Phân tích tiếng nói của người phụ nữ thông qua tác phẩm của Hồ Xuân Hương hay nhất

Trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ Hồ Xuân Hương được coi là một hiện tượng độc đáo, thơ bà là thành tựu ‘hai lần độc đáo’. Và một trong đó chính là tiếng lòng của một người phụ nữ viết về phụ nữ, nhất là trong xã hội phong kiến cũ. Chính vì vậy mà trong hầu hết các tác phẩm của bà chúa thơ Nôm ấy đều nói về thân phận của người phụ nữ. Rất nhiều bài thơ của bà như Mời trầu, Bánh trôi nước;hay chùm thơ Tự tình đều cho ta hiểu rõ hơn tâm tư, tình cảm của bà hay chăng cũng chính là tâm tư, tình cảm của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội cũ.

Hồ Xuân Hương đã sử dụng rất nhiều những từ ngữ, hình ảnh, sự vật bình thường, giản dị để đưa vào trong thơ của mình. Nhưng từ đó bà lại sáng tạo nên một phong cách rất Hồ Xuân Hương mà lại mang đậm phong vị dân tộc. Ví như bài Mời trầu, tuy quả cau miếng trầu rất quen thuộc, bình dị là thế, vậy mà sau khi vào trong thơ bà lại mang đậm ý nghĩa sâu sắc. Lời mở đầu rất tự nhiên:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi

‘Miếng trầu là đầu câu chuyện’, vì thế mà khi mời trầu phải trang trọng, phải dùng những thứ trầu ngon như trầu quế, trầu phượng hay cũng là trầu cay, trầu ngọt. Ấy thế mà Xuân Hương lại mời khách bằng ‘trầu hôi’ bằng ‘quả cau nho nhỏ’. Câu thơ cất lên một cách duyên dáng, ý nhị, nhẹ nhàng, giàu chất nữ tính. Hai chữ ‘nho nhỏ’ cho người đọc thấy sự bé nhỏ, nhỏ nhoi của nữ sĩ; có gì đó như là một sự khiêm nhường, nép bóng trong câu thơ. Nhưng đường như mời trầu cũng là một cách để nói về người mời trầu: một thân phận bình thường, thậm chí nghèo hèn, có phần hẩm hiu: ‘hôi’. Điều đó cho thấy Xuân Hương rất chân tình. Câu thơ này làm ta nhớ đến những câu ca dao khác của người xưa:

Ai về vun đất trồng cau,

Cho em xin ké dây trầu một bên.

hay:

Thân em như miếng cau khô

Kẻ thanh tham mỏng người thô tham dày.

Đó đều là những câu ca dao nói về thân phận của người phụ nữ, và trong câu thơ đầu tiên này, Xuân Hương đã rất hiểu, đồng thời cũng rất tự biết thân phận nhỏ bé của mình. Bà thực sự nói lèn tiếng nói, hòa chung với tiếng nói của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Song dù là nhỏ bé, có khi là tội nghiệp đi chăng nữa thì nữ sĩ vẫn thể hiện được sự chủ động của mình.

Này của Xuân Hương mới quệt rồi

Phải chịu cảnh khổ sở, nghèo đói, vất vả nhưng biết đứng lên, tự khẳng định phẩm chất, giá trị của mình cũng là đặc điểm chung của người phụ nữ Việt Nam xưa kia. Trong câu thơ thứ hai, Xuân Hương đã thể hiện được rất rõ tư thế chủ động của người mời trầu: thân mật, cởi mở, pha chút hóm hỉnh, tinh nghịch. Hơn hết, điều đặc biệt trong câu thơ này chính là cách tự xưng tên của Xuân Hương. Đây là một hiện tượng độc đáo, lần đầu tiên xuất hiện trong văn học thành văn để biểu thị ‘cái tôi’ rất Xuân Hương – một điều mà trong xã hội cũ, những người phụ nữ chưa dám làm.

Nhưng Hồ Xuân Hương đã thay họ, cất cao tiếng nói đòi quyền bình đẳng. Câu thơ cho ta thấy rõ cá tính ngang tàng của bà. Tuy nhiên, ở câu thứ ba thì giọng điệu câu thơ lại lắng xuống:

Có phải duyên nhau thì thắm lại.

Lại trở về với sự liền dịu, duyên dáng vốn có của một người phụ nữ Á Đông, Xuân Hương khát vọng về một tình yêu, một sự hạnh phúc, chung thủy. Câu thơ không chỉ để nói về sắc thắm của trầu, sự hòa quyện của trầu cau, vôi; mà hơn thế, nó là lời nhắn nhủ tha thiết, một lời nguyện cầu: nếu có duyên thì thắm lại, nếu không thì cũng đừng bội bạc:

Đừng xanh như lá, bạc như vôi

Câu thơ là sự kết hợp của hai thành ngữ ‘xanh như lá’ và ‘bạc như vôi’. Ta bắt gặp lại một Xuân Hương đầy cá tính, kiêu hãnh, ngẩng cao đầu. Bà nêu bật lên một hiện trạng của xã hội là sự bội bạc, dửng dưng, vô tình của con người dẫn đến những người phụ nữ phải rơi vào cảnh bất hạnh vì bị bội tình. Câu thơ là lời răn đe với tất cả những kẻ bạc tình. Đây là lời cảnh báo chung cho xã hội đa thê, trọng nam khinh nữ ấy. Xuân Hương đã thay lời cho hàng nghìn, hàng triệu người phụ nữ lúc bấy giờ, trong đó có cả chính bà. Tinh duyên của người phụ nữ luôn bấp bênh, vô định. Bản. thân Hồ Xuân Hương, chứ không phải ai khác, có lẽ hiểu rõ điều này hơn ai hết vì bà cũng phải hai lần làm lẽ, đau đớn mà thốt lên rằng:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.

