Phân tích nhân vật Gia-ve và Giăng Van Giăng - Bài văn mẫu số 1
Victor Hugo là một thiên tài của nền văn học Pháp. Ông sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng như Nhà thờ Đức bà Pa-ri, Lao động và biển cả, Thằng cười, .... Những người khốn khổ là một trong những bộ tiểu thuyết gắn liền với sự nghiệp của ông. Bộ tiểu thuyết không chỉ phản ánh được hiện thực xã hội lúc bấy giờ mà còn thông qua đó nói lên tiếng nói nhân đạo, sự cứu rỗi con người bằng lòng bao dung và tình yêu thương. Tác phẩm đã rất thành công trong việc xây dựng hệ thống các nhân vật với những tính cách điển hình, đặc biệt, trong đoạn trích "Người cầm quyền khôi phục uy quyền" đã thể hiện rõ nét đối lập trong tính cách giữa Jean Valjean và Javert. Từ đó, thể hiện được tầm cao tư tưởng của tác phẩm.
Javert - một kẻ luôn luôn nắm bắt pháp luật, coi pháp luật là độc tôn. Với hắn, cường quyền cao nhất là pháp luật, là một đại diện tiêu biểu nhất cho chính quyền, cho khuôn khổ của pháp luật. Hắn luôn nghi ngờ Jean Valjean, luôn quan sát và theo dõi những hành động của ông. Javert như một con ác thú gian mãnh chực chờ vồ lấy con mồi, một kẻ tay sai của cường quyền, vô cùng kiêu ngạo và hống hách. Ngoại hình của hắn đã bộc lộ bản chất phần nào trong con người hắn: "cặp mắt như cái móc sắc", "bộ mặt gớm ghiếc", "cái cười ghê tởm nhe tất cả hai hàm răng". Trong cử chỉ, ngôn ngữ và hành động của hắn thể hiện rõ một kẻ tiểu nhân, tàn bạo và và nham hiểm, thô lỗ, vô văn hóa. Javert như một con chó sói hung hãn vui sướng khi bắt được kẻ tình nghi.
Trước một người phụ nữ đang nằm trên giường bệnh, chực chờ trước cái chết. Một Fantine đang hấp hối, đau đớn vậy mà chẳng mảy may để ý, thương xót hay quan tâm mà ra sức quát tháo như một kẻ vô học để thị uy Jean Valjean, một kẻ lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Chính lời nói của hắn đã khiến cho người phụ nữ tội nghiệp đến đáng thương kia ngày cả niềm hi vọng cuối cùng được gặp lại con gái của mình cũng bị dập tắt. Chính hắn là kẻ đã gieo nơi tâm hồn tội nghiệp kia - một người đang đứng trước sinh mệnh vào cõi tuyệt vọng vô bờ bến khi nghe được tiếng quát tháo của hắn vào ngài thị trưởng. Chấm dứt niềm ao ước gặp con lần cuối của chị. Đứng trước tình mẫu tử thiêng liêng bị chia cắt, ai cũng mủi lòng xót xa cho Fantine, vậy mà hắn vẫn lạnh như đá, giận giữ và quát tháo điên cuồng: "Giờ lại đến lượt con này. Đồ khỉ có câm họng đi không? Cái xứ chó đểu gì mà bọn tù khổ sai làm ông nọ ông kia, còn lũ gái điếm được chạy chữa như những bà hoàng. Nhưng này! Sẽ thay đổi hết; đã đến lúc rồi đấy!"
Một kẻ có tính cách khiến người ta phải kinh hãi, sợ sệt và căm phẫn. Hắn đã chà đạp lên quyền được yêu thương, được cưu mang và trân trọng của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Hắn đã nhân danh pháp luật hà khắc, nhân danh cường quyền mà "giết người" một cách tàn nhẫn. Một kẻ mất hết tính người, vô lương tâm, tàn ác.
