Nêu cảm nhận của anh (chị) về hai câu thơ: "Sóng biếc theo làn hơi gợn tí /Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” hay nhất (1 mẫu)

Nêu cảm nhận của anh (chị) về hai câu thơ: "Sóng biếc theo làn hơi gợn tí /Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Mùa thu xưa nay vẫn luôn là mùa khơi gợi cho lòng người nhiều cảm xúc nhất. Nguyễn Khuyến có hẳn một chùm các bài thơ nói về mùa thu, mỗi bài mang một màu sắc, một góc nhìn riêng nhưng đều góp phần làm nên bức tranh mùa thu ở làng quê Việt Nam thật ấn tượng. “Câu cá mùa thu” là tên của một bài trong số đó. Giữa không gian ao thu, từ một chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”, cái nhìn của nhà thơ bao quát ra xung quanh:

“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Một bức tranh thu cổ điển về thi liệu và thi đề. Đó là vẻ đẹp của “thu thuỷ”, “thu thiên” trong cái “cộng trường thiên nhất sắc” thường gặp trong ý thơ của người xưa. Bức tranh cảnh vật hiện lên sống động, hài hoà. Trên chiếc thuyền con nhìn ra, làn nước ao thu lạnh lẽo, trong veo đến hết độ sắc trong của nước, sóng biếc chỉ hơi khẽ gợn và lá vàng trước gió cũng cũng “khẽ đưa vèo”, nhẹ nhàng chuyển động. Câu thơ rất động nhưng là cái động nhẹ nhàng đến mức tinh vi. Lấy động tả tĩnh. Bút pháp quen thuộc trong thơ văn trung đại ở đây đã được sử dụng một cách đắc địa. Cái động làm phong phú đường nét và màu sắc của cảnh thu. Hơn thế nữa, nó khiến cho cái tĩnh lặng của không gian càng trở nên tĩnh lặng hơn. Chiếc thuyền đang ở trên mặt ao nhưng dường như tất cả những tác động mà nó gây ra cũng chỉ khiến cho làn ao hơi gợn sóng. Người ngồi trên thuyền phải trầm ngâm, yên lặng đến mức nào! Và cũng phải tĩnh lặng đến mức tuyệt đối thì mới nhận ra được chiếc lá thu “khẽ đưa vèo” trong không gian. Không chỉ là gợi hình ảnh mà dường như còn nghe thấy được tiếng lá rơi và những động thái chuyển động tinh vi của nó. Ấn tượng về bức tranh thu thanh vắng, quạnh hiu được tô đậm. Dường như chỉ có mỗi thi nhân trong vai trò ông già câu cá đối diện trước thiên nhiên thu nhỏ để lắng vào cõi suy tư. Tất cả đều hài hoà, hoà phối với nhau làm nên đường nét của mùa thu. Và sự hoà phối đã đạt đến mức tinh vi cao độ khi “Cái thú vị của bài thơ là ở điệu xanh, xanh ao, xanh bờ, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi” (Xuân Diệu). Nguyễn Khuyến đã dùng chiếc lá vàng để làm điểm nhấn cho bức tranh thu, gợi cho người ta một ân tượng vừa bất ngờ lại vừa thích thú. “Diệp lạc tri thu”, chỉ một chiếc lá vàng thôi cũng đủ để gợi ra hồn thu vĩnh cửu. Cái “đưa vèo” trong câu thơ gợi ta nhớ đến một câu thơ của Tản Đà khi ông cảm nhận sự đổi thay của thời thế: “Vèo trông lá rụng ngoài sân”. Phải chăng, đó cũng là cái “vèo” bay của lá của hai người nhưng cùng một tâm trạng?

Cái tài của Nguyễn Khuyến là đọc cả bài thơ cũng như hai câu thơ, người ta vẫn cảm nhận được sự chuyển động của cảnh vật, nhưng tất cả những chuyển động ấy lại làm nên bức tranh thu tĩnh lặng tuyệt đối. Tĩnh lặng mà không chết lặng. Chỉ tĩnh lặng bởi mùa thu quá thanh khiết, nhẹ nhàng, còn người thơ thì lại quá trầm ngâm, tự lự. “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Bức tranh cảnh thu đã hé mở cho ta về tình thu của người trong cảnh. Cái tĩnh lặng của bài thơ hay cũng chính là cái tĩnh lặng của một người trong lòng đang nặng trĩu suy tư. Là một nhà thơ có khí tiết trong sạch, giữa thời đại “Vua chèo còn chẳng ăn ai/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề” ông chọn con đường cáo quan về quê mà đã có lúc tự trào:

“Cờ đang dở cuộc không còn nước

Bạc chửa thâu canh đã chạy làng”.

Thái độ bất hợp tác “ra về” để giữ trọn thanh danh khí tiết trong thời kì trắng đen lẫn lộn là dứt khoát nhưng vẫn không thể tránh khỏi những lúc:

“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt

Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe

Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy

Độ dăm ba chén đã say nhè”.

Và có lẽ nên mùa thu của ông dù đẹp đến mấy thì cũng vẫn thấm đẫm buồn. Cảnh vật buồn mà lòng người thì lại càng buồn hơn. Mùa thu ở đây đã cho ta biết thêm về một tâm hồn thiết tha với thiên nhiên đất nước.

Mùa thu, có lẽ nếu như trước đó đã có, và sau này vẫn sẽ có rất nhiều những bài thơ viết về nó nhưng người ta sẽ không thể nào quên được bức tranh “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến.