Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 1
1. Mở bài
- Giới thiệu về Nguyễn Tuân và truyện ngắn Chữ người tử tù
2. Thân bài
a. Hoàn cảnh sáng tác:
- In trong tập Vang bóng một thời, ban đầu có tên Dòng chữ cuối cùng
- Nằm trong mạch cảm hứng chung của tập truyện, ca ngợi, khẳng định cái đẹp, ca ngợi những con người có lối sống đẹp, thanh bạch, cái đẹp là trung tâm của toàn câu chuyện.
b. Về tình huống truyện:
- Tình huống của Chữ người tử tù: Viên quản ngục có cuộc gặp gỡ với Huấn Cao – một con người tài hoa, khí phách nhưng đồng thời cũng là tên tội phạm tử tù của triều đình. => Đây là một tình huống giàu kịch tính, lại éo le (về thời gian, không gian, thân phận của các nhân vật).
c. Phân tích nhân vật Huấn Cao
- Hoàn cảnh: Nhân vật Huấn Cao – một vị quan coi sóc việc học tại một huyện đang trong vai một vị anh hùng thất thế, cái hoàn cảnh dễ biến con người thành kẻ tiểu nhân đê hèn.
- Hình ảnh Huấn Cao được gián tiếp bộc lộ qua con mắt nhìn của quản ngục và thầy thơ lại:
+ Với quản ngục: Huấn Cao là "một ngôi sao …không định", "một ngôi sao … vũ trụ".
+ Không chỉ thế, còn có tài "bẻ khóa và vượt ngục" => Một người "văn võ toàn tài".
=> Quản ngục vô cùng kính trọng Huấn Cao, tôn sùng như bậc hiền nhân.
- Huấn Cao hiện lên qua ba khía cạnh:
+ Người nghệ sĩ tài hoa với tài viết chữ thư pháp:
+ Một con người khí phách hiên ngang của một anh hùng
+ Huấn Cao còn là một con người có cái tâm thiên lương trong sáng:
d. Phân tích nhân vật quản ngục
- Hoàn cảnh: Sống giữa chốn đề lao, là chúa ngục nơi mà "người ta sống …lừa lọc", "một đống cặn bã" => nơi con người dễ bộc lộ bản tính độc ác của mình nhất.
- Thế nhưng quản ngục lạ là con người "tính cách dịu dàng …người ngay", "như một thanh âm …xô bồ", một con người "thuần khiết" => miêu tả bằng bút pháp trữ tình, gợi lên hình ảnh của một con người với tâm hồn đẹp.
- Nhân vật quản ngục hiện lên qua hai phương diện:
+ Quản ngục là người say mê, quý trọng cái đẹp:
+ Quản ngục còn là một con người biết hướng thiện, dũng cảm sống đúng với thiên lương:
e. Cảnh cho chữ
- Đây là cảnh đắt giá nhất trong tác phẩm, là một cảnh "xưa nay chưa từng có". Tất cả mọi thứ trong cái khung cảnh ấy đều đối lập với nhau.
- Thời gian: giữa đêm khuya "chỉ còn …vọng gác" - bình thường, người ta cho chữ lúc trời sáng sủa, đẹp đẽ.
- Không gian: buồng biệt giam "một buồng tối …phân gián"- cái đẹp.
-Con người: Huấn Cao cho chữ lúc chuẩn bị ra pháp trường - người ta cho chữ lúc tâm trạng thoải mái, vui vẻ nhất.
- Vị thế của các nhân vật cũng đảo ngược:
+ Về quyền uy: Kẻ uy quyền (quản ngục): khúm núm - kẻ có tội: hiên ngang, bay bổng trong từng nét chữ.
+ Thái độ: quản ngục: run run, khúm núm - Huấn Cao: bình thản, tĩnh lặng
+ Thân phận: Huấn Cao dạy dỗ, khuyên ngăn quản ngục "Ở đây …lương thiện đi"
=> Quản ngục cúi đầu trước Huấn Cao: sự hướng thiện trong ông, ông cúi đầu trước cái đẹp, cái uy nghi.=> làm sáng lên nhân các của quản ngục.
=> Quản ngục là nhân vật mà Nguyễn Tuân gửi gắm quan niệm nhân sinh: Mỗi con người dù sống ở đâu vẫn luôn có một tâm hồn khao khát cái đẹp, chực chờ thứ ánh sáng thiên lương soi tỏ.
f. Đặc sắc nghệ thuật:
-Bút pháp lãng mạn tài hóa: miêu tả con người trong sự hoàn thiện, hoàn mỹ, tới mức lý tưởng hóa
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật đối lập: Huấn Cao - quản ngục (tử tù -chúa ngục), đối lập trong chính nhân vật quản ngục (là người của triều đình, chúa ngục - nhỏ bé trước một tử tù như Huấn Cao).
- Nghệ thuật trong đoạn cho chữ: đối lập từ ánh sáng tới cái đẹp.
- Ngôn từ giàu hình ảnh, đa dạng các từ ngữ Hán Việt tạo nên không khí cổ kính cho tác phẩm.
3. Kết bài - Khẳng định lại vấn đề
Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 2
I. Mở bài
- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân: Một cây bút tài hoa độc đáo, có vị trí quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam.
- Khái quát chung về tác phẩm Chữ người tử tù: Một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách tài hoa nghệ sĩ của ông, được in trong tập Vang bóng một thời (1940).
II. Thân bài
1. Tình huống truyện
+ Không gian: nhà tù - Đây không phải là nơi dành cho những cuộc gặp gỡ.
+ Thời gian: những ngày cuối cùng trước khi ra pháp trường của Huấn Cao.
⇒ Không gian và thời gian góp phần tạo nên kịch tính cho tình huống.
- Cuộc gặp gỡ khác thường của hai con người khác thường:
⇒ Cuộc hội ngộ diễn ra giữa chốn ngục tù
2. Nhân vật Huấn Cao
a. Một người nghệ sĩ tài hoa
- Người khắp vùng tỉnh Sơn khen Huấn Cao là người:
+ có tài viết chữ “rất nhanh và rất đẹp”.
