Suy nghĩ của bản thân về vấn đề "tận hiến, tận hưởng" của thanh niên hiện nay
Cống hiến hết mình là dâng tặng trí tuệ, công sức không có hạn định. Thí sinh cần diễn đạt rõ cống hiến nhất định không đơn thuần là làm việc kiếm sống, mà trong đó phải có động cơ là niềm đam mê, có lòng tin vào ý nghĩa công việc của mình. Mà khi đã có đam mê hay niềm tin thì không thể có mục đích duy nhất là thu nhập. Để rồi từ đó đòi hỏi cao về mức độ hưởng thụ tối đa.
Nói vậy cũng có nghĩa là nếu bản thân người cống hiến nếu chỉ hòng được hưởng thụ thì cống hiến đã không còn là cống hiến. Thế nên cái chưa thật đúng ở câu nói này là ở phía người cống hiến, không đặt vấn đề cống hiến để có hưởng thụ. Và lại càng không thể đưa ra hạn mức phải đạt “hưởng thụ tối đa”.
Phần đúng ở câu nói này nên nhìn từ phía người đánh giá cống hiến. Nhà quản lý trong một xã hội văn minh và nhân văn cần ý thức hưởng thụ là điều kiện để cống hiến, là đáp đền xứng hợp cho cống hiến. Nhà lãnh đạo cần đánh giá được năng lực của người có cảm hứng và sự hết mình trong dâng tặng. Từ đó để đối đãi xứng đáng, bởi như thế mới đảm bảo công bằng. Để tránh sự cào bằng khiến người tài nản mệt, người cống hiến bị những kẻ lười nhác, ỉ lại.
Có thể học sinh không hiểu sâu theo hai phía cống hiến và đánh giá cống hiến như nêu trên, nhưng khi làm bài lại rất cần viết được người ta cần có những cống hiến hết mình trong học tập, trong công việc. Vì đó là thái độ sống tích cực, hữu ích cho đời.
Hưởng thụ tuy cần nhưng…
Khi bàn về hưởng thụ, thí sinh nên bày tỏ rằng mỗi người con đều cần hiểu sâu hoàn cảnh của gia đình mình, mỗi người dân đều cần biết rõ về lịch sử đất nước mình để biết rằng không thể đòi hỏi xứng hợp tuyệt đối cho cống hiến - thứ vốn là vô giá. Nếu khăng khăng đòi công bằng thì không còn là cống hiến, không còn là hy sinh và dâng tặng.
Xin thử hỏi, đã là hợp lý chưa, khi có một số học sinh học hành chểnh mảng trong khi cha mẹ thì vất vả mỗi ngày? Đã hợp lẽ chưa, khi thầy cô vượt lên nhiều vất vả để trụ với nghề, mà trò lại không chăm học.
Nếu đòi sự đáp trả ngang bằn, chúng ta cần nghĩ đến mỗi ngày ta đang hưởng thụ tối đa sự hòa bình cũng là chưa công bằng với những người cống hiến. Vì biết bao người con đất Việt đã hiến dâng đời xanh, hiến dâng máu xương cho Tổ quốc hôm nay. Chúng ta đều đang hưởng thụ nền hòa bình khi những chiến sĩ cống hiến nằm lại vô danh trên những quả đồi bạt ngàn mênh mang, dọc miền Trung gió Lào cát trắng. Hay như ở Thành cổ Quảng Trị, nơi nghĩa trang không mộ, mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều ghi dấu vô vàn những hy sinh.
Đất nước thân yêu của chúng ta được hình thành từ muôn thế hệ cống hiến. Và có lẽ, với nhiều trường hợp, chúng ta không thể trả ơn cho người cống hiến sự hưởng thụ, cho dù là tối thiểu. Thế nên đặt vấn đề hưởng thụ tối đa, nghe thật xót xa và ngập tràn áy náy, trước những hy sinh không gì có thể đáp đền.
Ngày hôm nay (10/7/2014), khi thí sinh đang ngồi thi để xây những ước mơ tương lai thì ngoài khơi xa, trên vùng biển của quần đảo Hoàng Sa máu thịt, các chiến sĩ hải quân, các chiến sĩ cảnh sát biển và ngư dân bám biển đang với đối mặt với hiểm nguy. Nơi mà dàn khoan trái phép Hải Dương 981 vẫn ngang nhiên ở đó, với hàng trăm con tàu ngang ngược gây hấn trong thềm lục địa, trên vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta.
Và chỉ cách đây mấy ngày, các chiến sĩ của Quân chủng Phòng không - Không quân tham gia huấn luyện nhảy dù cũng đã hy sinh. Sĩ quan phi công lái chiếc máy bay gặp nạn đã dũng cảm tránh khu dân cư để tránh tổn thất cho những người dân ở Hoà Lạc. Thử hỏi, nếu áp đặt máy móc quan điểm sống được coi là hiện đại rằng đã cống hiến hết mình thì phải hưởng thụ tối đa, mà đem đặt ra ở đây, sẽ lạc lõng đến thế nào?
Học sinh làm bài có thể sát hợp được hướng dẫn chấm của Bộ, hoặc vì đề mở nên còn có nhiều cách để thuyết phục người đọc, nhưng nếu nói thêm được những ý trên, hẳn bài làm càng yên tâm với điểm số tốt!