Hình ảnh người cha trong bài Cha tôi trích Đặng Dịch Trai ngôn hành lục hay nhất (2 mẫu)

Phân tích hình ảnh người cha trong bài Cha tôi trích Đặng Dịch Trai ngôn hành lục - Bài văn mẫu số 1

"Tình cha ấm áp như vầng thái dương

Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn"

Có lẽ, với mỗi người con trong cuộc đời, tình cha thật ấm áp và thiêng liêng, những lời dạy của cha, của mẹ luôn đi theo suốt trong cuộc hành trình. Đặng Huy Trứ cũng có một người cha hết mực yêu thương con và luôn răn dạy cho ông những điều hay, lẽ phải ở đời. Bởi vậy, qua bóng dáng người cha của mình, ông đã viết nên câu chuyện "Cha tôi" đầy sâu sắc và thấm thía. Dư âm vang lại trong tâm khảm người đọc là hình ảnh người cha tuyệt vời, dạy bảo cho con những tầng sâu triết lí về lẽ may, rủi, được, mất ở đời.

Lẽ thường, với mỗi người sinh thành, họ luôn mong con cái mình thành công trong sự nghiệp. Nhưng những thành công ấy không phải để ta huênh hoang, tự mãn, tỏ vẻ kênh kiệu mà là động lực để ta cố gắng phấn đấu. Đặng Huy Trứ lần đi thi với cha đầu tiên nhằm mục đích để quen trường thi thì đỗ cử nhân, điều này khiến mọi người ai cũng vui vẻ, đó là một niềm vui không chỉ với riêng gia đình mà cả dòng họ, xóm làng ai nấy cũng mừng ra mặt, vậy mà cha ông lại không mảy may vui vẻ, chỉ dựa vào gốc cây xoài mà khóc, nước mắt rơi ướt áo như là gia đình vừa gặp chuyện không may. Ông bày tỏ: "Có gì đáng vui đâu. Đỗ đạt cao là để dành cho người có phúc đức. Con tôi tính tình chưa già dặn, chưa có đức nghiệp gì... Cổ nhân đã nói "Thiếu niên đăng khoa nhất bất hạnh dã !". Một lời bày tỏ khiêm tốn mà rất chân thành của một người từng trải, hết mực lo lắng cho con. Ông không cảm thấy vui vì con mau đỗ đạt mà lo sợ rằng con mình sẽ lấy đó làm tự kiêu mà thối chí, không cố gắng.

Với ông: "Nào ngờ, mới một lần đi thi lại trúng thứ ba. Đó là do triều đình nuôi dưỡng, tổ tông tích đức, gia đình giáo dục mà được thế... Nhìn lên, tôi đội ơn tác thành của thiên tử, lại cảm kích công vun trồng của tổ tiên, chỉ sợ con tôi không báo đáp được nghĩa nặng ơn dày nên không cầm nổi nước mắt". Đó là người cha biết nhìn xa trông rộng, điềm tĩnh trước mọi việc, lo lắng cho tương lai của con cái mình. Vào năm 1947, nhà nước mở khoa thi tiếp theo, Đặng Huy Trứ năm nay đã 23 tuổi, dù đề thi rất khó, ít kẻ làm được nhưng ông lại tiếp tục thi đỗ. Người cha lại vô cùng lo lắng cho con mình, ông dù tin vào khả năng của con trai nhưng sợ con tự mãn sẽ làm hại chính mình. "Bậc đỗ đại khoa ắt phải là người phúc phận lớn. Con tôi đức độ ra sao mà được như vậy, chỉ làm cho tôi thêm lo lắng".