+ “ Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm … có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật ở trên đời”.
b. Một con người có khí phách hiên ngang bất khuất
- Là thủ lĩnh của phong trào khởi nghĩa chống lại triều đình.
- Ngay khi đặt chân vào nhà ngục: Thản nhiên rũ rệp trên thang gông:
⇒ khí phách, tiết tháo của nhà Nho
- Khi được viên quản ngục biệt đãi: “Thản nhiên nhận rượu thịt” như “việc vẫn làm trong cái hứng bình sinh”
⇒ phong thái tự do, ung dung, xem nhẹ cái chết.
- Trả lời quản ngục bằng thái độ khinh miệt: “Ngươi hỏi ta muốn gì ... vào đây”.
⇒ Không khuất phục trước cường quyền.
⇒ khí phách của một người anh hùng.
c. Một nhân cách, một thiên lương cao cả
- Tâm hồn trong sáng, cao đẹp: “Không vì vàng ngọc hay quyền thê mà ép mình viết câu đối bao giờ” ⇒ trọng nghĩa, khinh lợi, chỉ cho chữ những người tri kỉ.
- Khi chưa biết tấm lòng của quản ngục: xem y là kẻ tiểu nhân
- Khi biết tấm lòng 'biệt nhỡn liên tài'' của quản ngục: Huấn Cao nhận lời cho chữ
⇒ Chỉ cho chữ những người biết trân trọng cái tài và quý cái đẹp.
- Câu nói của Huấn Cao với quản ngục: “Thiếu chút nữa ... trong thiên hạ”
⇒ Sự trân trọng đối với những người có sở thích thanh cao, có nhân cách cao đẹp.
⇒ Huấn Cao là một anh hùng - nghệ sĩ, một thiên lương trong sáng.
3. Nhân vật quản ngục
a. Tấm lòng biệt nhỡn liên tài
- Trong những ngày Huấn Cao trong ngục, quản ngục luôn bày tỏ thái độ nghiêm kính khiêm nhường
- Dũng cảm biệt đãi Huấn Cao
- Cảm thấy tiếc nuối khi biết Huấn Cao sắp phải từ giữ cõi đời: “Bấy nhiêu ... vũ trụ”.
b. Sự khát khao và trân trọng cái đẹp
- Khát khao cái đẹp: mong ước của ông là “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết.
- Lo lắng nếu như không xin được chữ ông Huấn trước khi bị hành hình thì “ân hận suốt đời mất”
4. Cảnh cho chữ
- Thời gian: đêm trước khi Huấn Cao ra pháp trường chịu án chém, khi chỉ còn “vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”
- Địa điểm: trại giam tỉnh Sơn
- Không gian: buồng tối chật hẹp, ẩm ướt...
- Đây là "cảnh tượng xưa nay chưa từng có" :
+ Thân phận và hành động của người cho chữ và nhận chữ đặc biệt:
+ Xây dựng được các cặp phạm trù đối lập nhau
- Chi tiết quản ngục cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao: sự thức tỉnh trước cái đẹp, quản ngục đã thoát ra những cái tầm thường, ràng buộc để vươn tới cái cao đẹp.
⇒ Toàn bộ cảnh cho chữ là bài ca tôn vinh cái đẹp, cái thiện, cái thiên lương của con người trong hoàn cảnh tối tăm ngục tù bậc nhất.
III. Kết bài
- Khẳng định những nét nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công của tác phẩm
- Chữ người tử tù là một văn phẩm xuất sắc đạt “gần đến sự toàn thiện, toàn mĩ”.
Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 3
A – MỞ BÀI
Truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân có nguyên mẫu lịch sử từ cuộc đời Cao Bá Quát (1855), một danh sĩ đời Nguyễn mà tài văn thơ và tính cách ngang tàng đã trở thành huyền thoại.
Nguyễn Tuân vốn là một người đề cao chữ “ngông” – một phản ứng với thời đại và cũng là một nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Do đó Huấn Cao đã thừa hưởng hay nói đúng hơn là phiên bản của hai con người rất tài hoa và đầy khí phách. Đặt trong hoàn cảnh đen tối trước Cách mạng tháng Tám, việc Nguyễn Tuân ca ngợi Huấn Cao có tài, có tâm, có khí phách chính là một ẩn dụ để nhà văn bày tỏ niềm cảm phục với những người đương thời đang dũng cảm chiến đấu vì nước quên mình.
B – THÂN BÀI
1) Một con người tài hoa
Hình tượng Huấn Cao hiện lên trong tác phẩm trước hết là vẻ đẹp của một người có tài viết thư pháp. Đây là những thủ pháp tinh thông điêu luyện để viết chữ đẹp. Thời xưa, chữ Hán vốn được coi là chữ của thánh hiền và thứ chữ khối vuông ấy có người thì viết như rồng bay phượng múa, có người thì viết cứng cỏi sắc sảo cho nên chẳng những nó có tính tạo hình mà còn ít nhiều biểu hiện tính cách của người viết. Có chữ thánh hiền ở trong bụng đã là con người được tôn trọng. Viết chữ thánh hiền mà không ai bắt chước thì đó là người đặc biệt được tôn trọng trong văn hóa của người xưa. Vì thế thưởng thức chữ đẹp đòi hỏi phải có văn hóa cao, có khả năng thẩm mĩ tinh tế. Chơi chữ trở thành một thú vui tao nhã bậc nhất của người xưa. Có điều thưởng thức chữ đẹp đã khó, sáng tạo chữ đẹp khó gấp bội phần (viết, chạm, khắc thành câu đối, thành hoành phi, thành những bức trung đường; có khi thành bộ tứ bình hay là bức châm…). Do đó người viết chữ đẹp đượccoi là nghệ sĩ và việc sáng tạo ra chữ đẹp đối với người xưa là một thứ nghệ thuật siêu việt.
