Em hãy phân tích đoạn trích Mải mê chinh chiến và yêu đương 1
Đoạn trích Mải mê chinh chiến và yêu đương nằm trong chương thứ ba của tiểu thuyết Cuộc phiêu lưu của Tom Xoyơ. Đặt tên như thế bởi trong vài trang ngắn ngủi thì câu chuyện chỉ xoay chủ đề nghe có vẻ rất vĩ đại và lãng mạn ấy là "chinh chiến" và "yêu đương" của một cậu nhóc mới lớn tên Tom. Bằng giọng văn, trong sáng có chút tinh quái tọc mạch Mác Tuên đã đem đến một câu chuyện tưởng chừng chỉ là những chuyện vụn vặt trẻ con, chẳng có gì đáng bàn, nhưng nếu thực sự để ý ta mới thấm thía cái hay và cái logic trong suy nghĩ của nhân vật Tom.
Đọc đoạn trích ta dễ dàng hình dung ra một khung bố cục đơn giản mà nói cho vĩ đại đó là hai "sự kiện" có vẻ tầm vóc là "chinh chiến" và "yêu đương" của cậu Tom. Nhân vật Tom có hai phần tính cách rất rõ ràng giao hòa với nhau đó là sự trẻ con ham chơi, ham tham gia vào những cuộc "chinh chiến" trong những cuộc đánh trận giả cùng những đứa bé khác. Nhưng ở khía cạnh tâm lý Tôm lại mang những nét rất người lớn, điều ấy thể hiện ở trong những rung động đầu đời của cậu với cô bé cùng lớp Becky, tình yêu của Tom trong sáng và chân thành tuy nhiên nó chỉ nằm lại ở trong tâm hồn cậu, còn những hành động của cậu thì vẫn rất ấu trĩ và trẻ con, chính vì thế mà nó đã nhanh chóng kết thúc. Như vậy không phải vô duyên vô cớ mà tác giả lại kết hợp hai sự kiện trên với nhau, thực tế đó là nghệ thuật xây dựng nhân vật của Mác Tuên, nhằm để lại ấn tượng sâu sắc và hóm hỉnh cho nhân vật chính của câu chuyện. Tom là một cậu trai đang đứng ở giữa ranh giới của trẻ con và người lớn, trong cậu chưa có một tính cách nhất quán và rõ ràng, nhưng thông qua lời kể của tác giả thì cậu đã có những bước phát triển nhân cách theo chiều hướng tốt đẹp. Tom cũng như những cậu con trai khác thích đọc những cuốn sách về các hiệp sĩ, người hùng, những nhân vật có tầm vóc và lý tưởng đẹp đẽ cứu giúp loài người,cứu giúp thế giới. Dần dà trong Tom hình thành những ý nghĩ noi theo, cậu thích học theo những nhân vật ấy, trong miêu tả của tác giả Tom có những nét tính cách rất hay ví như sự "hảo hán", tinh thần trượng nghĩa, thiện chiến, lòng dũng cảm mặc dù chúng ta chỉ mới nhận thấy thông qua các cuộc đánh trận giả của cậu với đám bạn bè. Thú vị hơn, Tôm cũng có một ước muốn đầy lãng mạn về việc có một tình yêu thật đẹp với nàng thơ của riêng mình, Tom sẽ cất cô gái ấy trong trái tim đầy nhiệt huyết để tôn thờ và đôi lúc cũng nếm trải một chút nỗi khổ của sự tương tư hay phiền muộn của một người anh hùng trong tình yêu.
