Bài văn mẫu số 1
Đoạn trích Người Cầm Quyền Khôi Phục Uy Quyền được trích từ tác phẩm Những Người Khốn Khổ của V. Huy-go, trong ấy gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc chính là khung cảnh truyện sau khi Phăng-tin chết. Không khí tĩnh lặng bao trùm căn phòng và hành động của Giăng Van-giăng khiến người đọc cảm nhận được tình thương bao la cùng sức mạnh của lòng nhân đạo đã khiến một bi kịch cũng trở nên lãng mạn hóa.
Hình ảnh Giăng Van-giăng mạnh mẽ cậy mở bàn tay của Gia-ve đang túm lấy áo ông cho thấy sự nhẫn nhịn của người đàn ông này đã đến cùng cực, và ông đang vùng lên giành lấy lại uy quyền của mình. Và thực sự là Gia-ve cảm thấy sợ hãi, hắn không dám manh động khi chứng kiến Giăng Văn-giăng giựt lấy thanh giường sẵn sàng phản đòn bất cứ lúc nào. Đối với tên ác quỷ Gia-ve là vậy, nhưng khi đối mặt với Phăng-tin, người phụ nữ đáng thương, có cuộc sống tủi nhục bán thân nuôi miệng, đến chết cũng không thể nhắm mắt vì còn có nhiều điều tiếc nuối. Ông dịu dàng săn sóc cho người phụ nữ yếu đuối ấy bằng tất cả sự ân cần, tình thương vô hạn và trân trọng nhất như "Người Mẹ Sửa Sang Cho Con". Mọi việc diễn ra trong yên lặng, sự yên lặng ấy bao trùm cả căn phòng, không khí đang căng thẳng bỗng trùng xuống và dịu lại, ông thì thầm điều gì đó vào tai Phăng-tin, thật nhẹ nhàng và tình cảm. Chẳng ai biết ông nói gì, kể cả người đã chết liệu có thể nghe thấy không? Nhưng V. Huy-gô đã nói "Có Những Ảo Tưởng Cảm Động, Có Thể Là Những Sự Thực Cao Cả", và qua lời bà sơ Xem-pli-xơ, một nữ tu chẳng biết nói dối bao giờ, bà đã trông thấy nụ cười ngỡ ngàng của Phăng-tin trên đôi môi nhợt nhạt và trong đôi mắt xa xăm của chị. Vậy rốt cuộc nụ cười ấy có thật không? Không ai chắc nhưng bà sơ sẽ không nói dối. Lúc này đây "Chết Tức Là Đi Vào Bầu Ánh Sáng Vĩ Đại", đối với Phăng-tin chết chưa hẳn là xấu mà có khi đó là một khởi đầu mới, cứu chị ra khỏi nơi tăm tối dơ bẩn, ở thế giới khác chị có lẽ sẽ sống tốt hơn. Khi Giăng Van-giăng quỳ xuống hôn tay của Phăng-tin ta thấy một sự trân trọng, một lời tạm biệt đầy thương mến sâu sắc đến từ người đàn ông có tấm lòng nhân hậu này, liệu ai có đủ lòng bao dung để thương xót cho những con người khốn khổ như Phăng-tin, phải bán thân thể đầy rẻ mạt, có chăng chỉ là sự ghét bỏ khinh miệt. Chính điều ấy đã làm nổi bật lên tấm lòng cao cả, khoan dung vô hạn như một vị thần của Giăng Van-giăng, sẵn sàng bao dung những mảnh đời bất hạnh nhất và chẳng ai màng tới.
Nghệ thuật lãng mạn bắt đầu được xây dựng từ khung cảnh yên ắng của căn phòng, dường như bỏ qua tất cả chỉ còn hai con người đang đối thoại với nhau trong yên lặng, một người sống và một người đã mất. Đặc biệt những hành động thương tiếc đầy trân trọng được thực hiện một cách tuần tự, nhẹ nhàng và tỉ mỉ của Giăng Van-giăng dành cho Phăng-tin, đã thể hiện được nhân cách cao cả của Giăng Van-giăng, hình tượng hóa nhân vật này như đại diện của lòng nhân đạo sâu sắc và niềm xót thương cho những số phận bất hạnh nghiệt ngã. Thêm nữa, cái chết của Phăng-tin vốn tưởng là bi kịch, nhưng Huy-gô đã lãng mạn hóa bằng những triết lý rất sâu sắc, chết không phải là kết thúc, chỉ là chuyển đến một vùng mới, nơi ấy có ánh sáng vĩ đại hơn, gột rửa hết những đen tối của cuộc đời trong kiếp này. Vậy ánh sáng chính là cái thiện chân chính tỏ rõ tâm hồn con người, còn bóng tối là cái ác bao trùm lên cuộc đời làm con người ta lâm vào khốn cùng, suy ra Phăng-tin có lẽ đã đến được nơi cần đến, chấm dứt hết những vết bùn nhơ nhuốc ở hiện tại.
