Phân tích chuyển biến tâm trạng của Chí phèo sau đêm ăn nằm với thị Nở 1
Chí Phèo là tác phẩm văn học xuất sắc của nhà văn Nam Cao và của nền văn học hiện thực phê phán thế kỉ 20. Có thể nói truyện ngắn Chí Phèo ra đời thực sự mang đến một “cơn địa chấn” dữ dội trong làng văn học thời bấy giờ. Lần đầu tiên người ta thấy một tên say rượu ngật ngưỡng đi về trong bóng tối. Lần đầu tiên người ta nghe những tiếng gào thét, chửi bới, văng tục dữ dội đến như vậy. Chí Phèo, con quỷ dữ làng Vũ Đại, say chưa từng tỉnh. Nhưng có một lần hắn thực sự thức tỉnh. Đó là sau đêm Chí phèo sau đêm ăn nằm với thị Nở, một người phụ nữ tưng tửng, xấu xí đến ma chê quỷ hờn.
Không những thành công trong xây dựng nhân vật Chí Phèo, Nam Cao còn rất thành công khi khắc họa nhân vật thị Nở. Xuất hiện khá muộn trong tác phẩm nhưng thị Nở đã tạo ra được những chuyển biến sâu sắc cho câu chuyện. Chính thị Nở đã tạo bước ngoặc làm thay đổi con người Chí Phèo, giúp hắn nhận thức được sự sống ngọt ngào. Nhưng đáng tiếc thay, cũng chính thị Nở lại là người làm sống lại “con thú dữ” trong tâm hồn Chí vốn mới vừa ngủ yên khiến cho hắn sau khi giết chết Bá Kiến cũng tìm đường tận tuyệt, chấm dứt cuộc đời trong phẫn uất tột cùng.
Chí Phèo gặp thị Nở trong một đêm định mệnh. Sau cuộc rượu ngà ngà ở nhà Tư Lãng, Chí Phèo giảo bước ra về. Đêm trăng sáng vằng vặc rọi khắp vườn quê. Tiếng côn trùng rả rích trong lùm cây bụi cỏ. Gió hiu hiu thổi phất phơ tà áo vốn không bao giờ cài cúc của hắn. Đêm hè nóng bức, thị Nở ra nằm gần bụi chuối cho mát mẻ rồi ngủ quên ở đó. Cái dáng nằm hớ hênh, da thịt thập thò trong chiếc áo ngắn khiến đất trời bâng khuân.
Định mệnh đã đặt thị Nở trên lối đi của Chí Phèo. Ánh trăng lấp ló trong tàn lá, đêm vắng lặng như tờ. Chí Phèo dừng lại. Lần đầu tiên trong cơn say hắn dừng lại để ngắm nhìn. Hắn ngắm ngía thị Nở một cách kinh ngạc. Rồi bất ngờ hắn lao vào ôm lấy thị như con mãnh thú vồ lấy con mồi yếu ớt. Thị Nở giật mình la làng. Nhưng hắn la còn to hơn át cả tiếng thị. Dân làng Vũ Đại đâu lạ gì tiếng la thét của kẻ điên cuồng ấy. Không ai quan tâm. Trong đêm khuya khoắt thế này, cứ kệ hắn gào la. Tiếng gào la nhỏ dần rồi tắt lịm trong đêm tối. Không gian lại yên tĩnh như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Đêm ấy họ đã ăn nằm với nhau. Chuyện ăn nằm của người xưa là một chuyện hệ trọng. Nam Cao cũng đã khéo ló xử lí việc này. Tuy là một việc xằng bậy nhưng mang lại kết cục tốt đẹp. Đối với thị Nở, hành động của Chí Phèo khác nào là cưỡng bức thị. Thế mà thị không hề giận. Thị thấy thương thương con người ấy. Lúc đầu kháng cự quyết liệt vì sợ hãi, sau cũng buông xuôi.
Dưới ngòi bút sắc sảo của chủ nghĩa hiện thực, quá trình thức tỉnh lương tâm, nhân tính của một con người bị tha hóa, lầm lạc đã diễn ra không hề đơn giản, một chiều, dễ dãi mà do hoàn cảnh khá đặt biệt. Lúc đầu chỉ là chuyện bản năng của một gã đàn ông say rượu. Nhưng về sau đã làm sống lại ở Chí Phèo những cảm xúc rất người. Từ đó khơi bùng khao khát hoàn lương. Cứ tưởng Chí sẽ mãi sống kiếp thú vật rồi chết bờ chết bụi ở cái xó nào đấy. Nhưng không, bằng tài năng và con tim của mình, Nam Cao đã để cho Chí trở về với kiếp người một cách tự nhiên. Sau đêm ăn nằm với thị Nở, tâm trạng Chí phèo trở nên hiền lành khác thường.
