Danh ngôn phương Tây có câu: “Hỏi một câu, chỉ dốt nát trong chốc lát, không hỏi sẽ dốt nát cả đời”. Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến trên?
Trong công việc hay cuộc sống, có nhiều điều mà chúng ta chưa biết. Tuy nhiên, nhiều người vì tính sĩ diện hoặc sợ người khác nghĩ mình là dốt nên cứ cố giấu hoặc tự mày mò để tìm. Thực ra, điều đó rất nguy hiểm bởi kẻ giấu dốt thì thiệt hại cho bản thân vì sự thiếu hiểu biết của mình, không can đảm học hỏi, không can đảm thừa nhận khuyết điểm nên ngày càng xuống dốc, càng thiếu kiến thức. Chính vì thế mà phương Tây mới có câu: “Hỏi một câu, chỉ dốt nát trong chốc lát. Không hỏi sẽ dốt nát cả đời”.
Khi mình gặp vấn đề nào đó, mình không hiểu, không biết nên mình không giải quyết được nó. Nếu bạn tìm ai đó để hỏi, nhờ giúp đỡ, nhờ lý giải để mình hiểu... có thể bạn chỉ tỏ ra dốt nát một lát thôi, có thể bạn bị “chê” dốt ngay lúc đó thôi. Nhưng quãng thời gian về sau bạn không còn bị dốt nữa... Nhưng nếu bạn không thể vượt qua được sự ái ngại, sợ hãi bị coi khinh đó bạn sẽ dốt cả đời... Và điều đó thật nguy hiểm và thảm hại... Đó mới là điều đáng chê trách nhất. Đó mới là cái dốt nát thực sự của bạn.
Vậy thì lý do tại sao người ta lại cố tình “giấu dốt”? Một câu hỏi đặt ra cho một ví dụ cụ thể là: Nếu trong công việc của mình, bạn gặp những trở ngại mà chưa thể có cách giải quyết, bạn sẽ làm thế nào? Bạn sẽ nhờ sự giúp đỡ của đồng nghiệp hay sẽ tự tìm cách mày mò giải quyết? Việc chọn phương thức xử lý cho vấn đề trên sẽ tiết lộ bạn là người thế nào. Nếu bạn nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp, bạn là một người ham học hỏi, còn ngược lại? Thật ra, có rất nhiều trường hợp gặp khó khăn trong công việc nhưng không dám nói ra vì sợ bị chê cười là người thiếu hiểu biết. Điều đó càng chứng tỏ rằng, bạn muốn giấu sự thiếu hiểu biết của mình hơn là học hỏi từ người xung quanh. Trên thực tế, không phải ai cũng là người hoàn hảo và biết tất cả mọi thứ, chính vì thế nếu bạn tỏ ý cầu thị sự giúp đỡ của những người khác, điều đó không chỉ hỗ trợ cho sự hiểu biết của bạn mà còn là một cầu nối của bạn với người khác.
Vậy bạn có phải là một người vượt qua được mặc cảm của bản thân để “phơi bày” ra sự không tốt của mình, như người xưa thường nói chẳng ai lại “vạch áo cho người xem lưng”. Điều này trước hết liên quan đến việc bạn cần phải có lòng dũng cảm để vượt qua bản thân mình. “Chiến thắng bản thân là chiến thắng hiển hách nhất”. Với những người chưa hiểu biết nhiều, tâm lý sợ bị người khác chê cười hoặc bị người khác đánh giá thấp càng nặng nề. Nếu cứ kéo dài mãi tình trạng này, bạn vừa mất nhiều thời gian cho công việc, vừa dề bị cô lập trong một cộng đồng lớn. Nhưng nếu bạn biết cách vượt qua rào cản này, bạn sẽ nhanh chóng lấp đầy được khoảng trống của sự thiếu hiểu biết, một câu nói đơn giản “Xin lỗi, vấn đề này tôi chưa biết, mong được sự giúp đỡ của các bạn” đôi khi được nhiều hơn cả kiến thức căn bản, đó sẽ là chìa khoá thành công cho công việc của bạn, hơn nữa đó là những mối quan hệ trong cuộc sống.
Trong cuộc sống, không phải ai cũng hoàn hảo, không phải ai cũng là người giỏi tất cả các kiến thức của những vấn đề khác nhau, thế nên mới có chuyện một ông giáo sư Sử học nổi tiếng nhận bà bán rau chưa từng qua một trường lớp nào là thầy, bởi vì bà bán rau ấy đã đem đến cho ông cả một khối kiến thức về cuộc sống thường ngày mà ông chưa biết. Vậy mới biết, người có học thức thực sự là người biết học ở tất cả những gì họ chưa biết, có thể bạn có rất nhiều kiến thức, nhưng không gì có thể đảm bảo rằng, bạn biết hết tất tật kiến thức trên đời.
Một người mẹ đã từng tâm sự như thế này: “Năm nay con mình mới bắt đầu học môn Lịch sử, hôm qua nó hỏi mình Yết Kiêu là ai hả mẹ? Thời kỳ phong kiến của nước ta có những cuộc khởi nghĩa nào? Mình không biết phải trả lời con như thế nào, bởi thật sự mình không có kiến thức về những vấn đề ây. Chả nhẽ lại giở lại sách để không bị ngượng với con cái?”.
Bạn thấy không, không phải ai cũng có tất cả những kiến thức về tất cả các lĩnh vực, rất nhiều những bậc phụ huynh không có đủ kiến thức để hỗ trợ con em mình trong học tập. Trên đây mới chỉ là một ví dụ nhỏ về một môn học thuộc, chưa nói gì đến những môn học mang tính logic, suy luận hay tư duy sâu xa. Nhưng vấn đề thực sự lại là ở chỗ cách giải quyết của họ là như thế nào? Bao nhiêu người sẽ lựa chọn cách đọc thêm sách để lấy kiến thức? Bao nhiêu người sẽ lẳng lặng giấu sự kém hiểu biết của mình vào trong?
Bác Hồ của chúng ta cũng đã từng phải đề ra mục tiêu diệt giặc dốt cho đất nước thời mới khai sinh, đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, tâm lý giấu dốt càng nên được xoá bỏ. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều phụ nữ Nhật tiếp tục theo học Đại học, Cao học hay tìm mọi cách để tích lũy kiến thức nhằm mục đích nuôi dạy con cái.
Là học sinh còn đang ngồi trên ghế nhà trường, thực sự chúng ta không nên giấu dốt, bởi điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tích lũy kiến thức của bản thân, càng ngày kiến thức sẽ càng tụt dốc đến mức thảm hại. Xa hơn nữa, giấu dốt cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn bè, càng ngày bạn sẽ càng có xu hướng thu mình vào vỏ ốc, không còn tự tin, năng nổ với vốn kiến thức eo hẹp của mình.
Người Trung Quốc thường có câu “Biết người chỉ là biết, tự biết mình mới giỏi”. Điều quan trọng là bạn phải biết kiến thức của mình ở đâu, hãy ham học hỏi và cóp nhặt tri thức một cách từ từ, chậm rãi. Đừng để cho cái dốt ngăn cản con đường tiến đến thành công của bạn.