Anh chị hãy nêu suy nghĩ về ý kiến sau: Nốt lặng đó không vang thành lời, nó cho con người, cho tuổi trẻ thời gian để sống chậm, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn
Cuộc sống là một trường đua và thì giờ là vàng bạc. Nhưng con người không phải là một cỗ máy vô cảm, con người có tâm hồn được tạo nên từ vô vàn những mảng màu, những cung bậc cảm xúc nối tiếp nhau: buồn - vui, thất vọng - hi vọng, chán nản - hạnh phúc, khinh ghét - yêu thương... Giữa những nốt bổng và nốt trầm của bản giao hưởng của cuộc cuộc sống, giữa lúc buồn mà không bế tắc, tuyệt vọng; giữa lúc vui mà không mải mê, chủ quan, ta có những “nốt lặng”.
Nốt lặng đó không vang thành lời, nó cho con người, cho tuổi trẻ thời gian để sống chậm, suy nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn. Dù là một giây, một phút thôi nhưng nó nạp cho ta năng lượng sống cả cuộc đời.
Buổi sớm ra đường, xe cộ qua lại tấp nập, ai cũng mải miết và hối hả. Dừng lại đôi phút đèn đỏ, ai cũng sốt ruột, vẻ mặt thoáng chút lo âu và nghiêm nghị như đang suy nghĩ một việc rất hệ trọng. Đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, chúng ta đang lao đi như những con thiêu thân trên một hành trình bất định.
Vẫn biết với con người và đặc biệt là tuổi trẻ, sống là không chờ đợi... vẫn biết nếu không nhanh nhẹn, không biết chạy đua, làm sao có được những gì mà mình muốn: thành công, tiền bạc, hạnh phúc...
vẫn biết xã hội đang phát triển một cách chóng mặt, thời gian được rút ngắn một cách tối đa: trồng trọt, sản xuất thì rút ngắn thời gian thu hoạch để một năm có thể xen gối thâm canh thêm mấy vụ nữa; máy móc công nghiệp cũng được cải tạo với công suất nhanh nhất; Internet được nâng cấp với tốc độ lan truyền đến chóng mặt... Cuộc sống buộc con người phải đi theo guồng quay đó, ai làm khác là tụt hậu. Phải chăng đó là nguyên nhân gây nên mặt trái xã hội, với lượng người bị trầm cảm, u uất, rối loạn tâm lý ngày càng nhiều, hay với lớp trẻ tình trạng “sống thử?’, “sống vội”, “sống sơ sài” diễn ra như một định hướng chung.
Ta hãy dành chút ít thời gian tĩnh tại để ngắm nhìn một bông hoa đẹp. nghe tiếng chim đang ríu rít, lặng mình trong một bản nhạc cổ điển, đọc một bài kệ về cuộc đời vô thường, hít thở và ngắm nhìn trời xanh... Tâm hồn con người như một mảnh đất, nếu không có những nguồn nước mát lành ấy tưới tắm, thì đất sao màu mỡ và những mầm xanh bé bỏng sao vươn lên tươi tốt được? Đó cũng là lý do tại sao mà không phải vô cớ, có rất nhiều người ở Mỹ, ở châu Âu hay châu Úc ngày nay muốn trở về với bà mẹ thiên nhiên, tránh xa cuộc sống ồn ã, náo nhiệt và gánh nặng những ước lệ rườm rà của thành phố, những thứ tiện nghi làm cho người ta bạc nhược yếu ớt đi, để tìm vào rừng sinh sống, sống ở trên cây, sống chung với thiên nhiên, động vật. Họ sống chậm một chút nhưng cảm thấy thế giới xung quanh tươi đẹp và đáng sống hơn.
Sống chậm còn là để dành thời gian nghĩ về cuộc sống và những người xung quanh, sống vội vã gây cho con người áp lực, căng thẳng và khô héo tâm hồn, là vội vã, lạnh lùng với những người xung quanh. Ta chậm một chút để chia sẻ tình thương với em gái nhỏ bán rong trên đường, giúp một bà lão ăn xin tội nghiệp, giúp đẩy gánh hàng nặng của bác xích lô trên con dốc dài... Một nụ cười, một cái bắt tay, một ánh mắt cảm thông là món quà quý giá nhất với những ai đang cô đơn, bế tắc và lạc lõng.
Sống chậm còn là để lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Một chút lặng lẽ, riêng tư cho chính mình để nghĩ về những gì đã qua. những gì sắp tới, những gì được mất, sống chậm không phải lãng phí thời gian mà là trân trọng thời gian, quý trọng những kí ức, những kỉ niệm, thấy quý những gì đã mất như món đồ chơi, chiếc răng sữa thuở ấu thơ... cho đến những gì to tát hơn sau này. Một chút sống chậm nhưng biết quý giá “món quà” hiện tại, sống chậm cho ta khoảng lặng để rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và hy vọng cho tương lai. Tâm hồn mỗi người trẻ tuổi sẽ trở nên thâm trầm, sâu sắc, chín chắn và trưởng thành hơn.
