Trong bài thơ "Bài ca ngất ngưởng" giữa lối sống “ngất ngưởng" với tâm niệm "nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung" có gì mâu thuẫn không?
"Bài ca ngất ngưởng" là bài thơ có vị trí đặc biệt trong văn nghiệp của Nguyễn Công Trứ. Nó vừa thể hiện cái tôi độc đáo của ông vừa là một tuyên ngôn sống đầy hào khí. Trong bài thơ, ông đã thể hiện rõ sự hòa hợp giữa hai lối sống tưởng như mâu thuẫn của mình: lối sống "ngất ngưởng" với tâm niệm "nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung".
Lúc bình Tây cờ đại tướng
Bài ca ngất ngưởng ra đời vào năm 1848 khi Nguyễn Công Trứ đã dứt áo khỏi chốn quan trường. Ông viết bài thơ như lời tổng kết cho cuộc đời đầy sóng gió cho cuộc đời mình.
Bài thơ có tên: Bài ca ngất ngưởng. Điểm đáng chú ý là từ ngất ngưởng, chứ không phải là “bài ca” (cùng thời với Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát cũng viết nhiều bài ca: Sa hành đoản ca (Bài ca ngắn “đi trên cát”, Đằng tiên ca (Bài ca cái roi song)...). Từ ngất ngưởng vôn diễn tả trạng thái không vững, ở chỗ cheo leo, dễ đổ, dễ rơi. Đấy là lớp nghĩa thông thường, càng không phải ở trong trường hợp của Nguyễn Công Trứ. Đáng chú ý hơn, trong bài thơ, tác giả sử dụng tất cả năm lần (kể cả tiêu đề). Hai lần đầu trong bài, từ ngất ngưởng xuất hiện ở cuối một khổ thơ, có tác dụng nhấn mạnh. Lần thứ nhất, kể từ khi ông Hy Văn đỗ Thủ khoa, rồi làm quan Tham tán và tới chức vụ rất cao (Tổng đốc), ông đã ngất ngưởng. Rồi khi bình Tây, lúc về Phủ doãn Thừa Thiên và tới ngày đô môn giải tổ, ông đều ngất ngưởng. Khi thực sự cáo quan, sống cuộc sống bình thường, ông càng ngất ngưởng. So ra, trong triều, chẳng có ai ngất ngưởng như ông. Như vậy, ngất ngưởng là một thái độ, một phong cách sống của Nguyễn Công Trứ. Nó vượt lên muôn vạn người thường, nó cũng không Phật, không Tiên, không vướng tục. Nó là một cá nhân - cá thể, là bản ngã của chính nhà thơ.
Có thể nói, đây là bài thơ duy nhất Nguyễn Công Trứ trực tiếp thể hiện thái độ, phong cách sống của mình. Sự thể hiện đó chỉ có thể có được trên cơ sở một sự tự ý thức sâu sắc về những giá trị của bản thân, về chốn quan trường và rộng hơn là cả xã hội thời bấy giờ. Điều này, trong văn học trung đại Việt Nam, khá hiếm hoi, nhất là với những nhà thơ tham gia vào chốn quan trường. Nói rộng hơn, những kiểu tự ý thức như Nguyễn Công Trứ báo hiệu cho sự đòi hỏi bức thiết về sự xuất hiện và khẳng định cái tôi trong văn học, cũng như ngoài đời. Hơn nữa, bài thơ được Nguyễn Công Trứ viết khi đã cáo quan về nghỉ và bước vào tuổi bảy mươi. Do đó, nó là sự tổng kết, tự đánh giá một cách nghiêm túc, sâu sắc của một người từng trải, chứ không phải nhất thời, bồng bột khi ở tuổi thanh xuân.
Trong bài hát này, Nguyễn Công Trứ đã tự kể về mình, tự thuật, tự đánh giá về bản thân. Giọng điệu tự thuật khẳng khái, đầy cá tính một lần nữa cho thấy ông sòng phẳng, thẳng thắn và có ý thức rõ ràng về phong cách sống của mình. Nguyễn Công Trứ tự hào vì đã có một cuộc sống hoạt động tích cực trong xã hội:
Khi Thủ khoa, khi Tam tán. Khi Tổng đốc Đông,
Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng
Lúc bình Tây cờ đại tướng,
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên
Nhà thơ đã sử dụng thành công thủ pháp liệt kê, giọng thơ đầy hào sảng thể hiện niềm tự hào bởi suốt cuộc đời mình đã nắm giữ nhiều chức vị quan trọng, chủ chốt của triều đình. Đồng thời, ông cũng tự hào vì dám sống cho mình, bỏ qua sự gò bó của lễ và danh giáo.
