến không phải đang làm văn, mà ông đang bộc lộ cảm xúc của mình, vì thế mỗi câu đều có sự bình dị, đơn sơ đến chua chát, như một lời não nề nào đó của ông lão quê mùa.

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác

Tôi lại đau trước bác mấy ngày

Làm sao bác vội về ngay

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời!

     Chỉ khi người ta đau đớn thật lòng, người ta mới có thể lý sự với ông bạn già như vậy. Rằng là tại sao bác lại chết trước tôi, đáng lẽ ra người chết phải là tôi chứ, cái lý sự thật chân thành và ai oán “Chợt nghe, tôi bỗng tay chân rụng rời!”. Càng cố chấp nhận nỗi đau đó thì lại càng thấy nó thật vô lý:

Ai chẳng biết chán đời là phải

Vội vàng chi đã mải lên tiên

Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua.

     Cái chết của người bạn đã đến một cách vội vã quá, nó đã cướp đi một người bạn hiền của ông và có nghĩa là nó cũng cướp mất của ông tất cả mọi niềm vui trong cuộc sống. 

Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua

     Không còn bạn, không còn biết uống rượu cùng ai và cũng không thiết uống nữa. Không còn bạn, cũng không còn hứng để làm thơ nữa:

Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa?

     Thơ viết ra nhưng không có ai thưởng thức được, cảm thông được, thì còn viết để làm gì. Sự mất mát của ông sau cái chết của Dương Khuê là sự mất mát không thể bù đắp được.

Giường kia treo cũng hững hờ

Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn

     Và ông đành phải tự an ủi mình rằng người chết không thể sống lại được, rằng có khóc lóc cũng chẳng giải quyết được gì.

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương

     Nhà thơ còn tự khuyên bảo mình:

Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

     Mỗi chữ trong thơ ông đều đẫm nước mắt, những giọt nước mắt của một nỗi đau quá lớn vì một tình bạn lớn.

     Những trải lòng trong bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến đã diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, đầy tính dân tộc nhưng lại để trong lòng người đọc sự xót xa vô cùng. Thế mới nói thơ ca Việt Nam vẫn luôn chạm đến trái tim con người.

Cảm Nhận Bài Thơ Khóc Dương Khuê 5

Trong cuộc đời mỗi con người để tìm cho mình một người bạn tri âm, tri kỷ có thể cùng nhau chia sẻ chuyện thế gian, cùng trân trọng lẫn nhau là điều không hề dễ dàng. Thế nên lúc đã may mắn có được rồi, thì khi họ mất đi lại càng khiến con người ta thêm đau xót không cùng. Nguyễn Khuyến đã rất may mắn khi có một tri kỷ ở đời là Dương Khuê, tuy nhiên sinh lão bệnh tử ở đời là chuyện khó tránh khỏi. Dương Khuê về với cõi tây thiên cực lạc, đau buồn trước tin bạn mất, Nguyễn Khuyến đã viết bài thơ Khóc Dương Khuê để thể hiện tấm lòng xót đau cho người bạn tri kỷ, đồng thời hồi tưởng về những ký ức đẹp đẽ thuở sinh thời của Dương Khuê với mình.

Dương Khuê (1839-1932), hiệu là Vân Trì, quê ở tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), là người học rộng tài cao, cùng đỗ cử nhân với Nguyễn Khuyến, và đỗ Tiến sĩ vào năm 1868, sinh thời đã làm quan đến chức Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Là một trong những người bạn tri âm, tri kỷ nhất của Nguyễn Khuyến. Khóc Dương Khuê được Nguyễn Khuyến viết vào năm 1902 khi Dương Khuê bệnh mất, nguyên mẫu là chữ Hán sau này được chính tác giả dịch ra thành chữ Nôm, và trở nên phổ biến hơn cả. Bài thơ được viết theo thể song thất lục gồm 38 câu.

Mở đầu bài thơ Nguyễn Khuyến thể hiện sự buồn thương, bàng hoàng khi người bạn tri kỷ của ông bỗng nhiên bệnh mất.

"Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta."

Nguyễn Khuyến dùng cách gọi thân mật "bác Dương", cũng thể hiện tấm lòng kính trọng của tác giả với người bạn đã khuất. "Bác Dương thôi đã thôi rồi", chữ "thôi" ở đây là cách nói giảm nói tránh tinh tế về cái chết của Dương Khuê, một chữ "thôi" buông lơi như vậy lại thể hiện hết được cái hụt hẫng, bàng hoàng, là tiếng than nhẹ nhàng đầy suy tư của Nguyễn Khuyến trước hung tin bạn mất. Nỗi đau trong lòng tác giả được lột tả bằng các từ láy "man mác", "ngậm ngùi", bằng hình ảnh "nước mây" mênh mang, vô định, rộng lớn bộc bạch những nỗi buồn chơi vơi, khi đã ở tuổi xế chiều lại nghe người tri kỷ bước trước một bước. m điệu câu thơ như chùng hẳn xuống, là tiếng lòng buồn thương, lạc lõng, bơ vơ của tác giả, là nỗi đau khi để vụt mất thứ mà bản thân trân trọng vô cùng, và nỗi buồn ấy không chỉ khu trú riêng tâm hồn tác giả mà còn vượt ra phủ khắp mây trời, biển nước. Điều đó càng chứng minh rằng nỗi đau mất bạn này là nỗi đau quá lớn, mà một tấm lòng nhỏ của riêng tác giả chẳng thể nào chứa đựng hết đành phải san sẻ cho mây trời, để nguôi ngoai phần nào.

Trong nỗi buồn thương, tiếc nuối bao la ấy, dòng suy nghĩ của Nguyễn Khuyến dần dẫn lối đưa tác giả trở về với những kỷ xưa xa xăm, là giấc mơ thuở tráng niên của hai con người vốn là tri âm, tri kỷ.

"Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?"

Nguyễn Khuyến hồi tưởng về thuở còn chung một khoa thi, cùng chung một sở nguyện, nhớ những "sớm hôm tôi bác cùng nhau", cả hai cùng có những tình cảm trân trọng, kính yêu thân tình, thấu hiểu lẫn nhau. Nguyễn Khuyến trân trọng cuộc kỳ ngộ này mà đem so sánh với "duyên trời" sắp đặt, đó dường như là một món quà quý giá mà cuộc đời đã ban tặng cho ông, ban cho ông một tri kỷ bầu bạn giữa thời thế có nhiều rối ren nhũng nhiễu, những nhà trí thức phải đau đáu về nỗi lo thời cuộc. May sao rằng vẫn có người chịu sẻ chia, tâm tình chia sẻ những nỗi day dứt, đó chính là may mắn lớn nhất với cuộc đời của một nhà nho đương thời. Cuộc sống của Nguyễn Khuyến khi gặp được tri kỷ thường có những thú vui khuây khỏa của bậc cao nhân, hiền triết, thoát khỏi chốn quan trường lắm thị phi cùng Dương Khuê, đó là niềm hạnh phúc mà bao người mơ cũng khó có được.

"Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;
Có khi tầng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;
Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích, điển phần trước sau."

Đó là những thú vui tao nhã của thi nhân đương thời, cùng nhau ngao du thiên hạ, ngắm cảnh sắc nhân gian, nghe "Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo", rồi cũng có những lúc đứng trên thành lâu mà nhìn, mà nghe "con hát lựa chiều cầm xoang", cũng có những lúc thưởng chung rượu ngon, say sưa men nồng, rồi lại cùng nhau sáng tác, bàn luận những câu văn tâm đắc, cùng lắng nghe ý kiến khen chê, suy nghĩ của nhau, cùng nhau bao lần trong phòng sách, lật Tam phần ngũ điển mà nghiền ngẫm, nghiên cứu. Tất cả những kỷ niệm ấy đều in dấu sâu đậm trong lòng Nguyễn Khuyến, là những thú vui, là những hạnh phúc dẫu thông thường, giản dị thế nhưng lại mang nhiều ý nghĩa sâu sắc với tác giả.

Không chỉ chung vui trong cảnh thái bình mà tình nghĩa giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê còn được thể hiện qua những buổi loạn lạc, mất nước, giữa chốn quan trường hung hiểm, rối ren.

"Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời"

Lúc còn tại thế, dẫu khác cách sống cách suy nghĩ nhưng lúc nào giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cũng tồn tại sự thấu hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của nhau, luôn ủng hộ bạn mình trong mọi quyết định, dẫu rơi vào cảnh thất thế, nước mất nhà tan thì tình bạn ấy vẫn chẳng hề suy chuyển. Có những lúc chốn quan trường nhiều sự rối ren, nhiều nhũng nhiễu, "phận đấu thăng" có nhiều trắc trở, khiến các bậc trí thức đương thời thấy lòng uất hận, chán chường, cũng may thay ít ra còn có người bạn tri kỷ, tri âm để sẻ chia, để bớt cái nỗi bức bối trong lòng.

Sau những dòng hồi tưởng xa xôi thời còn tráng niên, Nguyễn Khuyến dời dòng ký ức về những năm tháng khi đã từ quan, lui về ở ẩn, thì tình cảm giữa ông và Dương Khuê lại càng trở nên thân thiết, sâu sắc, bởi đã bớt đi cái gánh nặng của chốn quan trường.

"Bác già, tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!"

Hai con người đã ở tuổi gần đất xa trời, câu thơ mang âm điệu của một tâm hồn đượm chất suy tư, cảm thán về những năm tháng đã đi qua, là nỗi buồn thầm kín trong tâm hồn của một trí thức đã xa rời chốn quan trường nhũng nhiễu, nỗi bận tâm còn lại là người tri kỷ, thì nay cũng đã đi trước một bước. Còn gì xót xa hơn? Nguyễn Khuyến bỗng nhớ về lần gặp cuối đầy xót xa, nuối tiếc.

"Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần;
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can,"

Nỗi ân hận, lực bất tòng tâm khi thân thể đã không còn như buổi tráng niên, không có nhiều sức khỏe để qua lại thăm hỏi bạn già, chỉ có thể "ba năm gặp bác một lần", và lần gặp ấy xen lẫn mừng, lẫn tủi vì quá lâu mới được tái kiến bạn hiền. Niềm vui mừng khôn xiết ấy thể hiện qua những cử chỉ "cầm tay", rồi "hỏi hết xa gần", dường như biết bao chuyện bấy lâu nay cách xa chỉ trực được giãi bày ra hết. Và sâu sắc hơn cả, tình cảm ấy còn thể hiện ở việc Nguyễn Khuyến cảm thấy mừng vui, khi Dương Khuê "vẫn tinh thần chưa can", vẫn còn khỏe mạnh hơn bản thân mình, mừng rằng bạn hiền vẫn còn sức khỏe để có thể bầu bạn với mình thêm quãng đường nữa. Đó là sự yên lòng của một tri kỷ dành cho người bằng hữu khi đã ở tuổi gần đất xa trời, bởi càng ý thức được sự chảy trôi của thời gian con người ta lại càng sợ thời gian sẽ cướp đi của bản thân những gì quý giá nhất, lưu luyến nhất.

Và chính sự yên tâm, an lòng vè sức khỏe, về tinh thần của bằng hữu như thế, thì khi hay tin Dương Khuê mất tác giả lại càng thêm bàng hoàng xót xa, không thể tin vào sự thật rằng mình đã mãi mãi mất đi người tri âm tri kỷ.

"Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời."

Nguyễn Khuyến mãi băn khoăn một nỗi, vì sao Dương Khuê vốn có thân thể khỏe mạnh, luận về tuổi tác, về bệnh tật thì bản thân tác giả còn hơn gấp mấy lần, vậy mà ông trời nghiệt ngã lại đưa Dương Khuê về trời sớm hơn mình. Để ông ở lại chịu nỗi xót xa, tiếc nuối vì mất đi tri kỷ, vì không thể thấy bạn mình thêm lần nào nữa, rồi mai đây, ai sẽ cùng ông chia sẻ chuyện đời, ai cùng nhắm rượu ngâm thơ, cùng vui thú hát ả đào? Không một ai nữa rồi, ngẫm mà thấy xót xa, thấy "chân tay rụng rời".

Nguyễn Khuyến đau buồn, lời thơ thốt ra vừa đau xót, vừa than trách rằng "Ai chẳng biết chán đời là phải/Vội vàng sao đã mải lên tiên", dẫu biết rằng thời thế thay đổi, lòng người thay đổi, nhưng chẳng phải vẫn còn một tấm chân tình Nguyễn Khuyến sao, cớ sao kẻ làm tri kỷ lại vội về với cõi tiên, để giải thoát khỏi nỗi khổ ải trần gian như thế, thân già như ông biết phải đối mặt làm sao với trần đời vốn đã thành vô nghĩa này. Người đã mất, đứng trước những thú vui vốn là tao nhã, là thú vị khi xưa thì hôm nay nó cũng trở nên nhạt nhòa, không còn hứng thú.

"Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa;
Giường kia treo những hững hờ,
Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn."

Rượu dẫu có là rượu tiên thì cũng chẳng còn ngon nếu thiếu người tri kỷ cùng thưởng thức, cái hứng thú làm thơ, nghe đàn giờ đã trở nên nhạt nhẽo, chán nản, bởi không có người cùng sẻ chia, cùng bình phẩm, thì dẫu có thú vị, có hay đến mấy Nguyễn Khuyến ông cũng lấy làm "hững hờ", cũng "ngẩn ngơ" không niềm vui thú. Bởi xưa kia có vui là bởi có người tri kỷ, thấu hiểu lòng nhau, thơ ca nhạc họa chỉ làm nền, làm bước đệm cho hai tâm hồn được thư thả, được sóng đôi tâm tình thế sự, giờ đây người đã mất rồi, thì còn cần chi thứ nền nã, chêm đệm nữa, chỉ còn lại sự trống rỗng đến tột cùng trong tâm hồn tác giả mà không một âm điệu, không một vần thơ, không một thứ rượu ngon nào có thể bù đắp. Nguyễn Khuyến tinh tế, khéo léo sử dụng những điển tích, điển cố nổi tiếng như "giường", như "đàn", để ví tình bạn tri âm của mình với Dương Khuê cũng sáng ngang với tình bạn của Trần Phồn -Từ Trĩ, hay của Bá Nha - Tử Kỳ trong sử sách. Đặc biệt ngôn từ điêu luyện, âm điệu đậm những nỗi trầm buồn, nuối tiếc xa xăm càng thể hiện được tình nghĩa thắm thiết, sâu sắc của mình với người tri kỷ đã khuất.

Dứt dòng hồi tưởng, tiếc thương, Nguyễn Khuyến đưa tiễn bạn bằng lòng thương tiếc chân thành, bằng tình bằng hữu tri kỷ, thấu hiểu lẫn nhau.

"Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!"

Nguyễn Khuyến cũng thấu hiểu rằng, vận khí tri âm đã tuyệt, thôi thì về chầu trời, đoàn tụ với tổ tiên âu cũng là phần phước, còn bản thân ông dẫu đớn đau, dẫu tiếc thương, nhưng tuổi đã già, sức đã yếu "lệ như sương", mọi nỗi đau, mọi nỗi nhớ dường như đã ép cả vào lòng, chôn giấu vào tim, chẳng thể khóc thành tiếng, nước mắt cũng không thể "chứa chan" mà đều chảy cả vào tâm hồn của thi sĩ. Đó là nỗi đau tận cùng, tột bậc không khóc thành tiếng, không thể nói thành lời được nữa.

Bài thơ là những nỗi niềm xót thương vô tận, là những hồi tưởng đẹp đẽ, nhiều kỷ niệm của một thi sĩ tài năng với người bạn tri kỷ đã khuất, đó là những tình cảm thiêng liêng, cao cả, đáng trân trọng nhất. Đồng thời bài thơ còn đề cao, ca ngợi tình bạn gắn bó, keo sơn, thấu hiểu lẫn nhau, không chỉ thắm thiết trong thời bình, mà những buổi loạn lạc họ cũng chẳng hề quên nhau. Về nghệ thuật bài thơ được viết theo thể thơ song thất lục bát, với ngôn ngữ giản dị, thân tình, trong sáng, đậm chất suy tưởng, trầm ngâm, với nhiều những điển tích, điển cố sâu sắc, thể hiện được tài thơ tinh tế, uyên bác của Nguyễn Khuyến trong nền văn học trung đại Việt Nam.

Cảm nhận về bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến 6

Chúng ta từng biết đến và thật cảm động trước tình bạn của Trần Phồn và Từ Trĩ, của Bá Nha và Tử Kì, của Lưu Bình và Dương Lễ... Bây giờ đây là của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là hai người bạn thân thiết, cùng đậu cử nhân, làm quan và sống bên cạnh nhau. Họ là tri âm, tri kỉ. Khi Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn, tuy khoảng cách xa nhau nhưng tình bạn hai người vẫn nguyên vẹn như xưa. Mới đây thôi gặp bạn còn khỏe, mà bỗng dưng tin bạn mất ở bên tai, Nguyễn Khuyến nghe như là tiếng sét. Tiếng khóc bạn vỡ òa ra trong muôn vàn nhớ thương, luyến tiếc, xót đau. Bài thơ Khóc Dương Khuê cũng có từ ngày đó.

Chúng ta đã từng gặp một Nguyễn Khuyến mía đời, cười đời. Và giờ đây ta lại gặp một Nguyễn Khuyến khác, nặng nghĩa, nặng tình, âm thầm khóc cho đất nước, khóc cho nhân dân và khác bạn. Chúng ta cũng đã từng gặp trong thơ ca, tiếng khóc của Phạm Thải dành cho Trương Quỳnh Như, của Hồ Xuân Hương dành cho ông Phủ Vĩnh Tường, Tổng Cóc... Và giờ đây là của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê. Có gì khác chẳng giữa những tiếng khóc ấy?

Có thể nói rằng, tiếng khóc của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê là tiếng khóc của một người bạn già đối với một người bạn già, tiếng khóc của sự trải nghiệm sâu sắc trong cuộc đời. Cả Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đã gần độ tuổi “xưa nay hiếm”, cái chết đến với họ phải là lẽ thường tình chứ! Thế nhưng, đối với Nguyễn Khuyến đây là mất mát quá lớn, mất đi tri âm tri kỉ, mất đi người bạn của tuổi già. Tiếng khóc của ông không dữ dội, vật mình vẫy gió tuôn mưa mà thâm trầm sâu sắc, mà thắm thiết - rất Nguyễn Khuyến,

Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Lời thân não nề ấy góp phần thể hiện cho một tâm trạng đang rất bàng hoàng, ngạc nhiên, sững sờ trước sự thật vô cùng đau xót. Nỗi đau gặm nhấm hồn người và dường như lan tỏa khắp không gian, vũ trụ. Tiếng thơ như tiếng nấc nghẹn ngào không thể phát ra thành tiếng. Với tác giả, cải tin bạn mất quá đột ngột và phi lí:

Làm sao bác vội về ngay

Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời.

Nguyễn Khuyến cảm thấy như mất đi một phần cơ thể, hoang mang và sửng sốt. Không thể thế được! Bởi mới đây thôi nhà thơ đang còn gặp bạn, mừng vì thấy bạn còn khỏe hơn mình. Vậy làm sao có thể như thế được, nhà thơ không muốn tin vào tai mình nữa. Quả bất ngờ và đau xót, ông thầm trách bạn:

Ai chẳng biết chán đời là phải

Vội vàng chi đã mải lên tiên.

Lời trách ấy như càng xoáy sâu vào vết thương lòng khiến nó nhức nhối hơn, mất mát dường như nặng nề hơn. Những từ ngữ làm sao, vội vàng chi vang lên khiến cho tiếng khóc bạn da diết hơn, day dứt, ám ảnh tâm hồn nhà thơ.

Chới với trước thực tại đau lòng, ông tìm về với dĩ vãng của một thời xa xôi. Tiếng khóc bạn càng sâu sắc hơn khi hàng chuỗi sự kiện trở thành lời kể về những ngày tháng cùng hàn huyên, vui buồn có nhau làm xua tan đi bầu không khí ảm đạm, thê lương của thực tại. Nhà thơ tìm về quá khứ làm tìm về với kỉ niệm, để thấy hình bóng của bạn trong ngày cùng đăng khoa, sớm hôm tôi bác cùng nhau. Nhà thơ đã dành hai mươi câu thơ cho hồi ức quá khứ, để sống với quá khứ. Các từ ngữ lại cũng, cùng, có khi... đã minh chứng và thể hiện cho tình bạn gắn bó sâu sắc, sự tri âm giữa hai người:

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách

...Có khi từng gác cheo leo

Thú vui Con hát lụa chiều cảm xoang

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp

...Có khi bàn soạn câu văn

...Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn.

Quá khứ êm đẹp ấy giờ đã xa rồi. Sự thật vẫn là sự thật. Sự đối lập của không gian và thời gian đã nói lên sự mất mát không gì bù đắp nổi. Trở lại với mảnh đất thực tại, tâm hồn nhà thơ ngay lập tức đụng chạm vào vết thương lòng đang rỉ máu, ông không sao có thể chấp nhận được. Tất cả với ông giờ đây đã trở thành vô nghĩa:

Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua

Câu thơ nghĩ đắn đo chưa viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa.

