HĐ2
Quan sát biển báo trong hình bên,
Khoa nói: “Đây là biển báo đường dành cho người đi bộ”.
An không đồng ý với ý kiến của Khoa.
Hãy phát biểu ý kiến của An dưới dạng một mệnh đề.
Phương pháp giải:
+ Mệnh đề là phát biểu có tính đúng sai.
+ Để nêu ý kiến trái ngược (dưới dạng một mệnh đề), ta có thể thêm “Không phải” vào vị trí phù hợp trong mệnh đề ban đầu.
Lời giải chi tiết:
Chẳng hạn, An nói “Đây không phải là biển báo đường dành cho người đi bộ”.
Luyện tập 2
Phát biểu mệnh đề phủ định của mỗi mệnh đề sau và xác định tính đúng sai của mệnh đề phủ định đó.
P: “2 022 chia hết cho 5”
Q: “Bất phương trình 2x + 1 > 0 có nghiệm”.
Phương pháp giải:
Để phủ định một mệnh đề P, ta thường thêm (hoặc bớt) từ không hoặc không phải vào trước vị ngữ của mệnh đề P. (Kí hiệu ¯P là mệnh đề phủ định của mệnh đề P.)
Lời giải chi tiết:
Mệnh đề phủ định của mệnh đề P là ¯P: “2 022 không chia hết cho 5”
Mệnh đề ¯P đúng.
Mệnh đề phủ định của mệnh đề Q là ¯Q: “Bất phương trình 2x+1>0 vô nghiệm”.
Mệnh đề ¯Q sai vì bất phương trình 2x+1>0 có nghiệm, chẳng hạn: x=0;x=1.
Vận dụng
Cho mệnh đề Q: “Châu Á là châu lục có diện tích lớn nhất trên thế giới”. Phát biểu mệnh đề phủ định ¯Q và xác định tính đúng sai của hai mệnh đề Q và ¯Q.
Phương pháp giải:
Bước 1: Phát biểu mệnh đề phủ định ¯Q : thêm (hoặc bớt) từ không hoặc không phải vào trước vị ngữ của mệnh đề Q.
Bước 2: Xét tính đúng sai của mệnh đề Q.
Bước 3: Suy ra tính đúng sai của mệnh đề ¯Q. (Nếu Q đúng thì ¯Q sai, còn nếu Q sai thì ¯Q đúng.)
Lời giải chi tiết:
Q: “Châu Á là châu lục có diện tích lớn nhất trên thế giới”.
Mệnh đề phủ định của Q là ¯Q: “Châu Á không phải là châu lục có diện tích lớn nhất trên thế giới”.
Vì Q là mệnh đề đúng nên ¯Q là mệnh đề sai.