Cảm nhận nỗi đau của Chí Phèo 1
Phải nói rằng, Chí Phèo (trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao) là một cột mốc cuối cùng, là tựu trung của tất cả các nỗi đau về số phận người nông dân. Điều đáng nói, kết cục của những nỗi đau này là bi kịch: Con người bị tước đoạt, bị chối bỏ quyền làm người; bị tha hóa, bị xã hội cướp mất cả nhân hình lẫn nhân tính.
Với văn đàn của chủ nghĩa hiện thực phê phán, Nam Cao đến muộn. Trước ông, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng đã xây dựng trên nền chủ nghĩa hiện thực với những bức chân dung người nông dân nghèo khổ, chất phác, bị chà đạp và cũng giàu tinh thần phản kháng như chị Dậu, anh Pha... Nhưng Nam Cao vẫn là nhà văn lớn, nhà văn hiện thực xuất sắc. Bởi vì ông biết khám phá những điều mới mẻ, biết “khơi những nguồn chưa ai khơi” và “sáng tạo những gì chưa có”. Nam Cao hướng ngòi bút sắc sảo của mình vào một hiện tượng biến chất ở con người. Khai thác những nỗi đau của những loại người bị hoàn cảnh o ép đến dị dạng, bị xã hội làm cho biến chất cả nhân hình lẫn nhân tính, quay trở lại phản ứng bằng con đường lưu manh liều lĩnh. Năm Thọ, một tên đầu bò, đầu bướu bị đẩy vào tù. Vượt ngục, xách dao trở về làng “nhờ ông Lí một cái thẻ mang tên một người lương thiện và một trăm đồng bạc để trốn đi”. Năm Thọ đi biệt thì Binh Chức ở đâu lần về. Trước đây, hắn “hiền như cục đất”. Hiền quá hóa ngu, ai cũng ức hiếp: “Hắn làm cật lực mà quanh năm nghèo rớt mồng tơi; chỉ vì một miếng không giữ được mà ăn; đứa nào nó với được nó cũng xoay, mà đứa nào xoay cũng chịu. Sau cùng bực quá, hắn ra đi lính”. Bỏ đi thì mất vợ. Bọn chức sắc trong làng tha hồ “cấu xé”! Lương gởi về “rút lại chỉ cho chị Binh một tháng một lần hưởng những cuộc vui với ông Lý nhà”, Binh Chức trở về làng, trở thành tên giết người, ngang ngược. Năm Thọ bỏ làng ra đi biền biệt, Binh Chức rồi cũng chết. Như Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo cũng bị xã hội đẩy vào con đường lưu manh hóa. Nhưng Chí Phèo đi xa hơn trong nỗi thống khổ bi đát này.
Trước kia Chí cũng là một canh điền lực lưỡng, hiền lành, cũng có những mơ ước bình dị như bao nhiêu con người bình thường khác: “Có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải,chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Hắn cũng biết tự trọng, cái tự trọng của tuổi hai mươi. Bị bà Ba (vợ lẻ của Bá Kiến) “cái con quỷ cái hay bắt hắn bóp chân mà lại bóp lên trên, trên nữa! ... Hắn thấy nhục hơn là thích”. Thế là, tai họa phủ chụp xuống cuộc sống hiền lành của Chí. Ghen bóng, ghen gió Bá kiến đẩy hắn đi tù. Xã hội nhà tù (công cụ của thực dân) – cùng với Bá Kiến (thế lực tàn nhẫn của cường hào ác bá địa phương) đã thẳng tay đẩy cuộc đời Chí xuống vực thẳm, xô Chí qua khỏi ranh giới của xã hội con người lương thiện. Biến Chí thành một con người hoàn toàn khác hẳn, “hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chả ai biết hắn là ai. Trông đặc như thằng sắng đá! Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen mà rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm trông gớm chết! Hắn mặc cái quần nái đen với cái áo tây vàng. Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng phượng, một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. Trông gớm chết”. Những gì về ngoại hình của anh Chí hiền lành trước đây đã mất. Khắc lên cơ thể hắn là những gì dữ tợn và gớm giếc. Phủ ngoài những thứ ấy là “quần nái đen” và “cái áo tây vàng” như là chứng tích, là nguyên nhân tại sao Chí như vậy! Đã thế, mới về hôm trước, hôm sau đã thấy hắn ngồi uống rượu suốt ngày. Từ đó, hắn chỉ biết say, cơn này tràn qua cơn khác. Chỉ biết cướp của, đánh người, giết người, rạch mặt ăn vạ... Hắn trở thành công cụ của bọn cường hào địa phương độc ác. Hắn trở thành tai họa cho bao nhiêu gia đình lương thiện. Thực sự, hắn đã mất hết tính người. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại ! Từ đó, cả ngoại hình lẫn nhân tính của hắn không còn là anh Chí hiền lành như ngày xưa. Tất cả những gì tốt đẹp của Chí đã bị xã hội “tước đoạt”, cả nhân hình lẫn nhân tính! Và cũng từ đó không ai nhận Chí là người. Chí rơi vào bi kịch của con người bị chối bỏ quyền làm người.
