Quan niệm của Nguyễn Du về đồng tiền trong “Truyện Kiều” và quan niệm của anh (chị) về đồng tiền trong cuộc sống ngày hôm nay
Gắn với lợi danh của con người, đồng tiền là chủ đề bàn luận từ xưa đến nay, trong văn học cũng như trong cuộc sống. Nguyễn Du trong tác phẩm “Truyện Kiều”, đã tố cáo lên án phê phán mãnh liệt thể hiện đồng tiền với bao lời thơ ghê gớm. Vậy trong đời sống hôm nay cần nhìn nhận như thế nào về đồng tiền?
Tiền về bản chất là một vật ngang giá trong trao đổi buôn bán. Để hàng hóa lưu thông, buôn bán phát triển cần nhờ có tiền. Vậy thực chất; đồng tiền có tác dụng thúc đẩy kinh tế, nó là vật vô tri không thể gây hại cho con người. Vấn đề là con người đã sử dụng đồng tiền với những mục đích xấu. Người có tiền trong tay đã lợi dụng làm hoen ố đồng tiền.
Ta không ngạc nhiên khi Sêch-pia kết tội: “Đồng tiền là con đĩ của nhân loại”. Càng không ngạc nhiên khi Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” nhìn đồng tiền với một ác cảm sâu sắc.
Với Nguyễn Du, đồng tiền là thủ phạm gây ra những đau thương bất hạnh cho con người. Gia đình Kiều tan tác chia lìa chỉ bởi đồng tiền:
“Một ngày lạ thói sai nha
Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.
Đây chính là nguyên nhân đầu tiên, trực tiếp đưa đến nỗi khổ đau vùi dập Kiều trong mười lăm năm chìm nổi. Rồi trong mười lăm năm ấy đồng tiền tiếp tục dầm Kiều trong bùn đen. Vì đồng tiền người ta đẩy Kiều lăn lóc qua các nhà chứa “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Đồng tiền đã tưởng như trói chặt nàng trong ô nhục.
Chưa hết, đồng tiền còn làm đảo lộn mọi trật tự, mọi giá trị đạo đức luân lý ở đời. Đồng tiền có thế đổi trắng thay đen, làm lệch cán cân công lí:
“Trong tay sẵn có đồng tiền
Dầu rằng đổi trắng thay đen khó gì”.
Đồng tiền khơi dậy lòng tham, lòng ác nơi con người. Vi tiền có kẻ sẵn sàng bất chấp tất cả: “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” kể cả việc mặc cả, kỳ kèo “trả giá” cho một con người “Kỳ kèo bớt một thêm hai/ Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”.
Đồng tiền với Nguyễn Du trở thành đối tượng để lên án tố cáo với tất cả niềm căm hờn. Nhân danh tình yêu thương con người, đại thi hào đã kết án đồng tiền. Đi vào thơ Nguyễn Du, đồng tiền phải chịu nguyền rủa đến muôn đời.
Song thực chất, có phải đồng tiền đáng ghét nhự vậy không? Lên án đồng tiền, tất cả chúng ta đã bỏ quên tác dụng của đồng tiền cũng như việc lên án kẻ dùng tiền sai trái.
Trong xã hội phong kiến của Truyện Kiều, kẻ lắm tiền rặt một phường dâm ô, bạc ác. Chẳng đê tiện như Hồ Tôn Hiến cũng mưu mô xảo quyệt như Hoạn Thư, tởm lợm, vô học như Mã Giám Sinh, Tú Bà... “Làm tớ” cho những “thằng dại” như vậy, đồng tiền hỏi sao không thành kẻ bất nhân?
Ngày nay, nhắc đến đồng tiền ta nhắc đến một phương tiện sống hữu hiệu của con người, vẫn với vai trò giúp cho lưu thông hàng hóa, tiền - vật ngang giá là một trong những động lực thúc đẩy sản xuất phát triển. Phát minh ra tiền là một quá trình lâu dài nhiều biến động. Ban đầu chỉ là những vỏ sò, vỏ ốc; sau là những đồng kẽm, đồng nhôm,... và ngày nay ngoài những đồng xu Euro, ta còn biết thêm tiền giấy. Lịch sử đã chứng minh tiền là một phát minh quan trọng của nền sản xuất xã hội. Không có tiền, kinh tế khó có thể phát triển như ngày nay.