Tuy nói trong đoạn trích này có hai phần chính nhất ấy là câu chuyện "chinh chiến" và "tình yêu" của cậu Tom, thế nhưng dường như Mac Tuên dành nhiều tâm sức hơn vào sự kiện "tình yêu" của Tom. Phải chăng tác giả cảm thấy những cuộc đánh trận giả thì đã quá quen thuộc với đám trẻ con và chính ra thì nó cũng nhạt nhẽo và không có gì đáng để bàn thêm nữa. Ông chỉ lướt sơ qua nhằm mục đích nhấn mạnh cái tính trẻ con và phương hướng phát triển nhân cách của Tom, đồng thời cũng chỉ rõ Tom vẫn còn là một cậu trai ham chơi. Nhưng dù là lý do gì đi chăng nữa ta cũng không thể phủ nhận việc tác giả lựa chọn đặt trọng tâm vào câu chuyện "tình yêu" của Tom là đúng đắn. Bởi suy cho cùng tình yêu từ thuở xa xưa đến nay luôn là một đề tài hấp dẫn và có nhiều khía cạnh để khai thác từ diễn biến tâm lý đến hành động của các nhân vật, rõ ràng nó hấp dẫn hơn nhiều so với cái trò đánh trận thiếu lãng mạn kia, mặc dù đánh trận thì cũng phiêu lưu đấy. Mac Tuên muốn tìm một thứ có tính "phiêu lưu" mới hơn, sự phiêu lưu trong tình cảm của cậu trai mới lớn Tom, để từ đó dễ dàng khai thác được những khía cạnh khác trong tâm hồn của nhân vật này.
Tom có phần giống với người trưởng thành ở chỗ cậu đã biết yêu, đó là những rung động quý giá đầu đời, chân thành và có chút vụng về của một cậu trai trẻ. Tuy nhiên sự giống ấy chỉ nằm trong khía cạnh tâm lý mà thôi, còn ngoài ra tất cả những hành động của Tom vẫn còn rất trẻ con, thậm chí rất tồ tệch, hài hước. Tom cố gắng tìm mọi cách để gây sự chú ý với nàng thơ của lòng mình, nào thì đưa cho cô ấy một quả đào, trổ tài vẽ vời cốt chỉ để cô bé ấy hỏi đến bày tỏ lòng ngưỡng mộ và cậu tỏ ra cái vẻ hào hiệp, tài hoa của mình một cách thật ngây thơ. Nhưng chính ra Tom cũng khá thông minh đấy chứ, tuy những trò cậu ta bày ra thật trẻ con nhưng cuối cùng cô nàng Becky cũng phải chú ý và cho cậu cơ hội, thế là thành công một nửa rồi. Tom đã nhanh chóng tỏ tình với Becky ngay từ lần đầu gặp, một tình yêu sét đánh của cậu trai mới lớn, một câu tỏ tình kinh điển đã có lịch sử từ ngàn năm "Tôi yêu em" gần như đã cưa đổ trái tim cô bé Becky, mặc dù cô còn tỏ ra vẻ hờn dỗi, ngoa ngắt. Câu chuyện của đôi trẻ nhanh chóng đi đến cả bước đính hôn, nhưng chỉ vì câu nói hớ tai hại mà Tom đã tự tay phá vỡ đi cái mối tình mới chớm của mình như bong bóng xà phòng, Becky giận dỗi ném chiếc vòng cậu tặng và cậu cũng tức giận vì lòng tự trọng bị tổn thương, cậu bỏ đi để lại Becky cô đơn. Cậu tìm về nơi hay diễn ra những trận chiến giả, cậu bắt đầu suy nghĩ về nỗi "bất hạnh" và "sầu khổ" trong tình yêu của cuộc đời mình trông thì có vẻ nghiêm trọng lắm, nhưng điều ấy lại chính là minh chứng cho cái sự nông cạn và trẻ con của Tom. Điều ấy càng rõ ràng hơn khi ngay sau phút sầu khổ cậu lại lập tức lao ngay vào trò đánh trận giả và hoàn toàn quên béng đi có Becky vừa đem đến sự "khổ hạnh" cho cậu. Như vậy có thể nhận thấy rằng Tom là một nhân vật vừa đơn giản lại phức tạp ở cậu vừa có sự trẻ con ham chơi của một đứa trẻ lại cũng có nhưng tâm tư tình cảm của người lớn, nhưng chung quy lại sự nửa vời ấy vẫn đem Tom đến một loạt các tình huống hài hước, cùng các hành động nực cười đôi khi là lố lăng.