Trước đây, hai chúng ta đã từng cùng nhau uống rượu, ngâm thơ. Giờ đây, khi bạn đã mất, những việc làm trở thành phù phiếm, vô nghĩa. Bạn đâu nữa, trị âm còn đâu nữa, rượu mua về ai uống với mình, thợ làm ra ai hiểu? Năm từ không trong hai câu thơ như để nhấn mạnh cái đó, đó là sự cô đơn, đó là nỗi mất mát đau thương. Từ ai vang lên sao mà day dứt, thương tâm quá! Nỗi đau xót đã lên đến đỉnh điểm! Nguyễn Khuyến đã vô tình bạn của mình giống Trần Phồn và Từ Trĩ, Bá Nha và Tử Kì. Trần Phồn dành cho bạn một cái giường để bạn ngồi, khi bạn về thì treo giường lên. Còn Bá Nha thì cho rằng chỉ có Tử Kì hiểu được tiếng đàn của mình, khi Tử Kì mất, Bá Nha đập vỡ cây đàn và không chơi nữa. Và với Nguyễn Khuyến, Dương Khuê mất đi ông cũng không muốn uống rượu nữa, không muốn làm thơ nữa. Tất cả đều vô nghĩa khi tri âm không còn. Trạng thái ngẩn ngơ đã chuyển sang thống thiết.

Bác chằng ở dẫu van chẳng ở

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.

Các câu thơ của Nguyễn Khuyến không có nước mắt nhưng lại đầm đìa nước mắt:

Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chúa chan.

Hai câu kết tưởng như vô tình mà thực ra chứa chất nỗi đau rất đỗi chân thành, nỗi đau như lặn vào bên trong. Cần gì phải khóc mới là chân thành? Nước mắt chảy vào trong mới là đau xót, nỗi đau âm ỉ và dai dẳng. Tiếng khóc này như một lời thanh minh, một lời ngậm ngùi của một thân phận cô đơn. Và có thể đây là lời thầm trách bạn sớm ra đi để lại thân già cô đơn, hiu quạnh.

Kết cấu trùng điệp của bài thơ, đặc biệt ở phần cuối bài đã giúp cho việc biểu đạt cảm xúc dạt dào, thắm thiết của tác giả, đồng thời biểu đạt được tiếng khóc nức nở của lời khóc bạn. Cả bài thơ là tiếng khóc buồn đau viếng bạn, là tiếng nấc nghẹn ngào trước một nỗi đau vô hạn. Tiếng khóc của Nguyễn Khuyến trong Khóc Dương Khuê sẽ còn ngân vang mãi mãi. Tiếng khóc ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho tình bạn chân thành, gắn bó, tri âm của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê.

Phân tích bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. 7



Trong nền thơ hơn một nghìn năm của dân tộc Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Khuyến có một vị trí thật vẻ vang. Ông là nhà thơ của những bài thơ Việt Nam đích thực, những bài thơ mà ở đó, những tình cảm đẹp đẽ của con người Việt Nam được diễn tả bằng một thứ ngôn ngữ Việt Nam thuần khiết, giản dị và đẹp đẽ. Trong những bài thơ ấy, cần phải nói (tên một bài thơ không mấy ai không biết: bài Khóc Dương Khuê).

   Xét cho cùng, tình bạn giữa hai người Nguyễn Khuyến và Dương Khuê vốn không phải là một tình bạn thật hoàn toàn như ý. Tuy đỗ cử nhân cùng khoa thi với Nguyễn Khuyến, rồi đỗ tiến sĩ, cùng làm quan cho triều Nguyễn, nhưng sau năm 1884, năm đất nước thật sự mất vào tay thực dân Pháp, Dương Khuê lại không có được cái chí như Nguyễn Khuyến. Không cáo quan về làng, Dương Khuê tiếp tục làm quan cho triều đình tay sai thực dân cho đến tận lúc qua đời ở tuổi 64 (1902).

   Tuy vậy, nói thế là để nhìn rõ hết mọi chuyện. Người Việt Nam ta vẫn có câu: nghĩa tử là nghĩa tận. Cái chết đột ngột của Dương Khuê đã thật sự li: một nỗi đau cho Nguyễn Khuyến. Lúc ấy, quên hết mọi điều, ông chỉ còn biết một điều duy nhất: ông đã mất một người bạn thân, mất một nguồn tình cảm quý giá không thế lấy gì thay thế được. Lúc ấy, tự đáy lòng, từ nột tình bạn mà hình như chính ông cũng không thể đo lường hết chiều sâu, Nguyễn Khuyến đã chợt kêu lên những tiếng kêu thảng thốt:

Bác Dương thôi đã, thôi rồi,

Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta.

   Hầu như không có một chút vãn chương chữ nghĩa nào trong hai dòng thơ trên, đặc biệt là dòng thơ thứ nhất. Chỉ có nỗi đau, nỗi đau chân thành, trọn vẹn, tự mình thể hiện ra thành lời. Hai tiếng “thôi” dân dã và tự nhiên, cứ như bật lên từ lời nói của một người dân quê bình dị nào đó. Đặt câu thơ này vào trong hoàn cảnh xã hội mà sự “cao nhã“ luôn luôn được coi là một yêu cầu hàng đầu của văn chương, ta càng thấy ở đây sự chân được nhà thơ coi trọng đến chừng nào. Nói đến cái chết, ông không dám động đến từ “chết”. Trời đất cao dày ơi lẽ nào chuyện ấy đã đến thật rồi sao? “Thôi đã... thôi rồi”! Thế là hết! Thật thế rồi! Một kẻ quyền quý ngày xưa khi lỡ tay làm rơi mất viên ngọc lưu li độc nhất vô nhị trong thiên hạ, có lẽ cũng chỉ kêu lên đau đớn đến như thế là cùng. Không đau nỗi đau thật, làm sao có thể khóc một tiếng khóc thật như thế được.

   Có điều là, với nỗi đau, Nguyễn Khuyến không thét lên, tiếng khóc của người là khóc với mình, khóc cho tự mình nghe, tiếng khóc lắng vào lòng. Tâm hồn vốn giản dị, ông chúa ghét sự ồn ào. Lúc này ông muốn ngồi một mình, đối diện với bạn, cùng nhắc lại tình bạn, cùng bạn ôn lại những gì đã từng có giữa hai người. Đã có bao nhiêu là kỉ niệm. Từ những ngày tường đã rất xa xôi:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Những sớm hôm tôi bác cùng nhau,

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên trời

   Đó là kỉ niệm khi hai người vừa mới lần đầu gặp nhau trong khoa thi Hương và cùng thi đỗ. Nguyễn Khuyến quê ở Bình Lục, Hà Nam, Dương Khuê quê ở Vân Đình, Hà Đông, hai người vốn chẳng quen biết gì nhau. Thế mà, cứ như duyên trời định sẵn, tình bạn đã bắt đầu gắn bó từ đây. Chữ nghĩa của Nguyễn Khuyến sao mà bình dị đến thế, nôm na, thân mật đến thế! Nào là “lúc sớm hôm”, rồi là "tôi bác", với những “cùng nhau”... Nhà thơ cũng xác định cái nhìn đầu tiên của mình về người bạn: đó là lòng kính yêu trọn vẹn, “kính yêu từ trước đến sau".

   Cùng với giọng kể lể chân thành như thế, nhà thơ nhắc lại với bạn về những kỉ niệm khác:

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo,

Có khi từng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.

   Kỉ niệm giữa đôi bạn như thế quả là rất nhiều, rất đậm. Họ đã từng cùng trải qua những giờ phút thú vị, chứng tỏ họ là những người bạn ý hợp tâm đầu, có tâm hồn biết thưởng thức và chia sẻ những niềm vui thanh cao của kẻ tao nhân mặc khách. Nhắc lại những kỉ niệm đó, tâm hồn nhà thư như còn rung cảm vì tiếng suối “róc rách lưng đèo” nơi “dặm khách” xa xôi. Nhà thơ như cùng đang sống lại với những cảm giác thích thú “nơi từng gác cheo leo”, lắng nghe tiếng đàn, tiếng hát của các đào nương. Có người sẽ hỏi: nhà thơ Nguyễn Khuyến mà cũng đi hát ả đào sao? Thi có gì đâu mà nhà thơ không đi hát ả đào! Hát ả đào là một thú vui trong xá hội phong kiến. Có lúc thú vui này bị người ta lợi dụng (thì trên đời thiếu gì điều tốt đẹp bị người ta lợi dụng). Tuy vậy, đối với đa số nhà Nho, đó lại là nơi để thưởng thức cái đẹp của lời ca, tiếng hát, tiếng đàn, cũng là nơi di dưỡng tâm hồn sau những tháng ngày gò mình trong khuôn khổ của chốn công danh, vốn được sáng tác để cho các đào nương hát lên đó sao? Nguyễn Khuyến không có những bài thơ như vậy, nhưng rõ ràng là ông đã không thể quên “thứ vui con hát”, bởi đó là thú vui được “lựa chiều cầm xoang”, trải lòng mình theo tiếng đàn, tiếng hát.

   Là đôi bạn đến với nhau, thân nhau vì lòng mến mộ lẫn nhau, tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê thật là chỗ tri âm tri kỉ, “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”:

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp,

Chén quỳnh tương ăm áp bầu xuân,

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích, điển phần trước sau.

   Nói về việc cùng bạn uống rượu mà nhà thơ dùng từ "nháp”, lại “cùng nháp” thì thật chính xác và tinh tế, bởi đây là việc uống rượu của người “uống cho vui”, chứ không phải kiểu uống của các bợm rượu. Nhà thơ có lần đã tự nói về khả năng uống rượu của mình:

Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy

Độ năm ba chén đã say nhè.

(Thu ẩm)

   Chén các cụ dùng uống rượu ngày xưa là loại chén rất nhỏ, thường được gọi là “chén hạt mít”. Nói “nhấp” tức là uống từng hớp nhỏ, như chỉ vừa chạm môi vào, vừa uống vừa ngẫm nghĩ, vừa uống vừa thưởng thức cái vị đậm, cái mùi thơm của rượu. Rượu uống chỉ như thế nhưng lại “ăm áp bầu xuân”. Bầu xuân này là bầu rượu và cũng là “bầu thơ“, bầu rượu đầy cho bầu thơ càng thêm lai láng. Hai tiếng “ăm ắp” mà nhà thơ dành cho bầu xuân” thật gợi cảm và sảng khoái. ‘‘Người thanh cái tiếng cũng thanh”, đến cách chơi cũng cho ta biết được bản chất con người, không phải bất kì ai cũng có được cái “rượu ngon cùng nhấp” ấy, nhất là cái căm nhận “ăm áp bầu xuân” ấy.

   Thật là những ngày vui. Nhưng cũng có những ngày buồn, rất buồn. Đó là những ngày nước mất. Là nhà Nho, cùng phụng sự cho một triều đại, đôi bạn cùng chung chia sẻ nỗi đau của thời đại mình:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn

Phận đấu thăng chẳng dám than trời

Bác già, tôi cũng già rồi

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!

   Những câu thơ của Nguyễn Khuyến đọc lên nghe thật buồn bã, ngao ngán. Nói “buổi dương cửu” để chỉ thời kì loạn lạc khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhà thơ coi đó như là một vận hạn mà đất nước và con người phải trải qua. Không làm gì được trước vận hạn ấy, nhà thơ chỉ  còn một cách lựa chọn là rời bỏ công danh, chẳng còn dám tham cái lộc trời “thăng đấu” của kẻ làm quan. Nhà thơ nói như một kẻ an phận mà nghe ra thật đau đớn. Ông cảm thấy mình bất lực, cảm thấy mình đã già. Đặc biệt câu thơ cuối đoạn, có đến ba từ "thôi” trùng diệp, khác nghĩa nhau mà như cùng một nghĩa, bổ sung cho nhau, tạo ra ấn tượng về một tâm trạng cam chịu thật nặng nề: Biết thôi- thôi - thế thì thôi. Đúng là tâm trạng của nhà thơ khi cáo quan về làng và cho đến cả những năm sau này: đau buồn trước cảnh nước mất nhưng không có thể làm gì cho đất nước ngoài việc từ quan để khỏi làm việc cho kẻ thù.

   Qua 16 dòng thơ, Nguyễn Khuyến đã nhắc lại một cách cô đọng và đầy đủ về mối quan hệ bạn bè giữa đôi bạn Nguyễn Khuyến - Dương Khuê, đặc biệt là độ sâu, độ bền của tình bạn đó. Những kỉ niệm đã được nhà thơ nói tới mọt cách giản dị nhưng đầy trân trọng. Nhắc lại những kỉ niệm ấy, ôn lại và ngẫm nghĩ về tình bạn ấy, nhà thơ cảm thấy nỗi đau mà mình phải chịu hôm nay thật là một điều vô lí. Ông chưa bao giờ hình dung ra sự mất mát có thể xảy đến vào lúc này. Nhà thơ nhớ lại:

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác

Trước ba năm gặp bác một lần

Cầm tay hỏi hết xa gần

Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

   Xét về rnặt văn chương, bốn dòng thơ trên không phải là những câu thơ thật mới lạ sắc sảo, bởi những câu thơ ấy sao mà nôm na bình thường, nào la “tuổi già thèm nhác”, rồi lại “hỏi hết xa gần”, với lại “tinh thần chưa can”, cứ như lời lẽ cua một ông lão quê mùa nào đó ở vùng đất Hà Nam. Thì đúng vậy, Nguyễn Khuyến có làm văn chương đâu, ông chỉ bộc lộ nỗi niềm của mình! Nhà thơ còn tự mình lí sự với mình:

    Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác

          Tôi lại đau trước bác mấy ngày

Làm sao bác vội về ngay

                    Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời!

   Chỉ khi người ta đau đớn thật lòng, người ta mới có kiểu lí sự như vậy. Như thế có khác gì nói rằng: Tại sao bác lại chết trước tôi nhỉ? Người chết trước lẽ ra phải là tôi chứ? Chính từ những lí sự này, mấy tiếng cuối cùng của đoạn thơ nổi lên thật chân thành và ai oán:

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời!

   Trước nỗi đau dã là sự thật, nhà thơ đành chấp nhận nồi đau và càng thấy điều này là thật vô lí:

    Ai chẳng biết chán đời là phải



Vội vàng chi đã mải lên tiên

    Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua.

   Cái chết là một quy luật không ai có thể phủ nhận được. Tuy vậy, trong trường hợp này, Nguyễn Khuyến vẫn tìm thấy sự vô lí: Cái chết của người bạn đã đến một cách vội vã quá, nó cướp mất của ông một người bạn hiền và như thế, cũng cướp mất của ông tất cả mọi niềm vui. Câu thơ của ông nói về trường hợp riêng của mình, nghe thật giản dị mà vang lên nhơ một chân lí về tình bạn đích thực ở đời:

Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua

   Trong hai dòng thơ, từ “không” xuất hiện đến năm lần như những cái lắc đầu buồn bã.

   Không còn bạn, không còn thiết uống rượu, bởi không còn người để chia sẻ vị ngon của rượu. Không còn bạn, không còn hứng thú làm thơ, bởi vì sao?

Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa?

   Lắc đầu bằng những tiếng “không”, đến đây nhà thơ tiếp tục lắc đầu bằng những câu hỏi. Hỏi cũng là để nói “không”. Thơ viết ra mà không có người thưởng thức được, cảm thông được, thì còn viết làm gì? Âm “iết” láy đi láy lại trong hai dòng thơ, rồi hai tiếng “ai”, hai tiếng “đưa” trung điệp (đưa ai - ai biết - mà đưa” cứ mở ra, khép lại, rồi lại mở ra, như một nỗi day dứt khôn nguôi.

   Nhà thơ nghĩ đến những mối tình bạn mà sách vở xưa kia đã từng ca ngợi, coi nhơ tuyệt đỉnh của tình bạn: Trần Phồn đời Hậu Hán sau khi bạn ra về thì treo giường lên, không để cho ai ngồi vào cái giường chỉ dành riêng để tiếp bạn; Bá Nha sau khi Chung Tử Kì chết thì quyết bỏ không chơi đàn bởi thấy không còn ai hiểu được tiếng đàn. Ông thay mối tình giữa ông với Dương Khuê chính là một tình bạn như thế; sự mất mát của ông sau cái chết của Dương Khuê đúng là sự mất mát như thế:

Giường kia treo cũng hững hờ

Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn

   Có thể lấy gì để bù đắp vào sự mất mát này không? Nhà thơ đã khẳng định rằng không. Chỉ còn một cách, như người ta vẫn thường làm, là tìm cho mình một cách an ủi. Rằng người chết không còn có thể sống lại được, rằng nước mắt xót thương cũng sẽ chàng giúp được gì... Nguyễn Khuyến muốn dùng cái lẽ thường ấy của đời sống để tự an ủi mình:

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương

   Nhà thơ còn tự khuyên bảo mình:

Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

   Nhà thơ khuyên mình không nên khóc, bởi tuổi già còn ít nước mắt lắm, chỉ như những hạt sương mong manh thôi, làm sao có thể ép cho nước mắt tuôn chảy thành hai hàng chứa chan được. Nhưng nói như thế là nói lí. Tự nhà thơ vẫn hiểu rằng không thể “lấy nhớ làm thương” được, và càng hiểu ràng hai hàng nước mắt chứa chan của ông lúc này đâu phải do ông “ép lấy”. Mỗi chữ trong thơ ông đều đẫm đầy nước mắt, những hạt lệ từ một nỗi đau lớn, từ một tình bạn lớn.

   Có thể khẳng định rằng trong thơ Việt Nam đã có rất nhiều bài thơ hay thể hiện tình cảm đẹp đẽ chân thành, nhưng cả cho đến nay, chưa có bài thơ nào nói về tình bạn có thể sánh bằng bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến. Cái hay ấy trước hết xuất phát từ một tình bạn đẹp và chân thành của một tâm hồn cao thượng. Cái hay ấy còn là cái hay của một nghệ thuật diễn đạt, một ngôn ngữ diễn đạt gian dị, tự nhiên, đầy tính dân tộc, hoàn toàn phù hợp với nội dung tình cảm mà bài thơ cần diễn đạt.

Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê 8

Nguyễn Khuyến (1835 - 1909) để lại khoảng 800 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán trong đó có ngót một trăm bài thơ viết về tình bạn. Có bài như "Bạn đến chơi nhà" thì hầu như ai cũng biết. Viết về Dương Khuê (1839 - 1902) bạn chí thân của mình, Nguyễn Khuyến đã có bốn bài thơ chữ Hán. Riêng bài thơ thứ tư "Vãn đồng niên Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư" (Viếng bạn đồng khoa là Vân Đình tiến sĩ Dương Thượng thư) được tác giả dịch ra chữ Nôm thành bài "Khóc Dương Khuê".

Đây là bài thơ khóc bạn rất tha thiết cảm động của Nguyễn Khuyến cũng là bài thơ khóc bạn rất nổi tiếng trong nền thơ ca dân tộc. Dương Khuê là bạn đồng khoa với Nguyễn Khuyến tại khoa thi Hương năm 1864. Dương Khuê đỗ tiến sĩ, làm quan to, để lại nhiều bài thơ hát nói tuyệt bút. Từ bạn đồng khoa đã phát triển thành bạn tri âm tri kỉ nên Nguyễn Khuyến mới có thơ khóc bạn cảm động và tha thiết như vậy. Có thể xem đây cũng là một bài văn tế được viết bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ réo rắt thấm đầy lệ, gồm có 38 câu thơ.

Mở đầu bài thơ là một tiếng than, tiếng nấc đau đớn:

"Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta".

Một sự thảng thốt xót thương cất lên, tưởng như bất ngờ bị đánh rơi mất một cái gì vô cùng quý báu. Nhóm từ "thôi đã thôi rồi" thay cho khái niệm "đã mất", "đã chết", "đã qua đời", một lối nói bình dị, làm giảm bớt đi nỗi đau đớn ghê gớm đối với tuổi già. Theo cách tính tuổi của các cụ ngày trước thì Dương Khuê mất lúc 63 tuổi, khi đó Nguyễn Khuyến đã 68 tuổi rồi. Đúng là tiếng khóc bạn của những bậc cao niên. Hai chữ "nước mây" chỉ hai sự vật cách xa. Nước chảy, mây trôi, xa nhau vời vợi, nghìn trùng cách trở, có mấy khi gặp nhau. Song, lòng nước chảy, dù đi đâu về đâu vẫn ôm ấp bóng mây trôi. Hình ảnh "nước mây" được liên kết với các từ láy "man mác", "ngậm ngùi" diễn tả một trời thương xót, một không gian cách trở bao la, âm dương đôi đường, buồn đau, nặng trĩu.

Chữ "bác" trong thơ Nguyễn Khuyến mang tính biểu cảm sâu sắc. Nhà thơ luôn luôn gọi bạn bằng bác, thể hiện một tấm lòng kính trọng và thân mật. Chữ "kính" và chữ "lễ" in đậm trong phong cách ứng xử của Tam nguyên Yên Đổ: "Bác Dương thôi đã thôi rồi... Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác... Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở"...

Phần thứ hai gồm 24 câu thơ, tác giả nhắc lại, nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc với người đã quá cố. Với nhà nho thì bạn đồng khoa là bạn đẹp nhất, tự hào nhất. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng đỗ đạt, cùng làm quan, tình bạn ấy là "duyên trời" tác hợp nên:

"Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời".

