Chí Phèo là sự hình thành của những mối xung đột giai cấp, đặc biệt là giai cấp thống trị và bị trị, những mối xung đột xuyên suốt tác phẩm tạo thành mạch chảy chính trong nội dung. Chí Phèo với ba lần đến nhà bá Kiến là thể hiện tài nghệ bậc thầy của Nam Cao trong việc tổ chức các mối xung đột, là tấm lòng của Nam Cao với những người nông dân bị tha hoá, lưu manh hoá trong xã hội ấy – nhà văn của tình thương lớn.
Mối xung đột ấy tập trung thể hiện giữa hai tuyến nhân vật Chí Phèo – bá Kiến. Mối xung đột đi theo mạch ngầm, dai dẳng. Từ lâu rồi dường như mối quan hệ giữa Chí Phèo và bá Kiến là mối quan hệ phụ thuộc, gắn bó. Từ khi Chí Phèo còn là anh canh điền khoẻ mạnh làm thuê cho gia đình bá Kiến, là kẻ tôi tớ mang nguồn gốc họ hàng với bá Kiến. Sự khăng khít ấy là bước đệm cho Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến lần đầu, đối với Chí Phèo thì con đường đến nhà bá Kiến đã quá đỗi thân quen với hắn. Con đường mòn ấy đi vào trong trí nhớ hắn từ khi sinh ra cho đến khi trưởng thành như con đường của sự phụ thuộc. Lần này ngay sau khi từ tù ra, nơi hắn tìm đến đầu tiên tất nhiên là nhà bá Kiến, kẻ đã ngấm ngầm đẩy hắn vào tù tội, nhơ bẩn, phó mặc hắn cho những tội ác thực dân và biến hắn thành kẻ lưu manh tha hoá. Sự tìm đến để trả thù là động cơ tất yếu của Chí Phèo. Hắn đem cuộc đời hắn đánh cuộc với số phận, thách thức với người đứng đầu làng Vũ Đại.
Những năm tháng tù tội, bản chất lưu manh hận thù khiến hắn sắt đá và liều lĩnh. Màn trả thù của hắn diễn ra ở hai cảnh: phủi và rạch mặt ăn vạ. Tiếng chửi của thằng Chí, tiếng chửi chua ngoa cứ quất thẳng vào mặt ông bá. Hắn cóc sợ đời khi đối chọi với người đứng đầu làng Vũ Đại. Hắn thù và men rượu đã cho hắn thêm cái gan liều lĩnh của ông Trời. Nhưng việc chửi ấy thành ra là không hiệu quả khi ông bá thì đi vắng mà chỉ có ba con chó dữ với một thằng say rượu. Đâm ra là hắn phải rạch mặt ăn vạ. Hắn tự hành hạ bản thân để đối phó với ông bá. Nghe thử mà xem những tiếng ăn vạ nghe đến xé ruột ầm. ĩ làng xóm của hắn: “Ôi làng nước ôi. Cứu tôi với… Ôi làng nước ôi…! Bố con thằng Kiến nó đâm chết tôi! ”. Người đọc tưởng chừng như xung đột lên đến đỉnh điểm, cao trào thì sự xuất hiện và cái uy của ông bá làm màn kịch lắng xuống và xung đột, mâu thuẫn được giải quyết ổn thoả. Ông bá đã xoay chuyển tình thế một cách nhanh chóng bằng cái đầu óc cáo già, khôn róc đời, bằng tiếng cười, tiếng quát của mình.
Sự xoay chuyển mâu thuẫn, xung đột ấy đã tạo cho cốt truyện sự bất ngờ, độc đáo và ly kỳ. Nam Cao đã thể hiện cái nhìn tinh tế, sâu sắc của một nhà văn bậc thầy. Ông đưa mâu thuẫn lên đỉnh điểm rồi lại hạ nó xuống thành các mạch xung đột ngấm ngầm ngày càng gay gắt và mạnh mẽ hơn. Nam Cao đã để cho bá Kiến khoác lên mình Chí Phèo một cái danh hão của họ hàng để xung đột lắng xuống một cách êm đẹp, ổn thoả. Nhưng sự nhận họ nhận hàng ấy không giấu nổi cái lai lịch bất minh của Chí Phèo mà chỉ càng làm thêm nhơ nhuốc, đen tối. Chí Phèo với lần thứ nhất đến nhà bá Kiến trả thù nhưng kết quả hắn đạt được lại hoàn toàn trái ngược. Hắn được cái danh họ hàng với ông bá, được ông tiếp đón ân cần, được ông cho tiền uống rượu. Ấy là quá sức tưởng tượng với hắn. Những cái lợi trước mắt làm mờ mắt hắn, làm hắn không nhận ra kẻ thù trực tiếp của cuộc đời hắn mà ngoan ngoãn nghe theo lời bá Kiến, ra về trong niềm tự hào, kiêu hãnh. Chí Phèo đến nhà bá Kiến lần thứ nhất và kết quả của nó là sự tất yếu khi Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến lần thứ hai. Lần này hắn đến với động cơ hoàn toàn khác. Đến để xin được đi ở tù. Cuộc sống làng Vũ Đại đối với hắn còn khắc nghiệt hơn những năm tháng hắn đi ở tù. “Đi ở tù còn có cơm mà ăn, bây giờ về làng về nước một thước cắm dùi không có, chả làm gì lên ăn”. Câu nói say khướt của Chí Phèo gợi trong lòng bạn đọc nhiều suy ngẫm. Nhìn cả về một xã hội thối nát bất công thì sự sống con người nhỏ nhoi mỏng manh. Nơi đây, nơi làng Vũ Đại xã hội phong kiến nửa thực dân thu nhỏ này thì cuộc sống của con người lương thiện bị bóp nghẹt. Họ bị dồn vào bước đường cùng, bước đường tha hóa.