Nhưng có lẽ, nếu xã hội ấy chỉ tồn tại những con người như vậy thì khó thể tồn tại và phát triển, đâu đó cũng còn những tình thương, lòng tốt dành cho nhau của những người cùng khổ. Đâu đây, bóng dáng của một người thị trưởng Jean Valjean nhiệt huyết và giàu vị tha cũng khiến ta nhẹ lòng và biết mình cần phải sống và biết yêu thương. Trái ngược hoàn toàn với Javert, Jean Valjean luôn ấm áp trong từng hành động, trong lời nói và tính cách. Ông chấp nhận ra thú tội để cứu người bị bắt oan kia, cũng không màng đến việc mình sẽ bị bắt vào tù. Cái ông lo lắng lúc này là Fantine, ông dành tất cả sự quan tâm và tình yêu thương của mình cho người phụ nữ đang trong cảnh khốn cùng ấy. Trong cơn sợ hãi, hoảng loạn khi nhìn thấy mặt Javert, ông đã trấn tĩnh chị bằng giọng nói nhẹ nhàng, điềm tĩnh: "Chị yên tâm". Ông luôn tìm cách để cứu con gái của chị ra, đó là tất cả tình thương, là niềm yêu vô bờ bến của một người phụ nữ lúc này, đứa con chính là tài sản duy nhất mà chị có được. Ông đã van xin Javert cho thời hạn để giúp Fantine chuộc lại con, chấp nhận phải chịu hình phạt nặng nề cho chính mình. Từng câu nói thốt ra của ngài thị trưởng đều toát lên sự quan tâm, lo lắng dành cho người phụ nữ tội nghiệp, chấp nhận hi sinh chính mình để bảo vệ, cứu vớt mạng sống của con người. Đó là tính cách độ lượng và giàu lòng thương người, sự cảm thông với nhau giữa những khốn cùng của cuộc sống. Một tinh thần cao đẹp tuyệt vời trái ngược với sự bẩn thỉu, cay nghiệt của tên cầm quyền Javert. Hắn càng tỏ thái độ, càng hống hách, kịch liệt bao nhiêu thì Jean Valjean lại càng nhún nhường, nhẫn nhịn bấy nhiêu. Bởi ông hiểu ông cái cần thiết lúc này là cứu mạng sống con người, là cho Fantine tia hy vọng được gặp lại con mình. Nhưng cuối cùng, Fantine chấp nhận cái chết trong đau đớn, tủi nhục và tuyệt vọng. Chính lúc này, Jean Valjean càng đau khổ khôn xiết.
Tác giả đã thành công trong nghệ thuật xây dựng hai nét tính cách đối lập giữa Jean Valjean và Javert nhằm thể hiện tư tưởng nhân đạo. Đó là tình thương vươn tới những chân giá trị tốt đẹp, bằng tình thương và chỉ có tình thương con người mới trở nên hạnh phúc và tốt đẹp hơn.
Phân tích nhân vật Gia-ve và Giăng Van Giăng - Bài văn mẫu số 2
Nói đến V. Huy-gô, cây đại thụ của văn học Pháp thế kỷ XIX, hẳn không ai không biết đến tiểu thuyết Những người khốn khổ. Cùng với Nhà thờ Đức Bà Pa- ri, đây là tiểu thuyết hiện thực phản ánh tư tưởng của nhà văn cũng như hiện thực của xã hội Pháp đầu thế kỷ XIX. Người cầm quyền khôi phục uy quyền là một trích đoạn trong bộ tiểu thuyết. Những người cùng khổ của V. Huy-gô. Đoạn trích không chỉ thể hiện tình cảm của nhà văn đối với các nhân vật, mà còn bộc lộ tư tưởng rõ nét thông qua hai tính cách trái ngược của Giăng Van-giăng và Giơ-Ve..
Giăng Van-giăng, một tù nhân trốn chạy, một người luôn phải hi sinh vì người khác, nhưng lại gặp phải nhiều oan trái. Gia-ve, một tên mật thám của sở cảnh sát, luôn rình mò để bắt Giăng-van-giăng. Hắn là một người đại diện cho công lí lại là quyền và pháp luật. Nhưng người đại diện cho công lý lại là Giăng-Van-giăng. Một sự trái ngược và đầy mâu thuẫn, khi mà kẻ đại diện cho pháp luật, nhân danh pháp luật lại không bảo vệ được công lý. Còn lý là từ tâm con người mà chỉ có một phần là những luật lệ và nguyên tắc. Bởi những khuôn khổ cứng nhắc khô khan, đôi khi thiếu vắng tình người. Chúng ta hãy nhìn Gia- ve, người cầm quyền khôi phục uy quyền là rõ.
Giăng-Van-giăng, dưới cái tên Ma-đơ-len đã cứu giúp bao nhiêu số phận bất hạnh, trong đó có Phăng-tin. Người đàn bà ốm yếu gặp nhiều oan trái ấy không biết ông thị trưởng, đáng kính Ma-đơ-len lại chính là tên cướp tên tù khổ sai Giăng-Van-giăng. Một tên kẻ cắp bị bỏ tù vì trót lấy một mẩu bánh mì cho cháu. Khi bị thanh tra Gia-ve đến bắt, Giăng Van-giăng không tỏ ra run sợ hay chạy trốn mà hết sức nhẹ nhàng và điềm tĩnh. Còn Gia ve? Trong cái giọng nói của hắn có cái gì đó man rợ và điên cuồng, "không còn là tiếng người nói mà là tiếng thú gầm".
Bản chất con người bộc lộ ngay từ hình dạng, lời nói, hành động cho đến thái độ. Quả đúng vậy. Qua cách miêu tả của nhà văn, ngoài thanh tra mật thám của sở cảnh sát hiện lên chẳng khác một loại cầm thú.
Bộ mặt Gia-ve gớm ghiếc đến tởm lợm làm những con người yếu đuối phải sợ hãi. Còn với những người như Giăng Van-giăng, hắn coi như "một đồ vật lạ lùng", hắn đã ôm ghì năm năm mà không hề quật ngã. Điều ấy hẳn đã làm hắn điên đầu suốt năm năm qua. Bởi lẽ quyền lực như hắn mà không làm gì được Giăng-Van-giăng, tên kẻ cắp phải đi tù vì một mẩu bánh mì và chỉ khi bắt được tên trốn tù, hắn mới thấy sung sướng hả hê. Chỉ như vậy hắn mới thấy mình sống có ý nghĩa và quyền lực của hắn mới có đất dụng võ.
Một cái nhìn "hào phóng", hắn ban cho những kẻ tội đồ gớm ghiếc như mũi dao đâm vào tận xương tuỷ. Hắn như con thú muốn nuốt chửng con mồi, như tên thợ săn lâu ngày chưa kiếm được khúc thịt nào cho ra hồn. Vì vậy, khi hắn túm được cổ áo ông-Thị trưởng Ma-đơ-len thì hắn sung sướng. Hắn như cáo già bắt gặp gà con. Hắn phá lên cười khi Phăng-tin gọi ông thị trưởng. Cái cười ghê tởm phô ra cả hai hàm răng.
Sự miêu tả ấy của nhà văn còn chứa đựng cả sự khinh ghét ghê tởm của con người đối với kẻ đại diện cho quyền lực, Gia- ve tự cho mình là kẻ mạnh, là kẻ nắm công lí và công bằng cho xã hội. Vậy nên chỉ một sự cầu xin của Giăng-Van-giăng để tìm con cho Phăng-tin, hắn cũng không nghe. Hắn không thấy nỗi đau mất con trong đôi mắt của người đàn bà khốn khổ. Do vậy, hắn cũng không nhìn thấy được tấm chân tình của Giăng-Van-giăng. Bởi hắn không có tình người và suy nghĩ phải nắm chắc lấy con mồi mà hắn đã để tuột mất năm năm trời. Trước mắt hắn không có con người khốn khổ, cũng không có vị hiệp khách nào. Chỉ có gã thợ săn đang nắm lấy con mồi là Giăng-Van-giăng, miếng thịt ngon mà hắn phải cất nhiều công mới tìm được. Chính vì sự tàn nhẫn ấy của hắn đã đẩy con người khốn khó Phăng-tin vào chỗ chết.