Trong truyện ngắn này Huấn Cao chính là một nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp, Nguyễn Tuân không trực tiếp miêu tả “tay tiên thảo những nét” của Huấn Cao. Nên nhớ rằng Nguyễn Tuân vốn rất thích chi li và luôn muốn quan sát đối tượng một cách trực tiếp. Đọc Người lái đò sông Đà thìrõ
Nguyễn Tuân đãdùng cái thủ thuật “vẽ mây nẩy trăng” một cách gián tiếp qua lời kể chuyện đầy cảm phục của viên quản ngục và viên thơ lại. Ngay khi Huấn Cao chưa đến nhà giam thì quản ngục đã chú ý nét đặc biệt của nhân vật Huấn Cao “người mà vùng tỉnh Sơn vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp… Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm… Có được chữ ông Huấn mà treo là có một báu vật trên đời”.
Thực ra trong toàn bộ tác phẩm, những băn khoăn tính toán, những mưu mẹo, những biệt đãi, những đau khỗ nhẫn nhục, những hốt hoảng tuyệt vọng và rồi hi vọng được nhen lên, rồi hồi hộp thành kính của viên quan ngục, là những thủ pháp nghệ thuật đầy hiệu quả để Nguyễn Tuân ca ngợi cái tài hoa vừa quý vừa hiếm của ông Huấn Cao.
2) Cái tâm cao cả
Một kì tài như Nguyễn Du khi khép lại Truyện Kiều đã nói những điều gan ruột “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Có lẽ Nguyễn Tuân cũng rất đồng ý với suy ngẫm của cụ Tố Như và đã xây dựng tính cách ông Huấn Cao nghiêng hẳn về chữ “tâm”. Nên nhớ rằng Nguyễn Tuân rất cực đoan trong việc miêu tả ca tụng hết lời những người có tài. Nói chính xác hơn cái “tài” luôn là cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của Nguyễn Tuân.
Đọc Chữ người tử tù cảm giác của độc giả kính mến trân trọng Huấn Cao có lẽ không phải vì tài mà có lẽ ở tấm lòng ông ta. Nhân vật Huấn Cao sáng ngời nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Tuân có lẽ là nhờ sự nghiêng lệch của chữ “tâm” này. Huấn Cao được tác giả thể hiện và ca ngợi cái tài của ông luôn đi với cái tâm và Huấn Cao coi trọng trước hết là chữ “tâm” (tâm hồn, đạo đức, nhân cách).
Đối với Huấn Cao chữ đẹp không phải là ở kiểu chữ, ở cách viết mà quan trọng là nội dung của nó, ý nghĩa của nó. Nó có thể biểu hiện những phẩm chất trong sáng nói lên những ước mơ khát vọng cao đẹp của một đời người. Huấn Cao có ý thức rõ rệt khi sử dụng cái tài của mình. Ông biết chọn người để cho chữ “tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Ông không hề vì vàng ngọc và những kẻ có quyền thế cũng không bao giờ ép được ông viết chữ. Xét trong mối quan hệ giữa tài và tâm như thế việc Huấn Cao cho chữ người quản ngục là rất khác thường. Bởi vì chính Huấn Cao đã nói “Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi”.
Ở đây, quản ngục là kẻ thù của Huấn Cao, là đại diện trực tiếp cho cái triều đình thối tha đã ra bản án tử hình ông. Tuy nhiên, nếuhiểu diễn biến câu chuyện sẽ thấy cái tâm của Huấn Cao thể hiện nổi bật trong việc ông phát hiện và cảm nhận cái tâm của viên quản ngục và viên thơ lại. Mới đầu thấy viên quản ngục biệt đãi mình, Huấn Cao nghi ngờ đấy chính là âm mưu đen tối “hay là hắn muốn đến dò những điều bí mật của ta”. Và vì thế Huấn Cao tỏ thái độ khinh bỉ đến mức tàn nhẫn “Người hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Sau đó nghe viên thơ lại kể về tâm sự và nguyện vọng xin chữ của quản ngục, Huấn Cao hết sức xúc động “Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Như vậy một con người biết coi khinh vàng ngọc như Huấn Cao nhưng rất sợ “một tấm lòng”, rất sợ mình phụ tình người. Dĩ nhiên đó là con người có chất người nhiều nhất, ở đây Huấn Cao trân trọng tấm lòng biết yêu cái đẹp biết quý cái tài, có sở thích cao đẹp. Theo Huấn Cao đó là tấm lòng của những con người còn giữ được thiên lương “là thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.
Có thể thấy Huấn Cao, viên quản ngục, viên thơ lại, tuy ba người ở ba vị trí khác nhau nhưng họ đều gặp nhau ở một điểm chung đó là cái đẹp. Một người biết sáng tạo cái đẹp; một người yêu quý và biết thưởng thức cái đẹp; một người ngưỡng mộ và tôn kính cái đẹp. Cả ba người đều đã chứng tỏ cái đẹp cố một sức mạnh kì diệu. Nó có thể làm cho những người khác nhau về mọi phương diện (đặc biệt là vị trí xã hội) gặp gỡ nhau có sự giao cảm với nhau về tâm hồn. Nói chính xác cái tâm, cái thiên lương cao cả của Huấn Cao đã gặp được cái tâm cái thiên lương đẹp đẽ của viên quản ngục, của viên thơ lại – những người tưởng như là kẻ thù của Huấn Cao.
