Phân tích lối sống của tác giả bài thơ Bài ca ngất ngưởng

Dàn ý phân tích lối sống của tác giả bài thơ Bài ca ngất ngưởng

I. Đặt vấn đề:

- Nguyễn Công Trứ là nhà chính trị, nhà quân sự và nhà thơ thời nhà Nguyễn

- Với bài thơ "Bài ca ngất ngưởng" Nguyễn Công Trứ đã thể hiện mạnh mẽ lối sống ngất ngưởng của mình

II. Giải quyết vấn đề:

- Trong chế độ xưa, cái "nợ công danh" mà nam nhi phải trả đó là cái nợ đeo đẳng suốt cuộc đời người con trai. Có lẽ chính vì thế mà Nguyễn Công Trứ cũng dấn thân vào quan trường. Và cái sống "ngất ngưởng" của tác giả cũng bắt đầu từ đây

- Nhà thơ đã vơ tất cả mọi việc trong thiên hạ vào cái túi phận sự của mình "Vũ trụ nội mạc phi phận sự". Có rất ít nhà nho dám thốt lên câu nói tự tin và đầy bản lĩnh như vậy

- Nhà thơ không ngần ngại, ngượng ngùng khoe với đời về những thành tích trong cuộc đời ông. Đó là những công danh mà hiếm ai đạt được

- Phong cách ngất ngưởng của ông còn được nêu rõ hơn trong câu " Ông Hi văn tài bộ đã vào lồng". Ông tài chí thông minh nhưng coi thường tất cả. Ông coi việc làm quan chỉ như cái nợ trong đời mà thôi

- Chính vì lối sống ngất ngưởng chức vụ ông có nhiều thay đổi: lúc làm quan lúc lại làm lính quèn

- Nguyễn Công Trứ thời trai trẻ từng nhiều lần làm chức cao nhưng ông xem thường chúng, chỉ biết cống hiến cho nhân dân. Tất cả đã tạo nên một Nguyễn Công Trứ đầy ngang tàng, kiêu bạc

- Sự kiện về hưu là một việc làm rất quan trọng với Nguyễn Công Trứ bởi thời điểm này ông sống rất trái khoáy, khác đời. Ông đeo đạc ngựa cho bò, tay cầm kiếm, cung mà giảng dạy từ bi hiền lành

- Nhà thơ còn phá tan cái uy nghi, thiêng liêng của nhà chùa khi đi chùa mà còn dắt theo hầu gái. Không biết bao nhiêu người đánh giá việc làm của ông nhưng ông đều bỏ ngoài tai, bỏ mặc lời khen chê

- Nguyễn Công Trứ không phải là người của Phật của tiên, ông chỉ là một con người không vướng tục

- Ông luôn bày ra sự trái ngược với người khác nhưng lý tưởng ông theo đuổi suốt đời là lòng trung quân. Tổng kết lại đời mình, ông tự rút ra kết luận là nam nhi là phải có trách nhiệm kinh bang tế thế

III. Kết thúc vấn đề:

- "Bài ca ngất ngưởng" là những câu ca nói thay quan niệm, suy nghĩ của Nguyễn Công Trứ về một cuộc sống ngất ngưởng coi tiền tài, danh vọng nhẹ tựa lông hồng.

Phân tích bài thơ Bài ca ngất ngưởng

Trong xã hội phong kiến, cái tôi cá nhân, bản thân nó không được xem là một giá trị đáng coi trọng, thì trên bầu trời văn học trung đại Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX xuất hiện một nhà thơ với cái tôi cá nhân hết sức rõ ràng. Đó là Nguyễn Công Trứ với tác phẩm Bài ca ngất ngưởng.

Bao trùm toàn bộ bài thơ là lối sống ngất ngưởng, khinh đời ngạo thế của tác giả. Những điều kiện lịch sử thời Nguyễn Công Trứ không cho phép đất nước chuyển sang một thời kỳ mới. Vậy là tính cách thì lớn nhưng khuôn khổ vẫn chật hẹp. Nguyễn Công Trứ tuy nhiên với một thứ khuôn phép chuẩn mực của xã hội đẳng cấp phong kiến đã trở thành trái tự nhiên, phi đạo lý bằng những vần thơ ngang ngược, oái oăm, bằng cái tôi ngông nghênh, ngất ngưởng đầy kiêu ngạo của mình:

Đô môn giải tổ chi niên,

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Kìa núi phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng. Được mất dương dương người tái thượng, Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Bao trùm bài ca là hình tượng con người ngất ngưởng. Nhưng đó không phải là cái ngất ngưởng của người gàn dở, hợm mình và hợm người mà là cái ngất ngưởng của một con người đầy tự tin và bản lĩnh. Con người ấy ý thức rất rõ về tài năng và phẩm giá của mình. Cái ngất ngưởng rất Nguyễn Công Trứ không phải là kiểu sống ngất ngưởng thông thường mà là một lối sống độc đáo, một vẻ đẹp ngang tàng, phóng túng của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.

Thái độ sống ngất ngưởng của ông không chỉ lúc làm quan ‘Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông’ mà ngay cả khi rũ áo từ quan, thái độ ấy càng thêm đậm nét. Ông ngất ngưởng trong cung cách sống. Một cách sống khác người, Nguyễn Công Trứ cưỡi bò, đeo nhạc ngựa ung dung trong tư thế:

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Nguyễn Công Trứ vốn là quan võ quyền sinh sát trong tay, khi đã tháo cũi sổ lồng trở nên từ bi. Và càng độc đáo hơn nữa ngất ngưởng hơn nữa, đủng đỉnh một đôi dì đi thăm chùa chiền trong tâm trạng hết sức thảnh thơi. Nguyễn Công Trứ còn khác người hơn nữa, dẫn theo vài cô đầu đi cùng mình đến nơi vốn chỉ dành cho nam nhi. Có phải nhìn thấy cảnh tượng đó mà Bụt cũng bật cười. Bụt cười, hay người đời cười cái sự ngất ngưởng của mình.

Thái độ khinh đời ngạo thế của ông còn được thể hiện rất rõ ràng trong quan niệm được mất và sự lạc quan bình thản trước cuộc đời:

Được mất dương dương người tái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Trong xã hội phong kiến, một xã hội đầy những khuôn mẫu, lễ nghi hết sức chặt chẽ, quan niệm về cách sống hết sức ngông nghênh, ngất ngưởng rất Nguyễn Công Trứ quả là một sự thách thức, chọc ghẹo cuộc đời. đường như ông muốn chống lại sự vùi dập và bóp nghẹt cái tôi cá nhân của xã hội phong kiến.

Cái vẻ đẹp ngất ngưởng từ bài ca và cuộc đời Nguyễn Công Trứ đã trở thành một cách sống, một mẫu hình in đậm trong các nhà thơ sau này. Ta còn gặp lại cốt cách ấy, hình bóng của ông ở một Tản Đà, một Nguyễn Tuân và một Tú Xương sau này.