Và sắc thắm chỉ tồn tại trong mơ ước, trong khát vọng mà thôi còn cuộc đời thì đầy rẫy sự bạc bẽo. Có thể nói rằng, Xuân Hương đã rất hiểu tấm lòng của những người phụ nữ. Bài thơ là tiếng lòng của bà, tiếng lòng của tất cả phụ nữ trong xã hội xưa.

Nhưng sự đồng cảm ấy không phải chỉ có trong bài Mời trầu, Bánh trôi nước cũng là một bài thơ nói lên tiếng lòng đó. Một lần nữa, thân phận bé nhỏ của người phụ nữ lại được nói đến:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Bài thơ nói về chiếc bánh trôi nhưng thực ra ý nghĩa sâu xa của nó lại chính nói về người phụ nữ. Hai chữ ‘thân em’ cất lên thật đáng thương, nhưng đó cũng là sự tự khẳng định giá trị của mình. Ngoài lớp nghĩa nói về chiếc bánh màu trắng, hình tròn thì còn nói về hình dáng cũng như phẩm chất của người phụ nữ: xinh đẹp, thủy chung, chăm chỉ… Nhưng những người đẹp nết như thế luôn phải chịu cảnh éo le, vất vả ‘bảy nổi ba chìm’, sống phụ thuộc vào người đàn ông, người chồng trong gia đình, sung sướng hay khổ sở đều phải gánh chịu, không được lên tiếng. Hiểu rất rõ được điều này và cũng không ít lần bà đã lên tiếng đả kích, đòi lại quyền bình đẳng cho người phụ nữ là thế. Bởi Xuân Hương hiểu được, luôn thương cảm với họ. Bà đã dõng dạc khẳng định tấm lòng thủy chung đức tính cao đẹp, đáng quý của người phụ nữ. Dù thế nào thì phụ nữ Việt Nam luôn giữ trọn đức tính của mình. đường nhu' Xuân Hương đã thấu hiếu đến tận cùng nỗi đau của người phụ nữ.

Nỗi đau ấy càng được thể hiện rõ hơn qua chùm thơ Tự tình. Tự tình với chính bản thân song qua đó cũng để viết thêm về nỗi đau của nhiều người phụ nữ khác cũng phải chịu như bà:

Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn.

Trơ cái hồng nhan với nước non.

Chén rượu hương đưa say lại tỉnh

'Ánh trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại.

Mảnh tình san sẻ tí con con.

Một mình đối diện với chính mình trong đêm khuya, chỉ có tiếng ‘trống canh dồn’ làm bật lên cái tĩnh trơ trọi, lẻ loi. Thời gian cứ trôi đi, kéo theo sự mất mát của tuổi trẻ. Từ ‘trơ’ được sử dụng bằng phép đảo ngữ, tạo âm hưởng kéo dài, gợi ta nghĩ đến con người trong sự bẽ bàng vì bị bỏ rơi. Có nhan sắc, tài năng nhưng lại phải chịu cảnh cô đơn, lẻ bóng, thật không có gì cay đắng, tủi hổ và tội nghiệp hơn, một ‘hồng nhan bạc phận’. Để mình so với nước non càng làm bật lên sự ‘nhỏ bé’. Đã nhiều lần, Hồ Xuân Hương nhắc đến ba chữ ‘với nước non’ trong tác phẩm của mình.

Nín đi kẻo thẹn với nước non.

(Dỗ người đàn bà khóc chồng)

Xuân Hương muốn tìm quên trong chén rượu giải sầu nhưng bà không thể thoát ra được. Đó là chén rượu đắng chát, ‘say lại tỉnh’ gợi về sự luẩn quẩn, không lối thoát, sự bế tắc không giải tỏa nỗi. Vầng trăng ở đây là vầng trăng của tâm trạng, luôn khuyết không được tròn đầy, phải chăng cũng chính như cuộc đời bất hạnh của Xuân Hương, khép lại bài thơ là một nỗi niềm đã được tác giả gọi tên, không phải là nỗi đau bị ruồng rẫy: ‘Năm canh vắng bóng’ lần nương vách quê, cũng không phải là nỗi truân chuyên đọa đày buộc Kiều:

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

Đó là nỗi niềm, nỗi đau ngán ngẩm về cảnh lẽ mọn. Mỗi mùa xuân trở lại là mỗi lần kéo mất đi tuổi trẻ, tuổi thanh xuân. Và đây cũng chính là cảnh mà rất nhiều người phụ nữ phải gánh chịu, đánh mất tuổi trẻ.

Có ai đã từng thốt lên rằng. ‘Tôi đọc bài thơ của Xuân Hương một thế kỷ rưỡi sau khi nàng viết mà vẫn thấy vị mặn chát của nước mắt của một khối tình. Vì sao lại như vậy? Vì Hồ Xuân Hương đã viết lên tiếng lòng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, mà đó luôn là những gì cay đắng, xót xa’. Nói Hồ Xuân Hương là nhà thơ của phụ nữ chắc cũng không có gì là quá.