Cái nghịch lý “đi ở tù” của Chí Phèo tưởng chừng như vô lý nhưng lại rất xác thực với cuộc đời hắn. Lần này Chí Phèo tìm lại đến bá Kiến với giọng điệu hoàn toàn khác. Lối xưng con – cụ của hắn sao mà ngọt xớt vậy. Hắn đang dần tìm đến con đường tha hóa, dần thành tay sai cụ bá. Cụ bá bằng sự mưu mẹo, gian ngoa của bè lũ thống trị đã nhanh chóng xoay mũi dao của Chí Phèo sang phe cánh đối lập. Đấy là khi cụ áp dụng cái cách trị người, cụ để chúng tự xử lẫn nhau, ở giữa mà hưởng lợi. Cụ bá đã thể hiện đầy đủ bản chất của bè lũ thống trị phong kiến nham hiểm, gian ngoa, độc ác, mưu mẹo. Thế mà Chí Phèo với bản chất ngu dốt của người nông dân không nhận ra thủ đoạn của lão cáo già mà răm rắp làm theo. Kết quả mà hắn thu được từ lần thứ hai này là sự chiến thắng đầy hoan hỉ trước đội Tảo, một phe cánh hùng mạnh có thế lực trong cái làng Vũ Đại này. Chí Phèo còn giương giương tự đắc “Anh hùng làng này cóc thằng nào bằng tao”, khi Chí Phèo hoan hỉ nhất cũng chính là lúc hắn rơi vào nơi sâu nhất của con đường tha hoá, con đường không lối thoát. Lần thứ hai Chí Phèo đến nhà bá Kiến đã hoàn thiện con đường tha hoá của hắn, đã biến hắn thành tay sai đắc lực của bá Kiến. Chí Phèo đã trao nốt phần cuộc đời tha hoá của mình vào tay con quỷ bá Kiến. Cuộc đời hắn thế là chấm dứt không lối thoát.
Lần thứ ba Chí Phèo đến nhà bá Kiến là bước ngoặt quan trọng đỉnh điểm cho ba bận Chí Phèo đến nhà bá Kiến. Lần này hắn tìm đến nhà bá Kiến là để nó cự tuyệt. Vẫn con đường quen thuộc ấy, những bước chân hắn sao vẫn tự lần mò tìm đến với bá
Kiến trong sự thức tỉnh. Hắn đã nhận ra kẻ thù lớn nhất của cuộc đời mình là bá Kiến. Động cơ Chí Phèo đến nhà bá Kiến khác hoàn toàn so với hai lần trước. Lần này hắn ‘đến để đòi hỏi lương thiện. Sự khát khao quyền sống lương thiện, bi, kịch trong cự tuyệt quyền làm người đã dẫn lối cho hắn đến với bá Kiến. Rút dao xông vào, hận thù trong hắn đã bùng phát tiếp sức cho hắn xông thẳng vào kẻ thù “Chỉ có một cách… biết không!… Chỉ còn một cách là… cái này! Biết không!… ” Kết quả của lần ba này là cái chết của Chí Phèo và bá Kiến. Nam Cao dẫn xung đột đi từ cái mạch ngấm ngầm đến đỉnh điểm là hai cái chết. Đây là hai cái chết tất yếu. Cái chết của bá Kiến – cái ác phải đền tội, ác giả ác báo. Cái chết của bá Kiến đánh dấu sức mạnh của người nông dân trong quá trình đấu tranh với giai cấp thống trị. Còn cái chết của Chí Phèo là sự chấm dứt chuỗi đời bi kịch, kết thúc số phận đau khổ bế tắc của người nông dân, đồng thời cái chết của Chí Phèo thể hiện niềm tin của Nam Cao vào con người. Sự chiến thắng tư tưởng nhân văn Nam Cao. Những tưởng người nông dân lệ thuộc vào giai cấp thống trị nhưng hai cái chết đã phủ định hoàn toàn.
Nam Cao bằng ngòi bút tổ chức xung đột bậc thầy đã thể hiện mối xung đột giữa giai cấp thống trị và bị trị theo một mạch ngầm dẫn đến đỉnh điểm. Nam Cao với ba lần Chí Phèo đến nhà bá Kiến đã thể hiện tài năng và tình cảm của nhà văn lớn.