3) Khí phách anh hùng
Hình tượng Huấn Cao còn hiện lên trong tác phẩm với vẻ đẹp của khí phách anh hùng. Đấy là khí phách chân chính của kẻ sĩ không sợ cái chết, khí phách hiên ngang bất khuất của Cao Bá Quát. Khi Huấn Cao chưa đến nhà giam tỉnh Sơn Tây, chỉ qua những lời trò chuyện của viên quản ngục và viên thơ lại “Y văn võ đều có tài… một tên tù có tiếng là nguy hiểm…” người đọc có thể hình dung những hoạt động anh hùng của Huấn Cao trong cõi đời tự do. Tiếp đó là sự xuất hiện của Huấn Cao trước cửa nhà giam đã cho thấy một tính cách mạnh mẽ ngang tàng. Ở đây thái độ của Huấn Cao là thái độ của một người làm chủ tình thế chứ không phải là một người tử tù đang mang trên vai chiếc gông nặng trĩu. Ông nói với những người bạn tù “rệp cắn tôi đỏ cả cổ lên rồi, phải dỗ gông đi”. Sau đó trước lời đe dọa của tên lính áp giải, Huấn Cao vẫn lãnh đạm không thèm chấp chỉ “chúc mũi gông nặng, khom mình thúc mạnh đầu thanh gông xuống thềm đả tảng đánh thuỳnh một cái”.
Câu nói và hành động ấy không chỉ là sự ngang nhiên, coi khinh bọn lính giải tù mà là sự biểu thị ý chí tự do, muốn làm việc gì thì làm bằng được.
Như vậy Huấn Cao là người bị tù đày về thể xác nhưng vẫn hoàn toàn tự do về tính cách và tư tưởng. Ông là “khách tự do” trong điều kiện nhà tù nghiệt ngã. Tất cả những điều đó gợi liên tưởng đến đôi câu đối vẻ ngỗ ngược ngang tàng của Cao Bá Quát.
Một chiếc cùm lim chân có Đế
Ba vòng xích sắt đứng thì Vương
Những chuỗi ngày trong chốn lao tù chờ ra pháp trường, Huấn Cao vẫn giữ được tư thế cứng cỏi, ung dung đường hoàng trong cách ứng xử. Ông vẫn thản nhiên, vẫn cố ý trả lời viên quản ngục bằng cái giọng “làm ra khinh bạc”. Huấn Cao bình tĩnh “đợi trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quản ngục bị sĩ nhục”. Ông không hề sợ hãi bởi vì “đến cảnh chết chém ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này”. Cùng với tính cách cứng cỏi như thế khi nhận được tin sắp bị giải về kinh chịu án tử hình, Huấn Cao trầm ngâm rồi mỉm cười tưởng như trong giây phút đó ông đã quên cảnh ngộ bi thảm của mình để nghĩ tới cái sở nguyện của viên quan coi ngục là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do ông Huấn Cao viết. Chính vì thế Huấn Cao đã đồng ý cho chữ người quản ngục. Có lẽ bằng hành động ấy ông muốn truyền lại cái tài, cái tâm và khí phách cao đẹp của mình cho người đời sau.
4) Cảnh cho chữ
Tất cả vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao được thể hiện tập trung nhất trong cảnh cho chữ. Đấy cũng là tình tiết khắc họa sâu sắc nhất chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Trước hết cảnh tượng xưa nay chưa từng có ấy đã diễn ra trong phòng giam của một kẻ tử tù. Chỉ vài nốt bút vẽ khéo léo, Nguyễn Tuân đã tạo ra vẻ trang nghiêm cổ kính và có phần huyền bí kết hợp với việc cho chữ “trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lèn ba cái đầu người đang chăm chú”. Không những thế, Nguyễn Tuân còn sử dụng thủ pháp đối lập, tương phản. Một bên là “tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ”, rất mới mẻ sạch sẽ, nơi con người sẽ sáng tạo cái đẹp và nâng niu cái đẹp. Đối lập với “trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”. Đấy là hình ảnh tượng trưng cho sự xấu xa. Ánh sáng ngọn lửa làm cho cái xấu xa đáng kinh tởm mờ dần, nhường chỗ cho tấm lụa mỗi lúc một sáng đẹp lên, mỗi lúc càng có ý nghĩa hơn lên. Nguyễn Tuân rất có dụng ý miêu tả quá trình: bắt đầu là “tấm lụa bạch”, tiếp theo “người tù đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh”. Cứ mỗi nét chữ được viết thì tấm lụa chuyển thành phiến lụa óng. Khi những nét chữ cuối cùng kết thúc, tấm lụa trở thành “bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn”. Cái tài, cái tâm của Huấn Cao được trọn vẹn nhất khi tấm lụa trở thành bức châm khiến cho cả ba người chỉ cần nhìn nó rồi nhìn nhau đã hiểu tấm lòng tri kỉ.
Sự đối lập tương phản ở nơi nào cho chữ càng làm tăng thêm tínhchất tương phản trong cảnh cho chữ (giữa người cho chữ và kẻ xin chữ). Một bên là Huấn Cao, người tử tù, người đứng đầu bọn phản nghịch “cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang đậm tô nét chữ”. Một bên là viên quản ngục và viên thơ lại, những kẻ coi tù, những kẻ đại diện cho triều đình bấy giờ. Hành động “run run bưng chậu mực” là thái độ ngưỡng mộ đầy vẻ tôn kính. Trong thế tương phản như vậy, Huấn Cao hiện ra như một nghệ sĩ tài hoa với một tư thế uy nghi lồng lộng đang ban phát cái đẹp. Sự có mặt của ông tượng trưng cho cái đẹp cao cả. Còn viên quản ngục và viên thơ lại biểu hiện cho tư thế của kẻ chịu ơn, những kẻ nhận sự ban phát cái đẹp. Điều kì diệu là dù có sự tương phản đối lập nhưng ở đây quyền uy lớn nhất chính là cái đẹp đã thống nhất “tam vị nhất thể”. Đây quả là một cảnh tượng chưa từng có, một tấm lòng đền đáp một tấm lòng trong thiên hạ, một tấc lòng son của kẻ tri âm dành cho kẻ tri kỉ được tiến hành trong một khung cảnh không thích hợp chút nào.