Tuy nhiên, đồng tiền bị lên án hay được ngợi ca lại phụ thuộc vào người nắm giữ quyền sử dụng tiền. Tiền tham ô, tiền buôn lậu, tiền buôn bán ma túy, tiền hối lộ... thứ tiền ấy nhắc đến ai cũng muốn nguyền rủa. Vì thứ tiền ấy, vì những kẻ đê tiện kia mà bao nhà tan tác cha mẹ già yếu, các con mỗi đứa một tù; bao mảnh đời bị ném lên các vỉa hè, xó hẻm; bao em thơ phải khóc phải rên xiết khổ đau... Ai có thể quên những vụ buôn bán ma túy, buôn lậu nổi tiếng: Vũ Văn Trường, Khánh Trắng, Năm Cam,... mà hậu quả của nó là những cái án tử hình, chung thân, những đứa trẻ bơ vơ mất cha, mất mẹ. Là học sinh, chẳng ai có thể quên những tiêu cực trong thi cử để bao học sinh chăm ngoan phải trượt thi oan ức, và bao học sinh khác ngồi "nhầm lớp, nhầm trường, nhầm chỗ",... Tất cả những sự kiện khó quên ấy, chẳng kẻ nào khác ngoài đồng tiền làm môi giới.
Ngược lại, ta cũng cần nhớ đến giọt nước mắt rưng rưng của những gia đình nghèo nhìn món quà của các tổ chức từ thiện. Đất nước ta nhiều thiên tai, địch họa; sau chiến tranh ác liệt, sau mỗi cơn lũ đi qua, những gì để lại là thương tật, là mất mát, thương đau cần lắm chứ những giúp đỡ sẻ chia, những đồng tiền giúp dựng lại, vực lên những nếp nhà lũ cuốn, những mảnh đời bất hạnh. Cũng cần ghi nhận sự hiện đại, tráng lệ của những công ty, tòa nhà... đánh dấu, ghi nhận sự phát triển của xã hội... Đánh giá phát triển của một quốc gia, bao giờ cũng vậy, ta thường nhìn vào cơ sở vật chất hạ tầng với hệ thống nhà xưởng, cầu đường,... Đất nước ta tự hào đang đi lên với những khu đô thị, những khu chế xuất, những khu vui chơi giải trí,... đang ngày càng hiện đại. Những đồng tiền tốt đẹp ấy nằm trong những đợt vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” trong những tài khoản “đầu tư đúng chỗ”...
Như vậy, cầm đồng tiền trong tay, mỗi người sẽ có một mục đích, cách thức sử dụng khác nhau. Mục đích sử dụng tốt đẹp chính đáng sẽ thúc đẩy sự phát triển của cá nhân, xã hội. Ngược lại, sử dụng sai sẽ kìm hãm tiến bộ xã hội. Mặt khác, cách thức sử dụng tiền cũng là điều đáng lưu ý. Nên tiết kiệm, không quá hoang phí cũng không quá bủn xỉn. Hoang phí sẽ thành "Vung tay quá trán", "Bóc ngắn cắn dài". Keo kiệt lại thành "Vắt cổ chày ra nước", thành món "cá gỗ" cho dư luận chê cười! Bên cạnh đó, có khi mục đích tốt đẹp nhưng cách thức chưa đúng sẽ gây phản tác dụng. Dùng tiền để mua sắm, giải trí, vui chơi, may mặc là chính đáng nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân. Nhưng quá sa đà sẽ trở thành xa hoa, trụy lạc. Lạm dụng đồng tiền để hối lộ, để phục vụ nhu cầu hưởng lạc... sẽ phải trả những giá rất đắt: tù tội, đền bù, án tử hình,...
Như vậy, phải khẳng định rằng tiền là một phương tiện sống không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội. Vậy ta hãy biết sử dụng đồng tiền đúng cách để trả lại cho đồng tiền bản chất tốt đẹp vốn có của mình.