Trước tin người anh làm quan trong triều vừa mất thì người cha vô cùng thương xót, đau buồn. Nhưng khi nghe tin con bị đánh trượt trong kì thi đình thì ông cho đó là lẽ thường và khuyên nhủ con trai. Người cha là một người rất khiêm tốn và vô cùng tâm lí, chưa bao giờ tỏ ra hài lòng hay khoe khoang với thành tích của con mình cũng không tỏ ra quá thất vọng khi còn bị đánh trượt. Ông luôn đưa ra những lời khuyên kịp thời, triết lí thể hiện sự chín chắn và kinh nghiệm của một người hiểu lẽ đời dành cho con. "Đã vào thi Đình thì không còn đánh trượt nữa, từ đời Lê đến nay như thế đã lâu mà nay con lại bị đánh trượt". Ông đã dạy cho Nguyễn Công Trứ về lẽ được mất ở đời, đi thi không nhất thiết phải đỗ đạt cao nhưng cần có những giá trị mà ta học được sau mỗi cuộc thi. Cái gì càng dễ có được mà không biết trân trọng, gìn giữ, trau dồi, rèn luyện thì cũng sẽ tuột dễ khỏi tầm tay. Thất bại không phải là điều đáng sợ mà cái đáng sợ là không thể đứng lên sau vấp ngã. Cần có ý chí và nghị lực trong cuộc sống để thành công sau những lần va vấp. Bằng những lời khuyên quý báu và vô cùng chân tình, người cha đã giúp Đặng Huy Trứ nhận ra lỗi lầm của mình để cố gắng hoàn thiện bản thân hơn.

Quan niệm về học hành đỗ đạt thi cử và những triết lí của người cha để lại là vô cùng sâu sắc, nó có ý nghĩa giáo dục cho những thế hệ mai sau như chúng em. Ngày ngày cần phải cố gắng hơn, nỗ lực hơn nữa không được tự kiêu với những thành công mà mình đang có. Biết rèn luyện, trau dồi bản thân mỗi ngày, biết đứng lên sau những thất bại, "thất bại là mẹ thành công". Biết vươn mình sống như những đóa hoa hướng dương, luôn hướng về những điều tốt đẹp, vươn mình mạnh mẽ trước bão giông.

Phân tích hình ảnh người cha trong bài Cha tôi trích Đặng Dịch Trai ngôn hành lục 2

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gian khổ cuộc đời không nặng gánh bằng cha”

Xưa nay thường hay thấy người ta viết về mẹ, về tình mẫu tử thiêng liêng hơn là viết về người cha, Đặng Huy Trứ là một trong số ít các nhà văn viết tác phẩm nói về hình ảnh người cha. Cha tôi là đoạn trích được rút ra tập ký Đặng Dịch Trai ngôn hành lục của tác giả, thông qua những dòng hồi tưởng về người cha đáng kính của mình, ông đã rút ra được nhiều nghĩ suy về căn nguyên việc phúc, họa ở đời người đặc biệt là trong chuyện khoa cử, chuyện chốn quan trường rối ren, đồng thời càng thêm thấm thía tình cảm cha con sâu nặng.

Đặng Huy Trứ (1825-1874), hiệu là Tỉnh Trai, Vọng Tân, tự là Hoàng Trung, quê ở làng Thanh Lương, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông từng đỗ cử nhân và tiến sĩ, tuy nhiên do phạm húy mà bị đánh trượt và tước luôn cả học vị cử nhân, cả đời ông từng nhiều lần dâng lên triều đình những chính sách và tư tưởng tiến bộ tuy nhiên chưa lần nào được chấp thuận. Tác phẩm Đặng Dịch Trai ngôn hành lục được viết theo thể loại ký, đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông, nội dung là những dòng hồi tưởng về người cha đáng kính của mình, qua đó thể hiện thái độ và tư tưởng của tác giả đối với cuộc sống đặc biệt là trong việc học hành, thi cử và tình cảm kính trọng mà ông dành cho người cha đáng kính của mình, một trí thức có nhân cách nhưng phải sống và chứng kiến sự suy tàn của chế độ phong kiến những năm giữa thế kỷ XIX. “Cha tôi” được trích từ trong tác phẩm này, mà nổi bật nhất là hình ảnh ông Đặng Văn Trọng với những chi tiết về lời nói, suy nghĩ và hành động mẫu mực của một trí thức đương thời.

