Nghị luận vấn đề gian lận trong học tập hiện nay 1
Ngày nay, vấn đề học tập của học sinh rất quan trọng và cần được quan tâm bởi nó chính là nền tảng của một đất nước phát triển. Nhưng thực trạng học tập của nước ta hiện nay là chất lượng dạy và học của học sinh có chiều hướng giảm sút rất nhiều, một trong những nguyên nhân đó là thái độ thiếu trung thực trong thi cử, gian lận, quay cóp dẫn đến học giả, thi giả.
Vậy thế nào là thiếu trung thực? Thiếu trung thực là làm không đúng, là không ngay thẳng, thật thà đối với một vấn đề được giao. Thiếu trung thực trong học tập chính là sự gian lận, coi trọng điểm mà bỏ quên kiến thức thực.
Nhưng nguyên nhân nào dẫn tới việc học sinh lại thiếu trung thực trong học tập? Nguyên nhân chủ yếu ở đây chính là ý thức của mỗi học sinh. Nhiều học sinh lười học quá chú trọng về hình thức bên ngoài nên dẫn đến việc học kém, học yếu nhưng khi kiểm tra lại muốn được điểm cao thì bắt buộc phải quay cóp. Tuy nhiên, cũng có trường hợp học sinh có kiến thức nhưng đến lúc thi cử, kiểm tra do mất bình tĩnh, thiếu tự tin vào bản thân luôn nghĩ rằng mình không làm được bài nên đành nhờ sự “trợ giúp” của sách vở hay bè bạn xung quanh.
Chúng ta cũng không thể phủ nhận những nguyên nhân khách quan đã dẫn tới việc học sinh phải gian dối. Một trong những nguyên nhân khách quan ở đây chính là áp lực mà bố mẹ gây ra cho con mình. Đa số học sinh hiện nay đều phải đi học thêm, không những phải học toán, học văn, học tiếng Anh... mà còn phải học những môn nghệ thuật như nhạc, họa,... khiến học sinh không đủ thời gian để làm bài trên lớp, học thuộc bài dẫn đến việc học đối phó. Chính áp lực mà bố mẹ tạo ra đã khiến nhiều học sinh phải oằn mình ra gánh lấy ước muốn lớn lao của cha mẹ mặc dù không phải ai cũng “thông minh vốn sẵn tính trời”. Ngoài ra một số người lại ưa thành tích, ép chỉ tiêu, ép số lượng khiến học giả, thi giả nên đành phải thiếu trung thực để được số lượng như mong muốn.
Nhưng việc học đối phó, thiếu trung thực của học sinh ngày càng tràn lan, một phần cũng do nền giáo dục nước nhà còn lạc hậu, học thì nhiều mà thực hành thì ít. Chương trình học hiện nay quá nặng, không những đối với học sinh mà đối với cả các giáo viên. Do lượng kiến thức trong một bài giảng quá nhiều mà thời gian giảng dạy bốn mươi lăm phút là quá ít đối với một giáo viên để có thể truyền tải được hết kiến thức, điều đó khiến cho nhiều học sinh không thể tiếp thu hết kiến thức nên dần dần những kiến thức mà học trò nhận được rất mơ hồ, không rõ. Vì vậy mà học sinh phải học đối phó, việc mở sách, quay cóp bài dường như đã trở thành “sở thích” của một số trò. Kiến thức nặng và nhiều là một phần nhưng bệnh thành tích của ngành Giáo dục và của một số giáo viên cũng là nguyên nhân dẫn tới việc học sinh học không thực chất. Có lẽ thực trạng học sinh giỏi “ảo” cũng xuất phát từ “căn bệnh thành tích” này.
Việc học sinh học không trung thực là vấn đề rất nguy hiểm, nó gây ra những tác hại khôn lường. Học sinh sẽ không có kiến thức khi bước vào đời. Hơn nữa việc học đối phó sẽ ảnh hưởng tới sự trung thực của con người, học sinh sẽ dần đánh mất những nhân cách tốt. Cách học không trung thực này sẽ dẫn tới những tệ nạn xã hội như hiện nay là: “ngồi nhầm lớp”, “bằng cấp giả”... nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, về lâu dài sẽ làm suy thoái nền giáo dục nước nhà.
Chính vì vậy chúng ta cần đề ra những biện pháp khắc phục cụ thể. Học sinh chúng ta cần phải thay đổi từ ngày hôm nay, phải biết học cho mình và cần chủ động tìm hiểu, tiếp thu kiến thức. Giáo viên cũng cần nghiêm túc hơn trong các giờ kiểm tra, coi thi. Ngành giáo dục cũng nên giảm tải chương trình học cho học sinh và nên tích cực tạo điều kiện cho học sinh học đi đôi với hành. Cũng như ở nước ngoài, nhiều nước như Anh, Pháp, Mĩ,... rất chú trọng tới việc cho học sinh thực hành và tiếp xúc với xã hội bên ngoài, điều đó không những hỗ trợ việc học cho các em mà còn giúp các em trưởng thành hơn trong cuộc sống. Ngoài ra cần phải lên án, cương quyết xóa bỏ “bệnh thành tích” bởi giáo dục góp phần xây dựng nên nhân cách con người mà ngành giáo dục lại nhiễm phải căn bệnh trầm trọng này thì tất yếu họ sẽ tạo ra những con người, thậm chí là cả một thê' hệ sẽ bị nhiễm “bệnh thành tích”. Như vậy quả là một gánh nặng cho xã hội.
