Nghị luận xã hội về: Một điều nhịn chín điều lành

Dàn ý Nghị luận về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành

+ Mở bài:

– Giới thiệu qua về nguồn gốc của câu nói “Một điều nhịn là chín điều lành”

-Kho tàng văn học dân gian nước ta có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ hay khuyên nhủ con người những đức tính tốt đẹp trong đạo lý làm người trong những lời khuyên răn đó có câu nói “Một điều nhịn là chín điều lành”.

– Ông bà ta muốn con cháu mình phải biết sống hiền lành, nhẫn nại không nên hung hăng, hiếu chiến mà gây họa cho cho bản thân và những người xung quanh.

+ Thân bài:

– Giải thích nghĩa của câu nói“ Một điều nhịn là chín điều lành” có nghĩa trong cuộc sống đôi khi chúng ta sẽ gặp những câu chuyện những lời nó chướng tai gai mắt, là cho ta cảm thấy buồn phiền, giận dữ nhưng trong những lúc như thế, nếu chúng ta nhẫn nhịn, nhún nhường thì mọi chuyện sẽ êm đẹp.

– Ý nghĩa của “số một” và “số chín”? Con số một chỉ số ít, số chín chỉ rất nhiều, chỉ cần chúng ta nhẫn nhịn một chút nhưng cái lợi mang về thì vô cùng to lớn.

– Mở rộng câu nói này trong tập thể lớp học, trong đời sống xã hội như thế nào? Trong một tập thể lớp có những khi quan điểm của ta không trùng với quan điểm của ai đó. Đôi bên tranh luận sôi nổi lời qua tiếng lại nếu chúng ta không nhẫn nhịn, không biết cách “dĩ hòa vi quý”

– Trong gia đình khi có sự bất bình xảy ra nếu như ai cũng cho rằng mình đúng không ai chịu nhận thiệt thòi, nhẫn nhịn thì mọi chuyện sẽ càng lúc càng căng thẳng, dẫn tới đổ vỡ.

– Tuy nhiên, bên cạnh câu nói của người xưa rằng “Một điều nhịn bằng chín điều lành” còn có câu nói khác mà thế hệ ngày nay thường sử dụng đó là “Một điều nhịn bằng chín điều nhục”. Người xưa thường nói nhẫn nhịn là bằng nhục bởi hai từ này thường đi kèm với nhau.

– “Một điều nhịn bằng chín điều nhục” muốn khuyên chúng ta nhẫn nhịn tới mức nào là đủ, trước những cái xấu, các ác trong xã hội chúng ta cần phải đấu tranh, chứ không thể im lặng, nhịn nhục để cho bọn xấu tự tung tự tác làm khổ người lành hiền.

+ Kết

– Cuộc sống ngày càng phát triển khiến cho con người sống trong xã hội ngày càng bận rộn với công việc, chịu nhiều áp lực của cuộc sống, nên dễ nổi cáu. Nếu chúng ta biết áp dụng lời dạy của cha ông thì sẽ giảm được những tranh cãi, va chạm đáng tiếc.

– Nhưng chúng ta nên biết áp dụng câu nói này đúng lúc, đúng chỗ, và đúng sự việc, không nên nhẫn nhịn với tội phạm, để chúng có cơ hội phát triển lọt lưới pháp luật.

2. Nghị luận về câu tục ngữ Một điều nhịn chín điều lành - Bài văn mẫu số 1

Không thể phủ nhận rằng những câu nói hay được đúc kết từ bấy lâu nay truyền từ đời này sang đời khác lại có sức mạnh vô cùng lớn lao đối với giới trẻ và cả những mầm non tương lai đất nước. Bắt đầu từ lời ru của bà, câu thơ của bố hay cả những bài giảng thân thương, những câu ca dao tục ngữ thấm nhuần vào cuộc đời của đứa trẻ.

