Giới thiệu với du khách về một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Giang hay nhất (2 mẫu)

Giới thiệu với du khách về một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Giang 1

Nép mình giữa cao nguyên đá Hà Giang, thung lũng Sủng Là mang nét đẹp nên thơ và bình yên. Một lần được đặt chân tới, khám phá một Sủng Là đẹp đến ngất ngây người, chẳng thua kém gì chốn thần tiên quả là một trải nghiệm khó quên trong chuyến du lịch về chốn "ốc đảo" này.

Thung lũng Sủng Là là xã đẹp nhất của Hà Giang, được ví như "ốc đảo" nằm yên bình giữa lòng cao nguyên đá. Sủng Là gây ấn tượng đặc sắc với du khách với những nét văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc nơi đây.

Ở Sủng Là có làng Lũng Cẩm, nơi sinh sống hơn 60 hộ gia đình của các dân tộc như người Hán, người Mông, người Lô Lô… Du khách tới đây được tận mắt chứng kiến những nét đẹp vẫn còn nguyên vẹn trong đời sống của các đồng bào như dệt lanh, đèo gùi đi lấy rau, địu con…

Để đến được Sủng Là, du khách xuất phát tại Hà Nội, đón xe khách lên Hà Giang. Sau khi đã tới nơi, bạn có thể thuê xe máy vi vu mọi góc ngách ở Sủng Là. Còn nếu bạn là người ưa phượt, thích mạo hiểm, muốn khám phá những cung đường đèo ngoạn mục, thì có thể leo lên “chiếc ngựa sắt” để ngao du quả là một ý tưởng không chê vào đâu được.

Vào mỗi mùa trong năm, thung lũng Sủng Là tựa như bức tranh thiên nhiên đa màu sắc. Trong đó, mùa xuân được xem là thời điểm đẹp nhất ở ốc đảo này, hoa nở muôn nơi mang tới một khung cảnh trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết. Cũng có lẽ vì điều này mà nhiều người mến tặng cho Sủng Là một tên gọi thật trìu mến, đó là “đoá hoa hồng” trên cao nguyên đá.

Nghe tới đây, mọi người có vẻ nghĩ đã quá cường điệu bởi Sủng Là chỉ toàn là đá nhọn hoắt, lởm chởm, chĩa ngược lên trời xanh. Nhưng sự thật, đằng sau sự hiểm trở của núi rừng Tây Bắc ấy, sự khắc nghiệt về địa hình đã làm cho người dân nơi đây phải “gồng” mình chống chọi lại. Người dân biến núi non thành hoa, lúa, ngô… phục vụ cuộc sống thường ngày, tới đây quả là khâm phục đức tính của người dân vùng cao, chịu khó vô cùng.

Đến với Sủng Là, bạn được lạc lối vào khung cảnh đầy sắc màu tựa như chốn cổ tích thần tiên. Những tấm khăn đầy màu sắc sặc sỡ được khoác trên người của đồng bào dân tộc Lô Lô, H’mông, Dao… Du khách còn cảm nhận sự dung dị, chân phương đầy chân tình của đồng bào đối đãi với những kẽ lữ hành đầy yêu thương.

Đến với Sủng Là vào dịp cuối tuần, bạn được hoà mình vào không gian chợ phiên. Trước khung cảnh đất trời mênh mang, bạn sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước quang cảnh những người Mông bản địa dắt ngựa thồ hàng trên những dải đá tai mèo. Hay thấp thoáng đâu đó nghe tiếng khèn của các chàng trai Mông say sưa gọi bạn tình. Những cô gái bản địa sặc sỡ trong trang phục đầy những hoạt tiết trang trí. Khung cảnh này làm cho kẽ lữ hành muốn hoà nhập ngay lập tức để trải nghiệm những điều thú vị đầy hấp dẫn.

Mặc dù nằm cheo leo trên những triền núi cao, mây xanh phủ quanh núi, cảnh sắc ở Sủng Là làm cho người ta thật sự mơ mộng. Hãy đến một lần để cảm nhận hết vẻ đẹp bình yên, nên thơ đầy màu sắc nơi núi rừng Tây Bắc để ta thêm yêu những điều giản dị nhất của cuộc sống.

Cho dù đời sống người dân ở thung lũng Sủng Là vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng lúc nào họ cũng nở nụ cười trên môi. Một lần được đặt chân tới đây, con người ta sẽ cảm nhận sự thư giãn, cảnh vật thật thanh bình và yên ả. Trong chuyến hành trình của mình, sao bạn không thử trải nghiệm mảnh đất đầy điều thú vị này, đang sẵn sàng dang tay chào đón bạn bất cứ lúc nào.