Nam Cao trong một hoàn cảnh mới và ở một cấp độ mới đã nhận ra một hiện tượng có tính chất phổ biến: Là sự xuất hiện loại người dị dạng, dị hình ở nông thôn: “Cái dị dạng người trong tính cách của Chí Phèo là khám phá của Nam Cao” (Nguyễn Minh Châu), “Chí Phèo không phải là một tính cách đơn độc mà thực sự là kiểu người và nhân vật mang nặng trên vai những vấn đề của xã hội!” (Hà Minh Đức). “Làng Vũ Đại ngày ấy” ngột ngạt quắt queo, khô cạn sức sống, lại thêm bọn cường hào ác bá và các thế lực vô nhân đạo khác thẳng tay chèn ép cuộc sống con người nhỏ bé, tội nghiệp. Sống trong không khí ấy, làm sao con người hoàn thiện bình thường được. Con người vẫn luôn là sản phẩm của xã hội. Những chân dung méo mó, dị dạng: ngang ngạnh như Trạch Văn Đoành (Đôi móng giò); dở hơi và xấu đến “ma chê, quỷ hờn” như Thị Nở; đờ đẫn, lú lẫn đến mất trí như Đức (Nửa đêm); say, cuồng ngạo đến thành quỷ dữ như Chí Phèo... đều do hoàn cảnh tạo nên. Quá trình biến đổi của Chí Phèo cả nhân hình lẫn nhân tính như đã nói trên là một minh chứng.
Trạch Văn Đoành, Thị Nở, Đức... dừng lại, sống mãi trong trạng thái biến hình để nghênh ngang, để dở hơi; để khùng khùng điên là một nỗi đau! Chí Phèo đi xa hơn, quằn quại nhiều hơn trong nỗi đau. Bởi có lúc Chí tỉnh, Chí ý thức được chính mình. Chí ghê rợn khi biết mình đã thành quỷ. Lúc ấy, Chí cảm nhận sâu sắc thân phận bi đát của mình. Trong một cơn say, Chí gặp Thị Nở... chút thương yêu mộc mạc, giản dị của thị Nở khơi dậy ngọn lửa lương thiện còn leo lét nơi đáy lòng Chí. Đánh thức bản chất lương thiện vốn có trong bóng tối dày đặc của cuộc đời Chí. Cái phần người trong Chí hồi sinh. Chí khao khát được “làm hòa với mọi người”, được trở về với mặt bằng của cuộc đời lương thiện. Chí bâng khuâng mơ ước một tương lai, le lói một tia hi vọng. Thị Nở sẽ là cây cầu để Chí bám víu mà trở về với cuộc sống bình thường. Đau đớn thay! Tia hi vọng được trở lại làm người của Chí vừa lóe lên đã vụt tắt. Định kiến xã hội (thông qua bà cô thị Nở) không cho Chí đặt chân lên nhịp cầu hi vọng. Một lần nửa, Chí bị ruồng bỏ. Chí bị rơi vào vực thẳm tuyệt vọng. Chí lại say. Say trong nỗi đau khi tự ý thức được cơ cảnh tuyệt vọng của mình. Chí xách dao đi tìm lương thiện. Lương thiện đâu mà tìm ? Chí đi như quán tính của một người say. Nam Cao không nói gì (!) . Nhưng chúng ta biết nơi cướp mất lương thiên lần đầu trong cuộc đời Chí là đâu và ai đã từng bước đẩy cuộc đời Chí vào con đường vô lương. Nhà Bá Kiến... Tại đây, trong tận cùng của nỗi đau, Chí gào lên thống thiết: “Tao muốn làm người lương thiện ! Ai cho tao lương thiện ... tao không thể là người lương thiện được nữa ! Biết không ? Chỉ còn một cách... biết không ?”. Chí giết Bá Kiến, cái “nọc độc” đang từng ngày, từng giờ hủy hoại lương thiện của bao người ! Rồi Chí tự đâm chết mình, vì tự biết mình là sản phẩm mà cũng là công cụ của cái “nọc độc’’ ấy! Chí chết trong nỗi đau: “giẫy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt trợn ngược. Mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói, nhưng không ra tiếng . Ở cổ hắn thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra”...
Tận cùng của nỗi đau thật là thảm khốc. Lão Hạc cũng chết nhưng dẫu sao, bao nhiêu điều muốn gởi gắm lại với cuộc đời, với con, lão đã trao được hết cho ông giáo. Để ít ra còn một người hiểu lão. Chí Phèo chết đau đớn hơn: “mồm hắn ngáp ngáp muốn nói nhưng không ra tiếng”. Nhưng có ai hiểu và nghe hắn đâu để hắn nói! Bi kịch! Cả đời hắn tự cào cấu, đập, rạch vào chính thân thể mình, gào thét với cuộc đời nhưng vẫn chưa nói hết nỗi đau! Bây giờ hắn chỉ còn cách cuối cùng là thọc sâu lưỡi dao vào chính cổ mình để nỗi đau uất nghẹn trong lòng được chảy ra, “ứ ra” với cuộc đời! Nỗi đau Chí Phèo với khát vọng làm người mà bị khước từ là vậy! Đây cũng là đỉnh điểm, điển hình về nỗi đau người nông dân trong truyện ngắn Nam Cao trước cách mạng tháng Tám năm 1945.
Cảm nhận nỗi đau của Chí Phèo 2
Với hình tượng Chí Phèo đã đưa giá trị của tác phẩm cùng tên trở thành một kiệt tác trong nền văn xuôi đương thời. Tác phẩm “Chí Phèo” là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn lớn Nam Cao. Chí Phèo không phải là một hiện tượng đơn độc cá biệt mà mang ý nghĩa tiêu biểu cho một lớp người, một tình trạng xã hội. Trên dốc trượt của cuộc đời xuống đáy xã hội và bị rơi vào vũng bùn tội lỗi mà Chí Phèo là người trôi xa nhất. Nỗi khổ của Chí Phèo đau nhất là nỗi khỗ bị tước quyền làm người.
Chí Phèo sinh ra không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích, không nhà cửa, không tấc đất cắm dùi. Cả đời Chí không hề biết đến một bàn tay chăm sóc của đàn bà nếu không gặp Thị Nở. Thị ra đời trong một cái “lò gạch cũ” bỏ hoang. Trong chiếc váy đụp. Tuổi thơ của Thị “bơ vơ hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ” đến hai mươi tuổi thì làm canh điền cho nhà giàu… Đó là cuộc đời khốn khổ của một kẻ “cùng hơn cả dân cùng” ở nông thôn thời bấy giờ. Nhưng nỗi khổ ghê gớm của Chí Phèo được ngòi bút của Nam Cao tập trung thể hiện không phải ở những vấn đề đó mà là vấn đề bị cự tuyệt quyền làm người. Người nông dân “cùng hơn cả dân cùng ấy không được sống ngay cả cuộc đời nghèo khổ nhưng lương thiện của mình mà anh đã bị xã hội cướp đi bộ mặt cùng linh hồn để trở thành một con thú dữ và bị xã hội loài người chối bỏ.