Trong kho tàng văn học Việt Nam có thể nói tục ngữ đóng một vai trò quan trọng trong việc khuyên răn con người sống theo những điều tốt đẹp, theo điều hay lẽ phải mà ông cha ta để lại. Ở đó có những đức tính được nổi bật lên như kiên trì chịu thương chịu khó, đền ơn đáp nghĩa và còn có cả đức tính nhường nhịn. Bởi vậy mà ngay từ xưa ông cha ta đã có câu “Một điều nhịn chín điều lành” vô cùng đúng đắn và có ý nghĩa

Điều nhịn được nhắc tới ở đây chính là sự nhường nhịn nhẫn nhục bởi vì không phải lúc nào mọi chuyện cũng được diễn ra suôn sẻ. Nhịn nhường không phải là hạ thấp bản thân mà chính là muốn giữ hòa khí với mọi người xung quanh. Để bản thân luôn điềm đạm và sống trong những điều tốt đẹp. Điều lành chính là việc tốt lành không xảy ra đôi có mâu thuẫn hay là điều mà khiến cho cả mọi người đều phải chịu thiệt hờn trách nhau. Chính điều nhịn mới sinh ra điều lành. Con người sinh ra biết nhường nhịn chính là biết lấy cái tôi của bản thân đặt vào vị trí của người khác mà sống một cách hòa thuận.

Sự nhường nhịn có thể được thấy ở nhiều mặt của cuộc sống. Chúng ta có thể dễ dàng thấy như một khi xảy ra cãi vã một trong hai người phải thật sự bình tĩnh không vì quá nóng giận mà có thể xảy ra những điều đáng tiếc. Trong cuộc sống nếu không biết nhường nhịn thì con người chỉ sống như những cỗ máy không có suy nghĩ hoặc suy nghĩ đó là sự ích kỉ. Không một ai trong chúng ta có thể thấy rằng người khác họ cũng muốn mình quan trọng và được tôn trọng. Chính vì vậy nhường nhịn chính là cách để tôn trọng người khác tôn trọng mối quan hệ

Suy cho cùng một người vì nóng giận quá mà sinh ra nhiều thứ xung đột mâu thuẫn thì bản thân họ cũng không nhận được gì từ phía người khác. Cãi vã sẽ không mang tới cho con người những điều tốt đẹp bởi nó được ví như một thứ mà khiến cho mối quan hệ con người tan vỡ nhanh chóng. Ngược lại nhường nhịn chính là thứ keo bền chặt gắn kết con người và cộng đồng lại với nhau. Trong gia đình con cái phải biết nghe lời bố mẹ, phải biết kính trên nhường dưới và biết tôn trọng lẫn nhau. Đối với bạn bè cần phải biết khó khăn như thế nào mới có được tình bạn như vậy cho nên bản thân mỗi chúng ta cần phải cẩn trọng với hành động và quyết định của mình trong lúc nóng giận

Đôi khi bản thân sự nhường nhịn đến từ sự vị tha và bao dung, bởi đức tính này sẽ là nền tảng cho cách xử sự của con người trong cuộc sống thay vì bực tức trả đũa hay có những hành động quá mức thì con người chúng ta nên rèn luyện bản thân và có những mức quy định cho bản thân riêng biệt,

Không một ai sinh ra đã là người tốt, không một mối quan hệ nào mới bắt đầu đã bền vững. Chúng ta mỗi người trong xã hội này nếu không khôn khéo không biết nhường nhịn thì bản thân chúng ta không bao giờ trưởng thành được. Hơn thế nữa một điều nhịn chín điều lành ông cha ta chưa bao giờ khuyên sai cho con cháu mình. Học được từ câu nói đức tính nhẫn nhịn và vị tha, cuộc sống không chỉ là sự nhân lại mà còn là sự cho đi. Cuộc sống không chỉ có cạnh tranh mà còn là sự hài hòa giữa sống và vị tha.

Bài văn mẫu số 2

Có thể nói kho tàng tục ngữ của đất nước ta nhiều như số lượng nhân dân đồng bào ta vậy. Có biết bao nhiêu câu tục ngữ đi theo năm tháng và trở thành những bài học răn dạy của chúng ta. Một câu tục ngữ thường có dung lượng chữ rất ít nhưng ý nghĩa chất chứa trong nội dung đó thì lại tốn khá nhiều giấy mực để bàn luận. Một điều nhịn chín điều lành cũng là một câu tục ngữ như thế.

Trước tiên chúng ta cần phải giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ trên. Một là một số ít đối với chín số nhiều để làm nổi bật sự trao đổi lớn hơn rất nhiều so với cái ban đầu mất đi. Cái một mất đi đó chính là điều nhịn còn cái nhiều hơn kia điều lành. Mà điều lành là những điều tốt đẹp may mắn đến với chúng ta còn điều nhịn là sự nhường nhịn mất đi cái gì đó của bản thân có thể là vật chất cũng có thể là cả tinh thần. Thế nhưng nhường nhịn đi một lần bạn sẽ được nhận lại gấp mấy lần điều tốt lành. Như vậy câu nói trên có ý nghĩa rằng hãy nên biết nhường nhịn chịu thiệt về mình để dĩ hòa vi quý nhận lại những điều tốt lành cho bản thân và những người xung quanh mình.

Sự nhường nhịn chịu thiệt về bản thân mình thể hiện khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường. Ở thời điểm này thì chưa có những sóng gió nhiều của cuộc sống vì thế cho nên có nhường nhịn thì cũng ở mức độ rất nhỏ mà thôi. Và sự nhịn ở lứa tuổi học sinh cũng rất đơn giản và nhỏ thôi. Thế nhưng nó cũng rất quan trọng. Ví dụ như những bạn học sinh nữ cãi nhau vì những xích mích chuyện con gái ngồi lê buôn chuyện nói xấu người khác.

Nếu như là một người biết nhường nhịn thì dù bạn có nổi nóng lên cũng có thể bạn cho người nói xấu mình biết là mình đã nghe thấy những gì bạn đó nói và chọn cách im lặng để giải quyết thì đó chính là nhịn. Đặc biệt là không hề thái độ khác với người nói xấu mình. Vẫn cứ như bình thường nếu như bạn đó không hiểu mà tưởng đó là mình cần họ thì mình nên nói ra còn không thì mình nên coi như bình thường vì khi ấy tránh được cãi lộn là một điều không lành. Không những thế mà mình còn làm cho người ta phải nể mình vì mình không nhỏ nhen không cãi lộn, đồng thời những người được nghe lời nói xấu kia cũng thấy yêu mến sự hòa nhã của bạn hơn. Và đặc biệt gây bất hòa với người khác là không tốt. Hay khi mình giúp bạn làm bài còn bạn thì không giúp mình những chỗ mình không hiểu. Khi ấy chắc chắn mình rất tức và muốn mắng bạn. Tuy nhiên lời nói chẳng mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Ta nên nhẹ nhàng nói những điều lý lẽ khi thấy bạn vẫn cho mình là đúng thì tốt nhất là im lặng để tránh gây cãi lộn.

Đó là biểu hiện của “một điều nhịn chín điều lành” trong học tập còn trong cuộc sống cũng thế. Tuy nhiên nó sẽ phức tạp hơn vì cuộc sống thì phải trải qua rất nhiều điều và sóng gió cứ thế mà ập đến thôi. Mỗi chúng ta đều cần đến sự nhường nhịn chịu thiệt về bản thân một chút thì mới xây dựng được những mối quan hệ bình thường không gây thù với những người xung quanh. Khi người ta cố tình làm hại mình vì ghen ghét, việc làm ấy chỉ là những việc nhỏ trong cuộc sống mà thôi và bản thân mình biết điều đó nhưng do bản thân chưa đủ khả năng để có thể nói rằng họ hại mình thì hãy nên nhịn. Cái sự nhường nhịn ấy một phần sẽ khiến cho người kia thấy chán khi mình không nổi giận, một phần để mình tìm cơ hội bóc mẽ người ta. Có những lúc chính sự chịu thiệt về bản thân mình lại cho chính người ghét mình trở nên yêu mến và khâm phục mình hơn.

Một quốc gia một nhà nước cũng cần có sự nhường nhịn để tạo nên những mối quan hệ tốt. Đặc biệt là nước ta khi ngày xưa Mỹ, Pháp xâm lược chúng ta và đã làm những việc khiến cho ảnh hưởng đến tận ngày nay nhưng trong quan hệ đối ngoại thì ta vẫn mềm dẻo với họ. Bởi nếu không hợp tác với Mỹ thì chúng sẽ cấm vận ta và làm cho ta rơi vào thế cô lập. Không những thế thì khi hợp tác ta biết rằng đó chỉ là cái cớ để chúng thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm bạo loạn lật đổ nhưng vẫn phải nhịn để tìm những cơ hội đối phó sau. Sự nhịn của chúng ta khi biết tỏng cái chính sách lừa bịp của chúng như thế nhằm tạo cơ hội cho đất nước hội nhập phát triển với các nước khác.

Tóm lại trong cuộc sống của chúng ta mâu thuẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào chính vì thế mà cần phải biết nhường nhịn để nhận lấy những điều tốt lành về sau. Thế giới hiện nay cũng rất cần sự nhường nhịn để bảo vệ một nền hòa bình nếu không bất hòa sẽ gây chiến tranh mà chiến tranh thì quả là một thảm họa của loài người.