Trong đoạn trích có ba sự kiện tiêu biểu nhất, là những bước chuyển biến lớn trong quãng đường học vấn khoa cử của nhân vật “tôi”, tuy nhiên có một điều đặc sắc ở đây đó là đa số những suy nghĩ và tư tưởng của nhân vật “tôi” lại nằm trong cách ứng xử và nói chuyện của người cha. Những phản ứng của ông trước ba bước ngoặt cuộc đời của người con, từ việc thi đỗ rồi lại bị đánh rớt đã thể hiện một nhân cách và cái nhìn sâu sắc toàn diện về cuộc sống của người trí thức mẫu mực.

Sự kiện đầu tiên là việc cha con nhân vật “tôi” cùng đi dự kỳ thi tú tài ở Phú Xuân, Huế, ban đầu khi xướng danh yết bảng, mọi người cứ ngỡ ông Đặng Văn Trọng đã đỗ ở vị trí thứ ba, nhưng bất ngờ thay Đặng Huy Trứ lại đỗ, vốn đây cũng là việc vui bất ngờ, lại có đôi chút ngại ngùng. Nhưng ông Đặng Văn Trọng không cho là thế, bởi con hơn cha là nhà có phúc, ông chu đáo tươm tất, chuẩn bị “bốn người bạn và giao cho anh Trần Huyền Phủ, con cô thứ hai đưa tôi vào trường thi”, quả lòng cha thương con đến vậy. Tuy nhiên có điều lạ lùng rằng, con đỗ cao nhưng ông chẳng lấy làm mừng vui tột độ, mà lạ giàn giụa nước mắt, tựa cây mà khóc, bởi ông có một mối lo, lo con chưa đủ già dặn, chưa trải việc đời, chưa đủ phúc đức để nhận lấy danh hiệu này, ông còn sợ đứa con trai của mình trẻ người non dạ, sớm đỗ đạt rồi sẽ kiêu căng tự mãn mà hỏng cả thánh ân của quân vương, rước họa vào thân. Trong mong ước của Đặng Văn Trọng, ông chỉ hi vọng con đi thi nhằm quen với khoa cử, lấy tiền đề cho sau này, may mắn đỗ tú tài thì cũng được về làng dạy học, đỡ đi cái ải phu phen, tạp dịch xa xôi, lòng người cha thương con chỉ dám mong vậy. Giờ đây khi con đã đỗ cao ông lại lo lắng không báo đáp được cho đất nước, rồi chảy nước mắt, quả hiếm có bậc trí thức, sĩ phu nào lại có cái suy nghĩ chu toàn, sâu xa đến vậy, chỉ khi đã từng trải, nhìn đủ mọi thói đời chua cay, ông mới có những mối lo toan thấm thía đến vậy. Ông vừa xứng đáng là một người cha tốt vừa là một người trí thức có nhân cách cao đẹp một lòng vì đất nước, không dám cô phụ ơn thiên tử.

Bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời của nhân vật “tôi” đó là vào năm năm sau, lúc này nhân vật “tôi” đã 23 tuổi, tiếp tục tiến vào kỳ thi Hội ở kinh thành, tuy khoa thi ấy đề thi rất khó nhưng bằng tài học vấn của mình Đặng Huy Trứ vẫn “làm đủ và được 7 phân”, thiên tử xem bài thi của ông thì “không nỡ vì một tì vết mà bỏ”, cho ông đỗ thứ 7. Khi tin báo đỗ về làng, ông Đặng Văn Trọng lại lần nữa rớt nước mắt “Bậc đỗ đại khoa ắt phải là người có phúc phận lớn. Con tôi có đức độ ra sao mà được như vậy, ắt chỉ làm tôi thêm lo lắng”. Một lần nữa hành động của ông lại khiến người ta phải suy nghĩ, phải chăng ông đã đoán được cái tương lai chẳng mấy tốt đẹp mà đâm chiều lo lắng đến vậy.

