Bình giảng bài thơ Chợ Đồng hay nhất (1 mẫu)

Bình giảng tác phẩm Chợ Đồng

Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ dân tộc, là nhà thơ của làng quê Việt Nam. Trong suốt hơn 70 năm cuộc đời thì đã có hơn 40 năm ông sống gắn bó với làng quê, thế nên ông chẳng lạ gì những con trâu, những ruộng đồng, củ khoai củ sắn, cả những con cuốc con cò, vốn không mấy ai để ý. Phải nói hiếm thấy có một nhà thơ cổ điển nào lại đưa nhiều hình ảnh dân dã vào thơ của mình để viết thành những thi phẩm tinh tế, có nhiều ý nghĩa sâu sắc đến thế. Chợ Đồng cũng vậy, vốn chỉ là một phiên chợ Tết nhưng vào thơ của Nguyễn Khuyến nó đã chở theo một niềm xúc cảm sâu xa, một nỗi đau của vị thi sĩ có tấm lòng yêu quê hương đất nước tha thiết.

Nguyễn Khuyến sau khi rời chốn quan trường nhiễu nhương, lui về ở ẩn ở quê nhà, đó là làng Vị Hạ, xã Yên Đổ (nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam). Làng ông có chợ Đồng, mỗi tháng họp chín phiên, dịp tết thì lại có ba phiên chợ tết, bình thường phiên chợ Tết đông vui và náo nhiệt lắm. Nhưng đến những năm đói kém, mất mùa hay có nhiều thiên tai thì chợ vắng hẳn, cho đến khi thực dân Pháp sang xâm lược, chợ Đồng đã thôi hẳn các phiên chợ, một giá trị văn hóa lâu đời cứ thế bị rơi vào quên lãng vì tiếng súng của trời Tây. Hai câu đầu của bài thơ là lời tác giả đang hỏi một người làng đi chợ phiên về, cũng là đang tự hỏi chính bản thân mình:

"Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng,

Năm nay chợ họp có đông không?"

Vì sao ông hỏi thế? Vả lại "Năm nay" lại là năm nào, có ý nghĩa gì chăng? Nhưng nhìn vào cái ngữ điệu dè dặt, giọng thơ hơi chùng, lại chậm rãi, ta nghe như có tiếng thở dài trong nỗi trầm ngâm thì có lẽ năm đó không phải là một năm chợ phiên đông vui cho được. Liệu có phải vào năm mà Hà Nam lụt lớn, dân chúng tiêu điều, khổ sở, người ta còn chẳng buồn đoái hoài đến chợ Tết? Tựu chung lại hai câu thơ chất chứa rất nhiều nỗi buồn, đó là nỗi xót xa cho cuộc sống cơ cực, khổ sở của một nhà trí thức có đến hơn nửa đời người gắn bó với từng niềm vui nỗi buồn của người dân nơi làng quê khốn khổ, lầm than.

Rồi đến hai câu thơ thực, Nguyễn Khuyến lại tiếp tục đặt một câu hỏi ngỏ, thể hiện cái tâm trạng hoang mang, rối bời giữa cảnh cô đơn, vắng lặng của những ngày giáp Tết mà không khí thật đìu hiu, buồn bã.

"Dở trời mưa bụi còn hơi rét,

Uống rượu tường đền được mấy ông?"