Huấn Cao không chỉ hiện ra như một nghệ sĩ tài hoa mà còn như một kẻ sĩ cứng cỏi, có phẩm tiết trong sáng, có cái tâm cao cả, có tinh thần bất khuất. Chính con người rất hiên ngang trước cường quyền bạo ngược, rất coi khinh vàng ngọc, quyền thế ấy cũng là người rất trân trọng và tinh tế trong việc đối xử với người tốt. Cảnh cho chữ đã hiện lên vẻ đẹp của một tấm lòng trọng nghĩa, một cách ứng xử cao thượng đầy tinh thần văn hóa.
Những người nghĩa sĩ anh hùng xưa bao giờ cũng coi trọng đạo nghĩa. Vì chữ nghĩa, vĩ ân trả oán mà họ sẵn sàng coi khinh cái chết. Huấn Cao phát hiện được một nhân cách trong sáng giữa chốn tối tăm. ông không muốn nhân cách ấy bị bóng tối lao tù làm cho u ám. Ông ân cần khuyên bảo viên quản ngục bằng những lời tâm huyết “Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng…”. Như vậy Huấn Cao không chấp nhận cái đẹp, cái tài lại chung sống lẫn lộn với cái xấu, cái ác. Ông càng không thể chấp nhận một người vừa biết yêu cái đẹp lại vừa dù là bắt buộc phải “nhúng tay vào chàm”. Do đó muốn yêu quí thưởng thức cái đẹp, muốn chăm lo cho nó thì trước hết phải giữ lấy điều thiện ở đời “Tôi bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”. Tuy đang trong vai trò của một kẻ tử tù, đang bị uy quyền phong kiến đè bẹp nhưng Huấn Cao vẫn sáng rực rỡ như một con người tự do chủ động với giọng nói của bậc đàn anh. Có lẽ đây cũng là “lời châm” để vạch hướng chỉ đường giải thoát cho người tù chung thân: viên quản ngục.
Điều lạ lùng xưa nay chưa từng xảy ra không phải chỉ vì việc cho chữ (vốn là một thú chơi tao nhã có phần đài các) mà nó diễn ra trong không gian tồi tệ, hơn thế nơi tù ngục bẩn thỉu này không phải cái ác, cái xấu làm chủ tình thế. Trái lại cái Đẹp – cái Thiện – cái Cao cả đã chiến thắng và tỏa sáng. Tất cả đều thấm đẫm trong ánh sáng thuần khiết của vẻđẹp, của thiên lương và khí phách. Đấy cũng chính là chiến thắng vĩ đại của tinh thần bất khuất so với thái độ nô lệ cam chịu.
Và lúc này đã có một sự thay đổi ngôi diễn: kẻ tử tù như một giáo chủ ban ơn khuyên dạy điều hay lẽ phải, còn kẻ coi tù như một đệ tử lễ phép, một người chịu ơn thành kính.
Nếu nói Huấn Cao chẳng hề sợ gì e không ổn. Thực ra người mà Huấn Cao sợ chính lại là kẻ đang vái mình và nói qua dòng nước mắt. Thái độ ấy khiến ta chọt nhớ đến câu thơ nổi tiếng của họ Cao “Nhất sinh đề thủ bái mai hoa”. Cảnh cho chữ diễn ra thật, cảm động khi ngục quan “vái người tù một vái, chắp tay nói một câu: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”. Tự xưng là kẻ mê muội tức là viên quan đã chấp nhận lời khuyên của Huấn Cao. Cử chỉ bái lạy người tử tù không chỉ nâng cao nhân cách Huấn Cao mà còn làm thăng hoa tính cách đẹp đẽ của chính viên quản ngục. .
C – KẾT BÀI
Đọc truyện ngắn Chữ người tử tù ta thấy bao phủ một không khí trang nghiêm cổ kính có phần bi tráng. Tác phẩm cho thấy Nguyễn Tuân không chỉ am hiểu sâu sắc và rất yêu quí những điều cao đẹp mà còn có ngòi bút điêu luyện đầy nghệ thuật để làm sống lại những con người, những cảnh sinh hoạt ngày xưa. Chính điều đó càng tăng thêm vẻ đẹp cho hình tượng Huấn Cao. Có thể khẳng định rằng truyện ngắn này như một áng văn yêu nước trong hoàn cảnh mất nước.
Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 4
1, Mở bài
– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân và những nét đặc sắc trong sự nghiệp sáng tác của ông.
– Giới thiệu khái quát về truyện ngắn “Chữ người tử tù” (xuất xứ, khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật,…)
2, Thân bài
Tình huống truyện
– Cuộc gặp gỡ đầy éo le giữa Huấn Cao và viên quản ngục nơi chốn ngục tù trong những ngày cuối cùng của cuộc đời Huấn Cao
– Ý nghĩa:
+ Tăng kịch tính và sức hấp dẫn cho tác phẩm
+ Giúp nhân vật bộc lộ tính cách
+ Góp phần thể hiện quan điểm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.
Nhân vật Huấn Cao
– Là người có tài viết chữ đẹp, nổi tiếng khắp nơi:
+ Lời khen của viên quản ngục và thầy thơ lại
+ Viên quản ngục luôn khát khao, ao ước có chữ ông Huấn để treo trong nhà
– Là người có khí phách hơn người, bất khuất và hiên ngang
+ kẻ “chọc trời khuấy nước”, là người dám cầm đầu cả một cuộc đại phản chống lại triều đình để không đi lại lề lỗi cũ
+ Người khiến cho bọn lính mới nghe tên cũng phải dè chừng, lo lắng
+ Thái độ “dỗ gông’ đầy bản lĩnh
– Người có thiên lương trong sáng:
+ Không vì vàng bạc, quyền lực mà ép mình cho chữ
+ Cho chữ viên quản ngục vì cảm tấm lòng của viên quản ngục.
