Dàn ý “Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn”
1. Mở bài
Dẫn dắt vào vấn đề cần nghị luận: Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn.
2. Thân bài
- Cắt nghĩa câu nói:
+ Tai là bộ phận giúp con người tiếp thu những âm thanh, giúp con người tiếp nhận những thông tin từ thế giới bên ngoài.
+ Miệng là bộ phận phát ra âm thanh, là phương tiện để con người truyền đạt những thông tin, tình cảm ra thế giới bên ngoài.
-> Lí giải ý nghĩa câu nói: Câu nói của Đê-nông là lời khuyên chân thành, sâu sắc về cách con người ứng xử với nhau trong cuộc sống.
- Vì sao cần nghe nhiều hơn?
+ Nghe nhiều để thấu hiểu, đồng cảm, mở rộng vốn hiểu biết
+ Nắm bắt được những thông tin cần thiết, thấu hiểu được mọi lẽ; hiểu bản chất của vấn đề -> Có cách đối phó, cư xử phù hợp.
+ Mở rộng: Việc lắng nghe chỉ thực sự có ý nghĩa nếu con người thực sự chú tâm vào những thông tin mình tiếp nhận
- Vì sao cần nói ít hơn"?
+ Nói nhiều hơn để thỏa mãn những nhu cầu tức thời của bản thân mà không đủ kiên nhẫn để lắng nghe, thấu hiểu.
+ Khi nói quá nhiều các giác quan của con người sẽ bị phân tán, việc nghe cũng sẽ bị hạn chế, kết quả là chính chúng ta là người "phong bế" khả năng tiếp nhận thông tin.
+ Nếu con người chỉ biết thao thao bất tuyệt nói ra những suy nghĩ chủ quan của bản thân mà không thực sự hiểu được bản chất của vấn đề thì lời nói ấy dễ trở thành những lời võ đoán.
+ Khi nói nhiều, nghe ít con người cũng tự đánh mất cơ hội mở rộng kiến thức, hiểu biết về con người và cuộc sống xung quanh.
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị của câu nói
Nhà triết học Hi Lạp đã nói rằng: “Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn”. Anh (chị) hãy giải thích ý nghĩa câu nói trên
Con người - thế giới, hai chủ thể luôn gắn bó về vật chất và càng có mối liên hệ chặt chẽ thông qua sợi dây vô hình của những triết lý, luân lý sống mà cũng chính con người đã đặt ra. Có những quan niệm sống tồn tại trong khoảng thời gian không lâu hoặc chỉ tồn tại trong một cộng đồng riêng lẻ nhưng cũng có những cái sống cùng mọi thời đại và tự lúc nào người ta đã biến nó thành tấm gương soi cho hành động của mình. Một trong số ấy có thể kể tới câu nói của Dê- nông với một người lẻo mép rằng: “Chúng ta có hai cái tai và một cái miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn”.
Những con số: hai hay một chỉ là cách mà Dê-nông mượn cớ khi muốn nhắc nhở người bạn lẻo mép ấy nhận ra giá trị của việc lắng nghe. Đó cũng là gợi ý cho thấy “lắng nghe” - một kỹ năng quan trọng và không phải ai cũng làm tốt.
Có một phương châm kinh doanh mà chắc không ít người trong chúng ta đã biến nó thành câu cửa miệng của chính mình “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Con người ta là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội, dù bạn là một chính trị gia hàng đầu hay chỉ là một người nông dân chất phác bùn lầy, là một giám đốc giàu có hay một kẻ ăn xin đầu đường xó chợ, một người đã sống gần trọn cuộc đời với bao trải nghiệm về cuộc sống hay một đứa trẻ thơ chập chững những bước đi đầu đời, đù là “nửa này” hay “nửa kia” thế giới thì tất cả đều phải có hai chữ “lắng nghe”. Chính trị gia mà không lắng nghe tiếng nói của cử tri thì nhân dân không tin tưởng đặt ở họ trách nhiệm ấy cho dù họ có bày ra trước mắt những người ủng hộ họ hàng loạt những kế hoạch mĩ miều hoành tráng cộng với những lời hứa hẹn đầy tâm huyết. Do vậy, nếu chỉ thao thao bất tuyệt phát biểu cái “tôi bản ngã” thì ai cho ta sự lắng nghe. Cuộc đời là những cuộc trao đổi vô hay hữu hình. Không cho người ta quyền được nói có nghĩa là không cho mình quyền được lắng nghe thì không ai cho ta sự lắng nghe đồng nghĩa với việc cho ta hứng thú để phát ngôn. Hãy thử hình dung xem nếu bạn là người đứng lên trước đám đông phát biểu về một vấn đề nào đó nhưng chỉ vài phút sau bạn phát hiện ra rằng mọi người chỉ đang cho bạn cái bóng thực thể của họ mà không cho bạn một chút quan tâm nào, bạn có thể tiếp tục bài phát biểu của mình hay không? Không còn đủ dũng cảm, kiên nhẫn và nhiệt tình để tiếp tục dù biết sự dừng lại làm nên sự dở dang. Cũng giống như vậy, đối với hai người khác giới khi tìm đến với nhau, họ tìm đến sự đồng cảm, sẻ chia và khám phá để bù lại những thái cực trái ngược như hai đầu khác dấu của nam châm do tự nhiên trao tặng cho mỗi phía; dĩ nhiên không người nào có thể dũng cảm đưa ra quyết định xa hơn nếu một trong hai hoặc điều tồi tệ nhất cả hai cùng là những thuyết giả không ngừng “Tôi là thế này..”. “Tôi nghĩ rằng..”, nhưng có người trong số họ lại không “nghĩ rằng” người kia có muốn nghe những gì anh ta hay cô ta nói hay không. Đam mê khám phá những điều chưa sáng tỏ luôn tạo nên hứng thú nhưng khi vô tình bạn quá nhiệt tình cung cấp cho họ thông tin mà không để ý lòng ích kỷ và ý thức muốn được bày tỏ và đề cao của người đang lắng nghe đã lên tới ngưỡng thì sự lắng nghe của người khác sẽ không còn dành cho bạn.