Các từ ngữ "sớm hôm", "cùng nhau", "từ trước đến sau" thể hiện một tình bạn vô cùng thân thiết, chung thuỷ. Mỗi một kỉ niệm là một mảnh tâm hồn của nhà thơ được nhắc lại với bao nhiêu giọt lệ. Nguyễn Khuyến như vẫn thấy Dương Khuê đang cùng mình hiển hiện. Phải là bạn tâm đầu ý hợp, phải là những tao nhân mặc khách mới có những kỉ niệm cầm ca, thi tửu đẹp và đáng nhớ như vậy.

Nhớ những cuộc du ngoạn, thăm thú nơi "dặm khách" chan hòa với thiên nhiên, thảnh thơi giữa chốn lâm tuyền: "Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo". Nhớ những lần cùng nhau đi hát ả đào nơi lầu cao, thưởng thức cung đàn, giọng hát:

"Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang".

Cầm xoang nghĩa là cung đàn, giọng hát, "Từng gác cheo leo" như còn gợi lại cảm giác ngây ngất trên lầu cao của đôi bạn tri âm sành điệu. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê rất sành nghệ thuật hát ả đào, đã sáng tác nhiều hài hát nói nổi tiếng.

Người xưa có nói: "Tửu phùng tri kỉ thiên bôi thiểu - Thi hội tri âm bán cú đa". Bạn tri âm trong hội thơ (chỉ nghe qua) nửa câu thơ đã là nhiều không cần dài lời cũng đủ hiểu bạn. Nguyễn Khuyến nhớ lại những lần cùng bạn uống rượu làm thơ:

"Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi hàn soạn câu văn
Biết bao đông bích điển phần trước sau".

Chén quỳnh tương là chén ngọc, một cách nói sang trọng. "Rượu ngon cùng nhắp" và hình ảnh "âm ắp bầu xuân" như còn giữ lại một tình bạn trong hương vị nồng nàn, hứng khởi. Nhắc tới chuyện bàn soạn văn chương thì đầy ắp những sách vở, điển cố.

Hai chữ "đông bích, điển phần" biểu lộ niềm tự hào kín đáo của những nhà nho học rộng tài cao.

Nguyễn Khuyến đã sử dụng cách diễn đạt trùng điệp hai nhóm từ ngữ: "Cũng có lúc" và "có khi" đan chéo vào nhau, bốn lần xuất hiện trên tám dòng thơ, vừa để liệt kê gợi nhớ, vừa tạo nên âm hưởng quấn quýt, thiết tha. Những kỉ niệm ấy vô cùng sâu sắc, đẹp đẽ vể tình bạn, không bao giờ có thể quên được.

Có kỉ niệm vui, có kỉ niệm buồn. Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng làm quan to dưới thời nhà Nguyễn. Nhưng rồi đất nước ta bị xâm lăng, dân tộc ta bị giặc Pháp thống trị, là kẻ sĩ, là nhà nho "cùng nhau hoạn nạn". Cách ứng xử của mỗi người đểu có chỗ khác nhau. Nguyễn Khuyến đã cáo bệnh, từ quan về sống cuộc đời bình dị giữa xóm làng quê hương. Không tham miếng "đẩu thăng", lương bổng của triểu đình. Còn Dương Khuê vẫn làm quan. Trong bài thơ chữ Hán "Gửi thăm quan Thượng thư họ Dương", Nguyễn Khuyến tỏ ra rất thông cảm với bạn: "Tôi biết bác vì cha mẹ phải làm quan để lấy tấm lụa - Bác biết tôi nghèo phải làm quan để kiếm đấu gạo lương". Cảnh ngộ và cách ứng xử tuy có khác nhau, kẻ làm quan, người từ quan, nhưng Tam nguyên Yên Đổ vẫn tỏ ra bao dung bạn, vẫn "kính yêu từ trước đến sau", không bao giờ thay lòng đổi dạ.

Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê 9

Trong nền thơ văn Việt Nam đã in dấu hơn một nghìn năm lịch sử của dân tộc, nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng đóng góp một phần vẻ vang trong đó. Những bài thơ của ông mang những tình cảm chân thực đẹp đẽ của người Việt Nam, được diễn đạt bằng ngôn ngữ Việt Nam gần gũi và giản dị. Trong số các bài thơ ấy tiêu biểu là bài “Khóc Dương Khuê”.

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều Nguyễn, tuy nhiên sau năm 1884, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp, Nguyễn Khuyến cáo quan về làng nhưng Dương Khuê thì không có cái chí hướng đó, ông tiếp tục làm quan cho triều đình bấy giờ là tay sai cho thực dân, cho tới lúc ông qua đời ở tuổi 64. Cái chết đột ngột của Dương Khuê là một đau của Nguyễn Khuyến. Chẳng màng đến những chuyện khác, lúc đó Nguyễn Khuyến chỉ nghĩ rằng mình đã mất đi một người bạn thân, một tình cảm quý già không có gì có thể thay thế được. Tự ông hiểu được tình bạn ấy đến chính ông cũng không đo lường hết được chiều sâu, và rồi ông kêu lên những tiếng thảng thốt:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.”

Chẳng còn sự trau chuốt văn chương chữ nghĩa, câu thơ chỉ còn là nỗi đau, một nỗi đau chân thành và trọn vẹn. Tiếng “thôi” nghe dân giã mà tự nhiên làm sao, bộc phát từ chính sự đau đớn trong cõi lòng tác giả, trong hoàn cảnh xã hội mà người ta luôn đề cao sự “cao nhã” trong văn chương thì ta thấy Nguyễn Khuyến đã coi trọng sự chân thực đời thường đến mức nào. Tuy là nói đến cái chết nhưng ông lại không dám nói hẳn từ “chết”, thay vào đó là “thôi đã…thôi rồi”, vậy là coi như hết, hết thật rồi, ông đã mất đi người bạn thân mãi mãi. Kẻ quyền quý có đánh rơi viên ngọc quý độc nhất vô nhị cũng chỉ kêu đến vậy mà thôi, nếu như không đau nỗi đau thật làm sao có thể khóc tiếng khóc thật đến thế. Chỉ có điều nỗi đau ấy của Nguyễn Khuyến không thể thét lên, ông khóc với chính mình, tự mình khóc mình nghe, tiếng khóc đi vào lòng chứ chẳng thấu đến ai. Lúc này ông muốn ngồi một mình, ngồi với người bạn đã mất để cùng nhớ lại những kỉ niệm đã có từ những ngày đã rất xa xôi:

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước…
Trong khi gặp gỡ biết đâu duyên trời.”

Tình bạn ấy được gắn bó từ khi hai người cùng đi thi Hương và đỗ cùng nhau, hai người vốn khác quê, xa lạ, chẳng quen biết gì nhưng cứ như duyên trời định sẵn, họ cứ thế gắn bó cùng nhau. Đọc câu từ của Nguyễn Khuyến ta cảm thấy thật bình dị mà gần gũi, thân mật “sớm hôm”, “tôi bác”, “cùng nhau”, chan chứa tình cảm gắn bó, sự “kính yêu từ trước đến sau”.

“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách…
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.”

Đôi bạn tâm đầu ý hợp đã từng trải qua những ngày tháng vui vẻ, thú vị, có tâm hồn biết thưởng thức và chia sẻ những niềm vui của kẻ cao nhân mặc khách. Tâm hồn nhà thơ như đang rung động trước những kỉ niệm, đang sống lại vói những cảm giác “từng gác cheo leo”, lắng nghe tiếng đàn tiếng hát “ả đào”. Là những người bạn đến với nhau như duyên số, thân vì lòng mến mộ nhau, nên tình bạn của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê như là chỗ tri âm tri kỉ, “Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp…Biết bao đông bích, điển phần trước sau.” Chỉ nhấp chén rượu để thưởng thức vị đậm và mùi thơm, vừa ngẫm nghĩ để cho bầu thơ thêm lai láng. Cùng phụng sự dưới một triều đại, đôi bạn thân đã cùng chi sẻ nỗi đau mất nước, ông cũng cảm thấy mình bất lực, cam chịu nặng nề. Không chỉ thương cho người bạn đã ra đi mà đây còn là sự thương mình, thương mình đã mất đi một người tri kỉ. Nguyễn Khuyến đã mang trong mình cả nỗi đau mất tri kỉ, cả nỗi đau thời thế:

“Ai chẳng biết chán đời là phải
Vội vàng chi đã mải lên tiên.”

Sự ra đi mãi mãi của người bạn tri kỉ là sự mất mát quá lớn đố với ông, sự thiếu vắng lẻ loi trong cuộc đời.

Bài thơ Khóc Dương Khuê mang một nỗi niềm tiếc nuối sâu sắc về một tình bạn tri kỉ, góp phần khẳng định về tình cảm giữa những con người với nhau. Bài thơ đã để lại cái nhìn cao đẹp về tình bạn cũng như nhân cách cao đẹp của Nguyễn Khuyến.

Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê 10

Bài thơ được tác giả viết về những kỉ niệm thờ thơ ấu của hai nhà thơ. Khi nghe tin bạn mình mất đí, tác giả đã lấy lòng thương tiếc buồn bã về sự ra đi quá đột ngột của bạn mình như Vậy.

Mỡ đầu bài thơ đó là sự tiếc thương khi nghe tin bạn mình mất một cách đột ngột như vậy. Với các xưng hô Bác tác giả nhằm mục đích thể hiện sự tôn trọng, tôn kính của mình. Đồng thời gợi lên cái tình cảm bạn sâu nặng của ông một cách gần gũi mà ân tình. Cách thể hiện một cách sâu nặng mà lắng đọc thể hiện sự đau đớn da diết của tác giả.

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta

Tiếp theo sự đau buồn tiếc thương đó là những kĩ niệm mà hai người đã gắn bó với nhau qua bao nhiêu năm cực khổ gian lao vất vả. Và sự gặp nhau đó chính là duyên trời có thể nói là được sắp xếp từ trước. Có thể nói tình bạn của hai người là vĩnh cữu là tinh duyên được ví như vợ chồng. Họ đã gắn bó chia sẻ với nhau dù là một chuyện nhỏ nhất. Một làn nữa tác giả muốn khẳng định những tình cảm sâu nặng của họ hơn vợ chồng. Nỗi đau của tác giả đã hòa lẫn vào cảnh vật, gợi lên một tình cảm chân thành thắm thiết.

Với sự đau đớn da diết thế tất cả đều gói gọn trong các hình ảnh mang đầy kỉ niệm đó. Thêm thế nữa đó là sự đau xót khi nghe tin bạn mình mất một cách thình lình vội vã. Làm cho tác giả mất đi một người bạn tri kỉ và các hồi ức ký ức về những lần gặp gỡ nói chuyện của hai người lại hiện về trong ông. Làm cho ông càng thêm tiếc thương càng thêm đau xốt trước sự ra đi vội vã của bạn mình như vậy.

Không phải chỉ là thương cho người ra đi đã phải sớm từ giã cuộc đời mà còn là thương mình, thương cho người ở lại đã mất đi một tri âm. Vẫn mang trong lòng nỗi u uất thời thế nên trong lời khóc bạn, trong nỗi đau mất tri kỷ có cả nỗi đau thời thế:

Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng chi đã mải lên tiên.

Và cách ra đi mãi mãi của người bạn mình đó là sự mất mát quá lớn đối với ông. Với ông mất đi cái quý giá nhất được coi là tri kỉ là sự thiếu vắng cuộc đời. Cảm nhận và thấu hiểu cái sự lẻ loi, thiếu vắng tình cảm , không có người chi sẻ niềm vui nổi buồn cũng như cảm thấy cuộc đời tẻ nhạt khi vắng bóng của bạn mình.

Bài thơ là một nỗi niềm lớn lao là một sự tiếc nối về một tình bạn trong sáng. Góp phần khẳng định được tình cảm của con người đối với con người. bài thơ đã để lại cho đời một nhân cách cao đẹp về tình bạn và cũng là nhân cách cao đẹp của tác giả.

Phân tích Khóc Dương Khuê 11

    Nguyễn Khuyến không chỉ có những bài thơ tuyệt vời về chủ đề thiên nhiên mà ông còn có những bài thơ đặc sắc về chủ đề gia đình, bè bạn,... Khóc Dương Khuê là một trong những bài thơ tiêu biểu của ông về chủ đề tình bạn. Bài thơ là tâm trạng hốt hoảng, là tấm lòng đau đớn, tiếc thương của Nguyễn Khuyến đối với Dương Khuê, người bạn tri âm, tri kỉ của mình.

    Dương Khuê và Nguyễn Khuyến kết bạn từ hồi để chỏm cho đến lúc đầu bạc răng long. Tình bạn bền chặt bất chấp sự thay đổi của thời thế và cảnh ngộ riêng. Bỗng nhiên Nguyễn Khuyến được tin Dương Khuê qua đời, ông bàng hoàng thảng thốt và viết bài thơ để khóc bạn.

    Hai câu thơ mở đầu:

Bác Dương thôi đã thôi rồi.

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

    Phong cách và bút pháp Nguyễn Khuyến vốn thâm thuý, cảm xúc lắng đọng. Tất cả nỗi đau mất bạn dường như dồn nén vào câu thơ lực bát mở đầu này.

    Dòng lục (Bác Dương thôi đã thôi rồi) ngắn gọn cất lên tiếng kêu thương đột ngột. Tin dữ về người bạn tri âm tri kỉ đến bất ngờ quá khiến cho Nguyễn Khuyến bàng hoàng, đau đớn và thất vọng. Biện pháp nghệ thuật nói giảm “thôi đã thôi rồi”, với từ “thôi” được lặp lại hai lần có tác dụng gợi nỗi đau đột ngột, sự thảng thốt, sự trống vắng không gì bù đắp nổi.

    Dòng bát (Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta) dàn trải, diễn tả về sự mất mát đau thương ấy của Nguyễn Khuyến. Từ láy “man mác” đã diễn tả được cả không gian cũng nhuộm màu tang tóc. Có lẽ, lòng người đau đến quặn thắt như đứt ra từng khúc ruột “ngậm ngùi” nên nỗi đau ấy lan toả cùng mây trời non nước. Người bạn tri âm tri kỉ vừa ra đi làm cho nhà thơ thấy hẫng hụt, trống vắng đến khôn cùng.

    Mười hai câu thơ tiếp theo đã nói về những kỉ niệm của hai người thời tuổi trẻ:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

................

Biết bao đông bích, điển phần trước sau.

    Sau giây phút đau đớn đến thảng thốt, bàng hoàng, khi bình tĩnh lại, một quãng đời thanh xuân êm đẹp đầy ắp kỉ niệm về tình bạn lần lượt hiện ra cụ thể và sinh động trước mắt Nguyễn Khuyến. Tất cả như sống dậy trong lòng nhà thơ:

    Nhớ về những ngày hai người cùng chuyên cần đèn sách:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.

    Câu thơ “Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau” đã khẳng định những ngày tuổi còn trẻ tác giả và Dương Khuê luôn bên nhau cùng chuyên cần đèn sách, cùng chung chí hướng phấn đấu theo đuổi công danh.

    Nhớ về những ngày hai người cùng vui chơi, du ngoạn:

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo.

     Nhớ về những ngày hai người, cùng vui đàn hát nơi gác hẹp:

Có khi từng gác cheo leo

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang.

      Nhớ những lúc hai người uống rượu bình văn:

Có khi bàn soạn câu văn

Biết bao đông bích điển phần trước sau.

    Nguyễn Khuyến và Dương Khuê không chỉ chuyên cần học tập mà hai người cùng có những thú vui thật tao nhã: cầm, kì, thi, hoạ...

    Tình bạn ấy thật trong sáng và cao đẹp. Đó là tình bạn của những nhà nho chân chính. Cả hai ông đều là những người chăm chỉ dùi mài kinh sử mong được ghi tên vào bảng vàng bia đá, lưu danh muôn thuở. Cả hai ông đều đậu đại khoa dưới triều Nguyễn. Với biết bao kỉ niệm êm đẹp như vậy nên khi nhận tin Dương Khuê mất tâm trạng nhà thơ thảng thốt và đau đớn đến bàng hoàng.

    Sau khi nhớ về những kỉ niệm êm đẹp của tuổi thanh xuân, tác giả đưa ta về với những kỉ niệm mới khó quên trong lần gặp gỡ cuối cùng của ông với người bạn cố tri Dương Khuê. Điều đó được thể hiện qua tám câu thơ tiếp theo:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn

.................

Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

     Nguyễn Khuyến mừng cho bạn cũng là mừng cho mình vượt qua được thời buổi suy đồi, vận hạn:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn

Phận đẩu thăng chẳng dám tham trời.

      Mừng mừng tủi tủi vì hai ông bạn già gặp lại nhau và đều đang minh mẫn, khoẻ mạnh:

Cầm tay hỏi hết xa gần

Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

    Hai người lâu ngày gặp lại, mừng mừng, tủi tủi, tay cầm tay, hỏi han nhau hết việc này đến việc khác. Điều Nguyễn Khuyến mừng nhất khi gặp Dương Khuê lần cuối chính là cả hai đều vượt qua được thử thách của thời thế và của tuổi tác đang ngả chiều xế bóng. Nguyễn Khuyến cũng không ngờ rằng đó lại là lần gặp gỡ cuối cùng giữa hai người. 

    Đây là đoạn diễn tả nỗi đau của Nguyễn Khuyến khi không còn bạn nữa. Trước hết, tác giả thấy cái chết của bạn dường như phi lí:

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày.

    Tuổi đời Nguyễn Khuyến lớn hơn Dương Khuê. Cả hai ông đều là những người chăm chỉ dùi mài kinh sử mong được ghi tên vào bảng vàng bia đá, lưu danh muôn thưở nên giữa hai người không có sự ngăn cách mà thật gần gũi, gắn bó. Nên việc người bạn tri âm, tri kỉ đã ra đi, tác giả cảm thấy đột ngột đến không thế tin dù đó là sự thật.

    Tác giả giãi bày nỗi đau đớn khi mất bạn:

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe tôi đã chân tay rụng rời.

    Từ “rụng rời” đã diễn tả được tâm trạng đau đớn đến tái tê, bủn rủn của tác giả. Người bạn thân đã ra đi, tác giả thấy trống vắng, hẫng hụt:

Vội vàng chi đã mải lên tiên:

Rượu ngon không có bạn hiền...

    Những câu thơ tiếp theo, tác giả lại nhắc về kỉ niệm một thời gắn bó giữa hai người. Đó là những kỉ niệm của một tình bạn cao đẹp, quý hiếm. Tác giả mất người bạn hiền, dường như cuộc đời cũng mất ý nghĩa.

    Mấy câu cuối của bài thơ đã diễn tả nỗi đau khôn tả, nỗi đau không nước mắt. Dường như nước mắt chảy ngược vào trong tạo nên nỗi đau thấm đẫm trong lòng tác giả:

“Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!"

    Bằng tình cảm chân thành, bài thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi đau mất bạn. Nỗi đau ấy hiện ra dưới nhiều cung bậc: lúc bộc phát, lúc ngậm ngùi nuối tiếc, lúc lắng đọng thâm sâu.

    Với tài năng và tấm lòng sâu nặng nghĩa tình, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã để lại cho đời một bài thơ nổi tiếng về khóc bạn. Bài thơ rất thành công về mặt nghệ thuật: câu hỏi tu từ, điệp từ điệp ngữ, từ láy... Tất cả các biện pháp nghệ thuật ấy có tác dụng nhấn mạnh nỗi đau đớn khôn nguôi của tác giả khi người bạn tri âm tri kỉ của mình qua đời.

    Qua bài thơ, ta thấy Nguyễn Khuyến không chỉ là người tài cao học rộng mà còn là người rất nghĩa tình. Ông thuỷ chung trong tình bạn. Tình cảm đối với bạn của tác giả thật đáng trân trọng, đáng cho chúng ta học tập.

Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê 12

Ngạn ngữ phương Tây có câu “Tình bạn là đoá hồng không gai” thật vậy, tình bạn như đoá hồng đầy hương sắc luôn mang đến cho con người sự nhẹ nhàng, bình yên, thật may mắn cho những người bạn có những người bạn thân thiết bên mình- đó như là một bước đệm nâng đỡ con người bước vào cuộc sống đầy thử thách, gian nan. Văn học Việt Nam không thiếu những bài thơ hay viết về tình bạn, môt trong số đó  là bài thơ “Khóc Dương Khuê” của Nguyến Khuyến, tác phẩm như một viên ngọc trai lấp lánh toả sáng về tình bạn đẹp, vững bền của con người con người trong cuộc sống.

Hai câu thơ đầu:

Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta

Câu thơ nói giảm nói tránh đã nói đến sự mất mát ra đi của Dương Khuê, để lại sau đó là nỗi buồn ngậm ngùi không biết giải tỏa cùng ai. Tình cảm bạn bè vô cùng tha thiết nhưng ẩn sau đó là nỗi đau không thể nói nên lời, tình bạn giữa Dương Khuê vô cùng gắn bó, keo sơn. Lời thơ như một tiếng kêu thương đột ngột cất lên với những nỗi niềm thất vọng. Sụa ra đi vcuar người bạn để lại trong lòng Nguyễn Khuyến nỗi mất mát trống vắng không phương bù đắp.

