Dàn ý Nghị luận xã hội câu nói: "Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống"
1. Mở bài
Dẫn dắt đề tài nghị luận: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”.
(Lưu ý: Các em có thể lựa chọn dẫn trực tiếp câu nói hoặc có thể dẫn gián tiếp thông qua một câu chuyện, một tình huống thực tế....)
2. Thân bài
a) Giải thích câu nói
– Giải thích từ ngữ:
+ Nơi mình sinh ra: chỉ quê quán, gia đình, điều kiện, hoàn cảnh… là điều không thể chọn lựa.
-> "Ta không được chọn nơi mình sinh ra" tức là mỗi người không có quyền quyết định bố mẹ mình là ai, gia đình mình sống thế nào và mảnh đất mình sinh tồn sẽ ra sao.
+ Cách mình sẽ sống: chỉ cách học tập, cách đối nhân xử thế, cách vươn lên trong cuộc sống, cách thực hiện ước mơ… là điều có thể chọn lựa.
-> "Ta được lựa chọn cách mình sẽ sống" nghĩa là ta có quyền sống là chính mình, theo mình chứ không hề phụ thuộc vào ai từ cách ứng xử với cuộc đời đến chính bản thân tôi.
– Ý nghĩa của câu nói trên: Trong cuộc sống có những điều có thể chọn lựa và những điều không thể chọn lựa, chúng ta có thể thay đổi cách sống sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình.
b) Bàn luận vấn đề
(1) Ta không được chọn nơi mình sinh ra
– Mỗi người ngay từ khi sinh ra đã thuộc về một ngôi nhà, một quê hương, xứ sở. Gia đình ấy, quê hương ấy, sướng khổ, giàu nghèo, sang hèn là cái có sẵn, ta không lựa chọn được.
– Có nhiều người sinh ra trong hoàn cảnh không như ý: không cha mẹ hoặc cha mẹ nghèo khó, bị dị tật bẩm sinh hay tai nạn bất ngờ ập đến… Đây đều là những yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát của con người. Ta không được lựa chọn, cũng không thể thay đổi… Vì thế, thay vì tự ti, mặc cảm, oán giận… hãy biết chấp nhận hoàn cảnh. Chỉ khi chấp nhận nó, ta mới có cơ hội vượt qua nó.
(2) Nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống
– Người khác có thể định hướng cách sống cho bạn nhưng không thể thay bạn nhận những điều mà cách sống đó mang lại.
– Câu nói muốn hướng mọi người đến lối sống tích cực, nhằm thay đổi hoàn cảnh không như ý của bản thân để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn:
+ Tự tin, không mặc cảm, tự hào về gia đình, quê hương dù ở trong hoàn cảnh nào.
+ Vượt khó, vươn lên, khắc phục những khó khăn trong cuộc sống, biến ước mơ thành hiện thực.
+ Biết đối xử chân thành, cởi mở, biết sẻ chia, giúp đỡ mọi người xung quanh.
+ Biết cống hiến và hưởng thụ cuộc sống. Đây là cách sống tích cực, lạc quan, có ích cho xã hội, sẽ gặt hái được thành công, hạnh phúc và được mọi người yêu quý, trân trọng.
(3) Mở rộng
- Thực tế ngày nay có rất nhiều người vì bất mãn với hoàn cảnh mà luôn tự ti, mặc cảm, thậm chí phủ nhận, rũ bỏ nguồn cội của mình; Đổ lỗi cho hoàn cảnh, không chịu vươn lên; Cư xử với mọi người: hẹp hòi, ích kỉ, bon chen, đố kị… Đây là cách sống tiêu cực, không những không đạt được thành công, hạnh phúc mà còn có thể làm ảnh hưởng đến người khác.
c) Bài học nhận thức và hành động: Rút kinh nghiệm cho bản thân
3. Kết bài
Khẳng định lại vấn đề: Câu nói chắc hẳn là bài học quý giá cho bất cứ ai, nó cũng là sự thức tỉnh với mọi người.