Sống chậm như vậy, không có nghĩa là chậm chạp, lạc hậu mà là sống một cách kĩ lưỡng, tránh những ồn ào, hỗn tạp, a dua, ăn theo; những lối sống gấp, sống ẩu. sống vì những mục đích hiện sinh tầm thường, sống chậm không phải là sổng ít mà thực chất là sống được rất nhiều.
Trong nhiều cuộc bàn luận gần đây về những thay đổi trong cách nghĩ, lối sống của thế hệ trẻ, người ta chỉ ra rằng một trong những khuyết điểm lớn nhất của thế hệ 8X, 9X, 10X... là sống một cách công thức, thiếu sáng tạo và tự giới hạn năng lực, khả năng của mình. Tuổi trẻ ngày nay sợ gặp thất bại và không biết đương đầu với thất bại như thế nào.
Vì vậy cần: Suy nghĩ khác đi... Là biết nhìn nhận, đánh giá. biết lựa chọn những lối đi riêng. Từ khoảng hơn một thế kỉ trước trở về đây, người Việt Nam dần xóa bỏ thế giới phi ngã, giáo điều và chủ trương phát hiện, đề cao cái “tôi” cá nhân. Bởi vậy, muốn khẳng định được một cái “tôi” sắc nét thì trước hết phải có cách nhìn nhận mới mẻ, có tính chất đột phá, dám vượt thoát khỏi những lối tư duy sáo mòn, cổ hủ, lạc hậu, dũng cảm chọn cho mình một cách nhìn nhận riêng. Không nói đâu xa, khoảng gần thế kỉ trước, xã hội đương cảnh rối ren dưới sự thống trị của thực dân phong kiến, cũ mới giao tranh, Á, u lẫn lộn, khi nhiều người yêu nước chỉ biết nghiến răng nhìn cảnh đất nước làm thân nô lệ thì đà có những chí sĩ ái quốc như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh tìm cho mình những lối đi riêng. Họ yêu cầu cải cách và thay đổi, họ đề ra những đổi mới duy tân tiến bộ, họ đấu tranh theo những phương pháp khác nhau. Tuy không thành công nhưng những vị chí sĩ ấy đã xây nên một tiền đề vững chắc cho một cuộc cách mạng sau này.
Dẫu vậy nhưng không phải ai sinh ra đã được trời phú cho tư chất và “cá tính” rõ ràng và không phải ai cũng có khả năng luôn tìm được cái mới có tính chất đột phá. Vì vậy “suy nghĩ khác” còn có thể hiểu là những lối suy nghĩ tích cực, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn để không rơi vào chán nản tuyệt vọng. Còn nhớ câu chuyện về nhà bác học Ê-đi-xơn đã phải thử 1000 nguyên liệu và thất bại hàng nghìn lần mới tìm ra được chất làm dây tóc bóng đèn. Hoạ sĩ thiên tài Lê-ô-na Đơ-vanh-xi phải học vẽ bắt đầu từ một quả trứng hơn ba mươi lần mới được vẽ những cái tiếp theo. Điều thiết yếu trong cuộc sống luôn là sự chăm chỉ, ưa tìm tòi học hỏi và khám phá, không sợ những thất bại trước mắt và từ những thất bại ấy rút ra kinh nghiệm cho bước tiến sau này. Suy nghĩ khác còn là cách học để đối diện với thất bại và vươn lên từ thất bại, không bao giờ tự giới hạn chính mình.
Trong những năm gần đây, có một hiện tượng đang trở thành xu hướng của giới trẻ châu A và cả Việt Nam: thanh niên mỗi lần rơi vào bế tắc, tuyệt vọng do thi trượt đại học, bố mẹ bỏ nhau, sức ép học tập căng thẳng hay vì một lý do riêng mà bị nhiều người xa lánh... thường quẫn chí tự tử. Đáng sợ hơn nữa còn có những vụ tự tử tập thể, tự tử nhóm bằng nhiêu hình thức và vì những lí do không đáng. Trong những trường hợp này thì cách suy nghĩ khác, tích cực, lạc quan và hướng tới những gì tốt đẹp là phương thuốc hữu hiệu nhất giúp chữa lành những vết thương, giúp con người tự tin, có nghị lực để sống tiếp.
Tuy nhiên, suy nghĩ khác không phải là những cách suy nghĩ, cách nhìn nhận lập dị, quái đản, “bệnh hoạn”. Suy nghĩ khác phải là những suy nghĩ đem lại sức sống cho bản thân, có sắc thái tích cực và có ích, đem lại những điều ý nghĩa, lớn lao cho cuộc sống, xã hội.