Nhân vật viên quản ngục
– Người có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài”
+ Chưa từng gặp Huấn Cao nhưng lại rất kính trọng ông
+ Cách đối xử, thái độ của viên quản ngục khi Huấn Cao ở tù
Cảnh cho chữ
– Diễn ra nơi chốn ngục tù ẩm ướt trong một đêm tối tĩnh mịch
– Hình tượng diễn ra: “ba con người chụm nhau dưới ánh sáng của bó đuốc đang dậm tô những nét chữ”
– Là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có
– Ý nghĩa:
+ Góp phần thể hiện tính cách, vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật
+ Góp phần thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về cái đẹp.
3, Kết bài
– Khái quát giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của thiên truyện “Chữ người tử tù” và tài năng của Nguyễn Tuân được thể hiện qua tác phẩm.
– Nêu những cảm nghĩ của bạn về tác phẩm này.
Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 5
1. Mở bài:
* Giới thiệu vài nét về tác giả và tác phẩm:
- Nguyễn Tuân (1910 - 1987), quê ở làng Nhân Mục, ngoại thành Hà Nội.
- Là người có bản lĩnh cứng cỏi trong cuộc sống và trong sáng tác văn học. Có trình độ hiểu biết uyên bác, có những sáng tạo độc đáo, phong phú trong cảm nghĩ cũng như trong lời văn.
- Sự nghiệp sáng tác : Sở trường là truyện ngắn và tuỳ bút. Các tác phẩm nổi tiếng như Vang bóng một thời, Tuỳ bút kháng chiến, tuỳ bút Sông Đà, tuỳ bút Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi...
- Chữ người tử tù là truyện ngắn xuất sắc, in trong tập Vang bóng một thời, xuất bản năm 1940. Nội dung kể về một viên quản ngục mến mộ tài năng, khí phách của người tử tù là Huấn Cao nên tìm mọi cách để xin ông cho chữ quý. Thông qua đó, tác giả khẳng định và ca ngợi giá trị bất hủ của Cải Đẹp ở đời.
2. Thân bài:
* Phân tích tác phẩm Chữ người tử tù.
+ Bối cảnh của truyện:
- Nhà tù tỉnh Sơn, vào khoảng cuối thế kỉ 19.
- Một nhóm tù nhân bị áp giải từ nơi khác đến giam tại đây, chờ ngày lãnh án tử hình vì tội phản nghịch chống lại triều đình. Người đứng đầu nhóm là Huấn Cao, nổi tiếng văn hay chữ tốt.
- Buồng giam tối tăm, chật hẹp, nơi giam giữ Huấn Cao trong đêm cuối cùng, trước khi ông bị giải vào kinh thọ tội.
+ Nội dung của truyện: Ba thái độ đối với Cái Đẹp ở đời.
- Thái độ huỷ diệt: Thể hiện qua sự hỗn láo, hách dịch của lũ lính tráng nơi nhà ngục đối với Huấn Cao và nhóm bạn tù của ông. Thể hiện qua mệnh lệnh của những tên quan tại to mặt lớn ở Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường, Hình bộ Thượng thư, ty Niết, triều đình quốc gia... Đó chính là bộ máy huỷ diệt tài năng, đức hạnh... với mục đích cố giữ lấy ngai vàng bẩn thỉu. (Dẫn chứng).
- Thái độ thứ hai: Quý trọng, kính phục tài năng, nghĩa khí. Thể hiện qua hai nhân vật viên quản ngục và thầy thơ lại. Cảm phục Huấn Cao qua lời đồn, qua những gì được tận mắt chứng kiến về Huấn Cao, người có đủ cả tài văn lẫn võ, nhất là tài viết chữ Hán đẹp nổi tiếng. Viện quản ngục trân trọng tài năng của Huấn Cao, bất chấp hiểm nguy, tìm mọi cách để xin chữ quý - một báu vật ở đời.
- Thái độ thứ ba: Sự đại lượng của bậc chính nhân quân tử, thể hiện qua nhân vật Huấn Cao. (Dẫn chứng).
* Quang cảnh đêm cho chữ:
- Là một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, vừa lạ lùng vừa đẹp như một ảo ảnh. (Dẫn chứng).
- Viết xong, ông Huấn Cao đỡ viên quản ngục đứng dậy, khuyên ông ta nên rời bỏ chốn cửa ngục u ám, về quê sinh sống để giữ thiên lương cho lành vững, xứng đáng với thú chơi chữ đẹp.
- Viên quản ngục nghẹn ngào, cảm động trước hành động và lời khuyên của người tử tù tài năng, khí phách và đức độ.
3. Kết bài:
- Nguyễn Tuân gửi gắm vào trong truyện nỗi tiếc nuối sâu xa đối với một con người tài giỏi, nghĩa khí, một nhân cách lớn lao ở giai đoạn chế độ phong kiến suy vong và niềm tin vào sự cảm hoá mạnh mẽ của Cái Đẹp.
- Tác giả khẳng định dù cuộc đời đen tối đến đâu thì trong nhân dân vẫn có những tấm lòng đáng quý.
Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 6
1. Phân tích đề
- Yêu cầu đề bài: Phân tích nội dung, nghệ thuật, các chi tiết trong tác phẩm nhằm làm sáng tỏ những tư tưởng tác giả gửi gắm và giá trị của tác phẩm
- Phương pháp làm bài: sử dụng thao tác phân tích
2. Các luận điểm chính cần triển khai
Luận điểm 1: Tình huống truyện đặc biệt làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao
Luận điểm 2: Huấn Cao là hình tượng của vẻ đẹp uy nghi giữa tài và tâm của người nghệ sĩ, của bậc anh hùng tuy thất thế nhưng vẫn hiên ngang
Luận điểm 3: Cảnh cho chữ là “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có”: sự thăng hoa của cái tài, cái đẹp
3. Lập dàn ý
I. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Tuân: là một nhà văn vô cùng tài hoa, uyên bác.
- Giới thiệu chung về tác phẩm "Chữ người tử tù".