Nghị luận xã hội câu nói: "Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống"
Có người nói "Ta không được chọn nơi mình sinh ra nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống", trước hết tôi sẽ kể cho các bạn nghe một câu chuyện: "Trong một lần đi tìm hiểu thực tế, một phóng viên đã bắt gặp hai con người, một hoàn cảnh và hai số phận. Anh A và anh B đều có người bố nghiện ngập và vũ phu thế nhưng khi lớn lên anh B trở thành người luôn đi đầu trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội, còn anh A lại là bản sao của bố anh. Người phóng viên đó đã đặt cho hai anh một câu hỏi: Điều gì đã khiến anh trở nên như thế và đã nhận được cùng một câu trả lời: Có một người cha như thế nên tôi phải như thế." Con người ta đâu có quyền lựa chọn cho mình sinh ra để lớn lên, nhưng ta lại có các quyền chọn cho mình cách sống, chọn cho mình nhân cách.
Nơi mình sinh ra: đó chính là quê hương ta, gia đình ta, là điều kiện, hoàn cảnh của gia đình ta. Nó có thể là một gia đình nghèo khó trong một vùng quê "nước mặn đồng chua" cũng có thể là căn biệt thự trong thành phố xa hoa lộng lẫy. Còn hoàn cảnh biết đâu là chẳng có cha có mẹ như bao đứa trẻ bình thường khác.
Còn cách mình sẽ sống: đó chính là cách học tập, rèn luyện đạo đức, trí tuệ, là cách đối nhân xử thế trong ta với mọi người với xã hội. Là lối sống, là nhân cách của bản thân ta.
Vậy tại sao ta không thể chọn nơi mình sinh ra? Và lại được chọn cách mình sẽ sống?
Như tôi đã nói: chúng ta có thể sẽ được sinh ra trong túp lều tranh rách nát, trong gia đình "nghèo rớt mồng tơi", cũng có thể sẽ được sinh ra trong căn biệt thự to lớn xa hoa, trong một gia đình giàu có văn minh, hay trong một ổ chứa tệ nạn xã hội.
Những điều đó ta không thể quyết định hay lựa chọn cho bản thân từ lúc mới sinh ra được. Có thể nói đó chính là sự an bài của số phận.
Còn về cách sẽ sống, tạo hóa cho ta sự sống, cha mẹ cho ta sinh mạng và được sống đó là một diễm phúc. Nên ta dù ở trong hoàn cảnh,điều kiện như thế nào thì chỉ cần ta lạc quan, biết trân trọng cuộc đời, biết sống để trở thành công dân có ích. Biết phấn đấu rèn luyện từng ngày. Sống có mục tiêu,hoài bão, đó là lí tưởng, là cách sống. Và đó chính là điều ta hoàn toàn có thể lựa chọn, quyết định và thực hiện bằng chính bản thân mình.
Câu nói cho ta thấy rằng: Đừng quá quan trọng hóa vấn đề ta sinh ra ở đâu, lớn lên trong hoàn cảnh như thế nào. Mà hãy biết lấy đó làm điểm đặt, biết nhìn về phía trước và phấn đấu vươn lên rèn luyện cho bản thân mình nhân cách tốt đẹp,đáng quý. Tạo cho mình một tâm hồn thanh bình và thỏai mái. Tạo cho mình những thành quả đáng tự hào. Đó chính là vấn đề đáng quan tâm trong quá trình sinh tồn của ta bạn nhé.