Bài văn mẫu số 3

Cùng với thăng trầm lịch sử phát triển của dân tộc, kho tục ngữ, ca dao dân ca luôn đầy ắp những câu khuyên nhủ răn dạy của người xưa. Trong dân gian có câu: “Một điều nhịn bằng chín điều lành” vậy câu ca dao đó đúng với mọi trường hợp hay không?

Nhịn là sự nhẫn nại, nhún nhường trong giao tiếp hay hành động trong cuộc sống hàng ngày. Lành là cuộc sống hay kết quả êm đẹp, tốt đẹp như mọi người mong muốn. Một là con số nhỏ hơn với chín rất nhiều. Hàm ý ở đây, chỉ cần nhẫn nhịn một phần trong một thời gian nhất định, sẽ nhận lại chín (nhiều phần ) lành – may mắn, êm đẹp trong cuộc sống. Như vậy câu nói “Một điều nhịn bằng chín điều lành” có ý nghĩa rằng hãy nên nhường nhịn chịu thiệt về mình để nhận lại những điều tốt lành cho bản thân và những người xung quanh mình.

Vậy tại sao ông cha ta lại răn dậy một điều nhịn bằng chín điều lành? Trong cuộc sống đôi khi có nhiều chuyện phát sinh, con người không phải ai cũng giữ được bình tĩnh cho bản thân để mọi chuyện có thể tiếp tục xảy ra êm đẹp. Khi bước chân ra ngoài cuộc sống, bạn tiếp xúc nhiều người hơn là những người thân như cha mẹ, anh em – những người vốn đã yêu thương và nhường nhịn bạn từ trước. Chúng ta cần có cái nhìn tổng quan mọi sự vật, sự việc để cư xử đúng đắn, không nên để suy nghĩ của bản thân để xảy ra tranh cãi hay xô xát không đáng có “ dĩ hòa vi quý”. Khi bạn làm việc với một tập thể mà không nhường nhịn người khác, luôn giữ quan điểm của bản thân, dù cho quan điểm đó đúng đi chăng nữa cũng sẽ tạo cho tập thể một tinh thần không đoàn kết, lục đục. Bạn chỉ cần nhẫn nhịn, lắng nghe và khuyên giải sẽ có một kết cục tốt hơn rất nhiều. Có những mối quan hệ trong cuộc sống cũng cần sự nhẫn nhịn từ một bên để tiếp tục mối quan hệ ấy. Vợ chồng cãi nhau mà không bên nào chịu nhường bên nào mà tiếp tục tranh cãi, không ai lắng nghe ai thì lời hứa đầu bạc răng long sẽ không bao giờ thực hiện được.

Chúng ta có thể lấy biết bao nhiêu ví dụ về những tấm gương sáng nhẫn nhịn để làm nên kì tích ví như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn biết gạt bỏ tư thù, tư oán trong dòng họ để phò vua cứu nước, cùng Thái sư Trần Quang Khải lãnh đạo nhân dân mấy lần đánh tan quân xâm lược Mông – Nguyên. Các chiến sĩ cách mạng trong thời kì kháng Mỹ , Pháp liều thân nằm vùng địch, nhẫn nhịn địch để tìm được thông tin cho đất nước chống lại quân xâm lăng.

Thế nhưng, tất cả mọi thứ đều có giới hạn. Đừng đem câu nói của ông cha “ Một điều nhịn bằng chín điều lành” để giải thích cho sự chịu đựng vô lý của bạn thân. Nhẫn nhịn chứ không phải nhẫn nhục, nhu nhược, hèn nhát, khi cần vẫn phải biết đấu tranh để thắng cái ác, cái phi lí. Khi bị chồng đánh đập hay bạo hành thì phải biết đứng lên giành lại quyền lợi cho bản thân. Trong lớp học khi bị bắt nạt phải đi tìm công bằng. Chúng ta cứ chăm chăm suy nghĩ nhẫn nhịn cho cái vô lý thì không bao giờ tìm được một kết cục tốt đẹp.

Trong cuộc sống ngày nay có vô vàn áp lực làm con người dễ cáu giận, chúng ta nên biết kiềm chế và suy nghĩ tới lời của ông cha đã răn dạy để không mất đi những thứ quý giá hay kết cục không nên. Suy cho cùng, nên áp dụng lời răn dạy một cách đúng cách để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.