Câu chuyện phiêu lưu của Tom Xoyơ được Mac Tuên kể bằng một giọng văn trong sáng, giản dị vừa hài hước cũng đậm chất nhân hậu. Quả thực với cái tính cách giao lưu nửa vời giữa trẻ con và người lớn của cậu Tom đã đem đến cho độc giả nhiều tình huống hài hước, cậu tinh nghịch, thích chơi đánh trận giả, muốn làm anh hùng và cũng muốn có một tình yêu đẹp mà đôi khi nhìn vào ta cảm thấy đấy mà một mơ ước của đứa trẻ chưa hiểu chuyện.
Em hãy phân tích đoạn trích Mải mê chinh chiến và yêu đương 2
Mark Twain, một tâm hồn mang đậm chất đồng quê, một cuộc đời bảng lảng cùng những triền đồi bát ngát, những cuộc phiêu lưu mạo hiểm bất tận. Trong tiềm thức mỗi đứa trẻ, Mark Twain giống như một tráng sĩ oai hùng, đi khám phá tận chân trời góc bể, chứng kiến hết những cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ của miền Tây Mĩ. “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” là quyển sách gối đầu giường của những bạn nhỏ đam mê tìm hiểu những vùng đất mới lạ chỉ được nhìn thấy qua vô tuyến, được nghe qua những câu chuyện. “Mải mê chinh chiến và yêu đương” được trích từ chương 3 của truyện, kể về cuộc phiêu lưu với người đẹp thị trấn Xên Pitoxbo với giọng điệu hài hước pha chút giễu cợt, đưa người đọc về với những năm tháng tuổi trẻ oai hùng, đầy ước vọng của hầu hết những thiếu niên nước Mĩ giữa thế kỉ 19.
Giống như hầu hết các tác phẩm khác và tinh thần chủ đạo của bộ tiểu thuyết, Mark Twain sử dụng giọng điệu giản dị, dễ đọc, khả năng khắc họa nhân vật thực tế, gần gũi. Câu chuyện kể về Tom Sawyer và những chuyến phiêu lưu trận giả như thật của cậu và các bạn. Trong đoạn trích, tác giả tập trung vào hai sự kiện chính: Chuyện chinh chiến và chuyện yêu đương để làm nổi bật tính cách của cậu bé Tom, không chỉ là một đứa trẻ tinh nghịch, hiếu động mà còn là một đứa trẻ mang suy nghĩ người lớn, biết cảm, biết thương, biết khao khát và mưu cầu hạnh phúc.
Không khí của trận “chinh chiến” được miêu tả bằng những từ ngữ như “chiến binh”, “đại tướng”, “sĩ quan tùy tùng” đầy tính hiệp sĩ, rồi cả “ác chiến”, “đại thắng”, “tử trận”. Dáng vẻ Tom hiện lên oai phong, bệ vệ, “ngồi trên mỏ đất cao chỉ huy”, truyền lệnh cho sĩ quan tùy tùng để điều khiển trận mạc. Khi trận đánh tới hồi kết, người chiến thắng, Tom, lừng lẫy bước về nhà với khí phách anh hùng. Trò chơi đánh trận giả xưa nay luôn được các bạn nhỏ yêu thích, đặc biệt là các bạn nam. Tác giả đã tái hiện trận chiến ấy sống động như thật, đưa Tom lên hàm tướng quân để làm nổi bật cái hiếu động, khao khát phiêu lưu đó đây của cậu. Một điều đặc biệt ở cậu bé Tom mà người đọc cảm thấy rất đáng yêu, là tuy không thích đến nơi trường học gò bó ở thị trấn của mình, nhưng mọi hành động, suy nghĩ của cậu đều chịu ảnh hưởng từ những cuốn truyện, cuốn tiểu thuyết viết về hiệp sĩ mà cậu yêu thích. Cái hay rất trẻ thơ, rất chân thực, không thích những dòng chữ khô khan nhưng nếu là truyện kể về những chuyến phiêu lưu tới miền viễn du, Tom chẳng ngại tốn hàng giờ ngấu nghiến. Và cũng chính từ sách vở, cậu bé Tom đang tuổi lớn học được rằng, vị đại tướng nào cũng phải có một chuyến phiêu lưu tình yêu, một người đẹp để tôn trọng và chia sẻ.
