Trái đất sẽ ra sao nếu thiếu đi màu xanh của những cánh rừng hay nhất (1 mẫu)

Trái đất sẽ ra sao nếu thiếu đi màu xanh của những cánh rừng?

Rừng là một tài nguyên vô giá của con người. Xưa nay, rừng vẫn được mệnh danh là “lá phổi xanh” của trái đất. Có thể coi rừng như một chàng hiệp sĩ mặc áo giáp xanh che chở cho trái đất những nhịp thở yên bình. Nếu thiếu đi màu xanh của rừng, trái đất và con người sẽ phải đối mặt với những hiểm họa vô cùng lớn.

Rừng là môi trường quần tụ của các loài thực và động vật phong phú. Với sự sinh sống của rất nhiều các loại thực vật khác nhau rừng như một lá phổi lớn bao quanh trái đất tạo nên sự cân bằng sinh thái. Hút khí cacbonic, nhả ra oxi, rừng cung cấp oxi cho trái đất, thanh lọc bầu không khí đang ngày càng dày đặc những loại khí thải độc hại. Nhờ có rừng, sự sống của con người được duy trì và đảm bảo. Không chỉ thế, rừng còn là một tấm lá chắn tự nhiên bảo vệ con người trước những tác động của thiên tai, lũ lụt. Rễ cây bám sâu trong lòng đất tạo thành mạng lưới, lá cây che chắn, ngăn chặn sự xói mòn, rửa trôi đất khi có mưa lũ. Rừng làm giảm nguy cơ diễn ra hiện tượng lũ quét thường hay diễn ra vào mùa mưa. Là môi trường quần tụ của các loài động, thực vật, rừng cung cấp cho con người nguồn tài nguyên quí báu. Đó là khối lượng gỗ lớn trong đó có rất nhiều gỗ quí như lim, trai, sến, táu, vàng tâm... có giá trị kinh tế cao. Trong rừng còn sinh sống rất nhiều các loài thảo dược, phục vụ đắc lực cho việc chữa bệnh, có giá trị y học. Gỗ, củi đốt tạo thành than đá, nguồn nguyên liệu chất đốt quan trọng trong công nghiệp và sinh hoạt. Lá cây rừng rụng xuống làm tăng chất mùn, tăng độ tơi xốp của đất, có ý nghĩa trong việc cải tạo đất tự nhiên. Rừng cũng là môi trường sống của các loài động vật trong đó có rất nhiều động vật quý hiếm. Nhờ thế, rừng tạo nên quang cảnh thiên nhiên trong lành, không chỉ có giá trị kinh tế lớn mà còn mang giá trị thẩm mĩ và chứa đựng nhiều tiềm năng du lịch.

Rừng có vai trò và tác dụng to lớn là vậy nhưng thực trạng rừng những năm trở lại đây đang là một thực tế đáng buồn và đáng báo động. Rừng là một tài nguyên vô giá nhưng không phải là vô hạn. Diện tích rừng đang bị thu hẹp nghiêm trọng và một số nơi đang có nguy cơ không thể phục hồi được tình trạng chặt phá rừng bừa bãi của lâm tặc, của người dân, đốt phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số có tục du canh du cư... không thể không kể đến nguyên nhân rừng bị cháy do sự bất cẩn của chính con người. Một tàn thuốc hút dở vứt bỏ xuống cánh rừng đang mùa khô hạn cũng đủ làm nên một đám cháy lớn. Và rồi rất nhiều loài thực vật, loài động vật, trong đó có không ít những loài động, thực vật quý hiếm bị xóa sổ. Bên cạnh đó, hàng ngày, hàng giờ, chúng ta cũng đang bị mất đi những cánh rừng do thiên tai, sạt lở đất. Rừng bị cháy, rừng bị chặt phá khiến cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp. Rừng không còn là một lá phối xanh nữa mà đang dần bị nhuộm đen, nhuộm nâu bởi những mảnh đất trống, đồi núi trọc. Và khỏi phải nói, những hậu quả của những hành vi đó đang hiện. Rừng bị thu hẹp trong khi lượng khí thải sinh hoạt và công nghiệp thì ngày càng nhiều lên làm mất cân bằng sinh thái, đe dọa đến cuộc sống của con người. Không còn rừng, đất đai bị xói mòn, sạt lở, tình trạng rửa trôi đất diễn ra khiến cho đất ngày càng bị bạc màu, thoái hóa, chất lượng đất ngày càng xấu. Lượng khí thải nhiều làm thủng tầng ozon, tấm lá chắn bao bọc và bảo vệ trái đất đang có nguy cơ biến mất, trái đất ngày càng nóng lên và con người phải đối mặt với hàng loạt các nguy cơ tiềm ẩn mà lớn nhất là nguy cơ các căn bệnh nan y do ảnh hưởng của nguồn nước, không khí bị ô nhiễm. Rừng là một nguồn tài nguyên vô giá, diện tích rừng bị thu hẹp cũng khiến cho nền kinh tế của nhiều quốc gia bị tổn hại nghiêm trọng.

Rừng bị tàn phá nghiêm trọng như ngày nay do nhiều nguyên nhân. Đó có thể là những nguyên nhân khách quan như do chiến tranh, thiên tai, sạt lở đất... nhưng cần phải nói đến nhiều nhất ở đây là những nguyên nhân thuộc về con người, ý thức của con người về rừng và ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng còn chưa thực sự sâu sắc. Chạy theo những lợi ích trước mắt, con người sẵn sàng khai thác rừng một cách vô tội vạ, khai thác không đi kèm với trồng rừng làm cho diện tích rừng ngày càng thu hẹp trong khi đó diện tích đất trống đồi núi trọc lại tăng lên. Nhiều người dân, do hiểu biết còn nông cạn, bất cẩn trong hành vi mà làm tổn hại đến rừng một cách nghiêm trọng. Bên cạnh đó, không thể khẳng định rằng luật pháp đã thực sự nghiêm minh, chặt chẽ để cho những kẻ xấu có cơ hội lách luật, thực hiện những hành vi phá hoại của mình.

Như vậy, có một sự thực chắc chắn rằng rừng là không thể thiếu đối với sự sống của con người và thực trạng rừng hiện nay đang ở mức báo động. Đứng trước những yêu cầu và thực trạng đó, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có những giải pháp cụ thể và tích cực để bảo vệ và cải tạo rừng. Trước mắt, các cơ quan chính quyền và pháp luật nhà nước cần có những biện pháp nghiêm minh hơn trong việc bảo vệ và cải tạo rừng, xử lý nghiêm những hình thức vi phạm, về lâu dài, cần tiến hành những biện pháp mang tính toàn diện: tiến hành trồng rừng trên diện tích đất trồng, đồi núi trọc và tiến hành trồng mới, mở rộng diện tích rừng. Đặc biệt cần chú ý đến việc trồng và phát triển hệ thống rừng phòng hộ ven biển, rừng ngăn mặn,... ngăn ngừa những hậu quả của tự nhiên đến cuộc sống con người, cần tiến hành tuyên truyền nâng cao ý thức về tầm quan trọng của rừng và việc bảo vệ rừng đối với người dân, thắt chặt luật pháp trong xử lý các vi phạm liên quan đến việc trồng và bảo vệ rừng. Mỗi người đều phải tự nhận thức được vai trò của mình trong việc bảo vệ cho lá phổi xanh của trái đất, bảo vệ cho lá phổi xanh của chính mình.

Gây dựng lại, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của toàn nhân loại. Hãy để cho trái đất của chúng ta mãi là một hành tinh xanh tươi đẹp.