Là con người lẽ ra được lao động, được mơ ước, được quyền yêu thương, được sống giữa cộng đồng của anh trong làng Vũ Đại. Nỗi đau này mang tính điển hình, tính phổ biến. Rền vang tiếng nức nở của con người không được quyền làm người. Nam Cao đã thể hiện nỗi đau đó bằng nghệ thuật. Mở đầu tác phẩm là miêu tả tiếng chửi của Chí Phèo: “Hắn vừa đi vừa chửi… bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi”, ”hắn chửi trời, chửi đời, chửi cả làng Vũ Đại, chửi cả “đứa chết mẹ nào đã đẻ ra hắn”. Tiếng chửi có trường độ và cường độ, tiếng chửi rất triệt để, ngoa ngoắt và độc địa làm sao! Từ tiếng chửi ta bắt gặp nỗi căm uất, sự vật vã tuyệt vọng của một con người thèm khát được giao tiếp với đồng loại mà không thể được.
Chí Phèo thật cô đơn. Nỗi cô đơn này càng triệt để bao nhiêu, càng đau bấy nhiêu. Trong cơn say đến mất cả lý trí, con người khốn khổ ấy vẫn cảm nhận được “nông nỗi” của thân phận mình. Đó là nỗi cô đơn khủng khiếp của một con người bị xã hội dứt khoát cự tuyệt, không được coi là người. Hắn thèm được người ta chửi. Vì chửi dù sao cũng là một hình thức giao tiếp đối thoại. Chửi lại hắn tức là còn thừa nhận hắn là người. Nhưng hắn cứ chửi, xung quanh vẫn cứ “im lặng đáng sợ”. Và Chí Phèo vẫn chỉ có một mình trong sa mạc cô đơn. Dẫu rằng anh đang đứng ở trên đời, giữa làng Vũ Đại. Nam Cao thật tuyệt vời khái quát tâm trạng cô đơn tột đỉnh của Chí Phèo qua tiếng chửi. Tất cả đã trở nên thù hằn, đối nghịch với Chí Phèo.
Thực ra đâu phải Chí Phèo vốn là kẻ lưu manh nát rượu. Khi còn trai trẻ anh canh điền nhà Bá Kiến ấy đã “ao ước có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm”. Tức là mơ ước cuộc sống hạnh phúc bình dị bằng lao động. Khi ấy tuy còn rất trẻ nhưng anh vẫn phân biệt được tình yêu chân chính và thói dâm dục xấu xa.
Bị gọi lên bóp chân cho cái bà ba “quỷ quái”, anh chỉ “thấy nhục chứ yêu đương gì”. Nhưng bản chất lương thiện, trong trắng ấy của anh đã bị xã hội ra sức hủy diệt. Lão cường hào cáo già vì ghen tuông vu vơ đã cho giải Chí lên huyện rồi sau đó phải ngồi tù. Cái nhà tù thực dân ấy đã tiếp tay cho lão cường hào bắt giam anh Chí lương thiện vô tội để sau đó thả ra một Chí Phèo hung ác lưu manh. Tức là đã biến một người lao động lương thiện thành một con thú dữ.
Trở về làng Vũ Đại có bọn cường hào độc ác ăn thịt người không tanh đó, Chí Phèo không thể hiền lành nhẫn nhục như trước nữa. Trong cái xã hội tàn bạo ấy càng hiền lành, nhịn nhục thì càng bị đạp dúi xuống không ngóc đầu lên được. Hắn muốn sống thì phải gây gỗ, cướp giật, ăn vạ. Muốn thế phải gan, phải mạnh. Những thứ ấy Chí Phèo tìm ở rượu. Thế là Chí Phèo luôn luôn say. Và “hắn say thì hắn làm bất cứ cái gì người ta sai hắn làm”. Chính xã hội ấy đã vằm nát bộ mặt người, cướp đi linh hồn người của anh. Trở về làng lần này, Chí Phèo trở nên xa lạ với mọi người, là “con quỷ của làng Vũ Đại”. Và thế là hắn không còn được mọi người coi là người nữa. Ai cũng tránh mặt hắn mỗi lần hắn qua.