Đoạn trích là một phần khá hay và kịch tính nhất của câu chuyện, trong đó các nhân vật được khắc họa một cách sâu sắc, giữa bên thiện và bên ác có sự đối lập rõ ràng. Và cái xấu bao giờ cũng phải e ngại và chùn bước trước cái thiện, quan điểm trên đã được V. Huy-gô khéo léo lồng ghép vào câu chuyện thông qua nghệ thuật lãng mạn hóa những bi kịch, đồng thời hình tượng hóa nhân vật của mình, mọi chuyện vốn phi thực tế nhưng nhờ vào tấm lòng thương xót cao cả, tất cả bỗng trở thành một sự thực cảm động thông qua đôi mắt của người chứng kiến, đôi mắt của Chúa.
Bài văn mẫu số 2
Một không khí thiêng liêng được thể hiện qua sự im lặng gần như tuyệt đối của không gian căn phòng nơi Phăng tin chết. Đồng thời sự thiêng liêng đó cũng được thể hiện qua các hành vi của Giăng Van-giăng trong tư thế ngồi, nét mặt, dáng điệu. Ngay cả Gia-ve cũng không dám làm gì khi đó và bà xơ Xem- pli-xơ cũng chỉ là chứng nhân bất động. Mọi hoạt động lúc đó gắn liền với Giăng Van-giăng, song cũng không ồn ào mà hết sức lặng lẽ, ngay cả khi nói với người đã chết thì âm thanh ở đây cũng chỉ đủ mức cho hai người nghe, cũng chỉ là "thì thầm".
Đây là một kiểu không gian đặc trưng khác thường mà nghệ thuật lãng mạn thường quan tâm khai thác và xây dựng.
Cái đẹp phi thường được thể hiện qua lời kể của nhà văn:
Các câu hỏi liên tiếp được đưa ra đầy nghi vấn, song không hề có chút gì mỉa mai. Các câu hỏi đó đều được giải đáp bằng chi tiết bà xơ Xem-pli-xơ, "người độc nhất chứng kiến ấy", là người đã trông thấy "một nụ cười không sao tả được hiện trên đôi môi nhợt nhạt".
Có thể coi đây là một thực tế vô lí. Song, tác giả đã nhấn mạnh là bà xơ Xem- pli- xơ không bao giờ biết nói dối, bà chỉ nói sự thật, sự thật của mắt thấy tai nghe.
Đọc câu văn "Có những ảo tưởng cảm động, có thể là những sự thực cao cả", ta thấy đưa ra cách lí giải hợp lí ở đây. Cần chú ý là không chỉ có nụ cười trên môi mà còn có cả nụ cười "trong đôi mắt xa xăm, đầy ngỡ ngàng" của Phăng-tin nữa. Tất nhiên đây là đôi mắt của người đã chết, song trong không gian thiêng liêng ấy, qua cách nhìn của bà xơ, cái ảo tưởng này có thể giải thích được.
Các hành vi mà Giăng Van-giăng thực hiện đối với người đã khuất:
Các động tác sửa soạn lại tư thế cuối cùng cho Phăng-tin của Giăng Van-giăng. So sánh các động tác ấy với động tác của người mẹ chăm con, người đọc hiểu thêm tình người sâu sắc của ông. Các động tác của Giăng Van-giăng chậm rãi, không gấp gáp mà tuần tự để đi tới động tác cuối cùng: "Rồi ông vuốt mắt cho chị". Điều gì đã xảy ra? "Lúc ấy gương mặt Phăng-tin như sáng rỡ lên một cách lạ thường".
Đây cũng là biểu hiện độc đáo của nghệ thuật lãng mạn, hướng tới cái khác thường, phi thường trong hoàn cảnh khác thường.
Động tác Giăng Van-giăng quỳ xuống trước bàn tay buông thõng ngoài giường của Phăng-tin cũng rất đặc biệt: Giăng Van-giăng quỳ trước bàn tay người phụ nữ vốn đã phải làm cái nghệ bán thân nuôi miệng ấy ta thấy sự khác biệt giữa hai cách nhìn về con người này: một của Giăng Van-giăng, một của Gia-ve. Và từ đó ta thấy rõ tình cảm nhân đạo, tình người bao la của tác giả. Các động tác ở đây cũng nhẹ nhàng, tình cảm và tuần tự. Động tác cuối cùng của Giăng Van-giăng là đặt vào bàn tay ấy "một nụ hôn".
Đọc câu văn sau đây, ta hiểu thêm quan niệm của tác giả về cái chết: "Chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại". Đây cũng là một cách nhìn lãng mạn, không giống như quan niệm bình thường, thể hiện niềm tin bất diệt vào thế giới cái thiện. Cái thiện bao giờ cũng gắn với ánh sáng, cái ác bao giờ cũng gắn với bóng tối.