Lời buộc tội của Giăng-Van-giăng cũng chính là lời kết tội của nhà văn đối vói bọn cầm quyền. Đối với những người như Gia- ve không có gì bằng quyền lực. Quyền lực là vạn năng và chúng chẳng cần đến trái tim; đến tình người. Đến nỗi khi Phăng-tin chết và Giăng-Van-giăng nổi giận, hắn cũng sợ lắm, nhưng cái hắn sợ hơn là để xổng mất Giăng Van- giăng, để mất uy quyền. Thế nên dù sợ hãi, hắn vẫn đứng canh và mắt không rời tên tù khổ sai đang quỳ bên xác người chết.
Một loại cầm thú mang trên mình bộ mặt con người. Trong xã hội Pháp lúc bây giờ có biết bao nhiêu kẻ như Gia-ve? Quyền lực lấn át cả tình người, dìm biết bao nhiêu kiếp người nhỏ bé xuống bùn đen của xã hội.
Trái với Gia-ve, tên tù khổ sai Giăng-Van-giăng bị coi là mọt họng lại hiện lên như một hình tượng cao đẹp. Giăng không có ý định chạy trốn. Ông chỉ muốn làm nốt nghĩa vụ cuối cùng đối với một con người, tìm lại đứa con cho Phăng-tin. Và nếu Gia-ve được miêu tả hết sức sinh động qua từng lời nói, ánh mắt, thái độ..., thì Giăng chỉ là một "cái bóng mờ", cái bóng làm tăng thêm sự tàn ác của Gia-ve. Chỉ đến đoạn trích, khi Giăng sửa sang cho phăng- tin và thì thầm vào tai Phăng-tin thì ông mới hiện rõ. Tuy nhiên, dù chỉ là "cái bóng mờ" ở phần đầu đoạn trích, nhưng hình ảnh của Giăng vẫn hiện nên rõ nét, đặc biệt cuối đoạn. Quả là phi lí.
Thế nhưng hiện thực luôn chứa đựng những nghịch lí. Đỡ Phăng-tin lên giường, ông ngồi mải miết yên lặng và chẳng nghĩ đến điều gì trên đời này nữa. "Trong nét mặt và dáng điệu ông chỉ thấy một nỗi thương xót không tả". Ông thương cho người đàn bà đã chết không gặp lại con. Thương cho phận mình lại sắp trở thành tù khổ sai. Hay thương cho một xã hội với một kiếp người như ông và người cẩm thú như Gia-ve? Ông đã nói những gì với Phăng tin? Không ai biết. Chỉ biết rằng khi ấy, trên khuôn mặt nhợt nhạt của Phăng-tin có một nụ cười rạng rỡ và sáng lên một cách lạ thường "chết tức là đi vào bầu ánh sáng vĩ đại". Đi lên thiên đường? Và đó là phải chăng là sự giải thoát duy nhất đối với những kiếp người nghèo khổ. Nâng bàn tay Phăng-tin lên và nhẹ nhàng đặt vào đó một nụ hôn. Giăng-Van-giăng tiễn đưa chị vào cõi vĩnh hằng và cũng tiễn đưa được kiếp người thoát khỏi nỗi khổ.
Như vậy, với ngòi bút miêu tả tinh tế và giàu cảm xúc, V. Huy-gô đã xây dựng nên hai tính cách trái ngược nhau đại diện cho hai lớp người khác nhau. Qua đó cũng chứng tỏ được tình cảm của nhà văn với các nhân vật của mình. Đặc biệt là Giăng-Van-giăng, một người tù khổ sai nhưng giàu lòng nhân ái.