Bài văn mẫu số 1
Thâm Tâm (1917-1950) là một trong những gương mặt thi ca tiêu biểu của Việt Nam. Là nhà thơ được coi là độc và lạ, ông có trên dưới 20 bài thơ, và một trong những tác phẩm để lại tên tuổi cho ông đó là bài Tống Biệt Hành. Bài thơ là tâm trạng xao xuyến của kẻ đi và người ở lại đó là cảm giác tiếc nuối, da diết trong cảm xúc của sự buồn, cô đơn và cảm giác trống vắng của lòng người.
Bao giờ cảnh chia ly cũng để lại cho người ra đi với người ở lại một nỗi buồn man mác lưu luyến. Tống biệt hành là một bài thơ như thế là cảnh chia tay đầy da diết lưu luyến giữa kẻ ở và người ra đi. Cũng như bao bài thơ khác, khổ thơ đầu của bài thơ đã nhuốm màu tâm trạng của chia tay:
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Cảnh chia li được diễn tả khi một người tiễn một người sang sông, một người đứng chờ mong bóng người kia đi khuất hẳn. Người đi sang sông, người đi để cho người ở lại “có tiếng sóng ở trong lòng” cứ từng đợt trào dâng. Nghĩa tình tâm trạng buồn não nề bao trùm lấy cả cảnh.
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Câu hỏi tu từ như câu hỏi trong lòng người đưa tiến mãi không có câu trả lời. Cứ tự hỏi rồi lại vấn vương khắc khoải từng đợt, cứ như là tình cảm và cảm xúc dâng lên từng đợt biết hỏi ai.
Câu thơ bao chứa những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, cảm giác nao lòng của nhà thơ, đưa người qua sông nhưng tâm trạng của người ở lại vẫn buồn cô đơn, người ra đi cũng mang tâm trạng tiếc nuối khi chia tay với người ở lại. Tiếng sóng ở trong lòng, đó là tiếng lòng của người đi và kẻ ở. Thâm Tâm đã chọn hai đối tượng “Người” và “Ta” để bộc lộ cảm xúc và thể hiện những tâm tư suy nghĩ của mình. Trong bài thơ này cảnh tiễn người ra đi vì chí lớn không hề đưa qua sông nhưng lại nghe thấy có tiếng sóng ở trong lòng. Cảnh chia tay không diễn ra qua sông nhưng nhà thơ lại nói có tiếng sóng ở trong lòng như để bày tỏ nhấn mạnh vào cảm xúc của mình. Đó là những con sóng lòng dâng trào lên nỗi niềm thương nhớ vấn vương không muốn rời. Và sóng lòng kia chính là bao nhiêu lo lắng sóng gió của cuộc đời sẽ mang con người kia đi mãi không trở lại nơi chốn này.
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Cảnh tiễn đưa không bao giờ là một sáng mai bình minh, không bao giờ là một cảnh vui tươi mà luôn luôn nhuốm màu tâm trạng. Hình ảnh đó được thể hiện qua cảnh đưa tiễn vào một buổi chiều tà mọi thứ bắt đầu chùng xuống và thay thế vào đó là thứ ánh sáng nhàn nhạt cuối ngày.
Đôi mắt trong kia hay là đôi mắt mang đầy bóng hoàng hôn nhưng lại trở được hai tâm trạng của kẻ ở người đi. Con người ra đi nhưng lại mang một nỗi vấn vương lo lắng về những người thân trong gia đình của mình. Dẫu sao thì cái chí khí vẫn thôi thúc người lên đường. Con người đó dẫu cho không ngoảnh đầu lại nhưng vẫn cảm nhận được nỗi buồn. Trong ánh mắt của người ở lại ánh chiều không thắm không vàng vọt và điều đó như một cái cớ để nỗi buồn trong sâu thẳm trái tim của người ở lại hơn. Cảm giác lưu luyến, lúc chia ly trong không gian của cảnh chiều tà, ánh mắt đó hướng đến người ra đi, người ở lại mang cảm giác cô đơn, lạc lõng, khi chia ly cảm xúc đó thật nhè nhẹ với không gian mênh mông, một nỗi buồn thương, của không gian và thời gian trong cảm xúc của con người.
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Từ “sao” như muốn hỏi lại chính bản thân mình, một sự một sự giằng xé trong tâm hồn người ở lại. Người ra đi để lại cho người ở lại những con sóng của lòng đau đớn vì biệt ly, thương nhớ cứ dâng trào lên đến cực điểm.
Với ngôn ngữ giàu chất đường thi, chất thơ mang những cảm xúc suy tư. Khổ thơ đầu đã cho người đọc cảm nhận được một đoạn thơ hay và rất độc đáo thể hiện một tài năng thi ca ở Thâm Tâm.
