Giải thích cảnh kết thúc kì lạ trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân hay nhất

Trong giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến Việt Nam đầu thế kỉ XX, xã hội lâm vào cảnh rối ren chưa từng thấy. Nhiều giá trị tinh thần bị đảo lộn, thay thế vào đó là những cái nhố nhăng của buổi giao thời dở Tây dở ta. Cảnh nước mất nhà tan, xã hội nhiễu nhương ngang trái đã làm cho nhiều cây bút trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 phải suy nghĩ, trăn trở. Bất mãn trước thực trạng ấy, nhà văn Nguyễn Tuân đã đi tìm nguồn an ủi trong vẻ đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc.

Phần lớn truyện ngắn in trong tập Vang bóng một thời đều chịu sự chi phối của cảm hứng ca ngợi Cái Đẹp đa dạng nơi đời sống tinh thần và vật chất của giới trí thức bình dân Nho học. Nhân vật trong truyện là những trang tài tử, bậc hào kiệt, nghĩa sĩ hay nhà Nho thất thế. Mỗi truyện là một hoài niệm về nhân cách văn hóa cao thượng, trong sạch, cứng cỏi, say mê Cái Đẹp, tương phản với xã hội thực dân phong kiến hiện tại đầy rẫy sự suy đồi, thấp kém và bỉ ổi. Truyện Chữ người tử tù ca ngợi vẻ đẹp cao quý của Cái Đẹp nhân cách kết hợp với vẻ đẹp tài hoa tài tử của nhân vật Huấn Cao – một con người có khí phách hiên ngang bất khuất và thiên lương trong sáng.

Truyện kể về một viên quản ngục mến mộ tài đức, nhất là tài viết chữ đẹp của một tử tù nên đã tìm mọi cách để xin chữ quý, nhằm thoả ước nguyện bình sinh là có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời. Thông qua câu chuyện, nhà văn Nguyễn Tuân khẳng định giá trị cao quý của Cái Đẹp, đồng thời ca ngợi người biết thưởng thức, bảo vệ và giữ gìn Cái Đẹp cho hậu thế.

Kết thúc truyện là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Nó gắn chặt với tư tưởng chủ đề của tác phẩm và bộc lộ trực tiếp thái độ của nhà văn trước con người và cuộc sống. Có thể nói, từ xưa tới nay, trong văn chương chưa có trang viết nào đề cập tới một cảnh tượng lạ thường và đầy ý nghĩa như vậy.

Cốt truyện là một xâu chuỗi tình tiết kết hợp với nhau theo một trình tự logic rất tự nhiên và hợp lý để dẫn tới cảnh cuối đậm chất trữ tình, lãng mạn, đạt tới tầm cao tư tưởng nhân văn trong ngòi bút Nguyễn Tuân. Truyện mở đầu bằng khung cảnh trong phòng làm việc của viên quản ngục ở nhà lao tỉnh Sơn. Những lời trao đổi giữa viên quản ngục và thầy thơ lại đã phác họa vài nét về chân dung Huấn Cao – người đứng đầu bọn phản nghịch bị triều đình khép vào án chém. Trong câu nói của viên quản ngục đã chứa đựng thái độ khâm phục, kính nể Huấn Cao, dù mới chỉ qua lời đồn: … Tôi nghe ngờ ngợ. Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không? Thì ra, điều đầu tiên khiến viên quản ngục quan tâm đến chính là cái tài viết chữ nổi tiếng của người tử tù nổi tiếng là Huấn Cao. Điều quan tâm ấy liên quan chặt chẽ tới cái thú chơi chữ đẹp – một thú chơi thanh cao của lớp người có học. Chính sự đam mê chơi chữ và khát vọng có được trong tay những nét chữ quý của Huấn Cao đã chi phối mọi suy nghĩ, hành động và lời nói của viên quản ngục trước kẻ tử tù, đồng thời cũng là thần tượng của mình. Nay có Huấn Cao trong tay, quả là dịp may có một không hai để viên quản ngục kia có thể biến sở nguyện của mình thành hiện thực.