Chí Phèo tiêu biểu cho tầng lớp nông dân bị tha hóa về mặt nhân cách. Nhưng sự tha hóa đó không phải là bẩm sinh mà là nó được phát sinh trong quá trình vận động và phát triển của nhân vật giữa xã hội thối nát, vô nhân đạo. Từ một người hiền lành chất phác trở thành một kẻ liều lĩnh và ôm ấp trong lòng một mối hận thù không gì xóa được. Nếu lấy thời điểm Chí ra tù làm mốc thì có thể nói. Chí đã ba lần đi gặp kẻ thù- Bá Kiến:
Lần thứ nhất là lúc Chí vừa ở tù về. “Hắn về hôm trước, hôm sau đã thấy ngồi ở chợ uống rượu và trong cơn say khướt, đã xách vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến gọi tên tục ra mà chửi. Đó là lối hành động của một tên lưu manh. Nhưng hoàn toàn không ngẩu nhiên vô thức của một kẻ say rượu, mà đã có trong tiềm thức của Chí Phèo. Cộng thêm những năm tháng tù đày. Mối thù ấy càng được hun đúc nuôi dưỡng sâu sắc và cô đậm hơn. Bao năm ngồi tù Chí đã có dịp nghiền ngẫm cân nhắc trước khi đi đến hành động đúng đắn. Cho nên hơn bao giờ hết, vừa rời khỏi nhà tù là Chí đã sôi sục một ý thức trả thù. Sự căm thù kẻ đã gây ra tội lỗi và đẩy mình vào con đường đau khổ đã dẫn đường Chí đến nhà cụ Bá dù là đang trong cơn say khướt.
Hành vi của Chí hoàn toàn liều lĩnh và mang tính bột phát. Hơn nữa dù gì trong sâu xa bản chất của Chí cũng chỉ là một nông dân thật thà đến mức gần như ngây thơ cho nên sự thất bại của Chí trong lần đối đầu đầu tiên là một chuyện rất hiển nhiên. Làm sao qua được kẻ khôn róc đời như Bá Kiến. Bá Kiến là kẻ tinh ma xảo quyệt, lắm mưu nhiều kế nên đối phó với Chí chẳng lấy gì là khó khăn. Chỉ thoáng nhìn qua là Bá Kiến đã hiểu được ý đồ của đối phương. Nên Chí mới thất bại ê chề, cay đắng trước những lời vuốt ve ngon ngọt, cộng thêm vài đồng bạc đã làm lóa mắt Chí. Từ một vị trí là người đi hỏi tội kẻ thù, chỉ thoắt cái, ván cờ đã lật ngược: kẻ có tội lại ung dung như một kẻ ra ơn còn người hỏi tội lại thành tay sai phục dịch cho kẻ thù mà không hay biết.
Lần thứ hai: cũng trong cái dáng điệu say mềm Chí ngật ngưỡng đến nhà Bá Kiến gặp hắn để xin được đi ở tù. Thật là một chuyện ngược đời. Thuở nay chưa thấy ai làm một chuyện phi lý đến mức như vậy, chắc chỉ có Chí Phèo… Tuy là nghịch lý đấy nhưng lại phản ánh đúng thực tại của Chí. Không có cơm ăn, áo mặc, một mảnh đất căm dùi cũng không. Cảnh ngộ bi đát của Chí cũng phần nào phản ánh đúng hiện trạng xã hội lúc bấy giờ. Đó là những người lầm đường lạc lối trót sa chân vào vũng bùn của tội lỗi thì không sao rút chân ra được. Chí bị tù đến khi được trả về cuộc sống đời thường thì lại không tìm được kế sinh nhai. Hay nói đúng hơn là không được tiếp nhận và vì thế là tiếp tục bị đẩy vào bước đường cùng. Hãy lắng nghe Chí nói với Bá Kiến: “bẩm quả đi ở tù sướng quá đi! Ở tù còn có cơm ăn, bây giờ về làng, về nước một thước đất cắm dùi không có…”
Sự thật như thế ư? Nhà tù là chốn dung thân ư? Trên câu chữ thì ta không thể nghĩ khác được. Nhưng nếu nghĩ sâu xa một chút, ta mới thấy ngỡ ngàng và đau xót. Nhà tù nuôi con người ư? Không, bảo nó nuôi dưỡng những con người bị tha hóa, những con quỹ như Chí Phèo thì đúng hơn. Nếu như ý nghĩa của nhà tù là để cảnh tỉnh, cải tạo con người, trả con người về với cuộc sống hoàn lương thì nhà tù ở đây lại thực hiện ngược lại. Nó biến những con người lương thiện trở thành loại người lưu manh, khốn nạn. Cũng như lần trước Chí lại thất bại trước cái khôn róc đời của cụ Bá. Chí bị gạt mà không hề nhận ra.