Cuộc sống này đa hình đa vẻ và ta sẽ không bắt gặp ai trong số dòng người hối hả kia hoàn toàn giống mình; vì thế sự dung hoà là vô cùng cần thiết giữa muốn hình vạn trạng sự khác nhau ấy. Giữa các thế hệ, lứa tuổi cũng là một cản trở để đi đến thống nhất trong cự xử, vì vậy biết nghe nhiều hơn nói là một cách giúp người gần nhau hơn: ông bà với con cháu, bố mẹ và con cái, và giữa các anh chị em... Sẽ không đứa cháu nào đủ kiên nhẫn ngồi nghe ông bà mình chỉ luôn luôn đề cập đến “ngày xưa..”, “chiến tranh..”, “cụ này hai năm mươi rồi..”, hay phàn nàn về căn bệnh đau lưng phổ biến của người già; chân tay run, mắt kém hay những đợt trở đau khi gió mùa về... trong khi giới trẻ cũng có cuộc sống của riêng họ và cũng muốn được sẻ chia, họ nói về những thứ mà các bậc bề trên không hiểu nó là gì hay hình dáng ra sao: là blog, là internet, là rock, là grafity, là emo... Nếu so sánh giữa những điều này thì đây quả thực là một sự khác biệt quá lớn, tưởng như không thể dung hoà nổi nhưng lại rất cần sự lắng nghe từ hai phía để một lần cả hai cảm nhận được tâm tư và nhiệt huyết của những người xung quanh mình. Lắng nghe cũng chính là một cách bày tỏ tế nhị sự sẻ chia, một sự sẻ chia trong khoảng lặng, không lời nhưng ấm áp lạ kỳ.
Mỗi ngày qua đi với biết bao căng thẳng, âm thanh hỗn độn, mỗi người đều muốn trở về một nơi an bình để nghỉ ngơi; chắc chắn nơi ấy không thể là nơi của những người chỉ biết nói về mình hay luôn coi đó là sàn tập dành cho phát ngôn viên, nơi ấy phải là nơi của những con người biết dùng đôi tai và cái miệng hợp lý và đem lại sự quan tâm và yên bình tĩnh lặng cho người khác.
Ông bà ta có câu “phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, điều căn dặn ấy cho thấy lời nói là vàng ngọc, một lời đã nói ra không thể lấy lại được. Vì thế nếu lời nói bị quá lạm dụng người khác sẽ không còn quan tâm tới nó cho dù đó là tâm huyết của mình. Lời nói có khi ngọt ngào nhưng vị ngọt thật sự có thể không nằm trong đó, nhưng sự lắng nghe chân thành thì không dễ gì giả dối.
Tự nhiên qua hàng thiên niên kỷ mới tạo ra được đứa con quý giá: con người với một đôi tai và một chiếc miệng. Sẽ không khó cho những ai thực lòng muốn học hai chữ “lắng nghe”. Chúng ta còn có hai con mắt, hãy dùng đôi mắt ấy quan sát, lưu tâm tới thái độ được thể hiện ở đối phương để hiểu khi nào họ muốn nói. Nếu thực sự mình muốn quan tâm đến ai đó thì không cần một trường lớp hay thầy cô giáo nào phải dạy cho bạn điều đó. Bạn có yêu thương những người thân của mình không. Hãy biểu hiện sự yêu thương ấy bằng cách dành cho họ nhiều cơ hội hơn để được nói lên những gì họ nghĩ. Cơ hội ấy đơn giản chỉ là bạn hãy nêu ra những câu hỏi quan tâm đến họ như một phần không thể thiếu trong “dự định phát ngôn” của mình. Hay chỉ một chút ngập ngừng và ánh mắt băn khoăn của bạn trước sự im lặng “lắng nghe” của người kia cũng đủ cho họ hiểu.
“A người ta muốn thay vào vị trí người nghe của mình!”. Hoặc đơn giản chỉ là luôn khiêm tốn vì mình nhận thức rằng thế giới này vô cùng rộng lớn và mỗi người quanh ta đều có những khả năng đặc biệt dù họ bây giờ bảnh bao trong bộ cánh đắt tiền hay hơi luộm thuộm trong những bộ đồ cũ kỹ, khi ấy bạn sẽ tự thấy rằng những gì mình đạt được mới chỉ là muối bỏ bể mà thôi, vậy thì đừng khoe khoang và cho mình là giỏi nhất, là nói chuyện có duyên và cuốn hút nhất.
Chính sách báo, tạp chí, truyền hình cũng là những phương tiện hữu ích giúp bạn học hai từ “lịch sự”, trong hai từ ấy cũng có cả sự biết “lắng nghe” và đem lại cả những hiểu biết xã hội rộng lớn giúp bạn dần trở nên tinh tế, nhạy cảm hơn, một quý ông quý bà chứ không phải là một người “lẻo mép”.
Nếu được chọn một cuộc sống, tôi sẽ chọn cuộc sống của một con người để được sống qua đủ đầy mọi cuộc sống khác; nếu được chọn một cách sống tôi chọn cách sống giản đơn để được là nơi bắt đầu của mọi sự và cũng là cái đích cao nhất của mọi nỗ lực phấn đâu và trong cách sống ấy tôi sẽ chọn “lắng nghe” để được dạo quanh với mọi cuộc đời khác từ cổ chí kim, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ và từ cuộc đời thực đến thế giới tâm hồn.