Bài văn mẫu số 2
Thâm Tâm (1917-1950) là một trong những gương mặt thi ca tiểu biểu thời "tiền chiến". Ông xuất hiện trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh với một bài thơ, bài "Tống biệt hành". Nó như tấm đá hoa cương khắc tên nhà thơ, làm vẻ vang một đời thi sĩ bất tử với năm tháng. Trong cuốn "Thơ với lời bình", Vũ Quần Phương viết: “Nếu chọn mười bài thơ hay của giai đoạn Thơ mới chắc chắn có "Tống biệt hành”
Thâm Tâm chỉ để lại khoảng 20 bài thơ. Bài "Tống biệt hành" được ông viết năm 1940. Bài thơ viết về một cuộc tống biệt, về nỗi lòng kẻ ở người đi trong cuộc tống biệt ấy. "Tống biệt hành" là bài hành nói về cuộc đưa tiễn, tống tiễn người đi xa. Thơ cổ, nhất là Đường thi nói về đề tài tống biệt khá nhiều. Các nhà thơ Việt Nam... cũng có một số bài "hành" nổi tiếng nói về những cuộc li biệt, tống biệt.
Bài hành này của Thâm Tâm viết theo thể thất ngôn vừa kế thừa vừa cách tân, mang một nội dung khá mới và một vẻ đẹp nghệ thuật đặc sắc. Một âm điệu mênh mang bao trùm toàn bài hành. Trong nhận xét và bình bài “Tống biệt hành”, nhà văn Hoài Thanh viết: "Nó đã làm sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ cổ... nhưng vẫn đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại".
Người đi xa được nói đến trong bài thơ là một "li khách", gạt bỏ thói nhi nữ thường tình, ôm chí lớn lên đường. Bài thơ đã thể hiện lòng mến yêu, sự ngưỡng mộ và trân trọng đối với người lên đường đi xa vì nghĩa lớn.
Bốn câu thơ đầu diễn tả tâm trạng xao xuyến của lòng người - kẻ ở người đi trong cảnh tống biệt:
"Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?"
Về câu trúc, về thanh điệu, giọng thơ, hình ảnh... của bốn câu thơ này rất đặc biệt, đầy ấn tượng. Câu 2 và câu 4 là hai câu hỏi tu từ, song hành và hô ứng nhau: "Sao có tiếng sóng ở trong lòng?" và "Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?". Câu thơ thứ nhất toàn thanh bằng gợi lên cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, nao nao buồn: "Đưa người ta không đưa qua sông". Nhà thơ như đang tự nói với lòng mình. Nhân vật trữ tình như có một sự phân thân mang tính lưỡng ngôn, tâm tình. Câu thứ hai bỗng nổi lên 4 thanh trắc tưởng như có âm vang lớp lớp sóng vỗ trong lòng người đưa tiễn: "Sao có tiếng sóng ở trong lòng”.
Bến đò, dòng sông và chiều tà, hoàng hôn được các thi nhân sử dụng như là một biểu tượng, một chứng nhân về nỗi buồn li biệt, và đã viết nên những vần thơ tuyệt bút về tình bạn thủy chung ở đời:
"Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường giang thiên tế lưu"
(Hoàng Hạc lâu tống Mạnh hạo Nhiên chi Quảng Lăng)
"Nước sông trắng, mây vàng tuôn,
Kẻ đi người ở, cơn buồn bên sông”
(Thơ Đỗ Phủ - Tản Đà dịch)
"Đình hôm tiếng sáo não nùng,
Anh đi bến Sở, tôi trông đường Tần"
(Thơ Trịnh Cốc - Ngô Tất Tố dịch)
Trong bài “Tống biệt hành" của Thâm Tâm, cuộc sống biệt được nhắc đến không diễn ra trên một bến đò, dòng sông nào, thế mà vẫn có "tiếng sóng ở trong lòng", chẳng đưa liễn vào hoàng hôn mà vẫn "đầy hoàng hôn trong mắt trong ?".
Nỗi buồn li biệt như được nhân lên trong chiều sâu của lòng người, tỏa rộng vô hạn trong không gian và '-hời gian. Những con sóng của tình lưu luyến, nhớ thương như dâng lên, vỗ vào lòng người đi xa, kẻ ở lại. Và ở cặp mắt xanh trong của li khách như chứa "đầy hoàng hôn", vương vấn nhiều man mác nhớ thương.
Hai câu thơ trên liên kết với 2 chữ "li khách" trong khổ thơ tiếp theo làm ta liên tưởng đến người đi xa tuy không qua sông Dịch Thủy như Kinh Kha thuở nào, chẳng hề có thái tử Đan đưa tiễn, nhưng với hình ảnh "tiếng sóng ở trong lòng", ta vẫn cảm thấy hơi lạnh của gió sóng, vần thơ tràn ngập một nỗi buồn mênh mang, liên hồi, vô tận. Những lớp sóng cứ dâng lên, vỗ mãi trong lòng kẻ đưa tiễn người thân đi xa.
Câu thơ mang ý vị cổ kính, bi tráng và kín đáo vì đã sử dụng một điển tích. Cách diễn đạt, cách nói rất mới, đúng là thơ lãng mạn thời "tiền chiến". Mới ở cách đặt cân hỏi và mới ở "tiếng sóng ở trong lòng". Tiếng sóng ấy chính là tâm trạng của người đưa tiễn:
"Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?"