Từ câu ba đến câu hai mươi hai là cách tác giả kể lại quá trình tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê: đó là lúc hai người gắn bó với nhau từ những ngày đi học, có bất cứ chuyện gì cũng vẫn trao đổi, sẻ chia với nhau- những kỉ niệm ấy trở thành những kĩ ức không thể nào quên:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau

Kính yêu từ trước đến sau

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

Nhân duyên giữa hai người bạn này thật kì lạ không phải là nhân duyên của những con gười bình thường mà là nhân duyên của những đôi bạn cùng tiến, những kỉ niệm về người bạn của mình cứ ùa về trong tâm thức tác giả không thể nào kiểm soát lay động, nó quá khác biệt so với thực tế trần trụi và nhiều đau khổ quá


Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo

Có khi từng gác cheo leo

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang

Nguyễn Khuyến nhớ lại lần gặp gỡ cuối cùng cách đây ba năm, lúc đó cả ông và bạn đều mừng mừng tủi tủi. Mừng mừng tủi tủi bởi cả hai đều vượt qua mọi thử thách của thời thế và tuổi tác:

Cầm tay nhau hỏi hết xa gần

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can

Ấy thế mà giờ đây, bạn đã không còn nữa. Mất bạn nhà thơ như hụt hẫng như mất đi một phần cơ thể:

Làm sao bác vội về ngay

Chợt nghe  tôi bỗng thấy chân tay rụng rời

Nguyễn Khuyễn ngạc nhiên vì bạn ít tuổi hơn mình, vững vàng hơn mình mà đã vội quy tiên. Đau đớn đến tái tê, ông chỉ biết còn buông lời trách bạn mà lòng đầy xót thương: Vội vàng chi đã mải lên tiên. Để rồi cuối cùng trong lòng người bạn già chỉ còn lại mênh mang, ngập tràn cảm giác trông vắng, mà bất cứ ai khi mất đi người thân đều phải trải qua:

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa

Giường kia treo cũng hững hờ,

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

Thương bạn, nhớ bạn mà Nguyễn Khuyến chỉ biết khóc. Nhưng tuổi già hạt lệ như sương, ông đâu còn nước mắt để khóc bạn. Ấy vậy mà người đọc vẫn cảm nhận sâu sắc nỗi đau tận trong tâm nhà thơ:

Khóc anh không nước mắt

Mà lòng đau như cắt

Gọi anh chửa thành lời

Mà hàm răng dính chặt

(Viếng bạn- Hoàng Lộc)

Nỗi đâu mất bạn ấy Nguyễn Khuyến không biết tỏ cùng ai đành gửi tất cả vào thơ để mong phần nào an ủi được người bạn đã khuất. Cách nói của tác giả rất nhẹ nhàng nhưng ẩn đằng sau đó là nỗi đâu đớn tột cùng, bởi không ai hết chỉa có Dương Khuê mới hiểu được Nguyễn Khuyến và cũng chỉ có Nguyễn Khuyến mới trở thành người bạ tâm giao, trọn đời của Dương Khuê, bởi cuộc đời của những con người này đã gắn với những kỉ niệm không thể nào quên, chúng như những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn nhà thơ


Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp

Chén quỳnh hương ăm ắp bầu xuân

Có khi bàn soạn câu văn

Biết bao đông bích, điển phần trước sau

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn

 Phận đẩu thăng chẳng dám than trời

Bác già tôi cũng già rồi

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là !

 Nhắc lại những kỉ niệm để người ta biết rằng tình bạn chân thành vốn khó tìm ở trong cuộc đời này, và những người bạn ấy đã trở thành tri âm tri kỉ của nhau không bao giờ có thể phai nhạt, người này mất đi người kia đau khổ tột cùng, chẳng thể nào xoa dịu được nỗi đau ấy, tình bạn chân thành quả thật là viễn ngọc sáng chói trong mỗi người. Nguyễn Khuyến đã cho chúng ta những vần thơ thật đẹp, thật sâu về người bạn.

Những câu thơ còn lại là những nỗi đau hụt hẫng mất mát, đó là nỗi đau, là cú sốc tinh thần không thể chia sẻ, không thiết nên lời với những từ ngữ diễn tả cảm xúc: “Những hờ”, “ngẩn ngơ”, “hạt lệ như sương”, lấy nhớ làm thương.

Khóc Dương Khuê là một trong những bài thơ đẹp để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc về tình bạn thắm thiết, tình bạn thủy chung son sắt, tác giả đã sử dụng cách nói giảm nói tranh để giảm nhẹ nỗi đau của sự việc, khong chỉ thế tác giả còn sử dụng nhiều điển tích điển cố, từ ngữ, hình ảnh giàu sức biểu cảm và kết cấu đảo ngữ để tạo nên một bài thơ trọn vẹn nhiều dư vị trong lòng bạn đọc.

Phân tích tác phẩm "Khóc Dương Khuê" 13

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê sinh thời là hai người bạn cực kỳ thân thiết và thấu hiểu lẫn nhau, cùng làm quan dưới thời Nguyễn trong buổi đất nước có nhiều biến đổi, khiến các nhà trí thức đương thời có phần bất lực và chán nản, càng khiến hai người có chung niềm tâm sự, họ lại càng trở nên thân thiết hơn cả.

Sự gắn bó, tri kỷ ấy quả thực là hiếm có của đời người, chính vì lẽ ấy nên khi nghe hung tin Dương Khuê mất vì bệnh nặng, Nguyễn Khuyến đã hết sức bàng hoàng và đau buồn bởi từ nay chẳng còn lấy một người tri âm, tri kỷ cùng ông chia sẻ những nỗi niềm riêng trong cuộc đời. Nguyễn Khuyến đã viết bài thơ Khóc Dương Khuê để tỏ nỗi lòng thương tiếc, xót xa của mình dành cho người bạn quá cố.

Dương Khuê (1839-1902), tự Giới Nhu, hiệu Vân Trì, là người văn hay chữ tốt, đỗ Cử Nhân cùng khóa với Nguyễn Khuyến, đỗ Tiến sĩ năm 1868 rồi ra làm quan, tuy nhiên cuộc đời làm quan của ông có nhiều thăng trầm bất định. Chán nản với cuộc đời quan chức không mấy suôn sẻ ông cáo quan lúc 58 tuổi, lui về vui vầy với rượu, thơ, đàn xướng. Các tác phẩm của ông gồm có cả thơ chữ Hán, nhưng ca trù lại mang lại cho ông sự nổi tiếng hơn cả ví như có bài Gặp lại cô đầu cũ.

Mở đầu bài thơ là sự hoang mang, bàng hoàng của Nguyễn Khuyến về sự ra đi đột ngột của Dương Khuê bạn mình.

"Bác Dương thôi đã thôi rồi,Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta." Nguyễn Khuyến gọi bạn mình bằng hai từ "Bác Dương" rất đỗi gần gũi, thân thiết, lại cũng thể hiện những tình cảm trân trọng, quý mến vô cùng của những người đồng trang lứa, cách gọi ấy tựa như lúc Dương Khuê vẫn còn sống mà hai người vẫn thường xưng hô với nhau.

Cụm từ "Thôi đã thôi rồi", từ "thôi" đầu thể hiện nỗi nuối tiếc xót xa khi vụt mất một thứ quan trọng nhất cuộc đời của Nguyễn Khuyến, từ "thôi" thứ hai là ngụ ý về sự ra đi của Dương Khuê. Nỗi đau mất bạn ấy là nỗi đau "ngậm ngùi" âm ỉ cháy trong lòng, người ra đi khiến người ở lại phải day dứt, buồn thương vô cùng, nỗi đau ấy không chỉ khu trú trong tâm hồn tác giả mà tựa như nước chảy mây bay, lan tỏa khắp cùng trời cuối đất, rộng lớn vô cùng.

Nhịp thơ, giọng điệu ở hai câu đầu nhẹ nhàng, âm thầm như dàn trải, mang đến cảm giác trầm buồn, càng diễn tả sâu sắc nỗi đau mất bạn của Nguyễn Khuyến. Trong sự mất mát to lớn ấy, Nguyễn Khuyến dần hồi tưởng về khoảng thời gian hai người còn bầu bạn, vui vầy.

"Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo

;Có khi tầng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích, điển phần trước sau.

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đấu thăng chẳng dám tham trời".

Nhớ làm sao ngày mới quen biết cùng nhau đỗ khoa cử, lại cùng nhau "sớm hôm" bàn luận chuyện đời, mối quan hệ, tình bạn tri kỷ của Dương Khuê và Nguyễn Khuyến là tình cảm kính trọng, quý mến, thấu hiểu lẫn nhau, "kính yêu từ trước đến sau". Việc được gặp gỡ và kết thành tri kỷ với Dương Khuê, Nguyễn Khuyến rất đỗi coi trọng, ví như "duyên trời" định sẵn, là mối cơ duyên trăm năm có một, đâu phải dễ dàng.

Trước nỗi đau xót, nỗi tiếc thương vô hạn, Nguyễn Khuyến lại ngược bước về những năm tháng huy hoàng tuổi trẻ của ông với người bạn quá cố. Còn đâu những năm tháng trẻ khỏe sung sức, hết "chơi nơi dặm khách", lại vượt núi leo đồi nghe tiếng suối róc rách, rồi những buổi thảnh thơi trên "tầng gác cheo leo" cùng nhau nghe những cô đầu ngân nga câu hát ả đào êm ái.

Lại nhớ những ngày thâu đêm suốt sáng, cùng tri kỷ sẻ chia chén rượu quý thơm nồng, cùng nhau làm thơ, lại cùng nhau ngâm thơ, rồi bàn luận qua lại trước sau chau chuốt. Rồi những ngày cùng nhau vùi trong phòng sách nghiên cứu Tam phần ngũ điển để thấu hiểu cái đạo lý của người xưa.

Rồi cả quãng đời cùng nhau đỗ khoa cử, cùng nhau đứng ra phụng sự triều đình, cái mũ ô sa trên đầu dẫu có nặng trăm bề, dẫu có rối ren và nhiều cớ sự bất mãn, đôi bạn tri kỷ cũng chỉ biết san sẻ, thấu hiểu, cùng sát cánh vượt qua chứ nào dám than thở trước sau. Biết bao kỷ niệm quá đỗi đẹp đẽ, như mới chỉ ngày hôm qua đây thôi, nhưng nay người đã lại vội về chốn tây thiên cực lạc, Nguyễn Khuyến nghĩ mà thêm bồi hồi, thêm xót xa muôn phần.

Thời trai trẻ, có sức, có lực lại có cả ý chí ngoan cường là thế, buổi về già mọi thứ đã không còn được như trước, nhưng tình cảm tri kỷ của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê vẫn không hề chuyển dời, thậm chí còn vì xa cách mà ngày càng thêm sâu sắc, gắn bó hơn cả.

"Bác già, tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm gặp bác một lần;

Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can"

Khi tuổi đã cao, sức đã yếu thì những thú vui tuổi trẻ dần trở thành những thứ xa xỉ, thậm chí vì xa cách mà cả hai người mãi mới có bận gặp nhau một lần, đấy cũng là 3 năm về trước. Tuy nhiên dẫu có xa, dẫu có lâu không gặp thì tình bạn gắn bó keo sơn vẫn mãi ngự trị mãi trong ngực trái của cả hai người Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, chưa một lần nguội lạnh.

Họ vẫn thân thiết như xưa "Cầm tay hỏi hết xa gần", dường như bao chuyện lâu nay không được có người san sẻ đều tuôn ra hết trong lần gặp cuối ấy, được thấy bạn mình vẫn khỏe mạnh, "tinh thần chưa can" là niềm hạnh phúc vô bờ bến của những người tri kỷ. Có thể thấy rằng dẫu về già, không còn gặp nhau được mấy lần nhưng Nguyễn Khuyến vẫn giữ gìn vẹn nguyên cái tình cảm tri âm ấy, vẫn luôn hằng tưởng nhớ về người bạn tuổi trẻ thường xuyên chia sẻ tâm tình, cùng chung khổ nạn.

Hồi tưởng càng nhiều, ký ức càng tươi đẹp bao nhiêu thì quay trở về với hiện thực tác giả lại càng phải đối mặt với hiện thực phũ phàng và đau xót bấy nhiêu, những mộng tưởng của ngày xưa đã vĩnh viễn đi vào quá khứ. Nguyễn Khuyến buộc phải đối mặt với hiện thức rằng Dương Khuê đã ra đi mãi mãi, ông đã mất đi người bạn quý giá nhất cả cuộc đời, giờ chỉ còn lại tấm thân già cô đơn giữa thời thế loạn lạc.

"Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày;

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời"

Ông không khỏi ngậm ngùi, đau xót một nỗi tiếc thương rằng tại sao Dương Khuê vốn nhỏ tuổi hơn ông, lại bệnh tật cũng sau ông, thế mà chẳng hiểu sao "bác vội về ngay", tin ấy khiến cho Nguyễn Khuyến bàng hoàng "chân tay rụng rời", vì không thể tin nổi trước hung tin như sét đánh ngang tai ấy. Giờ đây bạn hiền đã về với miền cực lạc, để lại Nguyễn Khuyến một thân già với nỗi đau đớn, hụt hẫng và hoang mang vô cùng.

"Ai chẳng biết chán đời là phải,

Vội vàng sao đã mải lên tiên;

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa;

Giường kia treo những hững hờ,

Đàn kia gẩy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn."

Bạn hiền đã mất, còn lại mình Nguyễn Khuyến với nỗi cô đơn, trống vắng thì thiết tha gì những thú vui từng một thời say đắm, rượu ngon cũng trở nên vô vị, thú vui làm thơ cũng dần chán nản, bởi còn đâu người hợp ý để vui vầy, sẻ chia nữa. Tình cảm thắm thiết tri âm, tri kỷ ấy sánh ngang với điển cố của người xưa như tình bạn giữa Trần Phồn - Từ Trĩ, như Tử Kỳ - Bá Nha, sâu nặng, ân nghĩa vô cùng.

Quay về với thực tại, trước vong linh người bạn hiền quá cố, Nguyễn Khuyến cuối cùng cũng đã thoát khỏi cái hồi tưởng xa xăm, trở về với hiện thực đau đớn, xót xa. Nhưng dẫu Dương Khuê có chết đi, thì tình cảm giữa hai người vẫn trường tồn mãi mãi, là thứ trân quý nhất trong cuộc đời mà Nguyễn Khuyến hằng trân trọng.

"Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!"

Nỗi đau đớn ấy đã không thể chảy thành hàng lệ dài, mà Nguyễn Khuyến giấu nó vào trong góc sâu nhất của trái tim, để tưởng nhớ mãi về một người bạn hiền tri âm tri kỷ. Những câu thơ cuối là lời buông thật nhẹ nhàng, buồn tủi, là sự chấp nhận của tâm hồn thi sĩ trước sự ra đi của bạn mình. Thôi đành hẹn kiếp sau lại được làm tri kỷ, kiếp này duyên trời coi như đã hết.

Khóc Dương Khuê là bài thơ cảm động và sâu sắc của Nguyễn Khuyến viết để tưởng nhớ về người bạn quá cố, qua đó thấy được những tình cảm đáng quý, thiết tha sâu nặng giữa những người tri kỷ, đồng thời ca ngợi tình bạn thiêng liêng, trăm năm có một của nhà thơ.

Bằng thể thơ song thất lục bát, giọng thơ êm đềm, chậm rãi, ngôn từ giản dị, tác gỉa tinh tế sử dụng các điển tích điển cố một cách khéo léo đã làm tăng sức hấp dẫn của bài thơ, diễn tả thành công nỗi buồn của thi nhân đầy xót xa, suy tư và trầm lắng.

Phân tích tác phẩm "Khóc Dương Khuê" 14

Nguyễn khuyến là một tác gia lớn trong nền văn học Việt Nam, ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với những giá trị rất lớn và nhiều ý nghĩa. Ngoài những bài thơ mang những hình ảnh thân thuộc của làng cảnh Việt Nam, những bài thơ trào phúng cười thâm thúy, sâu cay Nguyễn Khuyến còn là một nhà thơ của tình bạn, tình làng trên xóm dưới. Tiêu biểu trong đó có bài thơ Khóc dương khuê mang đạm tình cảm của nhà thơ dành cho bạn của mình.

Bài thơ có nhan đề Khóc dương Khuê thể hiện sự khóc bạn của nhà thơ Nguyễn Khuyến. đó là những tiếng khóc thương tiếc của nhà thơ dành cho người bạn của mình, là sự tiếc nuối những gì đã có với nhau để giờ đây bạn vội đi để lại một mình nhà thơ với những kỉ niệm vơi đầy của quá khứ. Đúng là người chết đi thì bình yên nhưng để lại sự thương tiếc cho người còn sống. Bài thơ hay chính là lời tiễn biệt của nhà thơ dành cho bạn mình. Trước hết là hai câu thơ đầu tiên nói về tâm trạng của nhà thơ khi nghe tin bạn của mình qua đời:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta. ”

Đó là tâm trạng buồn thương đầy nuối tiếc của nhà thơ. Cụm từ “ thôi đã thôi rồi” thể hiện sự nói giảm nói tránh của nhà thơ để làm giảm đi sự thật đau lòng kia. Bác Dương giờ đây đã không còn nữa, nhà thơ buồn thương khi nghe tin ông qua đời, tuổi già xế bóng cái chết luôn cận kề, hay chính là người ta đã đi tới dốc của bên kia cuộc đời. Những người bạn già càng thêm quý hơn những giây phút ở bên nhau, những buồn vui tuổi già còn gì quý hơn con cháu và bạn bè nữa, nhất là những nhà nho thời xưa.

Thế nhưng người bạn của nhà thơ đã không một lời tiễn biệt cứ thế cất bước ra đi. Nhà thơ biết tin chứ không hề chứng kiến. Nỗi buồn thương vô hạn cho người đã mất được Nguyễn Khuyến diễn tả “ man mác” “ ngậm ngùi”. Đó không phải là sự thương tiếc đau đớn dằn vặt, không phải quằn quại không chấp nhận thực tại mà là một nỗi buồn man mác. Có lẽ ta cảm nhận được cái thở dài ngao ngán của nhà thơ. Phải chăng cái tuổi già ấy đã làm cho nhà thơ biết chấp nhận được thực tại. Nỗi ngậm ngùi thương tiếc được đẩy vào bên trong.

Tiếp đến những câu thơ sau tác giả lần lượt nhắc lại những kỉ niệm của mình với người đã khuất. Khoảng thời gian gắn bó của nhà thơ với bác Dương thật sự không phải ngắn ngủi. có thể nói hai người như tri kỉ của nhau vậy, họ cùng nhau từ khi còn là một chàng thanh niên đến khi ra làm quan rồi về đến cả tuổi già. Đó là một tình bạn lâu dài và bền vững mà không có gì có thể ngăn cản được họ.

Trước tiên là những kỉ niệm của nhà thơ về một thời trai trẻ cùng với bác Dương, đó là một thời vàng son oanh liệt, một thời sung sức tràn đầy, thời của tuổi trẻ tung tăng tự do và đầy hoài bão:

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau;

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời?

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách,

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo;

Có khi tầng gác cheo leo,

Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang;

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,

Có khi bàn soạn câu văn,

Biết bao đông bích, điển phần trước sau”

Tác giả nhớ về những ngáy tháng cùng nhau ôn luyện khoa thi cử. Đó là một thời vui vẻ nhất trong cuộc đời con người nói chung và cuộc đời của nhà thơ và người bạn mình nói riêng. Thuở ấy nhà thơ cùng Dương Khuê vẫn sớm tối cùng nhau, đi đâu cũng đi cùng nhau “sớm hôm tôi bác có nhau”. Cả hai đều quý trọng yêu mến lẫn nhau, họ quý trọng tình bạn mà họ đang có.

Nhà thơ kheo đặt một câu hỏi cho chính bản thân mình cũng như người đã mất. liệu rằng tình bạn ấy có phải là do duyên trời đã định không. Câu hỏi ấy không có câu trả lời vì tác giả biết, người đã mất biết, bạn đọc cũng biết được câu trả lời ấy. Nói về duyên phận cốt chỉ là để nêu cao những tình cảm bằng hữu tri kỉ của hai người họ mà thôi. Không những thế họ còn rủ nhau đi chơi khắp nơi đây cùng đó. Họ trải qua những ngày tháng thật tuyệt vời bên nhau. Họ vui vày cùng thiên nhiên cây cỏ, họ lắng nghe tiếng suối đang reo róc rách ngoài xa trên lưng đèo nọ.

Tiếp nữa là những tầng gác cheo leo và hiểm trở. Họ vui đùa cùng nhau như thế suốt quãng thời gian niên thiếu của mình. Đi ngao du chơi bời khắp nơi rồi lại quay về nghe hát ả đào, rồi cùng nâng chén rượu cạn với nhau cho thỏa tình huynh đệ anh em. Những chén rượu ấm nóng đong đầy như tình cảm của hai người vậy. Cả đến khi họ học hành soạn câu văn hứng câu thơ họ cũng cùng nhau làm.