Ngày nay, có một thực tế khá ngược chiều đang xảy ra và ngày càng lan tràn trong xã hội. Khoa học kĩ thuật đang tìm mọi cách để “con người hoá” rô bốt, rô bốt không chỉ biết hành động, làm việc mà còn có những cử chỉ, ý nghĩ và dần có một số cảm xúc như con người. Ngược lại, con người thì lại ngày càng “rô bốt hoá” sống trống rỗng và vô hồn vô cảm. Cái mà xã hội hiện đại thiếu nhiều nhất không phải về vật chất mà về mặt tinh thần: sống thiếu tình thương.
Đặc biệt với giới trẻ, sự lãnh đạm, thờ ơ đang diễn ra như một điều bình thường trong cuộc sống. Thờ ơ với lịch sử dân tộc, thờ ơ với những giá trị văn hoá cổ truyền, thờ ơ với những người ăn xin trên đường, thờ ơ với bà cụ muốn được giúp qua đường... Và đáng sợ hơn, chúng ta đang dần vô cảm, thờ ơ với cả cái xấu. Vô cảm khi thấy một kẻ gian đang móc túi người khác, vô cảm với những văn hoá đồi trụy tràn lan trên mạng, vô cảm khi nữ sinh, nam sinh nhìn bạn học của mình bị đánh đập và còn sung sướng cổ vũ, reo hò...
Cái mà con người hiện đại và giới trẻ ngày nay cần nhất là: Yêu thương nhiều hơn. Vì yêu thương vốn là cái gốc của nhân loại. Yêu thương và đoàn kết là nền tảng để một dân tộc cùng sống và phát triển bao đời nay. Yêu thương nhiều hơn là biết nghĩ, biết quan tâm chăm sóc và hướng tới người khác nhiều hơn. Đó là một ánh mắt nhìn, một nụ cười, một hành động và lời nói quan tâm giúp cha mẹ bớt mệt nhọc hơn sau một ngày lao động vất vả. Đó là cử chỉ ân cần trìu mến với những người đang gặp khó khăn. Đó là sự lo lắng, sốt ruột, thương xót khi “khúc ruột miền Trung” đang ngập trong biển nước... Yêu thương nhiều biến con người trở thành người nhân hậu, cao cả, lớn lao hơn.
Khi yêu thương nhiều hơn tức là cho đi nhiều hơn thì ta lại được nhận về nhiều hơn. sống với những người xung quanh bằng sự chân thành, ta sẽ nhận lại được những tình cảm quý trọng thương yêu, sự thành thật từ những người bạn,... Yêu thương nhiều hơn còn là sống vị tha bao dung, biết sẻ chia và làm cho cuộc sống tốt đẹp. Yêu thương nhiều hơn chỉ giản đơn là sống chậm lại một chút, nhìn ngắm đường phố xung quanh và những gương mặt thân quen.
“Sống chậm”, “suy nghĩ khác” và “yêu thương nhiều hơn” là ba mặt biện chứng của một vấn đề. Sống chậm thực chất là thời gian con người suy nghĩ, mài nhọn các giác quan nhạy bén và thành lập tư duy sáng tạo, tích cực. sống chậm còn là lúc con người được thảnh thơi, yêu thương, trân trọng những người xung quanh. Nhưng cũng chớ đánh đồng sống chậm là trái nghịch với lối sống “vội vàng” của thi sĩ Xuân Diệu. Thi sĩ sống vội vàng là sống hết mình, sống một cách tận độ, sống sao cho có ý nghĩa nhất. Vậy nên tuổi trẻ phải vừa biết sống chậm để rèn luyện sự chín chắn, trưởng thành, vừa phải biết sống “vội vàng”, linh hoạt và hết mình. Chịu sống chậm lại một chút thì mình sẽ thấy bao nhiêu điều đẹp trong dòng đời này. Cúi đẹp của đèn đêm về sáng họp chợ. Cái đẹp của người buôn thúng bán mủng. Cái đẹp của chú bé thổi còi... (Trích kịch bản phim Sống chậm)
Cuộc sống xung quanh tôi vẫn thế, lao vun vút như một mũi tên khổng lồ, tôi sợ tôi và những người quanh tôi sẽ đi lạc, lạc vào những thói xấu ở đời. Nên tôi đôi lúc muốn hãm phanh lại. Tôi đã sống chậm theo cách của riêng mình: dùng một ít thời gian để hít thở không khí trong lành, một ít thời gian để đi làm từ thiện về vùng quê nghèo, một ít thời gian nấu đồ chay để cho người nghèo đến chùa dùng sự cúng dường của đàn na tín thí, một ít thời gian để đọc cuốn sách kiếp nhân sinh vô thường để bồi bổ tâm hồn, một ít thời gian để lắng nghe những tâm sự của người thân và quan tâm hơn đến mọi người. Những giây phút thảnh thơi ấy khiến tôi nhận ra được nhiều điều đáng quý và thêm yêu cuộc sống.