Xuân đương đến, nhưng mùa xuân này lại bị bao phủ bởi cái thời tiết ẩm ương, những hạt mưa bụi nhạt nhòa rơi lất phất, tưởng nhẹ hạt nhưng ai đứng giữa trời mưa rồi thì mới biết nó cũng chẳng tầm thường, cũng làm ướt áo người như ai. Thứ mưa bụi hơi đương còn vấn chút gió đông nên "hơi rét", rét cả ngoài da, rét đến trong lòng người. Ngẫm lại nhìn cơn mưa bụi thế có ai còn thấy được sắc đỏ của pháo Tết, người người muốn núp trong nhà, đường được mấy ai, vắng vẻ lắm cho một cái Tết nơi làng nghèo. Thế rồi vẫn có một cụ già, đang tuổi thất thập cổ lai hy, chống cái gậy con lọ mọ ra đường, tìm lại những giá trị văn hóa thật đẹp. Tìm về với những ông bạn già, năm ngoái năm kia còn cùng thử rượu, nhưng buồn làm sao khi chẳng "được mấy ông". Một nhà nho chân chính, vì bất đắc chí mà lui về ở ẩn, cốt lánh sự đời, tìm về niềm vui dân dã, bầu bạn với người cùng trang lứa, nhưng nay còn lại ai, có lẽ đã đi xa hết cả rồi. Lòng thi sĩ thấy thật cô đơn, lẻ loi, một người già cả lại chịu nhiều nỗi đau cả chung cả riêng như thế, quả thật xót xa quá.

"Hàng quán người về nghe xáo xác,

Nợ nần năm hết hỏi lung tung."

Thế rồi nhà thơ già bỗng nghe được những âm thanh mới, những tưởng đấy là âm thanh hân hoan, vui mừng khi Tết đến. Nhưng không, âm thanh ấy nghe "xáo xác" lộn xộn lắm, đó là tiếng chủ nợ đòi con nợ, tiếng con nợ khất tiền, lời qua tiếng lại như thế càng làm tăng thêm cái vẻ khổ sở, nghèo túng của người dân nơi chợ Đồng. Ai cũng có nỗi khổ cho riêng mình, kẻ không đòi được tiền thì cay cú, bực dọc, người mắc nợ thì xấu hổ, xót xa. Cứ vậy, ta thấy Tết ở đây chẳng còn là lúc để vui mừng mà là lúc để người ta càng nhận rõ ra cái nghèo khó, cùng cực của những người nông dân xưa, phải chạy vạy từng ngày lo miếng ăn, chứ nói gì đến Tết nhất. Buồn phiền thực!

"Dăm ba ngày nữa tin xuân tới.

Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng."

Thế rồi khi phiên chợ đã vắng hẳn, nhà thơ từ trong nỗi buồn mênh mang, nhẩm tính chỉ còn mấy hôm nữa thì xuân lại tới rồi. Ông quẩn quanh trong một nỗi lo lắng cho cuộc sống cơ cực của nhân dân, khi năm hết tết đến, càng mong cho nhân dân được đón một cái Tết mới được đầm ấm hạnh phúc, chứ chẳng phải cảnh tiêu điều, xáo xác kia. Tiếng pháo nhà ai bỗng nổ "đùng", đánh thức người trong buồn bã, xót xa, xua đi cái nghèo đói, xua đi cái lạnh lẽo của mưa bụi rét mướt. Nhưng pháo nhà ai, thì không biết nữa, rồi liệu pháo ấy có thật kỳ diệu vậy không, Nguyễn Khuyến không xác định được. Chỉ biết rằng, tiếng pháo đơn độc trong không gian những ngày cuối năm lại càng làm tăng thêm cái nỗi buồn man mác, nỗi cô đơn trong lòng người thi sĩ.

Chợ Đồng của Nguyễn Khuyến là một bài thơ hay, với chất liệu làng quê dân dã, nhưng với một hồn thơ nồng đượm, Nguyễn Khuyến đã khai thác nó bằng nhiều xúc cảm thi vị. Một cảnh vật, một âm thanh vốn rất bình thường nhưng vào thơ ông cũng mang nhiều nỗi niềm hơn cả, đó là nỗi buồn lo cho cuộc sống của nhân dân, nỗi xót xa trước thực cảnh cơ hàn. Cuối cùng sâu xa hơn cả là tấm lòng yêu thương nhân dân, yêu thương đất nước tha thiết, mong cho toàn thể dân tộc ta có một cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn, đặc biệt là trong những ngày cận kề giáp Tết.