Người ra vế đối người lại điền câu, họ như thi tài văn với nhau cũng như đang hưởng những gì đẹp nhất của những người học hành thi cử. Tiếp nữa nhà thơ hồi tưởng về những kỉ niệm khi họ cùng làm quan trong triều. đó là một kỉ niệm gian nan cũng có nhau và niềm vui thì cũng nhân đôi lên gấp bội:

“Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đấu thăng chẳng dám tham trời”

Làm quan mà tài giỏi thì lắm chuyện thị phi, nhiều người hãm hại ghen ghét, không thế thì cũng rất nhiều điều sơ suất có thể mất đầu như chơi. Khi ấy họ thường chia sẻ cùng nhau quan tâm nhau giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn gian nan mà họ phải gánh chịu. đó là một tình bạn đẹp tuyệt vời, một tình bạn rất đỗi thiêng liêng và đáng trân trọng hơn bất cứ thứ gì như vàng bạc châu báu hay chức quan trong triều. Một người bạn tốt là luôn bên ta dù cho có sung sướng hay khó khăn. Và Nguyễn Khuyến và bác Dương là một đôi tri kỉ như thế.

Trai trẻ rồi làm quan, làm quan rồi thì cũng sẽ già, mỗi mùa xuân đến cái tuổi nó lại mất đi mà như Xuân Diệu đã thật đúng khi nói rằng “ nhưng tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”. Xuân đến rồi xuân đi, xuân vẫn non rồi cũng sẽ già và con người cũng vậy có thời trai trẻ thì trải qua những mùa xuân họ đã bước đến tuổi già. Nhà thơ tiếp tục nhắc lại những kỉ niệm cùng bạn về cái tuổi xế bóng ngả chiều:

“Bác già, tôi cũng già rồi,

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác,

Trước ba năm gặp bác một lần;

Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can, ”

Tuổi già làm cho người ta trở nên lười nhác và khó vận động hơn, chính vì thế ba năm gặp lại người bạn tri âm tri kỉ của mình nhà thơ vui mừng khôn xiết. Cả hai đều khôn xiết cầm tay hỏi gân hỏi xa. Hỏi nhau về sức khỏe thế nào, hỏi nhau về sinh hoạt hằng ngày. Họ cứ vui mừng khôn xiết, cứ mừng mừng tủi tủi vì bao lâu mới gặp lại nhau.

Trước những kỉ niệm ấy nhà thơ càng thêm buồn trước thực tại phũ phàng, thực tại đó làm cho người ta thấy thương thấy nhớ, thấy tất cả những kỉ niệm qua đi làm người ta nhớ đến người đã mất nhiều hơn:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,

Tôi lại đau trước bác mấy ngày;

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.

Ai chẳng biết chán đời là phải,

Vội vàng sao đã mải lên tiên;

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,

Viết đưa ai, ai biết mà đưa;

Giường kia treo những hững hờ

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương;

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!”

Nhà thơ buồn bã kể tuổi mình còn nhiều hơn tuổi của Dương Khuê mà giờ đây lại là người chịu nổi đau mất bạn, đáng lẽ ra nhà thơ phải là người đi trước thế nhưng cuộc đời thường trái ngược như thế. Nhà thơ khẽ trách sao bác vội đi ngay làm cho nhà thơ phải đau đến mấy ngày và nhớ thương mãi mãi. Khi nghe tin bác Dương mất đi nhà thơ như dụng rời chân tay.

Người mất đi để lại biết bao nhiêu niềm thương tiếc, để giờ đây một mình nhà thơ với rượu ngon không có ai uống cùng. Câu thơ định viết mà còn ngập ngừng vì không có ai hiểu thơ ông như bác Dương cả. điệp từ không như khẳng định, nhấn thêm vào nỗi trống vắng của nhà thơ khi mất đi người bạn thân yêu. Giường kia cũng treo hững hờ để đấy, tiếng đàn kia ngẩn ngơ buồn thiu.

Thế rồi tác giả buồn thương nhưng ví tuổi già như hạt sương tan đi nhanh chóng không biết lúc nào vì vậy “ hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”. Tuổi già dễ tan vỡ như giọt sương kia, nắng lên hay chính là ông trời cho sống đến ngày nào thì hay được ngày ấy.

Như vậy có thể thấy được nỗi xót thương vô hạn của nhà thơ dành cho bạn của mình. Tuổi già tròi cho sống ngày nào hay ngày ấy, biết vậy nhưng tác giả không thôi thương tiếc cũng như bủn rủn chân tay khi nghe tin người tri âm tri kỉ của mình ra đi đột ngột như thế.

Bằng những câu thơ hay tự do , nhịp điệu dặt dìu như chính là nỗi lòng tâm sự của tác giả. Từng câu từng chữ như bật lên thể hiện những tiếng khóc ngậm ngùi của nhà thơ dành cho bạn mình. Thế đấy bạn bè là khi còn sống hay đã chết, nghèo đói hay giàu sang, sướng vui hay khổ nhục đều nhớ về nhau, chia sẻ cho nhau những điều bắt gặp trong cuộc đời.

Nguyễn Khuyến thật có hạnh phúc khi có một tình bạn như thế, bài thơ như là lời tiễn biệt nhớ thương của nhà thơ dành cho người đã mất. đồng thời đó cũng giống như lời khóc thương mà nhà thơ cố gắng gửi từ cõi trần đến thế giới bên kia

Phân tích tác phẩm "Khóc Dương Khuê” 15

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) là một nhà thơ trung đại nổi tiếng của thơ ca Việt Nam. Ông để lại cho hậu thế khoảng 800 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán trong đó có rất nhiều bài thơ viết về tình bạn. Trong số đó phải kể đến bài thơ cảm động “ Khóc Dương Khuê”.

Dương Khuê ( 1839 – 1902) là bạn đồng khóa với Nguyễn Khuyến tại khoa thi Hương năm 1864. Dương Khuê đỗ tiến sĩ, làm quan to, để lại nhiều bài thơ hát nói tuyệt bút. Từ bạn đồng khoa đã phát triển thành bạn tri âm tri kỉ của Nguyễn Khuyến. “ Khóc Dương Khuê” được sáng tác khi Dương Khuê mất.

Do đó, bài thơ là tiếng khóc bạn rất tha thiết và cảm động của Nguyễn Khuyến cũng là bài thơ khóc bạn rất nổi tiếng trong nền thơ ca dân tộc. Đây cũng có thể xem là một bài văn tế hay độc đáo trong số những bài thơ văn tế của nước ta. Mở đầu bài thơ người đọc đã xúc động bởi tiếng than, tiếng nấc đau đớn:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

Câu thơ như một sự thảng thốt khi nhà thơ bất ngờ bị đánh rơi mất một điều gì vô cùng quý giá, “ bác” – cách nói thân mật, gần gũi, Dương Khuê đã mãi mãi rời xa trần thế Cái chết của Dương Khuê được nói giảm nói tránh bằng cụm từ “ thôi đã thôi rồi” giúp giảm bớt đi nỗi đau, sự mất mát.

Hai người bạn thân giờ đây như nước chảy với mây trôi, xa nhau vời vợi, nghìn trùng cách trở. Dù vậy, dòng nước chảy có đi đâu về đâu thì vẫn ôm ấp bóng mây trôi. Hình ảnh “nước mây” được liên kết với các từ láy “man mác”, “ngậm ngùi” diễn tả một trời thương xót, một không gian cách trở bao la, âm dương đôi đường, buồn đau, nặng trĩu.

Hai tư câu thơ tiếp theo, tác giả nhắc lại, nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc với người đã quá cố. Đó là kỉ niệm khi cả hai cùng đỗ đạt, cùng làm quan, tình bạn ấy là “duyên trời” tác hợp nên, thân thiết, chung thuỷ:

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời”.

Đó là kỉ niệm về những cuộc du ngoạn, đôi bạn cùng thăm thú nơi “dặm khách” chan hoà với thiên nhiên, thảnh thơi giữa chốn lâm tuyền: “Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”, là những lần cùng nhau đi hát ả đào nơi lầu cao, thưởng thức cung đàn, giọng hát:

“Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”.

Kỉ niệm ấy có những lần Nguyễn Khuyến và Dương Khuê uống rượu làm thơ:

“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích điển phần trước sau”.

Trong dòng kỉ niệm, gợi nhắc lại quá khứ, Nguyễn Khuyến đã sử dụng cách diễn đạt trùng điệp hai cụm từ ngữ: “Cũng có lúc” và “có khi” đan chéo vào nhau, bốn lần xuất hiện trên tám dòng thơ, vừa để liệt kê gợi nhớ, vừa tạo nên âm hưởng quấn quýt, thiết tha. Những kỉ niệm ấy vô cùng sâu sắc, đẹp đẽ về tình bạn, không bao giờ có thể quên được.

Không chỉ nhớ kỉ niệm vui, Nguyễn Khuyến còn nhớ kỉ niệm buồn giữa hai người. Khi đất nước bị xâm lăng, dân tộc chìm trong ách nửa thực dân nửa phong kiến, là kẻ sĩ, là nhà nho “cùng nhau hoạn nạn”, Khuyến đã cáo bệnh, còn Dương Khuê vẫn làm quan. Tuy cảnh ngộ khác nhau, kẻ làm quan, người từ quan, nhưng Nguyễn Khuyến vẫn bao dung bạn, “kính yêu từ trước đến sau”, không bao giờ thay lòng:

“Bác già tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế, thì thôi, mới là”.

Giờ đây hai người đã âm – dương cách biệt. Nguyễn Khuyến khóc bạn, ân hận vì đường xa, vì tuổi già sức yếu mà không thể đến thăm bạn, lần cuối cùng gặp bạn đã là ba năm trước:

“Muốn đi lại, tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần,
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can”.

Khi ấy đến thăm, “tinh thần chưa can” ý nói sức khoẻ vẫn bình thường, tinh thần vẫn sáng suốt. Thế mà bây giờ bạn đột ngột qua đời. Nhà thơ đau đớn, bàng hoàng khôn xiết khi nghe tin bạn mất, đến cả chân tay cũng rụng rời:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày.
Làm sao bác vội về ngay?
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời!”.

Trong lời thơ kể lể tâm tình như thấm đầy lệ. Các chữ “tôi” và “bác” xuất hiện nhiều lần trong đoạn thơ như hai linh hồn đang nương tựa vào nhau; nỗi đau buồn như được nhân lên gấp bội. Để rồi từ khóc bạn, Nguyễn Khuyến chuyển sang khóc mình trong tám câu thơ tiếp:

“Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua”.

Chữ “không” xuất hiện liên tiếp 5 chữ gợi tả cái trống vắng, cô đơn của nhà thơ trước cảnh già. Bạn mất đột ngột, nỗi thương tiếc, đau xót làm tê tái cả cõi lòng nhà thơ. Những tháng ngày còn lại của ông càng thêm cô đơn, bơ vơ sầu tủi. Bởi cuộc đời này đã mất hết ý nghĩa: không muốn uống rượu, không thiết ngâm thơ, gian nhà và tâm hồn trở nên trống vắng, trơ trọi khi không còn bạn tri âm để thấu hiểu:

“Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo cũng hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”.

Bốn câu cuối bài thơ như một tiếng nấc đau đớn. Tuổi già vốn ít lệ nên chỉ biết khóc ở trong lòng. Thương bạn gắn liền với bao nỗi nhớ. Khóc bạn chuyển thành nỗi niềm như cam chịu số phận bi thương. Chỉ cầu mong cho linh hồn bạn thanh thản “lên tiên”:

“Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương,
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”.

“Khóc Dương Khuê” là tiếng khóc xót xa đồng thời thể hiện một tình bạn đẹp và cảm động của các nhà nho thuở trước. Thời gian đã phủ bụi mờ lên mọi vật nhưng sau bao thế kỷ, chúng ta vẫn thấy bùi ngùi xúc động khi đọc những vần thơ này. Đây cũng chính là sức sống vượt thời gian của thơ ca Nguyễn Khuyến.

Phân tích tác phẩm "Khóc Dương Khuê” 16

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là đôi bạn tri kỉ. Nguyễn Khuyến sinh trước (1835), Dương Khuê sinh sau (1839), nhưng Dương Khuê lại đi trước (1902). Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ “Khóc Dương Khuê”. Thơ viết về tình bạn nhiều, nhưng thơ hay hiếm.

Bài thơ “Khóc Dương Khuê” của cụ Tam Nguyên Yên Đồ thuộc vào loại những bài thơ hiếm về tình bạn. Gần một thế kỉ, bạn đọc đã yêu thích, đã nhớ, đã truyền tụng bài thơ viết về tình ...... sâu sắc, cảm động, cao quý này. Nguyễn Khuyến bàng hoàng khi nghe tin bạn mất:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

Tác giả nén đau thương trong hình thức tu từ nhã ngữ (nói giảm). Nhà thơ không dám nói đến những chữ đau lòng mà chỉ nói “thôi đã thôi rồi”. Nhưng tình cảm đau thương tang tóc lại nhuốm cả không gian “nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”. Những từ láy “man mác”, “ngậm ngùi” biểu lộ sự thốn thức trong lòng thi nhân. Tác giả hồi tưởng lại những kỉ niệm về tình bạn với Dương Khuê:

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời”.

Nguyễn Khuyến nhớ lại khoa thi năm Giáp Tí (1864) hai người cùng “đăng khoa” (thi đậu), Nguyễn Khuyến đậu giải nguyên (đậu đầu cử nhân). Cuộc gặp gỡ ấy là cái duyên của hai người bạn đồng khoa, “duyên trời”, Nguyễn Khuyến quan niệm như vậy thật là thiêng liêng. Và đôi bạn đã sống với nhau xứng với “duyên trời”. “Kính yêu từ trước đến sau”.

Đây là câu thơ nghiêm trang nhất của bài thơ. Một tình bạn đẹp và cao quý thì chẳng những biết “yêu” mà còn phải biết “kính”. Người đời, trong tình bạn thường biết “yêu” mà ít biết “kính” (kính người trên thì dễ, kính người ngang thì khó). Bạn nhắm mắt rồi mà nói được “kính yêu từ trước đến sau” thì tình bạn ấy thật là toàn vẹn như một viên ngọc không tì vết. Những kỉ niệm về tình bạn hiện lên như một cuộn phim với những hình ảnh, âm thanh sinh động:

“Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”.

Hai người bạn đã từng dạo “chơi nơi dặm khách”, những phong cảnh thiên nhiên kì thú, lâu rồi mà âm thanh như còn văng vẳng đâu đây “tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”. Những đam mê của hai người như một: “Có khi từng gác cheo leo, Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”.

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đã từng rủ nhau đi hát ả đào, thú vui thanh cao của khách phong tình. Trước đó có Nguyễn Công Trứ, cùng thời có Tú Xương, sau này có Tản Đà đều thích “thú vui con hát lựa lời cầm xoang”. Và hát ả đào đã thành thơ với các thi sĩ lừng danh đó. Lại nữa, rượu và thơ làm sao thiếu được trong tình bạn của họ Nguyễn và họ Dương:

“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân,
Có khi bàn soạn câu văn
Biết bao đông bích, điển phần trước sau”.

Rượu ngon lại có bạn hiền, còn gì đầy đủ và vui thú hơn? Trong chén rượu đầy ắp khí xuân, sắc xuân, “Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân” là Nguyễn Khuyến mãn nguyện rồi. Lại có bạn đế bàn soạn câu văn, bàn luận chữ nghĩa của thánh hiền, cuộc sống ý nghĩa và phong phú thay! Cũng trong dòng hồi tưởng, nhà thơ đặt tình bạn trong mối tương quan với đất nước, với thời cuộc, Nguyễn Khuyến ngậm ngùi:

“Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn
Phận đấu thăng chẳng dám tham trời
Bác già tôi cũng già rồi
Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!”

“Buổi dương cửu” là thời buổi bị “hạn”, ám chỉ tình cảnh mất nước, dân nô lệ, Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đều “cùng nhau hoạn nạn”. Nguyễn Khuyến đã từ quan về ở ẩn. “Phận đấu thăng chẳng dám tham trời”. Sông cảnh hoạn nạn, nhà thơ không dám tham lợi lộc, bổng lộc của người làm quan. Đã từ quan trở về quê rồi mà nhà thơ vẫn còn ân hận, ân hận cho cả hai: “Biết thôi thôi thế thì thôi mới là”!

Nguyễn Khuyến rất nhạy cảm trong cách lựa vần điệu cho hợp với tâm tình. Thể thơ song thất lục bát rất thích hợp với điệu trữ tình kết hợp với tự sự. Những câu song thất nói được rất nhiều về kỉ niệm và thay đổi được nhịp điệu thơ, sửa soạn cho những câu lục bát lắng sâu vào tâm trạng của nhân vật trữ tình. Sau khi nhớ lại những kỉ niệm về tình bạn với bác Dương, nhà thơ lại trở về với tin buồn của cố nhân:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời.”

Cái chết đâu có trật tự người già đi trước, người trẻ đi sau, nhưng người trẻ đi trước bao giờ cũng gây xúc động đột ngột cho người già. Cho nên Nguyễn Khuyến nghe tin người bạn nhỏ tuổi hơn mình đột ngột ra đi thì “chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời” là thế.Người bạn hiền Dương Khuê “đã mải lên tiên”, Nguyễn Khuyến cảm thấy cô đơn:

“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa,
Giường kia treo cũng hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”.

Rượu không uống, “rượu ngon không có bạn hiền” làm sao uống? Hỡi ôi, người ta không thể uống rượu một mình được! Thơ không muốn viết, “viết đưa ai ai biết mà đưa”, câu thơ vừa thương tiếc bạn, vừa đề cao người bạn hiền Dương Khuê về trình độ thẩm thi. Giường dành cho bạn thì treo lên “hững hờ”, vì không còn cơ hội nào để hạ xuống. Đàn không muốn gảy, vì còn ai là người tri âm? Câu thơ có thần hơn cả để diễn tả nỗi cô đơn khi mất bạn là câu thơ hoàn toàn không có điển cố:

“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua”.

Nỗi cô đơn được phổ bằng một hợp âm năm nốt “không” mà âm sắc thì không có nốt nào giống nốt nào, thật là điệu nghệ. Mất bạn mà cảm thấy tâm hồn trống không như thế thì tình bạn của họ Nguyễn và họ Dương cao quý biết nhường nào!

Trong thơ Việt Nam trước sau chưa có một bài thơ khóc bạn nào hay như bài thơ “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến. Tình sâu, ý đẹp, hình, nhạc đều sống động.

Bố cục chặt chẽ trong cả bài và trong từng tiểu đoạn. Ngôn ngữ trong sáng, tinh luyện, điển cố vừa phải và những câu thơ hay là những câu thuần Việt, không điển cô'. Tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê chân thành, cảm động, sâu sắc. Nếu được chọn một tứ thơ nào tiêu biểu cho tình bạn của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê và cũng là tiêu biểu cho tình bạn của muôn đời thì tôi chọn hai câu này:

“Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời”.

Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến 17

Khóc Dương Khuê là bài thơ hiếm hoi khóc mất bạn. Đó là những giọt nước mắt của người già khóc nhau thống thiết và vô cùng chân thành.
 
Dương Khuê đậu cử nhân cùng khoa với Nguvễn Khuyến. Ông là bạn rất thân với Tam Nguyên Yên Đổ. Sau đậu tiến sĩ Dương Khuê làm Tham tá nha kinh lược Bắc kì rồi làm tổng tiếng về để tài hành lạc cuối thế kỷ XIX. Ông ít tuổi hơn nhưng lại mất trước Nguyễn Khuyến bảy năm. Bài thơ khóc bạn được: viết bằng chữ Hán rồi sau đó Nguyễn Khuyến tự dịch ra chữ Nôm.
 
Hai câu đầu cho thấy cái tin bạn mất đối với Nguyễn Khuyến là quá đột ngột.
 
"Thôi” là một từ thường đi kèm động từ "đi thôi", "ăn thôi", "ngủ thôi"...dùng để chỉ một việc có thể khởi đầu và cũng có thể kết thúc. Câu thơ nếu diễn đạt theo cách nói thông thường thì sẽ là: "Bác Dương đã thôi rồi" bởi vì từ đã trong tiếng Việt luôn đứng trước động từ để chỉ thời quá khứ. Như vậy, "thôi đã thôi rồi"chứa đựng một lời than, một sự bàng hoàng và một sự ngậm ngùi. Nó xác định điều đã xảy ra. Hai từ thôi mở đầu câu thơ có nét nghía rất khác nhau "Thôi đã" như một thán từ mà ta đã gặp trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. "ôi thôi thôi", "Thôi rồi" thì lại là một thực từ, một động từ nói tránh một sự kiện mà nhà thơ không dám tin: Bác Dương đã chết rồi. Bác Dương mất, Nguyễn Khuyến vừa không tin, vừa coi đó như một sự khởi đầu nhưng đồng thời lại coi là sự kết thúc không cứu vãn. Ngay lập tức nhà thơ đã nhìn "Nước mây", "Trời đất", "Vũ trụ" đổi khác.
 
"Nước mây man mác" và vì thế mà: "ngậm ngùi lòng ta". Đây là tâm cảnh.Nỗi đau thương chi phối mọi cảnh vật. Câu thơ gợi nhớ đến màu tang tóc của câu mười tám bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: "Đoái sông Cần Giuộc cỏ câymấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ".
 
Đoạn thơ tiếp theo, Nguyễn Khuyến đã nhắc lại, ôn lại những kỷ niệm của hàng chục năm khăng khít với bạn mình.
 
Kỷ niệm đầu tiên là hai người cùng thi đậu, cùng đăng khoa đó là kỷ niệm của hàng chục năm khăng khít với bạn mình.
 
"Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau"
 
Kể từ thuở đó, tôi bác vẫn sớm hôm cùng nhau, sớm thì có hôm, tôi thì có bác, cùng thì có nhau. Ba cặp từ khăng khít, như tình bạn thưở nào, ràng rịt bên nhau, luôn mới mẻ. Tấm lòng son dành cho nhau từ thuở đó: "Kính yêu từ trước đến sau". Trước là thủy, sau là chung. Tình bạn ấy vẫn duy trì được sự kính yêu thủy chung. "Kính" là thái độ tôn trọng, bởi vì cả lý trí lẫn con tim chấp nhận nhau.
 
Vậy mà, theo Nguyễn Khuyến đang còn yếu tố thứ ba nữa để dựng nên thế chân vạc cho tình bạn ấy. Nguyễn Khuyến gọi đó là cái duyên của trời đất se lại cho mình người bạn chí thân. "Duyên" là khái niệm dân gian nói đến quan hệ lứa đôi trai gái. Nguyễn Khuyến lại cho rằng tình trai của mình khác đâu duyên trời.
 
Tiếp theo là những tâm sự riêng tư thầm kín rất đáng nhớ: ca hai đã từng : "đủng đỉnh gót tiên" đi vào thiên nhiên như hai con người thoát tục tiêu dao: "Cùng có lúc chơi nơi dặm khách. Tiếng suối nghe róc rách chân đèo
 
Ngay cả kỷ niệm "hành lạc" Nguyễn Khuyến cũng không quên:
 
"Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang".
 
Nguyễn Khuyến vốn là nhà nho rất nghiêm cẩn, mực thước. Trường hợp này ông lại ca ngợi sự buông thả rất con người. Có lẽ ông tán đồng quan niệm sống hành lạc của bạn mình chăng? Cả hai đã từng là Tiên, đã từng phàm tục, và đã từng gắn bó với tư cách là những trí thức có tài năng:
 
"Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo
 Có khi từng gác cheo leo
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang"
 
Không những là chia nhau rượu ngọt. Từ "nhắp" cho thấy đây không phải là nhửng kẻ đệ tử của Lưu Linh mà họ đang đưa cái "bầu xuân" phơi phới vào lòng mình. Hai tâm hồn thi sĩ ấy còn hợp nhau biết bao trong chuyện văn thơ, chuyện "đông bích, điển phần".
 
Kỷ niệm gần nhất cũng là số câu thơ được nói đến nhiều nhất. Tình bạn đã ngoặt sang một hướng khác và bị ảnh hưởng bởi thời thế. Nguyễn Khuyến gọi đó là buổi dương cửu. Ông cho rằng "hoạn nạn" không chỉ giáng xuống mình mà là:
 
"Buổi dương cửu cũng nhau hoạn nạn"
 
Làm sao mà trách trời được, và làm sao mà trách nhau được, khi mỗi người quyết định tự chọn cho mình một hướng đi? Nguyễn Khuyến cáo quan về quê. Dương khuê ở lại về hình thức là ôm chân thực dân và lũ vua quan bán nước. Nguyễn Khuyến đã hiểu thực chất việc ở lại ấy của bạn mình. Thực ra, phận đấu thăng vì miếng cơm manh áo, vì chữ hiếu với mẹ già mà Dương khuê phải ở lại. Đây là một các thanh minh để cảm thông với bạn.
 
Đoạn cuối có mười dòng nhưng căn cứ vào dấu chấm câu và nội dung thông báo trọn vẹn thì có ba câu. Câu một nói về việc mất bạn là mất người cùng ẩm tửu. Câu hai nói về việc mất bạn tâm giao khiến cho hứng thú viết thơ, hứng thú gảy đàn và cả hứng thú chờ bạn đến chơi cũng không còn.
 
Mất bạn coi như mất tất cả niềm vui cuộc đời. Vì vậy, câu thứ ba là những tiếng khóc thống thiết có sự trách móc dỗi hờn. So với những câu thơ phía trên thì đoạn thơ cuối có sự ngắt nhịp tương đối ổn định. Thế nhưng chính những cung bậc nước mắt, chính những tiếng thổn thức từ trái tim đau đã khiến cho nhịp thơ thay đổi. Ta như gặp nỗi đau quặn thắt, những tiếng nức nở, những suy ngâm thổn thức, những dư vị đắng cay cô kết lại. Có thể đọc đoạn sau đây để thấy điều đó.
 
"Giường kia treo cũng hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.
Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương".
 
Hai dòng lục bát:
 
"Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua".
 
Mấy câu thơ dày đặc những từ "không". Nếu kể thêm dòng tiếp theo ta có 6/3 dòng thơ lặp lại từ "không" này. Nói đúng ra chỉ vì câu ”không có bạn hiền" mà nó dẫn tới năm cái "không" tiếp theo. Không có bạn mọi cái đã trở thành hư vô, không có giá trị gì nữa. "Rượu ngon, chén quỳnh tương" là chỉ danh riêng để đãi bạn. Nhưng nếu không có bạn thì rượu đã không còn ngon được nữa.
 
"Rượu ngon" đâu phải là loại rượu đi mua một cách dễ dàng. Đâu phải là loại rượu có thể dùng tiền để mà mua? uống rượu với tri kỷ, tri âm thì giá trị tinh thần mới chính là hương vị của rượu. Dòng thơ ngắt nhịp 2/2 thường tạo giọng kể trầm buồn nhưng ở đây điệp từ "không" vang lên, dằn mạnh tạo nên một nỗi đau nhức nhối con tim. Người xưa những lúc đau buồn nhớ người tri kỷ thường độc âm để quên lãng. Ở đây không uống rượu được, kỉ niệm cứ ùn về, nỗi đau trở nên lắng đọng, kết tủa nhức nhối.
 
Nguyễn Khuyến đã gọi bạn mình là bạn hiền. Niềm kính mến vẫn là thái độ trước sau của Tam Nguyên Yên Đỗ và Dương Khuê. "Bạn hiền" là người bạn có tẩm kích tài năng và nhân cách hơn mình. Nó là tương tri và còn hơn thế nữa!
 
Người xưa viết thơ là để đồng điệu tìm bạn tâm giao. Hiểu thơ nhau là để cảm kích được cái tâm của nhau.
 
Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đã từng rất tri âm ngay từ thưở còn đi học. Giờ đây, câu thơ đã nghĩ chỉ cần vài giọt mực viết lên giấy là xong. Thế nhưng, phải đắn đo và rồi không viết nữa. Bởi "viết đưa ai, ai biết mà đưa"
 
Nhân vật ai thứ nhất là người trao thơ, nhân vật ai thứ hai là nhân vật thưởng thức thơ. Hai nhân vật ai là một Dương khuê đấy thôi! Vần iết trong tiếng Việt thường biểu thị những sự tiếc nuối. Sự vật thường lóe lên rồi tắt lịm ngay. ý nghĩ viết tắt bởi nhận ra rằng hoạt động làm thơ của mình là vô mục đích. Hai dòng thơ tiếp theo.
 
"Giường kia treo cũng hững hờ
 Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn"
 
Cách ngắt nhịp rất lạ 3 / 3 và 3 / 5.
 
Sự ngắt nhịp ấy cho ta thấy giường và đàn là chủ ngữ, là sự vật có linh hồn. Như vậy, việc mất Dương khuê đã khiến cho sự vật cũng đau theo lòng chủ. Cái giường treo luôn dành chờ bạn tự nó hững hờ rời rã không muốn tiếp ai.
 
Cái đàn kia tự gảy lên thành tiếng không tìm được sự đồng điệu tri âm cho nên nó ngẩn ngơ, nó lắng sâu để lại nỗi cô đơn, nỗi vô duyên của mình...
 
Đàn ấy, giường ấy, dù là điển tích, từ chương nhưng thực ra chính là Nguyễn Khuyến đấy thôi.
 
Đọc lại đoạn thơ, nghe vọng trong những dòng thơ ây rất chân thành, tiếng nấc từ gan ruột. Nếu câu lục là lời kể lể, thì câu bát trào lên như những đợt sóng của tâm can đầy bấn loạn.
 
 Ta thử đọc lời kể:
 
"Rượu ngon / không có / bạn hiền"
 
Thế nhưng khi đọc dòng bát ngữ âm câu thơ đã vỡ ra:
 
"Không mua // không phải // không tiền //
Khô... ông... mua...a"
 
Hai dòng thất tiếp theo cũng là lời khóc òa theo nước mắt như vậy khi đọc ta phải dằn mạnh ở tiếng thứ ba và thứ hai tiếng cuối phải trầm xuống, nhòa đi!
 
"Câu thơ nghĩ // đắn đo // không viết
 Viết đưa ai // ai biết // ma... à... đư... ưa"
 
Có lẽ phải nghe cho được cái hồn của đoạn thơ, ta mới thấy tiếng khóc chân thành đầy nước mắt của ông già Nguyễn Khuyến mất bạn - mất cái giá trị tinh thần lớn nhất còn lại của đời mình.

Phân tích bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến 18

Nguyễn Khuyến (1835-1909), người Yên Đỗ, huyện Bình Lục, tỉnh Lục Nam, xuất thân từ một nhà nho nghèo, học giỏi và có chí lớn. Người đời gọi ông là "Tam nguyên Yên Đổ", bởi ông đỗ đầu ba kì thi. Nguyễn Khuyến cũng làm quan dưới triều Nguyễn. Ông có tinh thần yêu nước, có chí giúp đời, nhưng bất lực trước thời cuộc, hơn nữa không cam tâm làm tay sai cho giặc Pháp nên ông cáo quan về quê sống cuộc đời dạy học thanh bạch.

Nguyễn Khuyến để lại 800 bài thơ Nôm và thơ chữ Hán, vài chục câu đối. Ông nổi tiếng với ba bài thơ thu, những bài thơ viết về vợ con, tình bạn. Khóc Dương Khuê vốn được ông viết bằng chữ Hán (Vãn đồng niên Văn Đình tiến sĩ Dương thượng thư) sau chính Nguyễn Khuyến dịch ra thơ Nôm gồm 38 câu song thất lục bát.

Bài thơ viết về Dương Khuê, bạn đồng khoa, đồng thời là bạn tri âm, tri kỉ của Nguyễn Khuyến (Dương Khuê sinh năm 1839, mất năm 1902, quê ở làng Vân Đình, tổng Phương Đình, tỉnh Hà Đông, nay là huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Tây.Ông là đại quan của triều Nguyễn, đồng thời là nhà thơ để lại một số bài thơ hát nói tuyệt tác.

Có lẽ, trong văn học, một bài thơ khóc bạn vừa cảm động chân thành lại vừa giàu giá trị nghệ thuật như Khóc Dương Khuê không phải là nhiều.

Câu thơ mở đầu:

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Chữ "thôi" lặp lại hai lần với nhịp “giật cục" như những tiếng nấc, tiếng nấc bật lên từ một cảm giác bàng hoàng, choáng váng khi quá đột ngột nghe tin dữ về bạn.

Để rồi đến câu thứ hai:

Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta

Người còn sống như ngẩng đầu nhìn trời mây vô tận, để tìm bạn, tìm một chỗ bấu víu, nhưng vũ trụ chỉ còn lại một không gian mênh mông, trống vắng, đành phải quay về ngậm ngùi với nỗi cô đơn "một mình mình biết, một mình mình hay". Âm điệu câu thơ xuôi trôi như một tiếng thở dài của con người đang nén nỗi đau mất bạn.

Nhưng chính lúc này, hình ảnh về người bạn, bỗng ở đâu ào ạt hiện về. Từ câu thứ ba đến câu 15, liên tiếp 13 câu thơ, muôn ngàn hình ảnh về những kỉ niệm giữa "tôi" với "bác" đồng hiện trong một cuộn phim dài. Hàng loạt từ ngữ chỉ thời gian được lặp lại: trong khi, có lúc, có khi cho thấy giữa "tôi" và "bác" tồn tại một thời gian tình bạn. Thời gian ấy từ khi bắt đầu như mối duyên định trước: Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời. Và từ đây, tình bằng hữu trở thành thước đo của thời gian: Có lúc chơi nơi dặm khách/ Có khi tầng gác cheo leo /  có lúc rượu ngon/ có khi bàn soạn câu văn,… Thời gian không chỉ chảy một cách vô hồn, vô nghĩa, thời gian được tạo lập bởi những niềm vui bất cửu của tình bạn. Tình bạn có biết bao sắc màu, biết bao vẻ đẹp: trong sáng và thanh cao như thiên nhiên, tiếng suối nghe róc rách lưng đèo; rộn ràng sôi động không khí thưởng thức nghệ thuật, thú vui con hát lựa chiều cầm xoang; mê ngây ngất chén quỳnh tương âm ấp bầu xuân; và thâm trầm trí tuệ biết đông bích điểm phần trước sau.

Bài thơ nhắc đến hàng loạt kỉ niệm. Thời điểm khác nhau, không gian thay đổi, với biết bao sự việc, nhưng có một điều cố định: ở đâu, lúc nào, việc "tôi bác bác tôi" và cũng luôn hiện diện song đôi như hình với bóng: tôi bác cùng nhau; lúc vui: rượu ngon cùng nhấp; lúc buồn: cùng nhau hoạn nạn; cho đến tuổi: Bác già tôi cũng già rồi.

Đó là những kỉ niệm cũ, và đây là kỉ niệm về lần gặp gỡ gần đây:

Trước ba năm gặp bác một lần
 Cầm tay hỏi hết xa gần
 Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can

Người ở lại cảm thấy như có gì không hợp lí, rất khó tin:

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;

Không thể tin được nên trong lòng người bạn cô đơn những câu hỏi dồn dập cất lên:

….Làm sao bác vội về ngay?
… Sao vội vàng đã mãi lên tiên?

Người ta "sinh có hạn tử bất kì", ai cũng biết thế, ông nghè Tam Nguyên Yên Đổ lại càng biết thế, nhưng tình bạn tri âm tri kỉ thì không cấn biết. Sự ra đi quá đột ngột của người bạn đã từng gắn bó với mình bao năm tháng đã làm cho cụ già Nguyễn Khuyến cũng hờn dỗi như trẻ nhỏ. Cụ đưa ra những "lí lẽ" để dỗi bạn: tôi hơn tuổi bác! tôi… đau trước bác / tôi cũng chán đời như Bác, người ra đi trước phải là tôi, thế mà bạn phải vội vàng ra đi, bỏ tôi ở lại.

Một cảm giác hụt hẫng trống vắng bỗng ngập tràn bởi hàng loại chữ không xuất hiện liên tiếp:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.
Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,         
Viết đưa ai, ai biết mà đưa

Nghĩ đến rượu, đến thơ, rồi đến đàn (Đàn kia…) toàn những vị thuốc giải sầu hữu hiệu cổ kim của tao nhân mặc khách, giờ đây bỗng trở nên bất lực, bởi nỗi buồn này, nỗi cô đơn này, sự mất mát này quá lớn. Mọi thứ trở thành vô nghĩa, khi trên đời này không còn bạn.

Câu thơ: Viết đưa ai, ai biết mà đưa, thật giản dị, nhưng đọc lớn biết bao xúc động. Rồi hai điển tích được lồng rất khéo:

Giường kia treo những hững hờ
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

gợi về những tình bạn bất hủ: Trần Phồn dành riêng cho người bạn thân là Từ Trĩ một chiếc giường khi bạn đến mới nằm, bạn về lại treo lên; Bá Nha chơi đàn giỏi và chỉ có một người bạn là Tử Kì mới nghe là hiểu được tiếng đàn của ông, khi bạn mất, Bá Nha đập đàn vứt bỏ vì cho lằng trên đời này chẳng còn kẻ tri âm. Và khi không còn người tri âm tri kỉ thì chỉ còn trên đời này một kẻ bơ vơ cô đơn lẻ bóng. Bởi vậy không phải là tếng đàn mà chính lòng người đang ngẩn ngơ trống vắng, đắm chìm trong niềm tiếc nuối.

Trong cái thế giới đa dạng và bận rộn này, hơn hết mọi thứ trên đời là tình cảm giữa con người và con người. Và cái đẹp đẽ, giàu ý nghĩa nhất của tình người lại là tình bằng hữu. Bởi lẽ, tình cha con, tình vợ chồng, tình thầy trò, tình đồng chí… xét cho cùng nếu không có vị mặn mòi của tình bạn, tất cả chỉ còn là những liên kết thiếu hẳn hơi ấm của con người.

Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến không phải chỉ là tiếng khóc mà còn cho ta thấy rõ ý nghĩa to lớn của tình bạn.  Hạnh phúc biết bao khi trên đời này ta được sống trong vòng tay của bè bạn. Và cũng bất hạnh biết bao khi trên nấm mồ của ai đó không có bạn hữu khóc thương.

Phân tích bài thơ Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến 19

 Tình bạn là một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, mất đi một người bạn, đặc biệt là người bạn tri âm, tri kỉ là một sự mất mát lớn đối với mỗi con người. Từ nỗi đau mất bạn của mình, Nguyễn Khuyến đã viết nên những vần thơ tràn đầy cảm xúc, bộc lộ tình cảm chân thành của nhà thơ với bạn qua bài thơ Khóc Dương Khuê.

    Dương Khuê (1839 – 1902) người làng Vân Đình, Tổng Phương Đình, tỉnh Hà Đông nay là Vân Đình, huyện Ứng Hoà, Hà Tây. Đỗ Tiến sĩ năm 1868, làm quan đến Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình ông là bạn thân của Nguyễn Khuyến. Khi làm Tổng đốc Nam Định, ông đã đứng về phía chủ chiến trong việc “đánh hay hoà với Thực dân Pháp”. Ông bị vua Tự Đức chê là “Bất thức thời vụ” (không hiểu việc đương thời). Ông bị giáng chức cho coi việc khẩn hoang. Cuối đời con đường hoạn lộ cũng thông đạt. Dương Khuê còn là nhà thơ, Thơ Dương Khuê khác thơ Nguyễn Khuyến. Thơ ông bộc lộ tự do phóng túng theo chiều hướng lãng mạn: Nằm khểnh ngâm thơ cho vợ ngủ; Rũ đầu uống rượu với con chơi”. Hai người kết bạn từ khi cùng đi thi. Mặc dù cuộc sống và chí hướng của 2 người khác nhau nhưng họ vẫn giữ được một tình bạn chân thành, thắm thiết.

     Lẽ thường, đối với thi sĩ là nho sĩ của văn học trung đại người ta viết văn tế hoặc làm câu đối để khóc bạn khi bạn mất. Nguyễn Khuyến không theo thông lệ ấy. Ông chọn loại thơ trữ tình. Khóc Dương Khuê là một bài thơ trữ tình mang một nỗi niềm riêng tư sâu lắng, da diết tiếc thương. Bài thơ Khóc Dương Khuê nguyên văn bằng chữ Hán, tác giả dịch ra chữ Nôm.

Khóc Dương Khuê được viết theo thể song thất lục bát đậm màu sắc dân tộc, có khả năng diễn tả nỗi sầu thương, tiếc nuối ai oán. Chọn thể thơ dân tộc này, Nguyễn Khuyến thoát khỏi những khuôn mẫu của nghi lễ cứng nhắc, nhàm chán để diễn tả tình cảm chân thành của một ông bạn già khóc thương một ông bạn già.

Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

     Nhận tin bạn mất, Nguyễn Khuyến vô cùng xúc động. Lời thơ như một tiếng than đầy tiếc thương, nhẹ nhàng mà thắt thiết. Hai tiếng “Bác Dương” thể hiện sự gần gũi, gắn bó, thân thiết. “Thôi đã thôi rồi” như một tiếng thở dài buông xuôi não ruột. Nỗi đau xoáy vào lòng người, trở thành nỗi ngậm ngùi xót xa như chia cả với trời đất “Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta” . Thiên nhiên cũng chia sẽ với con người nỗi mất mát lớn lao ấy. Nhịp điệu câu thơ cũng nghẹn ngào, có cái gì không thoát ra lời ở “nước mây man mác” tiếng “mác” làm tiếng khóc như ứ nghẹn bởi phụ âm tắc vô thanh. Nó lắng xuống ở hai tiếng “ngậm ngùi” và xa xót trong lòng người khóc. Tác giả đã thể hiện tâm trạng đó bằng cách nói giảm nói tránh kết hợp với các từ láy đầy xót xa.

    Từ nỗi đau, nhà thơ trở về với quá khứ, với kỉ niệm:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẩn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau:
Trong khi gặp gỡ, khác đâu duyên trời.

      Nhà thơ nhớ lại quãng thời gian cùng “đăng khoa” – cùng đi thi, cùng đỗ đạt một khoá. Đó là quãng thời gian “sớm hôm gắn bó”, mà Nguyễn Khuyến gọi là “duyên trời”. Trên đời này không phải ai cũng là bạn thân của mình. Đặc biệt, tình bạn của hai người lại vô cùng cao quý, là sự “kính yêu từ trước đến sau”. Đôi bạn này là đôi bạn “đại khoa” cho nên trong tình bạn chữ “kính” đặt lên trước chữ “yêu” đi kèm theo. Trí tuệ đi trước, khai sáng cho tình yêu. Kính nhau vì tài đức, yêu nhau vì nết vì tình. 