Âm mưu của Bá Kiến mới thâm độc làm sao. “dùng độc trị độc”, dùng Chí Phèo để trị đội Tảo. Cả Chí và đội Tảo đều là kẻ thù của hắn, nên vả chăng có xảy ra xô xát, ai được ai mất cụ Bá nhà ta đều có lợi, vừa thỏa mãn được ý định trả thù, vừa không phải mang tiếng là kẻ thù nhỏ nhen đê tiện.
Lần thứ ba: cũng là lần chót Chí đến gặp Bá Kiến. Cũng với dáng dấp của một thằng say rượu nhưng lần này Chí mang trong mình một tâm trạng, một ý định khác hẳn với những lần trước. Bởi vì Chí Phèo sau khi bị Thị Nở cự tuyệt tình cảm của mình, Chí hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng. Chí chỉ ước ao trở lại làm anh dân cày bình thường với mối tình Thị Nở – Một người đàn bà không thể có người khác xấu hơn. Vậy mà không được. Cuộc đời hoàn lương của Chí bị xã hội quay lưng. Cánh cổng cuộc đời khép lại trước mặt Chí, đã chặn đứng đường trở về của Chí, đã cự tuyệt quyền làm người của một con người. Cuộc đời tàn nhẫn chối bỏ Chí. Vĩnh viễn Chí không tìm thấy hạnh phúc ở cuộc đời này. Bản chất người vừa phục thiện trỗi dậy lại bị đè bẹp không thương tiếc. Có thể nói đây là những giờ phút tỉnh táo nhất trong quảng đời say khướt của Chí. Những phút mà ý thức phản kháng trỗi dậy. Đi gần hết cuộc đời, cho đến lúc này Chí mới phát hiện, mới nhận ra chân lý cuộc sống. Dù là muộn màng nhưng với Chí sự khám phá ấy quý giá biết bao. Và Chí quyết giữ chặt lấy nó không để nó tuột khỏi tầm tay dù là phải trả một giá rất đắt.
Chí như vừa thức dậy sau một giấc ngủ dài. Một sự chuyển biến rất lớn đang diễn ra trong tâm hồn của Chí. Ấy là sự trỗi dậy của tính người, tính lương thiện. Chí đã nhận ra chân tướng kẻ thù. Kẻ ấy là Bá Kiến chứ không ai khác, cho nên lẽ ra phải đến nhà Thị Nở thì tiềm thức sâu xa đã dẫn Chí đến nhà Bá Kiến “ Một tính cách thật độc đáo, vừa là một gã mất trí, một công cụ trong tay bọn thống trị, vừa là người nô lệ thức tỉnh.Một đầu óc sáng suốt nhất của làng Vũ Đại khi đặt ra những câu hỏi có ý nghĩa khát quát sâu sắc, vượt ra ngoài tầm khôn ngoan lọc lỏi của Bá Kiến: “ Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?”. “Một nhân vật như thế chỉ có thể là của Nam Cao”( Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh-Chân dung văn học).