Chi tiết lạ trước hết là lời sai bảo của viên quản ngục với thầy thơ lại:… Thầy bảo ngục tốt nó quét dọn lại cái buồng trong cùng. Có việc dùng đến. Thầy liệu cái buồng giam đó có cầm giữ nổi một tên tù có tiếng là nguy hiểm không? Thầy có nghe thấy người ta đồn Huấn Cao, ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khoá và vượt ngục nữa không? Trong lời sai bảo ấy đã ngầm bộc lộ thái độ kính trọng và kiêng nể đối với Huấn Cao.

Ngục quan một mình trong đêm, băn khoăn ngồi bóp thái dương, suy tư, nghĩ ngợi. Có lẽ đã tìm ra phương cách đối xử mà ông ta cho là tốt nhất nên vẻ mặt ông giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ. Đáng quý thay là suy nghĩ của viên quản ngục: Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại…

Sáng hôm sau, lúc sáu tử tù bị áp giải tới nhà ngục, trước thái độ ngạo nghễ của Huấn Cao, viên quản ngục trong lòng thấy kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi và lúc kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại càng có biệt nhỡn riêng đối với Huấn Cao. Thái độ hiền lành khác hẳn mọi ngày của viên quản ngục khiến cho bọn lính lấy làm lạ, phải lên tiếng nhắc nhở.

Suốt nửa tháng bị biệt giam, ông Huấn Cao luôn được chu cấp rượu thịt đầy đủ. Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận… coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Đắn đo mãi, quản ngục mới dám mở khóa cửa buồng kín, khép nép hỏi ông Huấn có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất. Hỏi kẻ tử tù một câu đầy hàm ý kính trọng, để rồi phải nhận, câu trả lời ngạo mạn và khinh bạc: Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây. Chính thái độ đầy thách thức của Huấn Cao đã làm cho viên quản ngục vốn thầm mến phục ông nay lại càng thêm kính nể. Là người có học, dù chút ít, viên quản ngục kia cũng biết được vị trí của mình trong bậc thang giá trị con người. Người tài sơ đức thấp phải nể trọng người tài cao đức lớn. Như thế mới đúng đạo lý ở đời. Cho nên viên quản ngục không trả thù theo kiểu tiểu nhân thị oai, trái lại vẫn tiếp tục dâng cơm rượu cho Huấn Cao đầy đủ.

Trước thái độ khác thường của viên quản ngục, lúc đầu Huấn Cao có ý nghi ngờ và khó chịu. Sau vỡ lẽ ra, ông nhận thấy viên quản ngục này chính là người biết thưởng thức Cái Đẹp và trân trọng người làm ra Cái Đẹp. Lời trình bày tha thiết, chân tình của thầy thơ lại khiến Huấn Cao cảm động, cho nên ông đã bằng lòng cho chữ.

Đoạn văn miêu tả cảnh cho chữ là một đoạn văn đặc sắc đầy chất tạo hình. Nó vừa lạ lùng, vừa đẹp, vừa ảm đạm, vừa hào hùng, có vẻ như một ảo ảnh của cõi nào trong thần thoại: một cảnh tượng xưa nay chưa từng có. Giữa đêm khuya, trong căn buồng giam chật hẹp, tối tăm, bẩn thỉu,, một bó đuốc tẩm dầu cháy ngùn ngụt, ánh sáng đỏ rực soi tỏ ba bóng người đang hoạt động. Một người ngồi chồm hổm dưới đất, hai tay căng tấm lụa trắng tinh trên mảnh ván. Một người khác tay run run bưng chậu mực. Người thứ ba cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang cầm bút thoăn thoắt viết trên mặt lụa. Ba người đó là viên quản ngục, thầy thư lại và ông Huấn Cao.