      Rồi tình bạn ấy, làng càng đẹp hơn, keo sơn gắn bó hơn bởi những lần đi du ngoạn “chơi nơi dặm khách”:

Cũng có lúc chơi nơi dặm khách;
Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo.
Có khi từng gác cheo leo, 
Khúc vui con hát lựa chiều cầm xoang.

     Đó là những lúc mà hai người cùng nhau đến hững nơi xa xôi phong cảnh núi rừng “Tiếng suối reo róc rách lưng đèo”. Cả những tầng cao đón gió, thú vui đàn ngọt hát hay: “Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”.

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp:
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích điển phần trước sau.

      Người xưa có nói: “Tửu phùng tri kỉ thiên bối thiểu – Thi hội tri âm bán cú đa”. Bạn tri âm trong hội thơ (chỉ nghe qua) nửa câu thơ đã là nhiều không cần dài lời cũng đủ hiểu bạn. Nguyễn Khuyến nhớ lại những lần cùng bạn uống rượu làm thơ:

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Có khi bàn soạn cáu văn,

Biết bao đông bích điển phần trước sau.

     Chén quỳnh tương là chén ngọc, một cách nói sang trọng. “Rượu ngon cùng nhắp” và hình ảnh “ăm ắp bầu xuân” như còn giữ lại một tình bạn trong hương vị nồng nàn, hứng khởi. Nhắc tới chuyện bàn soạn văn chương thì đầy ắp những sách vở, điển cố. Hai chữ “đông bích, điển phần” biểu lộ niềm tự hào kín đáo của những nhà nho học rộng tài cao.

     Nguyễn Khuyến đã sử dụng cách diễn đạt trùng điệp hai nhóm từ ngữ: “Cũng có lúc” và ”có khi” đan chéo vào nhau, bốn lần xuất hiện trên tám dòng thơ, vừa để liệt kê gợi nhớ, vừa tạo nên âm hưởng quấn quýt, thiết tha. Những kỉ niệm ấy vô cùng sâu sắc, đẹp đẽ về tình bạn, không bao giờ có thể quên được.

      Kỉ niệm giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê không chỉ có kỉ niệm đẹp, kỉ niệm vui mà còn có kỉ niệm buồn:

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,
Miếng đẩu thăng chẳng dám than trời,

     Nguyễn Khuyến cho đó là “phận”, là: “tai ách” “Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn”. Làm quan dưới thời ấy là làm tay sai. Vua, quan gì ở thời mất nước. Câu thơ cũng ngậm ngùi xa xót của vị đắng. Làm quan mà cả hai nào có vui gì. Hai câu:

Bác già tôi cùng già rồi

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là

     Tiếng khóc bạn bộc lộ cả một cái nhìn lành mạnh về thời cuộc, về phận mình, về sự tính toán nhầm lẫn để đường đi lỡ bước… Đó là tiếng khóc cao cả của một quan niệm mới mẻ, khi con người đã nếm trải trên đường hoạn lộ. Mấy tiếng “Thôi thế thì thôi” như một sự buông xuôi vì đã chót làm quan mất rồi biết làm sao. Nó chỉ còn là tiếng thở dài đến ngao ngán. Đó là tiếng khóc mang cảm hứng nhân sinh của kẻ sĩ bất lực trước thời cuộc.

      Nhà thơ nhớ lại lần gặp cuối cùng cách đây ba năm:

Muốn đi lại tuổi già thêm nhác”

Trước ba năm gặp bác một lần

Cầm tay hỏi hết xa gần

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can

     Đó là lần gặp gỡ cuối cùng, vì tuổi già, vì sự xa cách. Trong lần gặp gỡ đó, hai người đã mừng mừng, tủi tủi “cầm tay nhau hỏi hết xa gần” và sung sướng, mừng cho nhau vì sức khoẻ vẫn còn trụ vững ở đời. Câu thơ viết rất tự nhiên mà thật cảm động. 

     Ngày gặp gỡ cách đây ba năm dường như mới chỉ là hôm qua, vậy mà, hôm nay đã nghe tin “bác mất”:

Làm sao bác vội về ngay, 
Chợt nghe tôi những chân tay rụng rời !

    Khi mất bạn, Nguyễn Khuyến bộc lộ tình cảm hẫng hụt, trống vắng. Nhận tin bạn mất cảm thấy như mất đi một phần cơ thể:“chân tay rụng rời”. Những từ “chợt, bỗng” cùng với câu cảm thán diễn tả sự bất ngờ và hẫng hụt trong tình cảm. Và rồi, hàng loạt hình ảnh thơ diễn tả sự trống vắng khi mất bạn:

Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua

     Bốn tiếng không diễn tả nỗi lòng cô đơn, trống vắng. Chữ nghĩa cứ trùng lặp mà không lấp đầy nỗi cô đơn.

Câu thơ nghĩ đắn đo chưa viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa

     Mất bạn hiểu thơ mình rồi. Tìm đâu thấy được tri âm. Nhà thơ đã mượn tích xưa để diễn tả lòng mình. Trần Phồn đời Hậu Hán có người bạn là Tử Trĩ. Phồn dành riêng cho bạn một cái giường. Bạn đến mời ngồi. Bạn về lại treo giường lên. Bá Nha và Chung Tử Kì cũng là hai người bạn tri âm. Chỉ có Chung Tử Kì khi nghe tiếng đàn của Bá Nha mới hiểu được những điều Bá Nha đang nghĩ. Sau khi Chung Tử Kì mất, Bá Nha đã đập đàn không gảy nữa vì cho rằng từ nay không ai còn hiểu được tiếng đàn của mình.

Từ hai điển tích trên đây đi vào thơ Nguyễn Khuyến

Giường kia treo những hững hờ

Đàn kia gảy những ngẩn ngơ tiếng đàn

     Bài thơ khóc bạn chan hoà nước mắt mà rất ít nói tới nước mắt. Duy có hai câu thơ cuối:

Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan

    Câu thơ nói tới nước mắt mà thấy rất ít nước mắt. Vì Nguyễn Khuyến tình cảm thường rất kín đáo. Bằng tình cảm chân thành, bài thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi đau mất bạn. Nỗi đau ấy hiện ra dưới nhiều cung bậc: lúc bộc phát, lúc ngậm ngùi nuối tiếc, lúc lắng đọng thâm sâu.

     Với tài năng và tấm lòng sâu nặng nghĩa tình, nhà thơ Nguyễn Khuyến đã để lại cho đời một bài thơ nổi tiếng về khóc bạn. Bài thơ rất thành công về mặt nghệ thuật: câu hỏi tu từ, điệp từ điệp ngữ, từ láy… Tất cả các biện pháp nghệ thuật ấy có tác dụng nhấn mạnh nỗi đau đớn khôn nguôi của tác giả khi người bạn tri ầm tri kỉ của mình qua đời.

      Khóc Dương Khuê thể hiện tình cảm vừa xa xót ngậm ngùi, vừa thiết tha luyến tiếc, đồng thời thể hiện sự trống vắng cô đơn của Nguyễn Khuyến khi bạn mất. Bài thơ là một kết tinh nghệ thuật quý báu của Nguyễn Khuyến. Qua tiếng khóc bạn đau đớn mà thấm thía, ta thấy đó là một tình bạn thủy chung, thắm thiết giữa cuộc đời đáng buồn lúc đó. Tình bạn ấy thật đáng trân quý biết bao.

Phân tích bài “Khóc Dương khuê” của Nguyễn Khuyến 20


Bác Dương thôi đã thôi rồi.

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta

Mở đầu là cảm giác sửng sốt và nỗi “ngậm ngùi” của Nguyễn Khuyến trước sự ra đi đột ngột và vĩnh viễn của bạn mình – Dương Khuê, ở đoạn sau, cảm nhận ấy còn được nhắc lại.



“Làm sao bác vội về ngay.

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời”

Câu “làm sao bác vội về ngay” trong nguyên tác bằng chữ Hán là “Hốt văn công phó chí” (1), dịch nghĩa là “Chợt nghe tin báo bác đã qua đời”. Câu thơ dịch không dùng chữ theo nghĩa đen “đã qua đời” mà theo nghĩa bóng “vội về ngay”. Cả bốn lần nói về cái chết của Dương Khuê, Nguyễn Khuyến đều cố tránh cánh diễn đạt trực tiếp về một mất mát đau lòng, một thực tế có vẻ phi lý nhưng lại hiển nhiên:

“…thôi đã thôi rồi” (câu 1)

“…vội về ngay” (câu 25)

“…mãi lên tiên” (câu 28)

và “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở” (câu 35).

Cuộc tử biệt sinh ly đem đến cho người đang sống một tâm trạng hai chiều bạn mất và mất bạn.

Cái chết của bạn sống lại trong lòng tác giả một quãng đời quan trọng với bao kỷ niệm tưởng đã lùi sâu vào dĩ vãng, từ những chuyện nghiêm chỉnh như thi cử đến những chuyện phóng khoáng như cuộc rượu, câu thơ, con hát… Quãng đời ấy lại gắn liền với một cục thế hết sức phức tạp và đen tối. Năm 1882. Hà thành thất thủ; năm 1883, thất thủ kinh đô: Hiệp ước Hác – măng (Harmand) rồi hiệp ước Pa – tơ – nốt (Patennôtre) nhục nhã… Hầu như cơn giông tố ba đào “quốc biến” cứ dồn dập đuổi theo Tam Nguyên trẻ tuổi vừa mới xuất chinh (2).

Hai người kết bạn với nhau ít nhất cũng ba mươi tám năm kể từ khoa thi Giáp Tý (1864). Sau cái sự kiện năm 1883, mỗi người chọn lấy một cách xử thế. Nguyễn “cáo về” ở tuổi năm mươi, tuổi của sự dày dặn và chính chắn. Hai mươi bốn năm tiếp theo, ông là chính nhân đáng giá của lịch sử đất nước với hàng loạt vấn đề cũ và mới như nước mắt, dân nô lệ, nạn đói, kẻ sĩ biến chất, bọn cơ hội, tùy thời “bung ra” và lấn lướt…” bao nhiêu sự kiện phản ảnh vào ông bao nhiêu dằn vặt, tranh đấu trong tâm hồn ông!” (Xuân Diệu) (3). Thơ văn ông đẫm lệ nhân sinh và vũ trụ. Dương ở lại theo “phận đẩu thăng”, thơ văn nặng mùi hưởng lạc. Như vậy, ba mươi tám năm bầu bạn, họ không phải luôn luôn và hoàn toàn tượng tri, tương đắc. Nhất là khoảng thời gian mười chín năm cuối với vấn đề nổi cộm là họ Dương ở lại công tác với kẻ thù dân tộc (?). Dĩ nhiên, họ Dương không thuộc “ê kíp” (4), những tên nhồi tro xác cụ Phan vào thuốc súng rồi bắn xuống “Lan Giang” (4) những kẻ bày trò văn chương thi vịnh Kiều đề đánh hỏa mù vấn đề chính trị (5).

Một câu hỏi lý thú được đặt ra là: Nguyễn Khuyến nhìn nhận bạn như thế nào mà luôn một lúc “sáng tác một bài Nôm song song với bài chữ” (6) để “Khóc Dương Khuê”, bài nào cũng hay và bài thơ dịch còn được đánh giá là áng văn vào hàng hay nhất về tình bạn trong Văn chương nước nhà?

Những câu thơ tuyệt vời dưới đây đâu phải là chuyện kỷ xảo hoặc tài chơi chữ mà sự chuyển tải những xao xuyến tâm hồn, một tiếng khóc chân thành:

“Rượu ngon không có bạn hiền.

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết.

Viết đưa ai, ai biết mà đưa?

Giường kia treo cũng hững hờ.

Đàn kia gẩy củng ngẩn ngơ tiếng đàn”.

Một câu lục bát chỉ mười bốn tiếng, có đến năm từ “không” lặp đi lặp lại nỗi tiếc bạn không nguôi, nỗi đau mình cô độc trước cuộc đời bất như ý. Còn ai để giải bày tâm sự: “viết đưa ai” và còn ai có thể hiểu được mình “ai biết mà đưa?” Nỗi cô đơn của tác giả đã vượt quan hệ Dương – Nguyễn lớn lên thành nỗi đau đời! Thực dân Pháp đã ngồi yên chỗ, ngọn cờ cần Vuơng đã ngã xuống… trong tâm trạng lớp người như Yên Đổ, đại cục của đất nước coi như đã hỏng. Âu trong nỗi buồn mất bạn là nỗi buồn nhân thế, một nỗi buồn thế kỷ. Điều ấy giải thích vì sao tác giả đã tìm được sự đồng cảm của nhiều thế hệ bạn đọc. “Đàn kia” có “gẩy” nữa cũng chỉ làm “ngẩn ngơ” những ai đang “ngất ngơ, lơ láo” trong cảnh “ngày loạn, người cùng”(7). Nỗi buồn nhân thế ấy đã được tác giả khái quát vào một câu thơ đậm chất triết lý: “Ai chẳng biết chán đời là phải”. Không chán sao được khi cái đạo của đời thì đang sụp đổ, còn mình thì:

“Nghĩ đến bút nghiên trào nước mắt

Ngước nhìn sông núi xiết buồn đau!” (8)

Trở lại câu hỏi đã được đặt rạ.

Nguyễn Khuyến vẫn giữ một tình bạn chân thành “từ trước đến sau”, thủy chung như nhất. Ông hết sức ân cần với bạn:

Cầm tay hỏi hết xa gần.

Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can.

Và thực sự đau xót khi nhận được tin chẳng lành:

“Chợt nghe, tôi bỗng tay chân rụng rời”

Nhưng, Nguyễn Khuyến cũng có một thái độ rạch ròi trong việc Dương Khuê ra hợp tác với Tây. Có điều thái độ đó được chuyển tải ra câu chữ hết sức kín đáo và tinh tế.

Tác giả dành hai mươi câu thơ (từ câu 3 đến câu 22) trên tổng số ba mươi tám câu toàn bài để nói về ba mươi tám năm hai người là bạn của nhau. Mười sáu câu trên nói về mười chín năm đầu, lúc cuộc đời dù sao vẫn còn suôn sẻ, khi cả hai tuổi xuân đang phơi phới. Ở tám câu còn lại thì bốn câu cuối (các câu 19,20,21,22) nhắc lại lần gặp nhau gần nhất. Không bao giờ là lần cuối, lần vĩnh biệt. Bốn câu trên (các câu 15,16,17,18) tóm lược chín năm cuối cùng kể từ cái mốc 1883: “Buổi dương cửu… thì thôi mới là!”

Mười chín năm va đập trong cơn quốc biến, chính là lúc vàng đưa vào lửa, lúc nhân cách con người được thử thách trước vận hạn “nước loạn, nhà nghèo”. Lẽ nào lại “dám than trời” cái “phận đẩu thăng?”. Lẽ nào phải đi xin giống khác miếng ăn, “ăn vào thì lại nhục”(9). Vẫn biết, mỗi người có một cảnh ngộ, có kẻ vì cơm áo, có người mất lòng tin và dũng khí… an phận “sáng vác ô đi, tối vác về”. Nguyễn Khuyến cũng nghèo, gốc gác vốn nghèo, làm quan thanh liêm, về già có người “cho thịt” mà ông “ôm mặt khóc”. Khóc vì “Những nỗi cực nhục ở trên đời” (Xuân Diệu) (10). Đối với kẻ sĩ chân chính, danh tiết còn nặng hơn hình hài. “Nghèo chứ không khốn khổ. Kẻ sĩ không thi hành đạo đức thì mới khốn khổ (Trang Tử) (11). Vả lại, rộng và lớn hơn khuôn khổ chữ trung cũ kỹ đối với một dòng họ, một triều đại, vượt khỏi cấp độ truyện cổ “Bá Di, Thúc Tề”, đây là vấn đền nỗi nhục của quốc gia Đại Việt văn hiến. Trước họ mấy thập kỷ, Đồ Chiểu đã dứt khoát: “Thà đui mà giữ đạo nhà”, “thà thác mà chẳng đầu Tây” (12)… Dương Khuê không hẳn không biết Nguyễn Khuyến từng băn khoăn “về hay ở?” (13), “Mừng thấy các ông lùi mạnh bước” (14), mừng thấy “Đạo ta có lẽ chưa cùng chăng?” (15), “Khóc Dương Khuê” không phải là việc “đập cổ kính…” (16) mà đây là lần cuối nói với nhau một lời phải, lúc đậy nắp quan tài cho người đã khuất:

Biết thôi, thôi thế thì thôi mới là!” (câu 18)

Câu thơ dịch trên, nguyên văn chữ Hán là “Giải tổ quy điền viên”, dịch nghĩa “Cởi dây ấn về với ruộng vườn”, ý tứ rõ ràng cụ thể. Câu thơ dịch thanh thoát, ngôn từ dung dị, nhạc điệu uyển chuyển mềm mại làm cho ý nghĩa “co giãn”, vừa mang sắc thái triết lý, vừa là một lời trách cứ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

Không ai có thể dịch đúng ý tác giả hơn chính tác giả, nhất là đối với con người “nếu ngày xưa có thi thơ Nôm thì Nguyễn Khuyến lại đoạt thêm một cái bảng vàng Tiến sĩ thơ Nôm nữa, chứ chẳng chơi!” (17).

Phân tích bài “Khóc Dương khuê” của Nguyễn Khuyến 21

Nguyễn Khuyến là hình mẫu nhà nho chân chính ở giai đoạn cuối cùng của nền Hán học. Theo đuổi nghiệp khoa cử, ra làm quan rồi cáo quan về ở ẩn, cuộc đời lận đận của ông là sự cố gắng giữ mình thanh sạch. Giai đoạn cuối đời là giai đoạn ông mang nhiều tâm sự nhất. Tâm sự của nhà thơ lúc này thường phảng phất sự cô đơn, u ẩn. Bao nỗi niềm chất chứa trong lòng. Và khi nghe tin Dương Khuê – người bạntri âm một thời đã ra đi, cảm giác cô đơn chắc chắn lại dâng đầy trong lòng nhà thơ. Và lời khóc bạn cũnglà lời tâm sự thời thế của người còn lại.

Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là hai người bạn thân khi cùng nhau theo đuổi nghiệp khoa cử, họ cũng từng tâm đầu ý hợp trong chuyện văn chương. Nhưng với hai quan điểm khác nhau. Nguyễn Khuyến sau gần mười năm làm quan đã cáo quan về quê sống cuộc đời thuần chất của một nhà thơ để giữ mình trong sạch trước xã hội đang vô cùng lộn xộn. Còn Dương Khuê thì tiếp tục làm quan nhưng vẫn là một ông quan thanh liêm chính trực. Vì thế, họ không có nhiều thời gian để đàm đạo. Tuy vậy, họ vẫn là những tri âm tri kỉ. Với các nhà nho xưa, tình bạn tri âm nhiều khi còn quan trọng hơn cả tình cảm gia đình. Họ cùng nhau đàm đạo chuyện văn chương, sẻ chia tâm sự thời thế, chia ngọt sẻ bùi lúc hạnh phúc cũng như khi hoạn nạn. Đã có những tình bạn đẹp trở thành những điển cố điển tích như tình bạn Bá Nha – Tử Kì, Trần Phồn – Từ Trĩ, Lưu Bình – Dương Lễ… Và Nguyễn Khuyến cũng đã coi tình bạn giữa mình với Dương Khuê là tình bạn tri âm như thế.Sự ra đi đột ngột của người tri âm đã để lại trong lòng nhà thơ nỗi đau đớn khôn xiết :

Bác Dương thôi đã thôi rồi,

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta.

Tiếng khóc của người bạn già nên có âm điệu và sắc thái tình cảm riêng. Đó là nỗi đau lớn nhưng được thể hiện rất điềm đạm. “Thôi đã thôi rồi”, “man mác”, “ngậm ngùi” là những từ ngữ biểu cảm có khả năng chuyển tải được cung bậc tình cảm ấy.

Sau phút giây bàng hoàng là hồi ức về những kỉ niệm xưa giữa hai người. Sự phát triển của mạch cảm xúc theo đúng quy luật tâm lí thông thường của con người. Lời khóc và cũng là lời viếng bạn, là bài điếu văn của người tri kỉ gửi người tri âm. Những kỉ niệm gắn bó khi hai người cùng học hành, thi cử, bàn luận văn chương và cả những ngày cùng chung hoạn nạn của cuộc sống quan trường đầy phức tạp. Người khác đã tổng kết lại chặng đường đời mà cả hai đã trải qua đểkhắc sâu hơn sự gắn bó của họ trong quá khứ :

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau

…..Cầm tay hỏi hết xa gần,

Mừng rằng bác hãy tinh thần chưa can.

Họ gắn bó với nhau trong mọi việc. Kỉ niệm được nhắc lại bắt đầu từ khi họ gặp nhau và cho đó là “duyên trời”. Đã là duyên trời có nghĩa là tiền định. Sự gặp gỡ của họ không phải là vô tình mà đã được sắp đặt từ trước. Thông thường chỉ duyên vợ chồng mới do trời định. Cách diễn đạt này của tác giả đã khẳng định một lần nữa tình bạn sâu sắc của hai người. Họ đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng “chơi nơi dặm khách”, “rượu ngon cùng nhắp”, cùng “bàn soạn câu văn”. Không chỉ có những kỉ niệm ngọt ngào, họ cũng đều cùng là nạn nhân của thời thế :

Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đẩu thăng chẳng dám than trời ;

Trong hồi ức thấp thoáng nỗi đau thời thế. Nhớ lại kỉ niệm của những ngày cùng nhau gắn bó, nhớ lại lần gặp gỡ cuối cùng khi cả hai đã già nhưng vẫn giữ được mình trong sạch, người ở lại càng đau đớn hơn. Nỗi đau ấy được thể hiện thật xúc động và chân thật :

Làm sao bác vội về ngay,

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.