II. Thân bài:
a. Tình huống truyện đặc biệt
- Huấn Cao - một tử tù và viên quản ngục tình cờ gặp nhau và trở thành tri âm tri kỉ trong một hoàn cảnh đặc biệt: nhà lao nơi quản ngục làm việc.
- Tình huống độc đáo này đã làm nổi bật vẻ đẹp hình tượng Huấn Cao, làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục đồng thời thể hiện sâu sắc chủ đề tác phẩm: ca ngợi cái đẹp, cái thiện có thể chiến thắng cái xấu cái ác ngay ở nơi bóng tối bao trùm, nơi cái ác ngự trị.
b. Vẻ đẹp các nhân vật
* Nhân vật Huấn Cao
- Huấn Cao được lấy nguyên mẫu từ Cao Bá Quát - một con người lỗi lạc thời trung đại.
- Huấn Cao là người nghệ sĩ tài hoa:
+ Là người có “tài viết chữ rất nhanh, rất đẹp”. Hơn thế mỗi con chữ của Huấn Cao còn chứa đựng khát vọng, hoài bão tung hoành cả đời người.
+ “Có được chữ ông Huấn là có được báu vật ở đời”.
⇒ Ca ngợi nét tài hoa của Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã thể hiện tư tưởng nghệ thuật của mình: kính trọng những con người tài hoa tài tử, trân trọng nghệ thuật thư pháp cổ truyền của dân tộc
- Là anh hùng có khí phách hiên ngang
+ Thể hiện rõ nét qua các hành động: dỗ gông, thảm nhiên nhận rượu thịt
+ Trong mọi hoàn cảnh khí phách hiên ngang ấy vẫn không thay đổi
- Là người có thiên lương trong sáng, nhân cách cao cả
+ Quan niệm cho chữ: trừ chỗ tri kỉ ngoài ra không vì vàng bạc châu báu mà cho chữ
+ Đối với quản ngục:
Khi chưa hiểu tấm lòng quản ngục Huấn Cao cho hắn là kẻ tiểu nhân tỏ ra khinh biệt " Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn từ có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây nữa".
Khi nhận ra tấm lòng quản ngục Huấn Cao không những cho chữ mà còn coi quản ngục là tri âm tri kỉ.
⇒ Huấn Cao là hình tượng của vẻ đẹp uy nghi giữa tài và tâm của người nghệ sĩ, của bậc anh hùng tuy thất thế nhưng vẫn hiên ngang.
* Nhân vật quản ngục
- Một tấm lòng biệt nhỡn liên tài.
- Có sở thích cao quý: chơi chữ.
c. Cảnh cho chữ: “Cảnh tượng xưa nay chưa từng có”
- Không gian: ngục tối ẩm ướt, bẩn thỉu.
- Thời gian: đêm khuya.
- Dấu hiệu:
+ Người cho chữ là tử tù, người xin chữ là quản ngục
+ Người cho chữ mất tự do cổ đeo gông chân vướng xiềng nhưng vẫn hiên ngang, chủ động trong khi quản ngục - người xin chữ khúm núm, bị động.
+ Tử tù lại là người khuyên quản ngục.
- Sự hoán đổi ngôi vị:
+ Ý nghĩa lời khuyên của Huấn Cao: cái đẹp có thể sản sinh ở nơi đất chết, nơi tội ác ngự trị nhưng không thể sống chung với cái xấu cái ác. Người ta chỉ xứng đáng được thưởng thức cái đẹp khi giữ được thiên lương.
+ Tác dụng: cảm hóa con người.
⇒ Điều lạ lùng ở đây không chỉ là thú chơi chữ tao nhã, thanh cao được thể hiện ở nơi tối tăm bẩn thỉu, người trổ tài là kẻ tử tù mà đặc biệt hơn là trong chốn lao tù tối tăm ấy cảnh cho chữ là sự thăng hoa của cái tài, cái đẹp, người tử tù sắp chết lại cảm hóa được viên quản ngục. Chính những điều này đã tạo nên hào quang rực rỡ, bất tử cho hình tượng Huấn Cao.
III. Kết bài: Cảm nhận chung về giá trị của tác phẩm
Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 7
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân và tác phẩm “Chữ người tử tù”: Tác phẩm “Chữ người tử tù” là một trong những tác phẩm điển hình cho nét bút trác ấy
2. Thân bài
· Tình huống truyện: Nguyễn Tuân xây dựng nên hình tượng Huấn Cao là thế, một người phi thường
· Những vẻ đẹp độc đáo và tầm vóc phi thường của Huấn Cao:, cái quý giá của chữ Huấn Cao không chỉ vì viết nhanh, rất đẹp, đẹp mà vuông lắm
· Tính cách và tâm hồn của nhân vật viên quản ngục: Nhưng may sao ở viên quan ngục lại có một tấm lòng biệt nhỡn liên tài
· Cảnh cho chữ trong nhà ngục: Cảnh cho chữ đáng lẽ phải diễn ra nơi trang trọng, đàng hoàng thì lại diễn ra nơi buồng giam chật hẹp
3. Kết bài
Ý nghĩa tác phẩm: Tác giả Nguyễn Tuân đã làm nổi bật thành công hình tượng Huấn Cao và khẳng định sự chiến thắng của cái đẹp.
Dàn Ý Phân Tích Truyện Ngắn Chữ Người Tử Tù 8
1. Mở bài
- Dẫn dắt và giới thiệu tác phẩm.
"Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân được trích từ tập "Vang hóng một thời"- tập truyện được đánh giá là "những nén tâm hương nguyện cầu cho cái đẹp Việt Nam". Truyện kể về nhân vật Huấn Cao được xây dựng dựa trên nguyên mẫu Cao Bá Quát- lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mĩ Lương, một trí thức phong kiến nổi tiếng tài hoa, có lối sống thanh cao.
2. Thân bài
a) Nhân vật Huấn Cao
* Khi nhập ngục
- Huấn Cao xuất hiện trong thân phận một tử tù nhưng trong mắt quản ngục lại là hiện thân của tài hoa.