Thật là như thế, Đặng Huy Trứ vì phạm húy trong bài thi mà bị truất cả bằng tiến sĩ lẫn bằng cử nhân, trong nhà thì bác ruột của Đặng Huy Trứ cũng vừa mất, chuyện này nối tiếp chuyện kia dường như đổ ập xuống dòng họ Đặng, không khí buồn bã bao trùm nhưng với vai trò người cha ông Đặng Văn Trọng chỉ nói một câu rất nhẹ nhàng về việc buồn của con, nghe phong thanh đâu đây có tiếng thở dài “không có chuyện gì đáng kể”, ông rất bình tĩnh, khác hẳn với lúc con trai đỗ đạt ông lại xúc động mà chảy nước mắt, dường như những chuyện tai bay vạ gió vốn là lẽ thường ở đời, còn chuyện may mắn là phúc đức tổ tiên để lại, nếu chưa gì đã hưởng thì ấy không phải là điều hay ho. Đối với ông, cái chết của người anh mới là điều phải tiếc nuối khôn nguôi, bởi người đã ra đi thì làm sao còn gặp lại được nữa, cốt nhục tình thân từ đây chia lìa, so với việc công danh yết bảng kia thì to lớn hơn rất nhiều. Bởi học vị có thể bắt đầu lại từ đầu, hơn thế nữa Đặng Huy Trứ còn trẻ, với việc công danh suy cho cùng chỉ là vật ngoài thân, dòng họ Đặng vốn đã hưng thịnh cũng không cần phải thêm thắt gì nữa. Xét lại có thể thấy ông Đặng Văn Trọng là người xem trọng tình thân hơn tất thảy, từ nỗi lo lắng cho con trai, đến sự xót xa nuối tiếc khi người anh mất, điều đó cho thấy nhân cách cao đẹp của một người trí thức đương thời thật đáng kính biết bao.

Sau mãn tang sự của anh trai, lúc này Đặng Văn Trọng lại mới khuyên bảo người con rằng chuyện lỗi lầm bị đánh trượt trong kỳ thi Đình, âu cũng là một bài học để rèn luyện tu thân dưỡng tính, đợi thời cơ làm lại từ đầu. Ông nhắc lại chuyện Phạm Văn Huy và Mai Anh Tuấn cũng từng bị cách cử nhân sau đều đỗ đạt cao để giáo dục người con phải biết học tập theo, đặc biệt khi phẩm hạnh của Đặng Huy Trứ còn chưa sánh được với hai nhân vật trên thì không có gì phải thoái nản hay chán chường, cái quan trọng nhất là biết sai và sửa chữa, điều đó mới là đáng quý. Những điều ông Đặng Văn Trọng dạy con, quả thực rất thấm thía và sâu sắc, trước là an ủi, xoa dịu sau là động viên, cổ vũ tinh thần, tình thương yêu con của ông hàm chứa sâu trong những lời giáo huấn đậm tính triết lý và nhân văn của một nho gia.

Ông Đặng Văn Trọng là một người cha, một nhà trí thức có nhân cách cao đẹp và mẫu mực qua từng hành động lời nói. Những suy nghĩ của ông đều mang tính triết lý sâu sắc, bao gồm việc phải biết lo xa, phòng gần, đề cao tình thân trong gia đình. Dạy cho chúng ta phải biết nỗ lực phấn đấu không ngừng, sai thì nhận sai và làm lại từ đầu, không được phép kiêu căng tự phụ mà rước họa vào người, đặc biệt dù trong thất bại cay đắng cũng được nản chí, phải cố gắng vươn lên vượt qua số phận. Lời người cha dạy con lúc nào cũng thật sâu sắc và thấm thía biết bao, ông Đặng Văn Trọng xứng đáng là một trong những người cha đáng kính và mẫu mực nhất trên đời.