Từ bài thơ “Tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến, anh (chị) hãy viết một bài văn bàn về danh và thực trong cuộc sống hiện nay
Còn nhớ một câu chuyện ngợi ca trí tuệ người dân nghèo. Vua ra câu đố: trên đường một ngày có bao nhiêu người qua lại? Người học trò nghèo không suy nghĩ lâu, trả lời: Có hai người là Danh và Lợi, con người sống ở trên đời mải miết bon chen chẳng vì danh thì cũng vì lợi mà thôi. Danh và lợi luôn đi cùng với nhau, là thứ con người nhiều kẻ khao khát. Chẳng vậy mà trong đời này, xưa nay có nhiều ông "Tiến sĩ giấy”. Họ những mong cái danh tiến sĩ sẽ mang về cho họ cái lợi hơn đời, hơn người. Từ bài thơ cùng tên ấy của Nguyễn Khuyến, ta giật mình tự hỏi về cái Danh và cái Thực trong cuộc đời.
Bài thơ "Tiến sĩ giấy" của Nguyễn Khuyến thực là một câu chuyện hài hước đầy mai mỉa:
"Cũng cờ biển cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng
Nét son điểm rõ mặt văn khôi
Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ
Cái giá khoa danh ấy mới hời
Ghế tréo, lộng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi".
Thế kỉ XIX, thời đại của Nguyễn Khuyến, Tiến sĩ là một danh hiệu cao quý dành cho người đỗ đạt chốn quan trường. Đỗ tiến sĩ sẽ được bổ nhiệm chức danh làm quan. Như vậy, cái danh tiến sĩ sẽ đổi đời cho bao kẻ từ thảo dân cỏ rác thành bậc phụ mẫu của con dân. Nhưng thế kỉ XIX cũng là thời điểm Hán học suy tàn, thực dân Pháp đô hộ nước ta kéo theo vô khối những sự nhố nhăng, bất công, suy đồi. Trong số ấy có thói tham nhũng, đút lót. Có kẻ chỉ cần bỏ ra một số tiền thì dù dốt nát, ngu si đến mấy vẫn chạy chọt và đều được đỗ đạt. "Tiến sĩ giấy" là tên nhà thơ đặt cho loại tiến sĩ nhờ mua quan bán tước ấy. "Tiến sĩ giấy" là thứ tiến sĩ trên giấy tờ, không có thực tài, là loại tiến sĩ giả, người ta có thể dựng lên mà cũng có thể đá xuống.
Loại tiến sĩ ấy có vẻ ngoài "như thật", tưởng như rất khó để phân biệt:
Cũng cờ biển, cũng cân đai
Cũng gọi ông nghè có kém ai"
Ba từ "cũng" đặt liên tiếp nhau dựng lên một ông tiến sĩ oai phong làm huyên náo một vùng với "cờ biển" "cân đai" mũ mão, trống chiêng. Không những vậy, ông còn được xưng tụng trang trọng "ông Nghè". Đầy đủ về hình thức, quả "ông" "chẳng kém ai" ở đời, thế là thỏa chí bình sinh lắm rồi. Như thế, nhìn vào áo quần mũ mão, người ta gọi "ông" là tiến sĩ. Vậy nên: "Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng". Cái hình thức bên ngoài đã định danh, đổi đời cho con người.
Nhưng cái danh ấy không phải mục tiêu chính của người đời bởi: "Cái thân xiêm áo sao mà nhẹ". Danh là cái để đấy, chẳng ai mua danh nếu không nó không có giá. Điều mà danh mang đến mới là thứ người ta cần: "Cái giá khoa danh ấy mới hời". "Cái hời" cái lời ở đây là những lợi lộc, tiện ích danh tiến sĩ đem về. Ấy là một chức quan to, là một năm đôi lần đục khoét tiền thuế, là bóc lột dân đen, là lên mặt với đời,... Vậy đấy, những tưởng đỗ đạt làm quan cứu nước, giúp đời nhưng thực ra vẫn chỉ là một phường gian lận, tham lam.
