Dàn ý cảm nghĩ bài thơ Cáo bệnh, bảo mọi người
I/ MỞ BÀI
Cáo tật thị chúng (Cáo bệnh bảo mọi người) là bài kệ duy nhất còn lại của thiền sư Mãn Giác. Theo Thiền uyển tập anh, ngày 30 tháng 11 âm lịch năm 1096, thiền sư Mãn Giác cáo bệnh và làm bài kệ này.
II/ THÂN BÀI
A- QUY LUẬT BIẾN ĐỔI CỦA THIÊN NHIÊN
- Xuân qua trăm hoa rụng - Xuân đến trăm hoa nở diễn tả quy luật biến đổi của thiên nhiên: cây cối biến đổi theo thời tiết. Thông thường mùa xuân đến thì hoa nở, mùa xuân đí thì hoa rụng. Nhưng bài thơ nói hoa rụng trước rồi hoa nở sau, hàm ý nói về sự tuần hoàn của tự nhiên trong cái nhìn lạc quan của tác giả.
- Hình ảnh xuân và hoa tượng trưng cho thời tiết và cây cối, là cái phần đẹp đẽ, ấm áp, tràn đầy sức sống nhất của thời tiết và cây cối. Trăm hoa rụng, trăm hoa tươi: chữ trăm nói tới quy luật tuần hoàn của tự nhiên, không có ngoại lệ.
B- QUY LUẬT BIẾN ĐỔI CỦA ĐỜI NGƯỜI
- Việc đuổi theo nhau qua trước mắt — Cái già hiện tới trên mái đầu diễn tả quy luật biên đổi của đời người. Thời gian trôi qua, con người phải già đi. Mái đầu bạc tượng trưng cho tuổi già là biểu hiện rõ nhất sự biến đổi của con người trước thời gian.
- Tuy nhiên, con người không luân hồi như cây cối. Tuy không nói ra nhưng bài thơ ngầm nêu ra một vấn đề lớn của con người: cái già, cái chết sẽ đến.
C- HÌNH ẢNH "MỘT CÀNH MAI"
- Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua trước sân một cành mai cho thấy điều khác thường ở đây là sự xuất hiện bất ngờ của một cành hoa mai giữa cảnh muôn loài hoa lạc tận khi mùa xuân sắp qua. Hoa mai thường nở vào cuối đông và đầu xuân. Đến cuối xuân là không còn hoa mai nữa, thế mà nhà sư lại thấy hoa mai.
- Cành mai trong bài thơ mang ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sức sống mãnh liệt của vạn vật và con người, vượt lên trên sự sống chết, bất chấp mọi biến đổi của thời gian và thời tiết. Ở đây là một cành mai khác, nằm ngoài quy luật của nở, tàn, sống chết. Cành mai tượng trưng cho quy luật tất yếu khác của sự sống, đó là quy luật về sự bất biến. Cành hoa mai (Ở đây là biểu hiện của tính bất biến trong tinh thần nhà thơ.
III/ KẾT BÀI
- Tác giả là bậc tu hành giác ngộ lẽ đạo, có thổ vượt khỏi vòng luân hồi của pháp tướng, của thế giới hữu tình, khác nào như nhành mai kì diệu kia vẫn cứ nở trong khi muôn hoa rụng hết vào buổi xuân tàn.
- Có thể lời thơ như là một "biểu hiện của sự nhạy cảm đối với sức sống dồi dào luôn luôn khắc phục hoàn cảnh để mà vươn lên..." (Đinh Gia Khánh)