Giới thiệu với du khách về một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Hà Giang 2

Với những nét đặc trưng vốn có, với vẻ đẹp trong nền văn hóa truyền thống đa sắc màu, phố cổ Đồng Văn đã tạo nên điểm nhấn ấn tượng và độc đáo trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.

Phố cổ Đồng Văn nằm ở thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Khu vực trung tâm thị trấn Đồng Văn xưa thuộc tổng Đông Quan, châu Nguyên Bình, phủ Tường Vân, tỉnh Tuyên Quang và có lịch sử phát triển về kiến trúc, văn hóa hàng trăm năm. Khi mới hình thành, đầu thế kỉ 20, khu phố cổ này chỉ gồm vài gia đình người Mông, Tày, Hoa sinh sống. Khi vào đây chiếm đóng, người Pháp đã có những quy hoạch và để lại những điểm nhấn quan trọng về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt là chợ Đồng Văn, xây bằng đá trong những năm 1920 gần như còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc, khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau. Những ngôi nhà cổ này đều có tuổi đời trên dưới 100 năm, cá biệt có những ngôi nhà gần 200 năm.. Phố cổ và chợ cổ Đồng văn mang đậm nét đặc trưng với tường nhà rất dày bằng đá, hàng cột lớn, nhà xây một hoặc hai tầng mái lợp ngói trên những kết cấu vì kèo bằng gỗ chắc chắn. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao xua đi cái lạnh buốt khắc nghiệt của Cao nguyên đá.

Bức tranh về khu phố cố được thể hiện trên nhiều gam màu, thay đổi theo từng cung bậc thời gian trong một ngày. Buổi sáng, bức tranh độc đáo ấy được pha trộn tài tình bởi hai tông màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ. Không gian im lìm trong sương sớm như được đánh thức bởi ánh sáng, âm thanh náo nhiệt và những sắc màu rực rỡ trong trang phục của đồng bào người Mông, Hoa, Ráy, Tày, Nùng…

Khi trời đất ngả chiều, sự yên bình cố hữu lại bao trùm khu phố cổ giữa lòng Cao nguyên đá. Đêm đến ánh đèn dầu từ mỗi chiếc bàn chỉ đủ soi lờ mờ. Trong không gian ấy đôi khi có tiếng kèn môi của chàng trai Mông trong giai điệu gọi bạn tình. Vào đêm cuối tuần, quán cà phê phố cổ lại rộn ràng với những chàng trai, cô gái từ các bản được chủ quán mời về hát những bài dân ca, thể hiện những điệu múa giao duyên.

Từ trên cao nhìn xuống, bên hai dãy phố cổ chạy vào chân núi là ba dãy chợ xếp thành hình chữ U lợp ngói âm dương. Kiến trúc ở đây phổ biến là nhà hai tầng trình tường, lợp ngói âm dương .Trước đây, người dân phố cổ (chỉ khoảng 40 hộ) đều buôn bán ở đây. Chợ phiên Đồng văn họp vào các Chủ Nhật hàng tuần. Vì vậy mà cứ các tối thứ 7 trước phiên chợ, từng đôi trai gái người Mông, Dao, Giấy... lại đưa nhau về đây dạo chơi, thổi khèn uống rượu và hát múa; vào mùa đông khí hậu khắc nghiệt, từng nhóm thanh niên đốt lửa và quây quần bến đống lửa.

Từ năm 2006, huyện Đồng Văn đã tổ chức "Đêm phố cổ" vào các ngày 14, 15, 16 âm lịch hàng tháng. Trong "Đêm phố cổ" các hộ dân trong khu phố cổ đồng loạt treo đèn lồng đỏ; đồng thời tổ chức một số hoạt động mang đậm bản sắc khác như trưng bày thổ cẩm các dân tộc, trình diễn và bày bán các món ăn truyền thống của các dân tộc với kỳ vọng thu hút khách du lịch giống như cách người Hội An đã làm.

Hiện nay những ngôi nhà ở khu phố cổ đã cũ nát, xuống cấp, nhiều nhà mới với lối kiến trúc nhà ống mọc lên phá vỡ nghiêm trọng lối kiến trúc cổ. Du lịch tại thị trấn Đồng Văn vẫn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống, chưa bị thương mại hóa. Vấn đề đặt ra trước mắt cho chính quyền địa phương là phải bảo tồn khu phố cổ vốn rất dễ bị tổn thương, trên cơ sở phát huy các hoạt động mang bản sắc truyền thống.