“Mối tình của mình như một cái gì thiêng liêng ghê gớm” của cậu Tom là cô bé Amy Lorence cùng trang lứa. Cậu bé tỏ ra rất người lớn khi mất một thời gian dài để đổi lại hạnh phúc “vẻn vẹn bảy ngày ngắn ngủi”. Tác giả rất phóng khoáng khi không ngại ngần nhắc đến yếu tố tình yêu trong một câu chuyện hướng tới đối tượng thiếu nhi. Đương nhiên, nội dung chính vẫn là cuộc phiêu lưu trận giả, nhưng cuộc phiêu lưu tình yêu trong tâm hồn Tom Sawyer không chỉ là của riêng cậu bé. Ở lứa tuổi ẩm ương, sự rung động đầu đời và khát khao được yêu mến là câu hỏi của hầu hết những đứa trẻ, Mark Twain không thêm tình yêu vào để câu khách lố bịch. Giống như một bài giáo dục vừa nhẹ nhàng vừa sâu sắc, tình cảm của Tom cho thấy một cậu bé rụt rè, nhút nhát đang trải nghiệm những cảm xúc đầu đời. “Tình yêu” với cô bé Becky thoáng gặp sau trận chiến đã không chỉ làm Tom chao đảo mà còn khiến độc giả toàn thế giới xiêu lòng.
Chú bé bắt đầu biết yêu, biết si mê nhan sắc của bạn khác giới, “lấm lét nhìn nàng tiên mới giáng trần kia”, “đôi mắt xanh biếc” và “bộ tóc vàng tết thành đôi bím dài” khiến đầu óc như tê liệt, biết làm người lớn. Sự ngượng ngùng, “vờ như không biết” giống như bao chàng trai trưởng thành, hay sự rạng rỡ khi Becky vứt qua hàng rào một bông hoa păng xê như một lời tỏ tình ý nhị. Đầu óc chú bé “tràn đầy ảo ảnh”, “đầu óc đáng thương”, chú bé muốn Becky “phải khâm phục”, một suy nghĩ rất trẻ con nhưng lại lớn lao, muốn cao cả hơn, vĩ đại hơn trước mắt người mình thầm thương trộm nhớ. Trong khi những người trưởng thành khi sa vào lưới tình đều trở nên trẻ thơ, ngây ngốc, thì suy nghĩ của cậu bé lại người lớn, chín chắn. Nghĩ là vậy, nhưng những hành động và biểu cảm của cậu lại vô cùng trẻ con và đáng yêu. “Vị anh hùng vừa đại thắng chưa bắn một phát súng nào đã ngã gục" ấy chỉ biết làm những trò “nực cười”, “lố lăng”, “bàn chân đi đất”, “nhảy lò cò” trước mặt cô bạn gái. Những hành động cố gắng lấy được sự chú ý của Becky như “lấy tay che phía trên mắt và bắt đầu nhìn xuống cuối phố như vừa phát hiện điều gì thú vị diễn ra ở phía đó”, “chú nhặt một cọng rơm, và bắt đầu cổ ngửa mặt lên trời, giữ cho cọng rơm được thăng bằng, rồi lắc người mỗi lúc một nhích lại gần bông hoa păng xê”... Tiếng cười sảng khoái của độc giả không chỉ dành cho những trò lém lỉnh của Tom mà còn là sự hoài niệm, nghĩ về những kỉ niệm tuổi thơ năm nào.
Đoạn trích “Mải mê chinh chiến và yêu đương” của Mark Twain đã mang lại tiếng cười, tiếng cười ấm áp, nhân hậu dành cho nhân vật cậu bé Tom đáng yêu. Chinh chiến và yêu đương, tưởng đối lập mà như hòa làm một. Bằng ngòi bút sáng tạo và khai thác tâm lý nhân vật triệt để, nhà văn không chỉ đơn thuần kể về những trò chơi trẻ con hay những rung động xốc nổi đầu đời mà qua đó còn gửi gắm khát khao được hạnh phúc, được cống hiến hết mình, ăn sâu vào tư tưởng của những cô cậu thiếu niên lúc bấy giờ