Trong lần đối đầu sau cuối này, Chí hoàn toàn lột xác. Sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng đến mức Bá Kiến không ngờ được. Chính vì không nắm bắt được đối phương, lại “chủ quan khinh địch” nên Bá Kiến đã thất bại thảm hại. Hắn đã phải trả một giá rất đắt cho hành vi tội lỗi của chính hắn. Với dáng dấp hiên ngang ngạo nghễ, Chí chỉ tay vào mặt Bá Kiến mà ra lời dõng dạc: “Tao muốn làm người lượng thiện”. Tư thế ấy ta chưa từng bắt gặp ở Chí. Trước đây hắn chỉ biết cúi đầu lế phép “một điều bẩm cụ, hai điều lạy cụ”. Đó là sự chuyển biến và sự khẳng định mình của Chí.
Ngôn ngữ của Chí càng lúc càng đậm màu sắc triết lý: “Ai cho tao lương thiện? Tao không thể là người lương thiện”. Lời cuối cùng được thốt lên với tất cả niềm cay đắng xót xa. Chí đã bị đẩy đến bước đường cùng. Cánh cửa cuộc đời vừa mới hé mở cho Chí thì đã bị đóng sầm lại. Chí đau đớn tuyệt vọng. Không còn lối thoát, không còn cách nào khác là kết án kẻ thù, giết chết Bá Kiến, sau đó anh tự sát.
Anh không muốn sống nữa, vì giờ đây ý thức về nhân phẩm đã trở về, anh không thể sống kiểu lưu manh, không thể sống như thú vật nữa. Bởi vì lòng thương người của Thị Nở, chỉ một chút thôi đã đủ kéo Chí trở về cuộc sống làm người. “Anh đã bâng khuâng mơ hồ buồn”. Anh đã nghe được âm thanh của cuộc đời: bên ngoài là tiếng chim hót vui vẻ, tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá, tiếng cười nói của những người đàn bà đi chợ về… Những âm thanh bình thường quen thuộc ấy bỗng trở thành tiếng gọi của sự sống đã lay động sâu xa tâm hồn Chí Phèo. Cuộc gặp gỡ Thị Nở lóe sáng như một tia chớp trong cuộc đời tối tăm mịt mù của anh. Anh bỗng nhận ra tất cả tình trạng bi đát của số phận mình. Anh bỗng thấy “Thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Tức là anh vô cùng khao khát được mọi người nhận anh trở lại “vào cái xã hội bằng phẳng, thân thiện của những người lương thiện. Tình yêu của Thị Nở mở đường trở lại làm người. Nhưng con đường đó vừa được hé mở thì đã bị đóng sầm lại. Bà cô của Thị Nở không cho phép cháu bà” đi lấy một thằng (…) chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ” . Nhưng trách gì bà ta! Cách nhìn của bà ta cũng chính là cách nhìn của mọi người làng Vũ Đại lâu nay đối với Chí Phèo. Tất cả quen coi anh là “quỹ dữ”mất rồi. Hôm nay linh hồn anh trở về nhưng không ai nhận ra. Thế là Chí Phèo thật sự rơi vào bi kịch đau đớn khi hiểu ra rằng xã hội đã cự tuyệt mình. Vậy thì anh phải chết! Anh đã chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc đời, khi cánh cửa đời phũ phàng đóng chặt trước mặt anh. Chí Phèo chết quằn quại trên vũng máu tươi của mình, chết trong niềm uất hận và đau thương lớn lao. Vì niềm khao khát mãnh liệt, thiêng liêng của anh là được sống làm người không thực hiện được. Chí Phèo khổ quá, cô đơn quá! Khi chết mọi người chỉ đứng nhìn, kể cả người vợ đã từng chung sống năm ngày cùng chỉ đứng nhìn mà thôi. Tình người đâu? Làm thế nào để con người sống được cuộc sống con người, trong cái xã hội ngột ngạt, vùi dập nhân tính ấy. Qua hình tượng Chí Phèo ngòi bút nhân đạo Nam Cao đã đặt ra câu hỏi lớn ấy. Đó là một vấn đề có ý nghĩa xã hội, ý nghĩa triết học có tầm vóc lớn lao được đặt ra bằng một tài năng xuất sắc bậc thầy khiến cho “Chí Phèo” thuộc vào một trong những tác phẩm hay nhất, có giá trị nhất của văn học thế kỷ này.