Học sinh chúng ta hãy có ý thức phấn đấu bằng chính khả năng và thực lực của mình. Chỉ khi học sinh nào có ý thức trung thực trong học tập và thi cử thì mới trở nên tốt đẹp hơn, văn minh hơn.
Nghị luận vấn đề gian lận trong học tập hiện nay 2
Một trong những tiêu cực của ngành giáo dục đó chính là gian lận trong thi cử. Đây là tình trạng xuất hiện đã từ lâu nhưng hiện nay, nó càng ngày càng trở lên phổ biến với mức độ và tính chất nghiêm trọng hơn.
Gian lận trong thi cử là chỉ những hành vi khuất tất, những việc làm sai trái, tiểu xảo nhằm sao chép, lấy đáp án của bài thi. Những bạn học sinh không học bài, những bạn học tủ nhưng không trúng, những bạn không làm được bài thường là những đối tượng hay gian lận trong thi cử. Hiện tượng gian lận thực ra đã có từ lâu nhưng hiện nay nó càng ngày càng trở nên tinh vi, khôn khéo. Trong giờ kiểm tra, các bạn thường xuyên chép bài của người khác, mở phao, dùng điện thoại tra cứu, hỏi người khác… Hết chép bài trong sách, trong tài liệu, các bạn thậm chí còn vơ cả bài của người bên cạnh để nhìn. Trong những giờ thi, các bạn chuẩn bị vô số những mánh khóe để giấu tài liệu và làm mọi cách để có thể chép bài. Việc gian lận đang ngày một trở nên phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trong thời đại công nghệ hiện đại ngày nay, nhiều bạn thậm chí còn sử dụng các thiết bị công nghệ cao như tai nghe, đồng hồ, điện thoại đem vào phòng thi để gian lận, qua mắt giám thị. Thậm chí, việc gian lận còn đến từ những hành vi mua chuộc giám thị, bắt tay, câu kết với một bộ phận cá nhân, tổ chức để gian lận.
Gian lận trong thi cử xuất hiện ở hầu hết các ngôi trường, bậc học và để lại những hệ lụy tiêu cực đối với mỗi cá nhân, ngành giáo dục và toàn xã hội. Những bạn gian lận trong thi cử thì sẽ thiếu hụt kiến thức, không bổ sung, trau dồi được kiến thức. Bởi vì đi chép cho nên thậm chí làm bài xong các bạn còn không biết đề bài là gì, nếu như không gian lận, bạn sẽ rất nhớ các câu hỏi, cách làm; sẽ tra cứu, tìm hiểu lại nó sau giờ thi. Nhưng bây giờ, đã xác định gian lận, các bạn còn chẳng thèm học bài huống chi là kiểm tra lại. Việc này dẫn đến năng lực, hiểu biết của các bạn ngày càng đi xuống. Lâu dần, việc gian lận sẽ tạo thành tiền đề, thành thói quen cho những tiêu cực to lớn hơn.
Gian lận sẽ khiến cho kết quả thi cử, học tập trở thành kết quả khống, không chính xác. Người học tập tốt đôi khi kết quả lại không bằng người không học tập nhưng chép được bài. Điều này dẫn đến điểm số, bằng cấp, giải thưởng… tất cả đều là sai sự thật, không áp sát thực tế. Thành tích của các bạn học sinh không còn phản ánh đúng năng lực của các bạn dẫn đến những ảnh hưởng cho chính các bạn và nhà trường, công việc sau này.
Gian lận sẽ khiến cho chất lượng ngành giáo dục đi xuống, kết quả thành tích không đúng thực trạng. Ngành giáo dục chỉ còn là bề nổi và sâu trong đó là mưu mô, là sự gian dối.
Vấn đề gian lận phát sinh đầu tiên là từ ý thức của mỗi bạn học sinh. Các bạn chây lười, ỷ lại, thụ động, không chịu học tập ôn luyện mà chỉ trông chờ vào phao cứu trợ. Tiếp đến là những áp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội khiến các bạn căng thẳng, buộc bản thân phải chạy theo thành tích để được điểm cao, vào lớp chọn, trường chuyên… điều đó đã đẩy các bạn đến bước đường gian lận. Nhà trường, thầy cô và ngành giáo dục lại chưa có những biện pháp cứng rắn, đồng bộ để ngăn chặn hành vi gian lận, chưa mạnh tay xử phạt và cảnh cáo hành vi này nên các đối tượng còn cả gan làm càn.
Muốn thay đổi được những tiêu cực trên, cả gia đình, nhà trường cùng xã hội cần có sự chung tay. Có những nhắc nhở, giáo dục, khiển trách và phạt nặng với hành vi gian lận, nghiêm túc trong coi thi, chấm thi. Giáo dục các bạn đến học lực thực tế chứ không phải thành tích hay điểm số. Và điều quan trọng nhất vẫn là việc mỗi bạn học sinh cần có ý thức tự giác, chăm chỉ chủ động trong học tập, bài trừ tệ nạn gian lận trong thi cử để nó không còn tồn tại trong ngành giáo dục.