Bàn về tâm lí thích “hoành tráng”
Việt Nam mới vừa thoát ra khỏi nhóm các quốc gia có thu nhập thấp, trên bàn họp của các đại biểu Quốc hội lần này lập tức có ngay các dự án rất “hoành tráng”. Điển hình là dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam dài 1.570 ki-lô-mét với kinh phí ước tính khoảng 56 tỉ đô la Mỹ.
Trên thế giới hiện nay chỉ mới có khoảng trên 10 nước có đường sắt cao tốc. Lí do không phải tại các nước khác không có tiền mà vì hiệu quả kinh tế và sự thuận tiện trong đi lại đối với người dân các nước này chưa cần thiết đến mức khiến họ phải mở hầu bao! Trong khi đó, nước ta vẫn còn khá nhiều cầu khỉ, cầu ván, có nơi người dân và trẻ em đi học khi qua sông đều phải “đu dây”.
Thực trạng đất nước như thế, chúng ta không lo làm cầu, làm đường cho dân mà lại tính chuyện đi vay nợ để làm đường sắt cao tốc thì quá xa rời thực tế! Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để khoảng 10-15 năm nữa, khi mức sống của hầu hết người dân tốt hơn, hãy bàn đến chuyện xây đường sắt cao tốc cũng chưa muộn! Còn hiện nay, cần tập trung hiện đại hoá hệ thống đường sắt hiện hữu thì tốt hơn.
Cần nói thêm là tổng chiều dài đường sắt cao tốc trên toàn thế giới hiện nay chỉ có khoảng 10.000 ki-lô-mét, trong đó Nhật Bản đứng đầu với 2.590 ki-lô-mét, Mỹ đứng hàng thứ 7 với 440 ki-lô-mét (trên cơ sở cải tạo lại những đường sắt cũ). Nếu ý định xây dựng 1.570 ki-lô-mét đường sắt cao tốc của Việt Nam được thực hiện thành công (?), Việt Nam sẽ trở thành “cường quốc" thứ ba thế giới trong lĩnh vực này, chỉ đứng sau Nhật và Pháp (sở hữu hơn 1.800 ki-lô-mét đường sắt cao tốc). Thật là “hoành tráng"
Việc mở rộng Thủ đô Hà Nội cũng là một biểu hiện của tâm lí thích to, cái gì cũng nhất". Với diện tích khoảng 3.330 ki-lô-mét vuông, dân số khoảng 6,45 triệu người, Hà Nội là thành phố có diện tích lớn nhất nước và số dân đứng thứ hàng thứ hai (sau TP Hồ Chí Minh), những cơ sở hạ tầng kĩ thuật - xã hội, năng suất lao động và mức sống của người dân vẫn còn nhiều vấn đề đáng nói. Trong khi đó, Mỹ là một quốc gia rất giàu có (GDP khoảng 15.000 tỉ đô la/năm, gấp 150 lần Việt Nam), diện tích hơn 9,82 triệu ki-lô-mét vuông, (bằng 30 lần Việt Nam), dân số khoảng 300 triệu (gấp 3,5 lần Việt Nam), nhưng thủ đô Washington DC chỉ rộng có 177 ki-lô-mét vuông (bằng 1/20 so với Hà Nội), dân số chưa tới 600.000 người (ít hơn 1/10 của Hà Nội). Nước rộng lớn nhất thế giới là Nga cũng vậy: diện tích hơn 17 triệu ki-lô-mét vuông, dân số khoảng 145 triệu người, nhưng thủ đô Moscow chỉ rộng 1.080 ki-lô-mét vuông (bằng một phần ba so với Hà Nội). Nước láng giềng Thái Lan, mặc dù diện tích lớn gấp rưỡi Việt Nam nhưng thủ đô Bangkok cũng nhỏ chỉ hơn phân nửa Hà Nội.
Điều đó chứng tỏ tầm vóc của thủ đô các nước không phụ thuộc vào diện tích, số dân (những hình thức bề nổi) mà do những yếu tố khác như mức sống người dân, các phúc lợi xã hội, môi trường.