Hai câu 3, 4 nói lên nỗi lòng của người đi xa. Mặc đầu li khách lên đường với một quyết tâm phi thường "Chí lớn chưa về bàn tay không", và "Ba năm mẹ già cũng đừng mong", tuy mọi thương nhớ,... được nén lại, được giấu kín ở trong lòng, nhưng vẫn hé lộ trong ánh mắt trong:
"Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?"
Thơ cổ thường lấy ngoại cảnh để biểu hiện tâm trạng bằng những ước lệ. Thâm Tâm cũng mượn ngoại cảnh và dùng ước lệ nhưng có thêm chi tiết về thời gian, lấy thời gian để hiểu đạt tâm tình: "Bóng chiều không thắm, không vàng vọt". Nơi đưa tiễn chẳng có bến đò dòng sông, lúc chia li chẳng phải ngày tàn, chỉ diễn ra ở một nơi bình thường, vào một buổi chiều bình thường như bao buổi chiều khác, bầu trời "không thắm, không vàng vọt", nhưng kẻ sắp đi xa lại "đầy hoàng hôn trong mắt trong". Màu hoàng hôn chứa đầy trong mắt trong là màu sắc tâm tưởng, màu biệt li: buồn và lo. Đi vì nghĩa lớn: một đi quyết không trở về (bàn tay không). Một gia cảnh trĩu lòng: mẹ già, hai chị và "em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc". Người ra đi tất phải buồn lo và thương nhớ, lưu luyến. Li khách đâu phải là gỗ đá. Nhưng cũng không phải là kẻ tầm thường, đã ôm chí lớn và quyết tâm lên đường. Chữ "đầy" gợi tả chiều sâu, bể rộng, chiều dài của nỗi buồn dâng lên trong lòng li khách. Hai chữ "trong" đồng âm mà dị nghĩa. Chữ "trong" đứng trước chỉ sự chứa đựng, chữ "trong" cuối cầu tả ánh mắt của khách lên đường, một tráng sĩ với phong độ trẻ trung, với nhiều khát vọng bay cao, bay xa, một quyết tâm sắt đá không gì lay chuyển được!
Câu thơ "Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong" cho thấy ngòi bút của Thâm Tâm rất tinh tế trong biểu hiện cảm xúc và tâm trạng của “ li khách". Trong hai khổ thơ tiếp theo, tác giả nói rõ nỗi lòng “li khách":
"Ta biết người buồn chiều hôm trước"...
"Ta biết người buồn sáng hôm nay"...
Những câu thơ ấy đã tạo nên tính hệ thống của ngôn ngữ thi ca. Và đó là một trong những yếu tố, tính chất làm nên vẻ đẹp của ngôn ngữ văn chương, đưa thi phẩm "Tống biệt hành" lên hàng tuyệt bút trong nền "Thơ mới" (1932-1941).
Cuộc biệt li được nói đến trong khổ thơ này thấm đượm một không khí buồn. Người đưa tiễn man mác. Khách đi xa thì nén lại, giấu kín vào đáy lòng bao nỗi buồn lo và thương nhớ trước lúc giã biệt gia đình và bạn bè, nhưng ánh mắt vẫn nhiều buồn thương "đầy hoàng hôn trong mắt trong". Chất nhân tình được nói lên một cách rất chân thực và rất thơ. Người đi xa có thể vì nghĩa lớn..., vì thế hình ảnh "li khách" trong bài thơ đã để lại trong lòng ta nhiều ngưỡng mộ.
Nỗi buồn của người đưa tiễn và "li khách" là nỗi buồn lành mạnh và rất chính đáng của con người. Có nỗi buồn ấy, trái tim ấy mới có lẽ sống đẹp, quyết tâm lên đường vì nghĩa lớn. Để diễn tả không khí đưa tiễn, thể hiện tâm trạng của "ta" và của "người", Thâm Tâm đã lựa chọn ngôn từ, sáng tạo hình ảnh rất thần tình. Đặc biệt đã tạo nên một không khí thiêng liêng, cổ kính, bi tráng để lại nhiều ám ảnh trong lòng người. Nhạc điệu chơi vơi, mênh mang, lan tỏa. Câu thơ đầy âm ba, dư vị, vần thơ phong phú, có cả vần chân phối hợp với vần lưng "không - sông - trong - lòng - không - không - trong - trong". Các phụ âm vang diễn tả sự xao xuyến, vương vấn. Các câu hỏi tu từ, những điệp từ, điệp cú, song hành hô ứng (sao có tiếng sóng... sao đầy hoàng hôn...) đã làm cho khổ thơ phong phú về chất thơ và nhạc điệu, cảm xúc và hình tượng cả ở tâm trạng và ngoại cảnh.
Có thể nói, đây là một đoạn thơ hay và rất độc đáo về chất thơ và hồn thơ của Thâm Tâm. "Tống biệt hành" là "một bài ca không bao giờ quên"...