Bình luận hai câu thơ: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?” (Đề đền Sầm Nghi Đống - Hồ Xuân Hương) hay nhất (1 mẫu)

Bình luận hai câu thơ: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?” (Đề đền Sầm Nghi Đống - Hồ Xuân Hương)

Thế kỉ XIX, trên thi đàn Việt Nam xuất hiện những nữ sĩ tài ba như Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương,... Nữ sĩ Hồ Xuân Hương chiếm một địa vị vẻ vang, được nhà thơ Xuân Diệu ngợi ca là "bà chúa thơ Nôm ". Bà để lại trên dưới 50 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt và thất ngôn bát cú. Thơ trữ tình cũng như thơ trào phúng của bà độc đáo hóm hỉnh, sâu sắc vô cùng.

“Đề đền Sầm Nghi Đống", bài thơ tứ tuyệt, đề tài nhỏ mà đa nghĩa, tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Xuân Hương. Hai câu cuối của bài thơ, bà đã viết:

... “Ví đây đổi phận làm trai được,

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?"

Sầm Nghi Đống là một võ tướng của nhà Thanh, cùng Tôn Sĩ Nghị mang 29 vạn quân sang xâm lược nước ta. Chúng đã bị vua Quang Trung đánh cho bại trận Sầm Nghi Đống thất trận, cùng kế phải thắt cổ tự tử. Hắn được Hoa kiều lập đền thờ ở một hẻm của kinh thành Thăng Long. Nếu như hai câu thơ đầu, nữ sĩ tả ngôi đền và nói lên sự khinh miệt của mình thì hai câu cuối, bà nêu lên một giả định so sánh để bình giá “cái sự anh hùng", cái nhân cách quá tầm thường của tên tướng Thiên triều bại trận. Ý thơ còn biểu lộ một khát vọng về quyền nam nữ bình đẳng của người đàn bà nước Nam.

Xã hội phong kiến, nhất là bọn vua quan rất coi thường phụ nữ. Thế mà Hồ Xuân Hương lại đem chính mình ra so sánh với quan Thái thú phương Bắc, bĩu môi bình giá "cái sự anh hùng" của tên tướng Thiên triều là một lối nói giễu cợt, mỉa mai, coi thường. “Đây" là đại từ nhân xưng để trỏ, chỉ dùng trong mối quan hệ thân tình hoặc coi thường. "Cái sự anh hùng" của kẻ đang được Hoa kiều thờ cúng trong ngôi đền ấy thực ra tài năng không bằng một người đàn bà (trong xã hội trọng nam khinh nữ)! Nữ sĩ đã tạo nên một ý thơ sắc nhọn, bằng lối nói giả định so sánh để bình giá và đã lột trần chân tướng và giá trị thật của Sầm Nghi Đống.

Câu hỏi tu từ với ba tiếng "há bấy nhiêu" cho thấy bà đã bĩu môi châm biếm nhân cách tầm thường, cách ứng xử đê hèn của một viên tướng trong vòng tên đạn, gươm giáo. Anh hùng thì phải mưu lược, quả cảm, võ công lừng lẫy, có chết trong trận mạc thì cũng được "bọc thây da ngựa" lưu lại tiếng thơm muôn đời. Anh hùng vì nghĩa, vì nước, vì dân, "Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha" (Truyện Kiều). Trái lại, hành động của quan Thái thú là đem quân đi ăn cướp nước người, lúc bị quân ta đánh cho tơi bời, lúc sa cơ hắn lại treo cổ tự tử! Viên bại tướng với cái chết nhục nhã không đáng mặt nam nhi, không có một chút gì đáng gọi là "sự anh hùng" cả!

Hai câu thơ phản ánh một tâm thế đàng hoàng, tự tin về tài năng, phẩm hạnh của mình, của giới mình, của người đàn bà Việt Nam. Ta đã biết Hồ Xuân Hương từng có thái độ "bất kính", coi thường các bậc hiền nhân quân tử, giới mày râu trong xã hội phong kiến. Bà chế giễu, châm biếm bộ mặt đạo đức giả của họ. Nữ sĩ mỉm cười hỏi viên hoạn quan "Đem cái xuân tình vía bỏ đâu?", đả kích bọn công tử dốt nát mà lại ngông nghênh, chẳng khác gì "Ong non ngứa nọc châm hoa rữa / Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa", hoặc báng bổ lối tu hành của các nhà sư hổ mang:

"Oản dâng trước mặt năm ba phẩm,

Vãi nấp sau lưng sáu, bảy bà",...

Nhà thơ đã góp một giọng thơ trào phúng, để lại một bức biếm họa thần tình, lột tả bộ mặt xấu xa, tàn ác, bất tài của bọn Thái thú "Thiên triều " có nhiều tội ác đẫm máu đối với dân tộc ta. Cái đền thờ Sầm Nghi Đống mãi mãi là một vết nhơ cho tất cả bọn chúng.

Ý thơ biểu thị một lập trường dân tộc, một ý thức dân tộc. Nữ sĩ tuy không thể "đổi phận làm trai được", nhưng lịch sử chống xâm lăng của nhân dân ta, những gương sáng của Hai Bà Trưng, của Lê Chân, của Bà Triệu,... đã tạo nên cảm hứng tự hào để nữ sĩ xuất khẩu thành những vần thơ bất hủ ấy! Hai câu thơ, qua hình thức nghệ thuật cảm thán (mỉa mai) và câu hỏi tu từ (hỏi để bình giá) đã biểu lộ một khát vọng về bình đẳng nam nữ, về quyền sống của "phận gái" muốn được thi thố tài năng, đức hạnh với đời. vẻ đẹp nhân văn tiềm ẩn, lấp lánh trong hai câu thơ đặc sắc ấy.

Ngoài ra, người đọc còn lấy làm thú vị trước một giọng điệu thơ ca đặc sắc, tài ba của "Bà chúa thơ Nôm". Bút pháp của nữ sĩ đã làm cho thơ thất ngôn Đường luật được Việt hóa cao độ. Học tập nghệ thuật trào phúng của thơ ca dân gian, bà đã sáng tạo nên những vần thơ mộc mạc, bình dị mà đa nghĩa, sắc sảo, biểu lộ một cá tính sáng tạo, một phong cách thơ rất “Hồ Xuân Hương”.

Tóm lại, hai câu thơ "Ví đây đổi phận..." có một giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó không chỉ chế giễu bọn Thái thú phương Bắc sang xâm lược và đô hộ nước ta mà còn thể hiện một ý thức tự tôn dân tộc, một khát vọng về quyền bình đẳng nam nữ. Đọc những vần thơ ấy, ta cảm nhận được một phần nào ngôn ngữ thơ ca, vẻ đẹp tâm hồn của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.