Như anh A và anh B trong câu chuyện của tôi kể. Họ đều được sinh ra trong hoàn cảnh đáng thương, thiếu vắng đi sự dạy dỗ của cha. Nhưng khi lớn lên hai người lại trở thành hai số phận khác biệt. Điều gì khiến họ trở nên như vậy? Vì người cha ư? Không hẳn đâu! Người cha tuy là sự thiệt thòi, là nỗi mất mát của họ nhưng đó cũng chỉ là tác động bên ngoài. Nguyên nhân thật sự chính là họ. Chính bản thân họ. Chính cái lập trường, cái suy nghĩ và cả quá trình rèn luyện, hoàn thiện bản thân. Một nhà văn từng nói "Trong cuộc sống ta không tiến thì ắt sẽ lùi". Cho nên anh A đã không thể giữ vững lập trường bản thân, không có sự phấn đấu vươn lên nên trở thành bản sao của cha anh. Còn anh B, anh đã có sự phấn đấu, cố gắng vượt lên hoàn cảnh mà trở thành công nhân có ích, trở thành đóa sen thắm "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn". Đáng là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
Không chỉ anh B là tấm gương mà trong cuộc sống vẫn còn rất rất nhiều người biết vượt lên hoàn cảnh, có ý chí, nghị lực sắt đá, kiên cường, bám trụ với cuộc đời dâng hiến sức lực, trí tuệ. Hẳn khắp đất nước ta đều sẽ có đoàn nghệ thuật mà nghệ sĩ là những người bị khuyết tật. Hay các cơ sở tăm tre của hội người mù. Hay các tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập, trong cuộc sống, lao động như anh Nguyễn Ngọc Tuấn ở Hà Nội. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại bị bệnh tim bẩm sinh nhưng mười một năm liền anh là học sinh xuất sắc. Hay cô sinh viên bán bánh đổi chữ Lí Thùy Trang ở Thành Phố Hồ Chí Minh Quận Thủ Đức. Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng. Cô gái được mệnh danh là Nhà văn của nghị lực Trần Trà My ở Quảng Trị….v..v…
Song, bên cạnh những con người biết nỗ lực vươn lên lại là những con người giống anh A tự ti vì hoàn cảnh, về điều kiện gia đình, đổ lỗi cho hoàn cảnh, bon chen, đố kị rồi đâm ra mặc cảm, lạnh nhạt, thờ ơ với mọi người xung quanh. Rồi đưa bản thân đi vào con đường sai trái. Hay các công tử, tiểu thư gia đình khá giả, có điều kiện thì lại ăn chơi đua đòi, mải sống sa đà trong hoan lạc mà quên mất bản thân quên mất mình đang sống sai trái. Hay những kẻ không tự quyết định cuộc đời mình,sống một cách dựa dẫm. Những con người như vậy thật đáng chê, đáng phê phán.
Các bạn thấy đấy, đâu phải cứ sinh ra trong gia đình giàu có là ta sẽ thành công và hạnh phúc. Trong xã hội này có rất nhiều gia đình, nhiều con người sinh ra trong khó khăn mà lại có thể vươn lên đứng ở đỉnh cao của xã hội đó thôi. Nên ta hãy lạc quan, tự tin đối mặt. Dù ta sống trong điều kiện như thế nào, trong hoàn cảnh ra sao. Chỉ cần ta biết lấy đó làm nghị lực để phấn đấu. Lấy đó làm vốn ở điểm xuất phát để đi trên con đường đến hạnh phúc và thành công. Không những vậy ta hãy biết chọn cách sống, chọn mục tiêu phấn đấu phù hợp với hoàn cảnh của mình các bạn nhé! Hãy luôn tự hào về gia đình, quê hương dù sang hên giàu nghèo. Hãy thân ái, cởi mở giúp đỡ và chia sẻ với mọi người xung quanh. Biết cống hiện và hưởng thụ cuộc sống một cách tích cực. Ta sẽ trở thành tế bào khỏe khoắn của xã hội. Và ta sẽ đạt được thành công, nhận được sự yêu mến, quý trọng của mọi người.
Nhà văn Mĩ bà Helen Keller có nói: "Tôi đã khóc vì không có giày để đi đến khi tôi nhìn thấy một người không có chân để đi giày". Trong cuộc sống, không có gì là tuyệt đối đâu, như sự khó khăn, khổ sở, vẫn có người sẽ còn khổ hơn ta nữa. Nên hãy biết vượt lên hoàn cảnh của mình để vươn lên. Đó là cách duy nhất để khẳng định giá trị bản thân. Hãy nhớ số phận của bạn nằm trong tay bạn và do bạn định đoạt. Hơn thế nữa, số phận của ta, cách sống, cuộc đời của ta thì ta hãy biết nắm bắt và quyết định. Đừng bao giờ để người khác quyết định thay việc mình sẽ sống như thế nào.