Đô môn giải tổ chi niên
Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.
Kìa núi nọ phau phau mây trắng
Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng
Sau khi từ quan, cách ông nghỉ và chơi cũng rất ngông, rất khác thường, ông đeo mo vào đuôi bò, ông dẫn các cô gái trẻ lên chơi chùa, ông đi hát ả đào và tự đánh giá cao các việc làm ấy. Ông có quyền ngất ngưởng vì ông về hưu trong danh dự, sau khi đã làm được nhiều việc hữu ích cho dân cho nước. Theo ông, điều quan trọng nhất của nhà Nho là hoạt động thực tiễn chứ không phải là nếp sống uốn mình theo dư luận, ông thích hát nói vì đó là môn nghệ thuật ông say mê từ nhỏ. Vì thế khi về hưu ông vẫn đi hát vì không muốn tỏ ra mình là một bậc phi phàm, khác đời như các thánh nhân. Chẳng những vậy, đi thăm thú cảnh chùa mà vẫn đeo kiếm cung bên người và mang theo “một đôi dì". Rõ ràng trong bộ dạng từ bi Nguyễn Công Trứ vẫn vương đầy nợ trần, vẫn đèo bòng đằng sau mấy bóng giai nhân. Cốt cách của một khách tài tử, văn nhân chính là ở đó... Đó là lối sống phá cách của một con người thích làm những chuyện trái khoáy ngược đời để ngạo đời, thể hiện thái độ và khát vọng sống tự do tự tại.
Không bận tâm đến những lời khen chê, những chuyện được mất. Đó là một quan niệm sống, triết lý sống phóng khoáng tự do, thoát khỏi vòng danh lợi tầm thường. Coi sự được mất là lẽ thường tình, ông đã ra khỏi vòng danh lợi để sống thảnh thơi, tự do, tự tại để hướng mọi lạc thú, cầm, kỳ, thi, tửu, giai nhân giữa cuộc đời trần thế một cách thoả thích:
Được mất dương dương người tái thượng,
Khen chè phơi phới ngọn đông phong.
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Nhà thơ đã vận dụng nghệ thuật tương phản, đặt những cái đối lập nhau để thể hiện thái độ ngất ngưởng của mình.
Nhân vật trữ tình xuất hiện trong tác phẩm là một con người có cá tính ngông, một con người đầy tự tin, yêu thích cuộc sống tự do tự tại, coi thường danh lợi. Con người ấy tự tin vào tài năng và tin tưởng vào quan điểm sống của mình nên đã rất bản lĩnh vượt lên trên thói thường cuộc đời để sống và làm điều mình thích. Nhưng dù ngất ngưởng, ngông ngạo đến đâu, ông vẫn ý thức rất rõ trách nhiệm của mình đối với cuộc đời. Vì thế, sau những phút giây cao hứng, thả mình phóng túng cùng trời đất tự do, ông vẫn không quên tự nhắc: “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung”. Tư tưởng ấy không hề mâu thuẫn với cái ngông ngạo, ngất ngưởng của ông. Trên thực tế Nguyễn Công Trứ là một nhà Nho có trách nhiệm với đất nước. Tuy cuộc sống quan trường gặp nhiều lận đận nhưng ông vẫn luôn một lòng trung thành với triều đình. Dù ham cuộc sống tự do phóng túng nhưng ông vẫn nhiệt tình thực hiện trách nhiệm quân thần.
Có thể nói, qua bài thơ "Bài ca ngất ngưởng", Nguyễn Công Trứ đã thể hiện một lối sống tiến bộ, biết dung hòa giữa cái tôi đầy cá tính mang đậm phong cách cá nhân với việc sống cống hiến cho dân, cho nước. Lối sống ngông ngạo "ngất ngưởng" khác đời, khác người không hề mâu thuẫn với tâm niệm "Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung", ngược lại, chúng bổ sung cho nhau góp phần tạo nên chân dung một cá tính độc đáo nổi bật trong văn đàn Việt Nam thế kỉ XIX.