Sáng hôm sau, Chí Phèo trở dậy khi mặt trời đã lên cao. Chí thấy miệng đắng, chân tay uể oải. Lần đầu tiên, sau bao năm không còn ý thức được bản thân, giờ đây Chí thấy lòng bâng khuâng, mơ hồ buồn đến lạ. Một nỗi buồn vô cớ không biết từ đâu dội về trong lòng vốn đã chai sạn của hắn.
Lần đầu tiên, sau bao nhiêu năm tháng chìm trong cơn say bất tận, đây là giây phút Chí hoàn toàn tỉnh táo. Hắn nhận ra âm thanh cuộc sống đời thường xung quanh đang vọng về. Tiếng cuộc sống nhịp nhàng như một bản nhạc, tuy đơn điệu nhưng rất dễ chịu. Tiếng chim hót, tiếng anh thuyền chài khua mái chèo đuổi cá, tiếng người nói chuyện rì rầm đâu đó khiến hắn chú ý. Những âm thanh ấy vốn vẫn lặp đi, lặp lại từng ngày nhưng bấy lâu hắn nào nghe thấy.
Bởi bấy lâu nay, hắn chìm ngập trong cơn say của rượu, trong bóng đêm của hận thù, trong u mê tăm tối. Hắn sống mà như đã chết. Hắn hình người nhưng có tâm hồn của quỷ dữ. Hắn điên cuồng trong những cảnh đâm chém dữ dội. Hắn thích nghe tiếng kêu la thảm thiết của nạn nhân chớ nào chú ý đến những âm thanh dịu dàng, êm tai và ngọt ngào ấy.
Cuộc sống bình dị đã làm Chí Phèo cảm thấy nao lòng. Hắn bỗng nhớ lại những tháng ngày rất xa xôi. Những mơ ước năm nào bỗng rạo rực trong lòng hắn. Thật may thay là hắn vẫn còn nhớ. Tâm hồn của hắn chưa hẳn đã chết. Có những mầm sống đang ngủ quên ở đâu đó trong tâm hồn cằn cỗi ấy. Hắn mơ ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng chăm bẫm cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà kéo tơ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng. Khó thì chăn chỉ, chắt chiu từng ngày. Khá giả thì mua năm sào ruộng để dành.
Mơ ước của Hắn thật nhỏ bé và giản dị nhưng suốt bao năm qua nó vẫn chưa trở thành hiện thực. Những ước mơ tốt đẹp của Chí Phèo không hề bị mất đi mà nó chỉ chìm sâu vào một góc tăm tối nào đó của tâm hồn Chí. Hiện tại của hắn thật đáng buồn. Buồn vì Chí Phèo thấy mình đã già đã sang cái dốc bên kia cuộc đời. Có thể đã hư hỏng nhiều thế mà hắn vẫn đang cô độc. Tương lai của hắn lại đáng buồn hơn. Bởi hắn có quá nhiều sự bất hạnh đói rét ốm đau và cô độc. Giờ đây, đối với Chí, cô độc còn đáng sợ hơn nhiều đói rét và ốm đau. Hắn bắt đầu thấy sợ và lo nghĩ đến tương lai.
Lần đầu tiên, kể từ khi ra khỏi nhà tù, hắn biết nghĩ đến tương lai. Một kẻ chỉ biết đến uống rượu và ăn vạ như hắn mà còn nghĩ đến tương lai. Thật đáng cười cho cái suy nghĩ vẩn vơ của hắn lắm. Hắn cũng nghĩ là hắn đang mơ ước vẩn vơ thôi. Lập tức, hắn nghĩ đến cái tình trạng bi đát và khốn cùng của mình. Hắn nhận ra hắn đáng thương và cần có ai đó để thương hắn. hắn thấy giờ đây hắn yếu duối vô cùng và cần có nơi nào đó để nương tựa trong quãng đời còn lại.
Đúng lúc đang suy nghĩ vẩn vơ thì thị Nở bước vào với bát cháo hành nóng hổi trên tay cùng nụ cười đoan đả. Mùi bát cháo hành thơm phưng phức xốc vào mũi hắn cùng người đàn bà ở bên cạnh khiến hắn cảm thấy ấm áp vô cùng. Ngay trong lúc ốm đau và tuyệt vọng mà có ai đó ở bên cạnh quả thực thật vô cùng hạnh phúc. Hắn hết nhìn bát cháo rồi lại nhìn thị Nở. Hắn xúc động đến muốn khóc.
Lần đầu tiên có một người cho hắn một bữa ăn mà trước đây hắn phải giành giật, cướp bóc, ăn vạ mới có được. Hắn lại tiếp tục suy nghĩ. Hắn nghĩ về những ngày tháng cơ nhục và lạnh lẽo. Hắn nghĩ đến những người đã bị hắn trấn áp tàn tệ. Lương tâm hắn bắt đầu cắn rứt và xung đột dữ dội. Tình người hãy còn đây, mà hắn nỡ nào bội bạc, nhẫn tâm đến thế.
Hắn nhận ra trong bát cháo hành của thị nở chan chứa tình yêu thương. Hắn nhìn thấy nụ cười trìu mến, thiết tha trên đôi môi chờ đợi của thị Nở. Thị đến với hắn như ánh sáng của thiên thần, soi rọi vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn hắn. Hắn còn không tin đó là sự thật nữa.
Hắn đón nhận bát cháo yêu thương từ tay người đàn bà, ngửi lấy rồi chậm rãi múc từng muỗng. Từng miếng cháo như vị thuốc thần tiên thấm vào thân thể hắn, xóa tan phần tăm tối và làm bừng sáng lương tri.
Bát cháo hành kì diệu của thị Nở khiến Chí Phèo khao khát làm người lương thiện hơn bao giờ hết. Hắn bắt đầu nhận biết được cái thiện và cái ác. Hắn cũng nhận ra cái đúng và cái sai, cái tốt đẹp và cái xấu xa, tàn nhẫn ở đời. hắn thấy mình trong những ngày qua đã sống thật tồi tệ. Hắn hối hận. Nguồn sống trong hắn bắt đầu cuộn mình trỗi dậy. Hắn muốn sống đúng nghĩa một con người. “Trời ơi! Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao”.
Chí Phèo mong muốn được xã hội “bằng phẳng, thân thiện của những người lưng thiện”, thâu nhận lại hắn. Hắn muốn ở cùng mọi người, muốn được yêu thương chứ không phải sợ hãi và thù ghét. Nhưng có được không với bao nhiêu tai họa mà hắn đã mang đến cho cái làng này? Hắn cũng không biết rõ nữa nhưng hắn đang rất muốn được như thế lắm.
Chí Phèo và thị Nở đã có tất cả năm ngày ăn ở với nhau. Trong năm ngày ngắn ngủi ấy, họ thực sự đã rất hạnh phúc. Năm ngày thần tiên ấy đối với Chí Phèo cứ như một giấc mơ. Hắn vô cùng mãn nguyện và không ngừng mơ ước đến tương lai và tin tưởng rằng một tương lai tốt đẹp sẽ đến.
Thế nhưng, có ngờ đâu, con đường trở lại làm người lương thiện vừa mở ra trước mắt Chí Phèo đã bị đóng sầm lại. Sự mong ước được sống hiền lương của Chí Phèo một lần nữa lại không thành sự thật. Sự thức tỉnh trong lương tri và khát vọng làm lại cuộc đười của chí đã không được nhìn nhận. Cũng không ai muốn nhìn nhận điều đó dù trong năm ngày qua hắn đã không uống rượu, không gào thét, không ăn vạ hay xung đột với ai. Hắn đã thực sự tu tâm dưỡng tính và mong muốn mọi người hiểu điều đó. Nhưng dường như, cả cái làng Vũ Đại không ai còn tin hắn nữa. Cũng có thể họ tin anh muốn lương thiện thật nhưng không thể quên con quỷ luổn ẩn giấu trong anh.
Thị Nở không thể giúp gì thêm cho hắn, bởi lẽ bà cô thị kiên quyết ngăn cản mối tình này. Bà không thể đồng ý cho cháu bà đâm đầu đi lấy thằng Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại, bấy lâu nay chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ, hắn mãi mãi chỉ là con quỷ dữ, không bao giờ có thể làm người.
Khi thị ra về, hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay nhưng thị gạt ra. Hắn tha thiết níu kéo nhưng đến cả thị Nở giờ đây cũng bở rơi hắn. Lần thứ hai, Chí Phèo rơi vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Lần này khốc liệt hơn lần trước. Chí thấy cuộc đời thật giả tạo, thấy đau đớn và tuyệt vọng vô cùng. Chí đã khóc. Những giọt nước mắt thánh thiện lăn tròn trên má. Những giọt nước mắt hối hận nhưng đã quá muộn màng. Mọi cánh cửa đến với cuộc đời đã đóng sầm trước mặt, đen tối và đáng sợ.
Bằng ngòi bút sắc sảo và nghệ thuật khắc họa tâm lí tinh tế, Nam Cao đã làm hiện rõ những khát khao tốt đẹp của nhân vật Chí Phèo. Sự thức tỉnh của Chí thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội ấy.
Nhìn lại cuộc đời Chí Phèo, có thể nói rằng, Chí Phèo đã sống bằng cuộc đời con người, bản tính con người ý nghĩa nhất chỉ trong vẻn vẹn có năm ngày ở cùng thị Nở. Những chuyển biến trong tâm hồn Chí phèo thực sự như những đóa hoa bừng nở lên trên mảnh đất khô cằn. Nó không ngừng khao khát sự sống dù đó chỉ là một cơ hội hết sức mong manh. Nam Cao thực sự đã tỏ ra là một bậc thầy trong việc khám phá và khai thác những điều ẩn sâu trong con người để viết lên được những trang văn đầy cảm động ấy. Nguyên Hồng cho rằng: “Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai con người không bình thường và cô độc nhưng đã làm nên những trang văn rực sáng cảm hứng nhân đạo”.