Suy nghĩ về câu nói : “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” hãy bàn luận ý thơ trên đây hay nhất (1 mẫu)

Nhà thơ Hoàng Trung Thông có viết: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” hãy bàn luận ý thơ trên đây

Lao động là nguồn gốc của sự sống. Có gì đẹp bằng lao dộng? Ca ngợi lao động và người lao động, nhà thơ Hoàng Trung Thông viết:

“Bàn tay ta làm nên tất cả,

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Trong câu thơ, “bàn tay" là hình ảnh hoán dụ. Bàn tay là một bộ phận của cơ thể; qua bàn tay để nói về sức lao động của con người. “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" là lối nói quá, lối nói phóng đại để ca ngợi sức mạnh của lao động; ở đây là sức lao động của nhà nông. Câu thơ đã khẳng định và ngợi ca sức mạnh của người lao động, ca ngợi lao động là vô cùng sáng tạo. Lao động là sức mạnh của con người, “làm nên tất cả", lao động thật kỳ diệu: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm".

Có khối óc, có bàn tay, có sức khỏe, có sự khéo léo, có sự siêng năng cần cù, con người có thể làm nên tất cả. Khối óc và bàn tay con người có thể sản xuất ra mọi của cải vật chất, sáng tạo ra mọi giá trị tinh thần để làm cho cuộc sống của con người ngày thêm ấm no hạnh phúc, xã hội ngày một thêm giàu có, phồn vinh, văn minh hiện đại.

Mọi nhu cầu của con người trong cuộc sống đều do lao động, do bàn tay lao động làm ra. Cơm ăn, áo mặc, viên thuốc ta uống lúc ốm đau, cây kim sợi chỉ, trang sách ngọn đèn, bài thơ bài văn được học, con búp bê, con tò he bé chơi,... đều do lao động làm nên. Mái nhà ta ở, chiếc xe ta đi, cái chăn ta đắp trong mùa đông rét giá, cái quạt ta dùng trong mùa hè nóng bức,... đều do bàn tay lao động làm ra. Những lâu đài tráng lệ, những ngôi nhà chọc trời, con tàu phá băng nguyên tử, con tàu vũ trụ,... đều do khối óc và bàn tay con người sáng tạo nên.

Lúc mới đọc câu thơ “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", ta tưởng là vô lý, phi lý. Suy nghĩ kĩ, ta thấy Hoàng Trung Thông đã có một cách nói thật hay về sức lao động sáng tạo kì diệu của con người, của người nông dân.

Nhân dân ta từng nói: “Một giọt mồ hôi, một nồi cơm dẻo". Ca dao có câu: “Công lệnh chẳng quản lâu dâu - Ngày mai nước bạc, ngày sau cơm vàng": hoặc: “Ai ơi, bưng bút cơm đầy - Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần". Có nhà thơ đã viết: “Mồ hôi đã đổ xuống đồng - Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương". Đất đai, ruộng đồng được mồ hôi nhà nông tưới tắm mà có hoa thơm trái ngọt bốn mùa.

Hai câu thơ của Hoàng Trung Thông thể hiện một tư duy nghệ thuật rất thông minh, sắc sảo. Tác giả đã nói lên tất cả niềm tự hào, yêu quý đối với người lao động, đối với người dân cày Việt Nam.

Đọc vần thơ của Hoàng Trung Thông, ta càng thấm thía công ơn của nhân dân lao động, càng thấy rõ học tập là nghĩa vụ của tuổi trẻ; mai sau bước vào đời đem bàn tay lao động để kiếm sống, để hiến dâng và phục vụ Tổ quốc.