Hai câu thơ cuối dựng lên một tư thế tức cười, chỉ ra mâu thuẫn, vạch trần bản chất bọn lừa đảo:
"Ghế tréo lộng xanh ngồi bảnh chọe
Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi"
Tư thế ngồi nghênh ngang hơn đời, hơn người: "bảnh chọe" thỏa mãn, tự mãn khinh đời. Những tưởng tự tin đến mức kiêu ngạo như vậy hẳn tài năng xuất chúng, xứng đáng với danh tiếng "tiến sĩ" nhưng bài thơ đã khép lại trong chua xót, mỉa mai: "Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi". Ở đây xuất hiện mâu thuẫn giữa bên ngoài và bên trong; giữa hình thức và nội dung; giữa hiện tượng và bản chất; trên hết, đó là mâu thuẫn giữa danh và thực, vẻ bên ngoài chỉ là phù phiếm giả tạo, thực chất là một thứ đồ chơi dễ sai khiến, dễ rách dễ vỡ, dễ bị lợi dụng,...
Trong thực tế, cuộc sống có vô vàn thứ gắn với danh và thực.
Danh là cái tên gọi, cái tiếng, cái được phong. Thực là cái có thật, cái tồn tại. một sự vật, hiện tượng hữu hình cần có một cái tên gọi để định danh, xưng tụng. Danh phải phản ánh được đặc điểm, bản chất của sự vật, hiện tượng chủ thể.
Trong đời sống, danh và thực thường thống nhất, phù hợp với nhau. Sự việc suôn sẻ, mang lại lợi ích cho mọi người thì được gọi là điều tốt. Ngược lại, việc không ai mong muốn, có hại thì bị gọi là điều xấu. Người được mọi người yêu quý, đối xử tốt với người khác, nhân ái, bao dung... ấy là người tốt. Người luôn muốn vươn lên chiến thắng khó khăn để giành được ước mơ thì được gọi là người có nghị lực,...
Tuy nhiên, thực tế không ít cái danh và thực lệch nhau, không tương xứng, thống nhất. Ông "tiến sĩ giấy" của Nguyễn Khuyến là một ví dụ tiêu biểu. Đó là điển hình cho những kẻ dựng danh nhờ mua danh bán tước. Trong xã hội hiện đại, tệ nạn đó vẫn tồn tại. Kết quả là nền giáo dục đã có thời kì tạo ra hàng trăm học sinh giỏi "ảo", hàng trăm học sinh "ngồi nhầm lớp". Các ban ngành khác của xã hội tồn tại những anh bù nhìn, "phỗng đá" hữu danh vô thực. Ngược lại, đáng tiếc hơn có những cái thực mà chẳng có danh. Có biết bao sự hi sinh thầm lặng của những cô giáo vùng cao, những chiến sĩ công an biên phòng, những người tốt việc tốt,... chưa được xã hội vinh danh. Họ âm thầm cống hiến, lặng lẽ lao động, chiến đấu với cái dốt, cái ác,... để làm giàu, để bảo vệ và dựng xây non nước; nhưng chưa được xã hội ngợi ca xứng đáng.
Vậy mới biết, trong cuộc sống, để phân biệt mọi việc, ta không thể nhìn vào hiện tượng bề ngoài để tuyệt đối hóa bản chất, vẫn biết "trông mặt mà bắt hình dong" song muốn hiểu bản chất ta cần tỉnh táo tiếp xúc, phân tích để có những nhận xét, kết luận xác đáng.
Ta cũng cần hiểu một điều rằng, nếu cái danh có được dựa trên nền tảng của cái ảo thì sớm hay muộn cái danh ấy sẽ bị vạch trần, bị lu mờ. Khi ấy sự thật bộc lộ sẽ còn nhiều điều tai tiếng. Cuối cùng thì những cái danh "học sinh giỏi" cũng từ bỏ những người không xứng đáng, những ông này, bà nọ cũng phải ngồi nhà đá hoặc chịu hình phạt của dư luận, pháp luật để trả giá cho sự gian dối, lừa lọc của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà những điều tốt đẹp nhất thường được đặt cạnh nhau: Chân, Thiện, Mĩ. Sống trên đời con người cần vươn tới cái thực, cái Chân để trở về bản chất tốt đẹp vốn có của sự sống.
Cho dù trong thời đại nào, sự thực tốt đẹp mới khiến con người không hổ thẹn với chính mình, mới được người đời lưu danh muôn thuở. "Tiến sĩ giấy" cảnh tỉnh mỗi chúng ta phải phân biệt giữa danh và thực ở đời. Từ đó mỗi người biết sống để hướng tới việc hoàn thiện chính mình.