Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở hay nhất

Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở - Dàn ý mẫu số 1

Giới thiệu tác giả, tác phẩm và vấn đề cần phân tích.

Phân tích:

Hoàn cảnh gặp Thị Nở trong cơn say.

Trước hết là sự thức tỉnh: khi tỉnh rượu, hắn cảm nhận về không gian, cuộc sống xung quanh, tình trạng của mình… sau đó hắn tỉnh ngộ, cảm nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của Thị Nở.

Sau đó là hắn hy vọng, ước mơ lương thiện trở về, đặt niềm hy vọng lớn ở Thị Nở. Hắn đã ngỏ lời với thị, trông đợi thị về xin phép bà cô.

Tiếp đó là thất vọng và đau đớn: bà cô không cho Thị Nở lấy Chí Phèo và Thị Nở đã từ chối Chí nhưng hắn vẫn cố níu giữ. Đau đớn và căm hận, Chí quyết giết chết thị và bà cô thị.

Cuối cùng là phẫn uất và tuyệt vọng: Chí về nhà uống rượu, ôm mặt khóc. Và rồi hắn xách dao đi đến nhà Bá Kiến, đòi lương thiện. Hắn đã giết Bá Kiến và tự sát.

Kết luận:

Bi kịch của con người sinh ra là người mà không được làm người.

Sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội ấy.

Dàn ý phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở - Dàn ý mẫu số 2

a) Mở bài:

- Giới thiệu tác giả, tác phẩm

+ Nam Cao là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của trào lưu hiện thực phê phán thời kỳ 1940 - 1945, một trong những cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954.

+ Chí Phèo là một truyện ngắn xuất sắc của ông viết về số phận người nông dân bị xã hội thực dân phong kiến đàn áp, biến dạng từ bần cùng hóa đến lưu manh hóa.

- Giới thiệu vấn đề cần phân tích: diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

b) Thân bài

* Luận điểm 1: Hoàn cảnh Chí Phèo trước khi gặp Thị Nở

- Từng là một người nông dân lương thiện

- Vì ghen tuông, Bá Kiến đã hãm hại và tống Chí vào tù

- Nhà tù thực dân đã biến Chí từ một người nông dân 20 tuổi lương thiện trở thành một người thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính.

- Ra tù, Chí mắc mưu và làm tay sai cho Bá Kiến.

=> Trước khi gặp Thị Nở, Chí Phèo bị coi là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”.

* Luận điểm 2: Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở

- Hoàn cảnh gặp Thị Nở

+ Không ai đáp lại lời chửi của Chí Phèo nên “hắn” rẽ vào nhà Tư Lãng uống rượu

+ Khi về Chí Phèo không về thẳng mà ra sông tắm.

+ Khi ra sông Chí Phèo gặp Thị Nở đang ngủ hớ hênh dưới trăng.

=> Đây là cuộc gặp định mệnh của hai người.

- Chi tiết hành động xảy ra

+ Trong cơn say, Chí Phèo ăn nằm với Thị Nở và ngủ say dưới trăng

+ Sáng hôm sau Chí bị trúng gió và được Thị Nở đưa về lều.

+ Khi tỉnh dậy đây là lần duy nhất hắn tỉnh từ khi ở tù về.

+ Hắn nhìn thấy tô cháo hành Thị Nở mang cho.

* Luận điểm 3: Tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

- Thức tỉnh

+ Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, lần đầu tiên Chí Phèo thực sự “tỉnh”

Chợt nhận ra ở trong cái lều ẩm thấp của Chí sẽ thấy “chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”

Bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài

Cảm thấy miệng đắng và “lòng mơ hồ buồn”

Thấy “sợ rượu” -> dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất

Cảm nhận được những âm thanh của cuộc sống: tiếng chim hót, tiếng người cười nói…

Nhận thức được hoàn cảnh của mình, thấy mình cô độc.

=> Cuộc gặp gỡ với Thị Nở đã làm Chí thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên.

- Niềm vui, hi vọng, ước mơ quay trở về

+ Niềm hi vọng của thời trẻ quay trở lại: mong muốn một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải; nuôi lợn, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng

+ Khi thấy bát cháo hành của Thị Nở, Chí ngạc nhiên và thấy “mắt mình như ươn ướt” -> xúc động vì lần đầu tiên được bàn tay đàn bà chăm sóc.

+ Thấy Thị Nở có duyên, cảm thấy vừa vui vừa buồn

+ Muốn làm nũng với Thị, thấy lòng thành trẻ con

+ Thèm lương thiện: Tình yêu của Thị Nở làm hắn nghĩ bản thân có cầu nối để trở về

+ Hi vọng và mong ước có một gia đình: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”.

=> Sau khi gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy.

- Thất vọng, đau đớn

+ Bà cô Thị Nở ngăn cấm, không cho Chí đến với thị.

+ Bị Thị Nở từ chối, Chí thất vọng và đau đớn:

“Ngẩn người”, “ngẩn mặt”: thái độ biểu thị sự hiểu ra, nhận thức được tình cảnh của mình -> đáng thương

Thoáng thấy hương cháo hành: hồi tưởng về tình yêu đã trải qua

Nắm lấy tay Thị -> mong muốn níu kéo hạnh phúc

Tìm đến rượu rồi “ôm mặt khóc rưng rức”.

=> Mong muốn trở về làm người lương thiện không còn nữa, Chí đau đớn, tuyệt vọng.

- Phẫn uất

+ Mong muốn quay trở lại làm người lương thiện không thể thực hiện được, niềm phẫn uất trong Chí đẩy lên cao

+ Chí quyết định đến nhà thị Nở “để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”.

+ Nhưng “hắn không rẽ vào nhà thị Nở mà xách dao thẳng đường đến nhà Bá Kiến" -> niềm phẫn uất đã khiến Chí Phèo xác định đúng kẻ thù của mình.

=> Hành động tự kết liễu thể hiện sự phẫn uất và tuyệt vọng đến tột cùng.

* Đặc sắc nghệ thuật miêu tả tâm trạng

- Xây dựng nhân vật điển hình tiêu biểu vừa sống động, vừa có cá tính độc đáo

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo

- Cốt truyện và các tình tiết hấp dẫn, biến hóa giàu kịch tính.

- Ngôn ngữ sống động, vừa điêu luyện lại vừa gần gũi, tự nhiên

- Giọng điệu đan xen biến hóa, trần thuật linh hoạt.

III. Kết bài

- Khái quát lại tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở

- Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân: Đây là bi kịch của con người sinh ra là người mà không được làm người.