Bình giảng bài thơ Cuốc kêu cảm hứng hay nhất (1 mẫu)

Bình giảng tác phẩm Cuốc kêu cảm hứng

Nguyễn Khuyến là một nhà thơ cổ điển có tâm hồn sâu sắc, thâm trầm, lại mang nỗi đau đời đầy xót xa. Vốn tài cao học rộng, mang danh tiến sĩ, nhưng trước thực cảnh đất nước bị xâm lăng, ông cũng đành bó tay, bất lực, phải lui về ở ẩn để tránh nhìn cảnh đau xót. Trong quãng thời gian ở ẩn ấy, Nguyễn Khuyến vẫn canh cánh một nỗi lòng tiếc hận, chính vì thế, ông thường gửi vào thơ văn của mình những nỗi niềm suy tư, một cách thật sâu kín. Có tận đến mấy chục con vật khác nhau xuất hiện trong thơ của một thi sĩ cổ điển như Nguyễn Khuyến và mỗi một con vật đó lại mang một ý nghĩ, một tâm trạng riêng của nhà thơ. Trong đó, con cuốc là loài được vinh dự xuất hiện tới 3 lần trong thơ ông, một trong số các bài thơ tiêu biểu nhất là Cuốc kêu cảm hứng.

Đọc nhan đề Cuốc kêu cảm hứng, nếu hiểu xuôi hay ngược đều ra nghĩa cả, nhưng xét về tâm trạng và bối cảnh ra đời có lẽ ta nên hiểu đó là nhà thơ nghe tiếng cuốc kêu mà tìm được "cảm hứng" viết bài thơ này. "Cảm hứng" ở đây chẳng phải là niềm vui, sự hứng khởi mà chính là sự khơi gợi nỗi đau mất nước từ tiếng Cuốc kêu thảm thiết, tê tái cõi lòng. Ta có thể tìm thấy một tiếng "Quốc" đau lòng như thế trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan, đó là câu "Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc" thật xót xa, buồn tủi trong Qua đèo Ngang của nữ sĩ.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến đã đưa vào một tiếng chim thật thê lương, nó vừa "khắc khoải" như nhấn sâu vào tâm hồn con người, lại vừa "lửng lơ", đó là tiếng kêu mang theo cái nỗi buồn mênh mang, vừa xót xa lại day dứt. Tiếng cuốc cũng gợi nhớ về một sự tích xưa, Thục đế vì làm mất nước mà đau đớn chết đi hóa thân thành con cuốc, ngày ngày cất tiếng kêu thê thảm, lầm lũi. Đó là nỗi đau của một oan hồn, vấn vương vẫn cho đến muôn đời sau, nỗi đau mất nước là nỗi đau sâu sắc không thể xóa nhòa, để một oan hồn đã "thác tự bao giờ" vẫn phải đau đớn đến ngẩn ngơ, ngày ngày lang thang dưới bóng một loài chim lầm lũi.

Trong hai câu thơ thực, Nguyễn Khuyến diễn tả một khung cảnh nghệ thuật, có phần ghê rợn, ám ảnh bởi tiếng cuốc khắc khoải cô đơn, gọi hè.

"Năm canh máu chảy đêm hè vắng

Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ"

Giữa "đêm hè vắng", tiếng cuốc kêu chi mà đau xót, một nỗi đau có màu đỏ chói mắt của "máu chảy", đã thế cái "vắng" buổi đêm lại càng làm cho cái tiếng cuốc gọi hè ám ảnh ấy thêm sâu đậm, thêm tha thiết, vang vọng khắp không gian tĩnh mịch, oi bức. Đã thế tiếng cuốc còn gợi một nỗi đau lớn hơn đó là nỗi đau "hồn tan" dưới một cái không gian ảm đạm "bóng nguyệt mờ", tưởng tượng nếu đứng dưới khung cảnh ấy mà nghe tiếng cuốc thì phải thấy chán chường, khủng hoảng đến độ nào. Tiếng cuốc ấy cũng chẳng phải chỉ kêu ngày một ngày hai mà kêu dai dẳng suốt ngày suốt đêm, kêu suốt "năm canh-sáu khắc", lại càng thích kêu vào cái buổi đêm yên tĩnh như tiếng kêu khóc thê thảm, gợi lên trong tâm hồn người không ngủ một nỗi đau đớn, một nỗi xót xa dai dẳng, bứt rứt vô cùng.

"Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,

Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?"

Đến hai câu thơ luận, ta dường như nhận ra một nỗi niềm băn khoăn, day dứt sâu trong tâm hồn tác giả. Tâm trạng của một nhân sĩ mang nỗi đau đời, đau vì mất nước, đau vì bất lực, đau vì nghịch cảnh tồi tàn của dân tộc lúc bấy giờ. Ông tự hỏi tiếng cuốc kia rốt cuộc là do còn hoài xuân hay là tiếng than nhớ nước của oan hồn Thục đế xa xưa. Nghĩ sâu xa thì đó cũng chính là tâm trạng của thi nhân, ông tiếc nhớ một đất nước vốn từng thịnh vượng sung sức như cái khí tiết trời xuân. Còn giờ đây ông lại tiếp tục với nỗi đau mất nước mà đến nằm mơ về một tổ quốc khi xưa cũng chẳng được yên giấc, bởi tiếng cuốc kêu khắc khoải, thê thương quá.

"Thâu đêm ròng rã kêu ai đó?

Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ."

Hai câu kết cuối bài tưởng nhà thơ đang hỏi con cuốc kêu chi mà ròng rã vậy, nhưng đó cũng lại chính là lời tự hỏi của tác giả dành cho bản thân mình. Tiếng cuốc kêu dài trong đêm vắng, người thi nhân vẫn bồn chồn, ngẩn ngơ không ngủ được vì đau đáu một nỗi niềm sắt son yêu nước, thương dân đến tột cùng. Tiếng cuốc kêu như giục giã, như xoáy sâu vào tâm hồn, ý bảo nhân sĩ hãy làm một điều gì đó để thay đổi thế sự ngổn ngang này. Nhưng người đang nghe tiếng cuốc giục giã như rỉ máu, như hồn tan, như kêu khóc ấy lại phải chịu bó tay bất lực, chẳng thể làm được gì, chỉ biết ngẩn người đau đớn, thở dài. Đó là một cái tâm trạng khó chịu, bức bối đến nhường nào trong cái đêm hè vắng lặng này.