- Quản ngục đón Huấn Cao bằng cái nhìn hiền lành, thái độ ngưỡng mộ. Với quản ngục, có được chữ Huấn Cao treo trong nhà như có một báu vật trên trời.
- Huấn Cao, danh tiếng và tài hoa đã tỏa ánh hào quang nơi ngục lao, là người nghệ sĩ của nghệ thuật thư pháp. Thái độ của quản ngục với Huấn Cao thể hiện tình cảm ngưỡng mộ của Nguyễn Tuân với cái đẹp và thái độ trân trọng của nhà văn với văn hóa truyền thống dân tộc.
* Khi ở trong ngục
- Huấn Cao thản nhiên nhận sự biệt đãi của ngục quan, coi đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình.
- Huấn Cao còn đáp lại ngục quan bằng những lời khinh bỉ và ngạo mạn.
- Thái độ của Huấn Cao với quản ngục là thái độ của một vị trượng phu với uy quyền. Trong mắt Huấn Cao, quản ngục là hình ảnh của cái xấu, cái ác, của cường quyền, bạo lực.
- Thái độ nhẫn nhục, lễ phép của quản ngục lui ra với câu nói lễ phép "xin lĩnh ý" đã làm hiện lên hình ảnh người tử tù kĩ vĩ, uy nghi. Huấn Cao hiện ra với tư thế của một trang anh hùng, khí phách hiên ngang.
* Khi cho chữ
- Hành động cho chữ là hành động của một tấm lòng đền đáp một tấm lòng, hành động của một người tri kỉ dành cho kẻ tri âm, hành động đón bắt, nâng đỡ ánh sáng của thiên lương.
- Nhân vật Huấn Cao được khắc họa bằng cái nhìn lãng mạn, bút pháp mang tính chất lí tưởng hóa. Vì vậy nhân vật mang vẻ đẹp toàn thiện, toàn mĩ.
- Qua hình tượng nhân vật Huấn Cao, Nguyễn Tuân gửi gắm quan nhiệ nghệ thuật thẩm mĩ: cái đẹp bao giờ cũng song hành cùng cái thiện, cái tài luôn sóng đôi cùng cái tâm.
b) Nhân vật quản ngục
* Cách ứng xử với Huấn Cao
- Tình cờ, quản ngục biết được người mà ông ngưỡng mộ, người nắm những con chữ quý giá lại là người tử tù trong tay mình. Nhưng ông bất chấp sinh mệnh để biệt đãi Huấn Cao, một tấm lòng biệt nhỡn liên tài.
- Bị Huấn Cao hiểu lầm, quản ngục vẫn cung kính, giữ lễ.
- Khi nhận tin Huấn Cao sắp bị giải vào kinh chịu án chém, quản ngục lo lắng, sợ nếu không xin được chữ Huấn Cao sẽ ân hận suốt đời.
- Đằng sau thân phận của một ngục quan là tâm hồn của người nghệ sĩ khao khát, say mê cái đẹp, tiếp cận, bảo lưu và giữ gìn cái đẹp.
- * Trong cảnh cho chữ
- Quản ngục khúm núm cất những đồng tiềm kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng.
- Sau khi cúi đầu nghe lời khuyên của Huấn Cao, ngục quan cảm động, vái người tù một cái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”
- Có những cái cúi đầu làm cho con người trở nên hèn hạ, có những cái vái lạy làm cho con người đê tiện. Nhưng cũng có những cái cúi đầu làm cho con người bỗng trở nên cao cả hơn, lớn lao hơn, lẫm liệt hơn, sang trọng hơn. Đấy chính là cái cúi đầu trước cái đẹp, cái tài, cái thiên lương. Chính Cao Chu Thuần, nguyên mẫu của nhân vật Huấn Cao cũng có một câu thơ thật đẹp, thật sang: “nhất sinh đê thủ bái hoa mai” (một đời chỉ biết cúi đầu vái lạy hoa mai). Cái cúi đầu của thầy quản ngục vái lạy Huấn Cao chính là cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy.
- Tư thế và tâm thế của quản ngục khi nhận chữ và lắng nghe lời khuyên của Huấn Cao đều thể hiện thái độ thành kính. Sự khúm núm và cúi đầu không phải không thể hiện sự ủy mị, hèn nhác, yếu kém mà ngược lại nó làm sáng lên vẻ đẹp nhân cách của một tâm hồn thánh thiện, sự thành kính, sùng tín trước cái đẹp, khí phách và tài hoa giống cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai.
- Nhân vật ngục quan là nơi Nguyễn Tuân gửi gắm quan niệm nhân sinh sâu sắc: ẩn sau trong tâm hồn con người đều ẩn chứa một tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp, khao khát cái đẹp. Hãy nhìn thật sâu để nắm bắt ánh sáng của thiên lương vì đôi khi trong điều kiện của cái xấu, cái ác thì cái đẹp không những không lụi tàn mà còn có sức mạnh đẩy lùi cái xấu, cái ác.
c) Đặc sắc nghệ thuật
- Tình huống truyện độc đáo với những sự kiện kịch tính, giàu ý nghĩa.
- Biện pháo lãng mạn được phát huy cao độ để hướng tới tô đậm vẻ đẹp lí tưởng.
- Ngôn ngữ, văn phong rất riêng, vừa cổ kính vừa hiện đại làm sống dậy trong lòng người đọc không khí thiêng liêng, vabg bóng.
3. Kết bài
- Nêu cảm nghĩ của bản thân.
Qua câu chuyện về người tử tù, tác giả đã khẳng định sự bất tử của cái đẹp, tân vinh những giá trị chân thiện mĩ và kín đáo bộc lộ tấm lòng thiết tha với đất nước. Nhà vă cũng thể hiện quan niệm thẩm mĩ tiến bộ: cái đẹp luôn song hành với cái thiện; quan niệm nhân sinh sâu sắc: sự tin tưởng vào thiên lương con người.