Không phải bóng tối và sự bạo tàn chốn ngục tù có thể khuất phục được con người, mà chính con người có sức cảm hoá kì diệu. Bằng sức mạnh của một nhân cách cao cả và tài năng tuyệt vời, người tử tù đã làm chủ nhà ngục, còn viên quản ngục thì lại khúm núm chắp tay vái người tử tù như vái một thần tượng thiêng liêng.

Viết xong, ông Huấn Cao đỡ viên quản ngục đứng dậy, rồi nhìn lại chữ mình mới viết đẹp tươi, nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Sau đó, ông đĩnh đạc có lời khuyên cuối cùng cho viên quản ngục: Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi. Nghe lời khuyên chí tình, chí lý, viên quản ngục lùi ra và nói gần như muốn khóc: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh! Câu nói của ông ấp úng trong nghẹn ngào, cảm động. Có được chữ quý của Huấn Cao trong tay, ước muốn bao năm giờ đã thành sự thật mà viên quản ngục vẫn ngỡ là mơ.

Hành động cho chữ của Huấn Cao – những dòng chữ cuối cùng của cuộc đời một lần nữa khẳng định khí phách, bản lĩnh của ông. Ông muốn truyền lại cái trong sáng, tài hoa của mình cho hậu thế, thông qua kẻ biệt nhỡn liên tài, tri âm tri kỉ là viên quản ngục. Trước mắt, ông muốn cứu một con người ra khỏi chốn bùn nhơ, trả lại thiên lương cho người ấy. Đây cũng chính là hành động vì nghĩa mang tính nhân đạo cao cả của Huấn Cao.

Giữa khung cảnh đen tối của lao ngục, hình ảnh người tử tù bỗng trở nên to lớn lạ thường, vượt lên trên những cái thấp hèn, dung tục xung quanh. Màu trắng tinh khiết của vuông lụa, những dòng chữ thơm mùi mực mới dường như cũng ánh lên rạng rỡ dưới ánh sáng ngọn đuốc và vầng hào quang tỏa ra từ nhân cách, khí tiết cao vời vợi của kẻ sáng tạo ra Cái Đẹp. Tất cả đều như muốn hóa thành bất tử, như lời nhắn nhủ con người hãy cố giữ lấy Cái Đẹp của cuộc đời.

Đoạn kết của truyện chứa đầy mơ ước thiết tha của tác giả. Ba nhân vật, ba vị thế khác nhau nhưng bổ sung tính cách cho nhau để tạo thành một nhân cách hoàn chỉnh, xứng đáng với Cái Đẹp trên đời. Có thể nói rằng ba nhân vật này chính là những mảnh hồn của Nguyễn Tuân hóa thành.

Chữ người tử tù là một truyện ngắn, song nhà văn đã sử dụng triệt để bút pháp lãng mạn đặc sắc để biến nó thành một đoạn thiên tiểu thuyết với ba nhân vật: thầy thơ lại – viên quản ngục – kẻ tử tù Huấn Cao tượng trưng cho thiên lương, cho vẻ đẹp nhân cách vẫn ngời sáng giữa hiện thực xã hội đen tối. Viết truyện ngắn này, Nguyễn Tuân không chỉ dừng lại ở việc kể lại một câu chuyện về một con người dù là đặc biệt trong cảnh ngục tù, mà xa hơn, cao hơn, tác giả muốn mượn bối cảnh tù ngục để ám chỉ cái “nhà ngục khổng lồ” là xã hội thực dân phong kiến đương thời. Nhà văn cũng kín đáo gửi gắm vào tác phẩm tinh thần dân tộc, thể hiện qua thái độ luyến tiếc nhã thú văn hóa cổ truyền phương Đông là thú chơi chữ đẹp (thư pháp) – những nét chữ phát tiết khí phách và nhân phẩm cao quý của người cầm bút.