Sau những hồi ức về những ngày đã qua, người bạn cảm nhận rõ hơn, cụ thể hơn nỗi đau mất bạn. Không phải chỉ là thương cho người ra đi đã phải sớm từ giã cuộc đời mà còn là thương mình, thương cho người ở lại đã mất đi một tri âm. Vẫn mang trong lòng nỗi u uất thời thế nên trong lời khóc bạn, trong nỗi đau mất tri kỉ có cả nỗi đau thời thế :

Ai chẳng biết chán đời là phải,

Sao vội vàng đã mải lên tiên.

Giữa họ, trong những ngày không gặp nhau khi mỗi người đi một con đường, vẫn chung nỗi đau thế sự. Xác nhận “chán đời là phải” là sự thể hiện một cách kín đáo và thâm trầm của nhà nho về thời thế. Thời thế hỗn loạn, những giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống đang bị phá huỷ đã khiến những nhà nho có nhân cách và biết tự trọng như Nguyễn Khuyến luôn cảm thấy “chán đời”. Trong tiếng khóc bạn phảng phất cả lời khóc mình.Tình bạn keo sơn và nỗi lòng của người tri âm, nỗi đau mất bạn được thể hiện rõ và sâu sắc nhất ở đoạn thơ cuối cùng :

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.…

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn.

Dùng một loạt điển tích, điển cố về tình bạn tri âm, nhà thơ đã thể hiện và khẳng định một lần nữa tình bạn thân thiết của hai người. Từ đó bộc lộ nỗi đau mất bạn. Mất đi người tri âm, người ở lại sẽ rơi vào cô đơn, sẽ không còn người để giãi bày tâm sự. Mà trong lòng nhà thơ lúc ấy đang chất chứa bao nhiêu tâm sự cần người sẻ chia. Nỗi đau của một người già khi mất bạn, sự sâu sắc của tình bạn già được thể hiện rõhơn ở bốn câu thơ kết thúc :

Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương ;

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan !

Lời khóc bạn của người già khác với nỗi đau của người trẻ tuổi. Đây là nỗi đau nuốt nước mắt vào trong. Tình cảm chân thành của một người bạn già đã được thể hiện thật chân thành và sâu sắc.Với những từ ngữ mộc mạc, chân chất và thể thơ song thất lục bát, tác giả đã thể hiện thật xúc động nỗi đau trước sự ra đi của một người bạn. Sự thay đổi nhịp thơ ở đoạn 2 và đoạn 3 đã góp phần thể hiện rõ hơn tâm trạng của nhân vật trữ tình. ở đoạn 2, âm điệu thơ vui hơn, dồn hơn bởi đó là lúc nhân vật trữ tình đắm mình trong kỉ niệm, trong những hồi ức đẹp khi họ còn có cả hai người. Còn ở đoạn sau, khi chỉ còn lại một mình, trong nỗi cô đơn không người chia sẻ, người bạn ở lại đau đớn và cô độc trong sự nuối tiếc. Sự đối lập ở hai đoạn thơ đã khắc sâu hơn nỗi đau của người mất bạn tri âm.

Thể thơ song thất lục bát với nhịp điệu đặc trưng đã truyền tải chính xác những cảm xúc chân thành của lời khóc bạn. Trong lòng vốn đã mang đầy tâm sự của một nhà nho trước thời thế bao chuyện đảo lộn xoay vần lại cộng thêm nỗi đau trước sự ra đi đột ngột của người bạn thân, nhà thơ đã rơi vào tâm trạng tột cùng đau đớn. Nhưng với một người từng trải và đã trải qua bao nhiêu đắng cay của một cuộc đời lận đận, nhà nho đầy bản lĩnh như Nguyễn Khuyến đã không than thân trách phận, không vật vã than khóc mà thâm trầm và lặng lẽ thể hiện nỗi đau của mình một cách điềm đạm. Bản lĩnh ấy đã tạo cho văn học một thi phẩm có giá trị nhân văn lớn.

Bài thơ đã thể hiện được một tình bạn đẹp, góp phần khẳng định giátrị và vai trò quan trọng của tình cảm giữa con người với con người trong cuộc sống. Sự sẻ chia niềm vui và nỗi buồn giữa những người bạn, những người thân là yếu tố quan trọng nhất để mỗi người đứng vững giữa cuộc đời đầy rẫy bất trắc và bộn bề phức tạp.Tình bạn giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, hai nhà nho có tài và có nhân cách đã để lại cho đời một biểu tượng cao đẹp về tình bạn. Khóc Dương Khuê không chỉ thể hiện tấm lòng sâu sắc và tình cảm tha thiết của một người bạn với một người bạn, bài thơ còn là một biểu hiện xúc động cho vẻ đẹp nhân cách của một nhà nho chân chính. Những tâm sự, nỗi đau thời thế ẩn sau nỗi đau mất bạn đã tạo nên chiều sâu nhân bản cho bài thơ.

Phân tích tâm trạng của Nguyễn Khuyến trong bài Khóc Dương Khuê 22

Lịch sử văn học nghệ thuật đã từng ghi nhận nhiều "tình ban cao cả và cảm động". Vẫn còn đó như một giai thoại đẹp đẽ và sâu sắc về đôi bạn tri kỷ: Bá Nha, Tử Kỳ. Bá Nhá cho ràng trong thiên hạ chỉ có Tử Kỳ là người duy nhất hiểu được tiếng đàn của mình Tử Kỳ mất, Bá Nha treo đàn trước mộ, thất vọng tột cùng và thề sẽ chẳng bao giờ đàn nữa. Tâm trạng của Nguyễn Khuyến khi nghe tin Dương Khuê mất đúng là tâm trạng của một Bá Nha năm xưa khi mất Tử Kỳ. Tâm trạng ấy được thể hiện rất rõ trong bài Khóc Dương Khuê.

Bao trùm lên toàn bộ bài thơ là tâm trạng bàng hoàng, mệt mỏi, nhớ nhung và tiếc thương da diết đối với người đã khuất. Ngoài ra ta còn thấy tâm trạng buồn bã cô đơn của người viết khi bạn đă ra đi. Tâm trạng bàng hoàng và tiếc thương da diết ấy thế hiện ngay ở câu mở đầu bài thơ:

"Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta".

Trong thơ, có rất nhiêu cách thể hiện sự ra đi, biểu hiện cái chết. Khi thì nói thẳng: "Anh Thanh ơi! Anh mất thật rồi sao?" (Tố Hữu), khi thì dùng hình ảnh: "Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên lương" (Nguyễn Du), khi thì nói: "Bao giờ lão ấy chầu trời" (Ca dao), lúc lại nói: "Trạng chết chúa cũng băng hà"... v.v. ở bài thơ này để hỉ sự qua đời đột ngột của người bạn. Nguyễn Khuyến dùng bốn chữ "thôi đã thôi rồi". Bốn chữ ấy vừa biếu thị sư đột ngột, bất ngờ, vừa như tiếng kêu thảng thốt, nấc nghẹn. Hơn nửa, lập lại chữ "thôi", ông đã nhân đôi càm xúc và tâm trang của mình: hai lần đột ngột, hai lần bất ngờ. hai lần nuối tiếc cái điều không hay vừa xảy ra. Dễ hiểu vì sao ông không viết: "Bác Dương thôi đã đi rồi" hoặc "Bác Dương thôi đã mất rồi"... v.v. Câu thơ thứ hai chỉ còn là sự cụ thể hóa tâm trạng trên mà thôi: sự ngậm ngùi man mác bao trùm lên tất cả, từ nước non, cây cỏ, mây trời cho đến tận lòng người. Sau phút giây bàng hoàng đau đớn ấy là nỗi nhớ da diết về người bạn cũ. Cùng một lúc, kỷ niệm của tình bạn mấy chục năm như hiện ra tất cả. Nhà thơ dành hẳn hai mươi câu để nhắc về quá khứ. Đọc đoạn thơ ấy rất nhiều lần ta thấy hai chữ: ”Cùng nhau"; "có lúc"; "có khi" được nhắc lại:

"Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau"

"Cũng có lúc chơi nơi dặm khách"

"Có khi bàn soạn câu văn"

"Cũng có lúc rượu ngon cùng nhấp"

"Có khi từng gác cheo leo"...

Ta cảm thấy hình như hai người là một, luôn luôn bên nhau, cùng hưởng cùng làm, gắn bó keo sơn không khác gì Kim - Kiều cùng đoàn viên ngày tái hợp:

"Khi chén rượu khi cuộc cờ

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên"

(Truyện Kiền - Nguyễn Du")

Sự gắn bó keo sơn của đôi bạn ấy, với hàng loạt kỷ niệm ấy, càng làm tăng tính chất đột ngột và tâm trạng đau xót của nhà thơ đối với người đã khuất:

"Làm sao bác vội về ngay

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời"

Hai chữ làm sao thể hiện một tâm trạng băn khoăn, dằn vặt, ngạc nhiên, không hiểu, không tin vào cái sự thật đau lòng ấy. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Người ra đi thì đã ra đi. Nổi đau để lại cho người đang sống gánh chịu. Trong phút giây ấy, Nguyễn Khuyến như trách người đã khuất:

"Ai chẳng biết chán đời là phải

Vội vàng chi đã mải lên tiên"

Trong cuộc đời có khi oán người mà trách, có khi nặng nghĩa nặng tình với người cũng trách. Nguyễn Khuyến trách Dương Khuê bởi hai người đã quá trân trọng, yêu mến, vì nặng nghĩa nặng tình. Nghe lời trách mà thấy người đi, kẻ ở thật ân tình, chung thủy. Trách rằng: sao đã trót sinh ra, cùng nhau sướng khổ, nay bạn vội về nơi cực lạc và thoát lên tiên để lòng này phải đau đớn, bơ vơ, cô đơn trống trải. Toàn bộ phần kết của bài thơ là tâm trạng đó. Tâm trạng cô đơn trống trải được nhà thơ diễn đạt rất thành công:

"Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua"

Một câu thơ lục bát, năm chữ “không” lặp đi lặp lại tạo nên một khoảng trống vắng không cùng; một sự trống vắng tinh thần mà vật chất không bù đắp được. Bốn câu thơ tiếp tục làm rõ hơn tâm trạng cô đơn, trống trải, cái cảm giác mọi thứ đểu trờ nên vô nghĩa khi bạn không còn:

"Câu thơ nghĩ đắn đo không viết

Viết đưa ai, ai biết mà đưa

Giường kia treo những hững hờ

Đàn kia gảảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn"

Tất cà tấm lòng và tâm trạng trên ở nhà thơ đều rất chân thật, không hề giả dối, gượng ép. Cả bài thơ là tiếng khóc buổn đau viếng bạn. Có thể mượn câu thơ của Hoàng Lộc sau này mà diễn tả tâm tỉnh của Nguyễn Khuyến đối với Dương Khuê:

"Khóc anh không nước mắt

Mà lòng đau như cắt"

(Viếng bạn)

Hai câu kết của bài Khóc Dương Khuê nghe qua tưởng vô tình mà thực ra chứa chất nỗi đau rất đỗi chân thành:

"Tuổi già hạt lệ như sương

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan"

Tâm trạng đau đớn, buổn thương, cô đơn trống trải của Nguyễn Khuyến qua bài Khóc Dương Khuê, vốn là tình cảm chân thành, sâu đậm của tác già với người bạn tri âm đã khuất. Tâm trạng ấy còn được nhân lên gấp bội khi Nguyễn Khuyến phải sống giữa một xã hội nhố nhăng với bao điều bất công ngang trái. Ông hiếu rất rõ, thấy rất rõ và nhận ra đúng sai tất cả, nhưng không biết ngỏ cùng ai: "Bìết đưa ai, ai biết mà đưa". Tâm trạng ẩy phải chăng là tâm trạng tiêu biểu của tầng lớp trí thức, sĩ phu yêu nước thất thế hổi đầu thế kỷ (Bài thơ này làm năm 1902).

Cũng như Tú Xương, nói đến Nguyễn Khuyến người ta thường nghĩ đến một nhà thơ châm biếm, luôn ném tiếng cười chua cay, uất hận vào cái xã hội nửa Tây nửa ta ngày trước. Nhưng rõ ràng bên cạnh một Nguyễn Khuyến luôn cất tiếng cười mỉa mai chua xót ấy, còn có một Nguyễn Khuyến thật nặng nghĩa, nặng tình, một Nguyễn Khuyến âm thầm khóc đất nước, nhân dân và khóc bạn. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nhận xét: "Yên Đổ tiếng anh khóc dẫu cười không thể giấu". Bài thơ Khóc Dương Khuê là một bằng chứng hùng hồn, tiêu biểu cho tâm trạng và tấm lòng nặng nghĩa, nặng tỉnh ấy của nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Cảm nhận về đoạn đầu của bài thơ Khóc Dương khuê của Nguyễn Khuyến 23

Nguyến Khuyến là một nhà thơ lớn của nền dân tộc Việt Nam. Ông có nhiều bài thơ hay đã lại cho đời sau,bài thơ Khóc Dương Khuê được xếp vào hàng một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về tình bạn. Bài thơ viết về nỗi đau khôn nguôi của tác giả sau khi bạn mình qua đời.

Mở đầu cho bài thơ Nguyễn Khuyến mở đầu bằng câu thơ:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”

Khi nghe tin bạn thân của mình mất quá đột ngột khiến cho nhà thơ vô cùng bàng hoàng và chua xót không tin nổi vào mắt mình.qua cách xưng hô bằn bác Dương thì chúng ta đã đoán ra được đây là cách xưng hô của tuổi già với nhau,khi Dương Khuê mất thì Nguyễn Khuyến đã gần 70 tuổi. Đây là một cách nói giảm nói tránh,nhà thơ không nói trực tiếp nhưng câu thơ “thôi đã thôi rồi” thể hiện sự tiếc nuối và bất lực trước sự thực đau đớn của bạn mình. Mất bạn thân Nguyễn Khuyến cảm thấy dường như không gian rộng dài “nước mây man mác”. Sau giây phút bang hoàng thì nhà thơ đã có phần trấn tĩnh trở lại rồi hồi tưởng lại những kỉ niệm khi hai người còn kề bên nhau đó là thời đi học,đi thi,đỗ đạy…và nhà thơ cho đó như là duyên trời định sẵn rồi

“Vẩn sớm hôm tôi bác cùng nhau.

Kính yêu từ trước đến sau

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước

Trong khi gặp gỡ, khác đâu duyên trời.”

Bằng sự hồi tưởng này tác giả đã giúp cho người đọc có thể hình dung ra được đây là đôi bạn thân gắn bó keo sơn đã lâu năm lắm rồi cho tới lúc lâm hàn. Những kỉ niệm được tác giả trình bày theo trình tự thời gian tạo cho người đọc có cảm nhận sâu sắc về mối quan hệ này bền vững tới chừng nào. Trong tình bạn ấy xen lẫn sư kính trọng yêu mến trước sau đều như một vậy. Qua đoan đầu của bài thơ chúng ta đã thấy được sự tiếc nuối khi bạn mình ra đi,đó là một nỗi buồn và sự mất mát lớn đến nhường nào người đọc cũng có thể hình dung rất rõ ràng từng câu từng chữ trong tác phẩm

Câu từ trong thơ của Nguyễn khuyến thật sự rất bình dị và mộc mạc đến chân thành với những lời thân mật như “tôi với bác” rồi “vẫn sớm hôm”

Có thể khẳng định được rằng thơ Việt Nam có rất nhiều bài hay và sâu lắng thể hiện tình cảm chân thành đẹp đẽ nhưng cho tới nay thì chưa có bài nào nói về tình bạn đẹp chân thành và đáng trân trọng như bài khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến.Cái hay trong đoạn này đó là diễn tả ngôn ngữ dản dị tự nhiên,một nghệ thuật diễn đạt có thể nói là đạt tới đỉnh cao của thơ văn văn học Việt Nam. Lời thơ đầy tính dân tộc hồn hậu và nồng thắm làm cho người đọc bâng khuâng và da diết như được nhìn thấy mình trong đấy

Cái hay xuất phát từ một tình bạn đẹp và cao thượng biết mấy. Thật đáng để lưu giữ cho đời sau và đáng để suy ngẫm

Bình giảng hai dòng thơ cuối trong bài Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến 24

Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan!

Hai dòng thơ này là con mắt, trái tim của bài thơ nổi tiếng Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến.

Nước mắt là cái hữu hình biểu hiện cái tâm trạng vô tình. Trong văn chương có nhiều từ ngữ khác nhau để diễn tả nước mắt như: giọt lệ, giọt châu, giọt hồng, giọt tương, dòng châu, lệ hoa (Nguyễn Du), hai hàng tình lệ (Phạm Thái), hai hàng lụy nhỏ (Nguyễn Đình Chiểu)... Riêng Nguyễn Khuyến lại viết là hạt lệ - hạt lệ như sương. Nước mắt tuổi trẻ thì đầm đìa chứa chan, Phạm Thái khóc Trương Quỳnh Như: sụt sùi hai hàng tình lệ (Văn tế Trương Quỳnh Như). Thuý Kiều buồn tủi uất ức mà lệ hoa mấy hàng {Truyện Kiều - Nguyễn Du). Nước mắt người già còn đâu mà chảy thành dòng, thành hàng. Cho nên ông già Nguyễn Khuyến khóc bạn bằng hạt lệ như sương. Từ hạt lệ đã nâng giọt nước mắt của Nguyễn Khuyến lên thành hình tượng nghệ thuật. Tác giả đã sử dụng kết hợp biện pháp ẩn dụ (hạt lệ) với biện pháp so sánh (như sương) khiến cho giọt nước mắt hóa thành ngọc long lanh. Nó là kết tinh của tâm trạng xót đau, thương tiếc mang tính thẩm mĩ. Đọc Thương nhớ tài hoa của Nguyễn Vũ Tiềm, tôi bắt gặp hai dòng thơ:

Vợ con vuốt mắt cho lần cuối
Vướng mãi điều gì cộm ở mi.

Cái cộm ở mi là nước mắt, kết tinh tâm trạng của các tài hoa văn chương luôn đau đáu khôn nguôi với cuộc đời, dường như chết không nhắm mắt được.

Hình ảnh hạt lệ như sương không chỉ làm tâm trạng mà trong sâu thẳm là một tình bạn trong sáng, thủy chung, sâu nặng, vẻ đẹp đó lấp lánh trong toàn bộ bài thơ.

Tình bạn trong sáng biểu hiện ở những thú vui tao nhã. Họ từng cùng nhau thưởng ngoạn vẻ đẹp trong sáng của thiên nhiên. Chơi nơi dặm khách để lắng nghe tiếng suối róc rách lưng đèo. Họ cùng say mê thú vui con hát lựa chiều cầm xoang. Họ cùng nhắp giọt rượu ngon để tận hưởng cái hương vị của đất trời kết tinh trong đó. Hai thi nhân tương tri, tương đắc trong thú vui bàn soạn câu văn. Họ vừa bình thơ vừa xướng họa cùng nhau.

Hai tâm hồn trong trẻo hòa hợp trong một tình bạn trong sáng. Hạt lệ như sương cũng ánh lên vẻ đẹp của tình bạn thuỷ chung, sâu nặng.

Trong gần bốn mươi bài thơ viết về tình bạn (một hiện tượng lạ), Nguyễn Khuyến đã dành cho Dương Khuê tới năm bài. Qua những bài thơ đó, ta thấy họ luôn quan tâm tới nhau, xúc động chân thành trước những biến đổi trong đời sống của nhau. Dương Khuê đi làm Đốc học ở Nam Định, Nguyễn Khuyến có thơ Thư kí Nam đốc Dương niên ông. Dương Khuê đi nhậm chức Bố chính tỉnh Bắc, Nguyễn Khuyến làm bài Bắc phiên Dương niên ông hành thứ... Trong những bài thơ đó có những dòng thơ tha thiết nhớ nhung như tình yêu đôi lứa:

Tha nhật đồng khan sơn thượng nguyệt
Thủ tình bất đoạn ngẫu trung ti.
(Bữa khác hẹn ngắm trăng đầu núi
Tình này vẫn vấn vương như tơ ngó sen)

Vậy nên, lúc nghe tin Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến đau đớn đến bàng hoàng:

Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời!

Nỗi đau tinh thần mà cảm nhận được một cách cụ thể như nỗi đau cơ thể của chính mình vậy.

Hạt lệ như sương tượng trưng cho tình bạn cao đẹp của Nguyễn Khuyên trong bài Khóc Dương Khuê, cũng giống như hạt ngọc trai tượng trưng cho tình yêu trong sáng của Mị Châu trong Mị Châu, Trọng Thuỷ. Nó là hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ, gây xúc động hàng triệu con tim đương thời và hậu thế. Rất tiếc, một số bài phân tích, một số sách hướng dẫn học tập đã không đề cập đến, bỏ quên mất hạt ngọc quý này mà tác giả đã đặt ở vị trí chủ chốt: kết thúc bài thơ.