Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, suốt đời tìm đi tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và đóng góp không nhỏ đối với văn học Việt Nam hiện đại: thúc đẩy thể tùy bút, bút ký văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa và độc đáo. Trong những tác phẩm của ông luôn đề cao cái đẹp, đẹp một cách hoàn mỹ, đẹp từ sâu thẳm bên trong mỗi con người, mỗi sự việc. Điều ấy được thể hiện rất rõ qua truyện ngắn Chữ người tử tù với hai nhân vật chính là viên cai ngục và tử tù Huấn Cao. Xuyên suốt tác phẩm, dù có nhiều nghịch lý, song Nguyễn Tuân vẫn luôn để cái đẹp chiến thắng. Đôi khi, cái đẹp ẩn chứa bên trong cái vỏ ngoài tưởng chừng như xấu xa, ác độc. Bởi thế, Nguyễn Tuân đã khéo léo gửi gắm một tâm hồn trong sáng, lương thiện ẩn sâu trong nhân vật viên cai ngục đầy mánh khóe, dã tâm. Không những thế một mình ông cùng lúc phải đóng cả hai vai. Ban ngày là một tên cai ngục vô tình, gian sảo. Nhưng khi đêm về, ông lại là một “tấm lòng trong thiên hạ”. Nhất là khi ông băn khoăn, trăn trở thức trắng cả đêm đợi tử tù Huấn Cao.
Theo như lời dẫn dắt của tác giả, Huấn Cao là một người vừa có tài vừa có chí. Chẳng những thế ông còn có cái tài viết chữ rất vuông và rất đẹp, khiến cho cai ngục cũng cảm thấy mến mộ và nể trọng. Nhưng thật không may, người hùng ấy lại bị rơi vào cảnh tù đày, đợi đến ngày hành xử với mức án cao nhất là tử hình. Nhưng lẽ ra những điều ấy sẽ chẳng có nghĩa lý gì đối với một tên cai ngục đã làm cái “nghề” này lâu năm. Ngược lại, cai ngục còn băn khoăn, nghĩ suy suốt cả một đêm trước ngày Huấn Cao đến.
“Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn lại mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ…”. Những lời văn rất đẹp, rất thuần mỹ mà nhà văn của cái đẹp đã dành cho viên cai ngục trong đêm đợi tù. Thật không dễ gì để dấu mình trong cái bình phong ấy. Tác giả cũng không giải thích rõ tại sao cai ngục phải làm như vậy, nhưng trong từng câu, từng chữ luôn ánh lên vẻ đẹp tâm hồn của một con người trong sáng, thiện lương. Bởi còn gì đẹp hơn và bình yên hơn “mặt nước áo xuân”? “Nơi góc án thư vàng đã nhợt, son đã mờ, đĩa dầu sở trên cây đèn nến vơi lần mực dầu. Hai ngọn bấc lép bép nổ, rụng tàn đèn xuống tập giấy bản đóng dấu son ti Niết. Viên quan ngục ngấc đầu, lấy que hương khêu thêm một con bấc. Ba cái tim bấc được chụm nhau lại, cháy bùng to lên, soi tỏ mặt người ngồi đấy”. Và ngọn lửa ấy cũng chính là ngọn lửa hi vọng mà cai ngục luôn nung nấu trong lòng. Nó sẽ bùng sáng lên khi có tay người vặn và khi gặp được một ngọn bấc khác cũng đang sẵn sàng bùng cháy. Phải chăng lúc này cai ngục đang rất hồi hộp và chờ mong người tử tù như sắp được tiếp đón một người thần tượng của cuộc đời mình?
“Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương”. “Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân giời không định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiểng mõ canh nổi lên nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị từ biệt vũ trũ”. Có lẽ lúc này cai ngục đang thầm tiếc thương cho thân phận bi tráng của người tử tù sắp đến. Ngôi sao kia chẳng phải ai khác mà chính là Huấn Cao. Trong lòng người tử tù tội nghiệp ấy, ông Huấn chính là một ngôi sao sáng với những tài năng hơn người và ý chí mạnh mẽ không chịu khuất phục trước đòn roi, trước cái chết. Ngôi sao chính vị ấy sắp từ vũ trụ khiến cho lòng “người ngồi đấy” không khỏi xót xa. Nhưng chính bản thân ông cũng không thể làm gì khác được khi mà mình chỉ là một tên cai ngục thấp hèn chốn lao tù dơ bẩn. Chính ông còn phải núp mình trong cái bình phong của một kẻ tàn ác, mánh khóe.
Những tâm tư, tình cảm và nỗi băn khoăn của cai ngục trong đêm đợi tù đã càng làm cho cái đẹp mà Nguyễn Tuân hướng tới được ngời sáng, được ngợi ca. Dù ban ngày ông có là người như thế nào đi nữa, thì khi đêm về, ông lại trở về với chính mình – “một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Càng nghĩ đến người tử tù sắp đến, ngục quan lại càng hổ thẹn với bản thân mình. Ông nghĩ ngợi về câu nói ban chiều của thầy thơ lại: ”Có lẽ lão bát này, cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình, chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình”. Có lẽ ông đang tìm thấy sự đồng cảm ở nơi thầy thơ lại – người mà từ trước tới giờ ông không hề nghĩ rằng cũng biết trọng người tài, biết kính mến khí phách. Thì ra, đánh giá một con người không hẳn là nhìn vào hành động hay thái độ hàng ngày của họ, mà sâu thẳm bên trong tâm hồn họ còn có những điều giá trị vô cùng. Dòng suy nghĩ này của ngục quan cũng chính là quan niệm về cái đẹp, cái thiện của Nguyễn Tuân. Cái đẹp phải xuất phát từ bên trong suy nghĩ, trong tâm hồn, chứ không hẳn cứ hành động đẹp đã là đẹp. Nhưng như vậy cũng chưa đủ, cả ngục quan và thơ lại đều không thể cứ giấu mình mãi sau bức bình phong ấy. Bởi thế, những băn khoăn của ông lúc này chính là động lực để ông chuẩn bị rũ bỏ hết mọi thứ, tìm lại cuộc sống của chính mình, của một con người hiền lương, tốt đẹp
Ngục quan đã trở thành một ngọn bấc sáng trong đêm ở trong chính nơi nhơ bẩn, lọc lừa mà ông đang làm việc. Chỉ cần có một ngọn bấc nữa chụm vào và một bàn tay đủ mạnh để vặn lửa to lên, ngọn bấc ấy sẽ bùng cháy và xua tan đêm đen tối tăm của ngục tù. Bằng nghệ xây dựng tình huống và ngôn ngữ trau truốt, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, Huấn Cao đã giúp người đọc thấu hiểu con người của ngục quan đằng sau bức bình phong của một tên cai tù gian xảo. Qua đó, ta cũng cảm nhận được cái đẹp mà Nguyễn Tuân muốn hướng đến chính là cái đẹp của tâm hồn, của những điều mà ít ai đã thấu hiểu khi chỉ nhìn nhận, đánh giá người khác qua cái nhìn hời hợt bên ngoài. Cai ngục dù không phải là nhân vật trung tâm của tác phẩm, nhưng chính ông đã góp phần làm nên giá trị cho tác phẩm.