Phú là thể loại văn học tiếp thu của văn học Trung Quốc từ đời Trần và được vận dụng liên tục qua các đời Lê, Mạc, Lê, Nguyễn cho đến thời cận đại.
Đây là thể tài xuất hiện tương đối muộn mà sớm thành công. Phú là một thể văn vần, có cấu trúc về câu rất phức tạp (câu, vế ngắn, dài), lại có lối diễn đạt giống lối diễn đạt của văn xuôi. Nói khác đi, phú là một thể văn vần lai văn xuôi. Nguyên thể phú đã có từ lâu trong văn chương Trung Quốc. Đời Đường, thế kỷ 7, 8, 9, đã có nhiều tác giả nổi danh, đặc biệt là Tô Đông Pha với Tiền Xích Bích phú và Hậu Xích Bích phú.
Ba góc bờ tre văng vẳng
Những bài phú của Việt Nam có vần, có đối, câu ngắn, câu dài làm theo thể văn biền ngẫu. Phú làm theo kiểu thơ Ly tao, có đệm chữ “Hề” (chừ) ở giữa câu. Ví dụ: “Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương, chiều lần thăm" chừ Vũ Huyệt” (Bạch Đằng giang phú). Phú biền ngẫu sử dụng câu văn tứ lục chỉnh tề, đối nhau từng đôi một. Ví dụ:
“Ba góc bờ tre văng vẳng, huyệt kim quy chênh hẻm đá gang ghềnh
Một chòm bãi cỏ phơi phới, hang anh vũ thấu lòng sông huếch hoác”
(Ngã ba Hạc phú)
Phú luật thì hạn vần, trong bài phú mỗi đoạn làm theo một vần nhất định đã ra trong đề bài, dùng để đi thi.
Phú văn xuôi tuy sử dụng hình thức văn xuôi nhưng vẫn có câu tứ lục.
Về nội dung, phú ban đầu thuộc loại hình tụng ca, được sáng tác để ca ngợi sự nghiệp đế vượng, thiên nhiên, phong cảnh. Phú là thể loại văn học dùng để miêu tả, phô diễn, trình bày, giãi bày tất cả cảnh vật, tâm trạng của con người. Một sáng tác viết theo thể phú có khả năng miêu tả tường tận, bao quát chính xác các sự vật. Thể phú thường dùng để nói những cái tươi tốt, đẹp đẽ. Đề tài trong thể phú rất đa dạng, thịnh hành ở nhà Hán. Theo nhà mĩ học Trung Quốc Lý Trạch Hậu, ở Trung Quốc đề tài của phú là sơn thuỷ, cây rừng, chim thú, thành thị, cung khuyết, mĩ nữ, y phục bách nghệ. Ớ Việt Nam, Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi ngợi ca hoa sen giếng ngọc; Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu ngợi ca sự nghiệp giữ nước anh hùng; Chí Linh sơn phú của Nguyễn Trãi ca ngợi sự nghiệp của Lê Lợi; Phụng thành xuân sắc phú của Nguyễn Giản Thanh ca ngợi cuộc sống thịnh vượng. Phú của nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát biểu hiện chí khí con người, ...
Về hình tượng, phú cổ thường dùng hai nhân vật “khách - chủ” vần đáp, hoặc dùng hình tượng ẩn dụ, lấy cái này để nói cái kia. Ví dụ bài Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi lấy việc ca ngợi hoa sen giếng ngọc để tự khẳng định giá trị của mình trước nhà vua. Bài Phú con ngựa lá của Nguyễn Phi Khanh và Đoàn Xuân Lôi dùng hình ảnh con ngựa lá để ca ngợi sự nghiệp của nhà vua. Hình tượng xa xưa của phú ở Trung Quốc thường mang tính chất “ẩn ngữ”, tức là bóng giá, mượn cái này để nói cái kia. Nhưng từ Bạch Đằng giang phú, Ngã ba Hạc phú, Hàn nho phong vị phú, Tài tử đa cùng phú,... thì phú còn mang tính chất miêu tả trực tiếp sự vật, đối tượng thực tế.
Một chòm bãi cỏ phơi phới
Về thủ pháp nghệ thuật, nét đặc trưng của phú là miêu tả sự vật rất nhiều chi tiết, nhìn sự vật từ nhiều góc độ. Bài phú đem lại một sự nhìn ngắm đối tượng rất gần và ngồn ngộn chi tiết. Ví dụ cảnh nghèo trong “Hàn nho phong vị phú”:
Kìa ai, bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ
Đầu kèo mọt toạc vẽ sao, trước cửa nhện giăng màn gió
Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng
ống nứa đựng đầu kề đầu đỗ
Đầu giường tre mối dũi quanh co
Góc tường đất giun đùn lố nhố
Bóng nắng rọi trứng gà bèn vách, thằng bé tri trô
Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó
Trọng cũi lợn nằm gặm máng, đói chẳng muốn kêu
Đầu gian chuột chạy khua niêu, buồn thôi lại bỏ.
Một thủ pháp cũng tiêu biểu không kém, đó là sự cường điệu, phóng đại trong đánh giá. Ví dụ cách khen và khoe hoa sen trong giếng ngọc đồng thời chê các thứ hao khác của Mạc Đĩnh Chi:
Ta có giống lạ trong ống áo này
Chẳng phải như đào trần, lý tục, chẳng phải như trúc lánh mai gầy
Câu kỉ phòng tăng khó sánh
Mẫu đơn đất Lạp nào bì;
Giậu Đào lệnh cúc đâu ví được, vườn Linh quân lan sá kể gì!
Ấy giống sen giếng Ngọc trên đỉnh núi Thái Hoa đây.
Phú có nghĩa là phô bày. Với các đặc điểm phô, khen, khoe, giàu chi tiết, nhưng lại có ẩn ý kết hợp với lối văn Li tao, van biền ngẫu làm cho phú đọc rất thú vị. Phú là thể loại có nhiều gò bó. Nó đòi hỏi sự tài hoa trong cảm nhận, sự giàu có về từ ngữ mới tránh được sự trùng lặp, gò gẫm và đạt được cái hay tự nhiên.
Phú có hai loại: cổ thể và cận thể. Phú cận thể thì quy tắc chặt chẽ, nghiêm ngặt. Phú cổ thể thì phóng khoáng hơn, thể hiện sự sáng tạo của người viết.