Tác phẩm “Chí Phèo” đã để lại trong lòng người bao trăn trở, bao suy tư ray rứt. Truyện đã phác họa thành công bức tranh về đời sống ở nông thôn Việt Nam thời kỳ 1930-1945. Nó đã trình bày sự mâu thuẫn và xung đột gay gắt giữa bọn cường hào ác bá và những người nông dân nghèo hèn rách rưới bị đẩy vào con đường tội lỗi mà tiêu biểu là NỖI ĐAU CỦA CHÍ PHÈO. Những mâu thuẫn nội tại ấy đã cho thấy sự xấu xa thối nát của xã hội đương thời. Hơn bao giờ hết, bức tranh nông thôn Việt Nam hiện ra mới xơ xác tiêu điều làm sao! Nó đầy rẫy những bọn người hèn hạ đốn mạt ( Bá Kiến, Bà Ba, đội Tảo…) cũng như những tệ nạn xã hội: rượu chè, cờ bạc , trộm cướp…có thời cơ phát triển. Một xã hội không chỉ có sự bần cùng hóa mà còn có cả sự lưu manh hóa. Về điểm này tác giả xây dựng rất thành công chân dung của một người nông dân mới: Chí Phèo.
Hình ảnh Chí trở thành một điển hình văn học. Một kiểu mẫu của loại người bị tha hóa về mặt nhân cách, vừa sống động vừa độc đáo mới mẻ. Cũng qua đó bật lên tiếng lòng nhân đạo cao cả. Một sự cảm thông, một thái độ trân trọng sâu sắc đối với số phận của người nông dân cùng bị xã hội chà đạp, ruồng rẫy, chối bỏ thậm chí tước bỏ cả quyền làm người. Những kẻ mà xã hội cho là cực kỳ xấu xa ấy, dưới con mắt yêu thương của tác giả vẫn còn một chút gì là tình người. Tình người và sự phản kháng muốn chống lại xã hội, muốn bứt ra khỏi cái xã hội vô nhân đạo, không có một chút tình người. Toát lên từ tác phẩm là niềm khát khao hạnh phúc, khát khao quyền làm người. Đặc biệt là tiếng kêu trước lúc giãy chết của Chí Phèo. Đó là tiếng kêu cứu của một con người. Một số phận bị vùi dập “Ai cho tao lương thiện? Tao muốn làm người lương thiện”. Tiếng kêu mới đau đớn và tha thiết làm sao! Nó cứ xoáy vào lòng người. Nó làm ta băn khoăn, ray rứt không nguôi. Nó kêu gọi hay nói đúng hơn là nó đặt ra một vấn đề cấp thiết. Một vấn đề chung không của riêng ai: ấy là “ số phận con người”. Nó kêu gọi tình người, kêu gọi sự quan tâm đến những kẻ bất hạnh. Kêu cứu vấn đề nhân phẩm con người đang trên đường bị hủy hoại. Nó đặt ra nhiệm vụ nóng bỏng của thời đại là hãy cứu lấy nhân phẩm, hãy bảo vệ quyền làm người của một con người.
Tác phẩm có giá trị tố cáo xã hôi vô nhân đạo. Con người không thể nào sống nổi với nó. Cùng quẫn, bế tắc cảnh ao tù nước đọng. Chí Phèo này chết đi, có Chí Phèo con ra đời thay thế. Chi tiết cuối cùng của tác phẩm miêu tả Thị Nở “ Thị thoáng thấy hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, vắng người qua lại”. Phải chăng tác giả kín đáo báo hiệu một Chí Phèo con sắp sửa ra đời. Có người cho rằng đó là kết thúc bi quan. Tại sao không nghĩ rằng, Nam Cao đang kêu gọi chúng ta hãy cứu lấy những đứa con của Chí Phèo. Hãy đập nát lò gạch cũ để con người sống với nhau trong sáng hơn, cao đẹp hơn!
Viết về nỗi đau đó thật vô cùng ý nghĩa cho cả hôm qua, hôm nay và mai sau, tùy cấp độ khác nhau nhưng nỗi đau vẫn còn. Tác phẩm của Nam cao vì thế vẫn còn rất mới và mãi mãi trường tồn với thời gian.