Những điều thấm thía nhất qua việc tìm hiểu cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu hay nhất (1 mẫu)

Những điều thấm thía nhất qua việc tìm hiểu cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu

Nhận xét về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Trên trời có vì sao có ánh sáng khác thường... con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy và càng nhìn thì mới thấy càng sáng” (Nguyễn Đình Chiểu - Ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc). Càng biết nhiều về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông chúng ta càng thấy thấm thía hơn “cái ánh sáng khác thường” từ ngôi sao đó.

Bài học mà chúng ta thấm thìa nhất về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu chính là tấm gương đạo đức, nghị lực, là thái độ suốt đời gắn bó và chiến đấu không ngơi nghỉ cho lẽ phải, cho sự công bằng của nhân dân.

Thông thường, một người sống, chiến đấu hết mình cho chân lí, công bằng và quyền lợi chính đáng của nhân dân đã là rất đáng quý, đáng trân trọng, đáng tôn vinh. Nhưng với Đồ Chiểu, một con người mù loà mà vẫn giữ trọn đạo lí đó thì càng đáng được quý hơn nữa. Trước tấm gương sáng ngời ấy không ai không khỏi cảm thấy xúc động, ngưỡng mộ và kính phục.

Trước khi giặc Pháp nhảy vào xâm lược nước ta ông đã dương cao ngòi bút “đâm mấy thằng gian”. Lúc giặc Pháp sang xâm lược ông không đánh được giặc bằng gươm thì ông dùng ngòi bút đấu tranh, dùng mưu trí để đánh giặc giúp nước. Giặc chiếm hết Nam Bộ, ông không hề nao núng mà vẫn nêu cao tinh thần chiến đấu. Giặc Pháp tìm mọi cách mua chuộc ông nhưng đều vấp phải sự từ chối đến mức quyết liệt. Ghét giặc Pháp ông khinh bỏ cả lối sống Tây phương. Ông không dùng xà phòng mà dùng quả bồ hòn để giặt giũ... Phải đặt trong hoàn cảnh đất nước khó khăn chúng ta mới nhận ra hết tấm lòng son sắt, kiên trung của Đồ Chiểu.

Không chỉ sống cho lí tưởng nhân nghĩa, cuộc đời ông còn là “sự thống nhất cao độ, tuyệt đẹp giữa lí tưởng sống trong cuộc đời thực và trong thơ văn”. Đối với ông văn với người là một. Văn thế nào thì người thế ấy. Trước khi giặc Pháp sang xâm lược văn chương ông ca ngợi những con người vì nghĩa quên thân, thuỷ chung, trong sáng, luôn đứng về phía lẽ phải, về sự công bằng như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga... đồng thời phê phán gay gắt những kẻ hám danh hám lợi, bất nhân bạt nghĩa như Trịnh Khâm, Bùi Kiểm... Khi giặc pháp đặt gót giày lên đất nước ta, ông ca ngợi những con người sẵn sàng xả thân vì non sông đất nước, thương xót cho những đau thương mất mát của họ:

“Làm người trung nghĩa đáng bia son,

Đứng giữa càn khôn tiếng chẳng mòn.

Cơm áo đền bồi ơn đất nước.

Râu mày giữ vẹn phận tôi con

Tinh thần hai chữ phao sương tuyết

Khí phách ngàn thu rỡ núi non.

Ngẫm chuyện ngựa Hồ chim Việt cũ,

Lòng đây tưởng đó mất như còn”.

(Điếu Phan Tòng)

Một mặt ngợi ca người giúp nước mặt khác ông lên tiếng đả kích sâu cay lũ “Quăng vùa hương, xô bàn độc”, “phạt cho đến người hèn kẻ khó, thâu của, quay treo”...

Sống trong vòng vây của giặc, trước bao nhiêu dụ dỗ của kẻ thù, Nguyễn Đình Chiểu vẫn nêu cao tinh thần trung nghĩa. Ngòi bút của ông vẫn sáng ngời chủ nghĩa yêu nước, tinh thần hết lòng vì dân.

“Làm trai trong cõi thế gian

Phù đời giúp nước phơi gan anh hào”

Cuộc đời Đồ Chiểu là cuộc đời đấu tranh không ngừng cho lí tưởng nhân nghĩa. Vượt lên tất cả đau thương, bệnh tật, Nguyễn Đình Chiểu vẫn một lòng tôn thờ chính nghĩa chống lại các thế lực bạo tàn, giúp dân, giúp nước. Ông là tấm gương, là vì sao sáng trên bầu trời Nam cho con cháu muôn đời noi theo.