Qua các tác phẩm của Nguyễn Trãi, em hãy chứng minh ông có lòng yêu nước yêu dân sâu sắc hay nhất (2 mẫu)

Em hãy chứng minh Nguyễn Trãi có lòng yêu nước yêu dân sâu sắc 1

"Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc. Sự nghiệp và tác phẩm của ông là bài ca yêu nước, tự hào dân tộc". (Phạm Văn Đồng)

Thật vậy, cuộc đời của Nguyễn Trãi là cuộc đời hành động vì độc lập dân tộc và thơ văn của ông toát lên nội dung yêu nước thương dân sâu sắc.

Nguyễn Trãi xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông ngoại là Trần Nguyên Đán và cha là Nguyễn Phi Khanh thường bày tỏ lòng ái quốc ưu dân qua thơ văn. Nguyễn Trãi cũng được thừa hưởng lòng yêu nước thương dân ấy.

Khi quân Minh xâm lược nước ta, Nguyễn Phi Khanh bị bắt sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi tiễn đưa và khắc sâu lời cha dặn là phải nuôi chí lớn đuổi giặc Minh để đền nợ nước, trả thù nhà. Trốn thoát tay giặc, mười năm dài ông náu mình trong dân, tìm phương cách cứu nước. Đây là thời gian ông đi sâu vào cuộc sống nhân dân, thấu đáo sức mạnh của nhân dân và nhận thức rằng muốn cứu nước phải dựa vào dân. Lòng yêu nước gắn liền với lòng thương dân ngày càng trở nên sâu đậm trong tâm hồn ông.

Nghe tin nghĩa quân tập hợp ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi lặn lội từ Thăng Long vào Thanh Hóa tìm giúp Lê Lợi chống quân Minh. Suốt thời kỳ kháng chiến gian khổ, ông kề vai sát cánh với nghĩa quân Lam Sơn trù hoạch chiến lược, chiến thuật, giữ việc ngoại giao cho Bình Định Vương, góp phần đưa cuộc khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn.

Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông hăm hở bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước. Dù có lúc bị nhà vua nghi oan, bọn quyền thần đố kị, ông vẫn một lòng một dạ chăm lo việc nước, việc dân, giúp các vua Lê xây dựng đất nước hòa bình. Tóm lại, cuộc đời của Nguyễn Trãi là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước thương dân sâu sắc.

Ức Trai thi tập và Quốc âm thi tập đã ghi nhận trọn vẹn tâm tình của nhà thơ trong khoảng mười năm kháng chiến Lam Sơn và trong thời gian về nghỉ ở Côn Sơn. Nội dung chủ yếu của các tập thơ này gồm tình yêu quê hương, gia đình, đặc biệt là tấm lòng vì dân vì nước của ông.

Lúc nào cũng nghĩ đến dân, riêng ôm một mối tiên ưu.

(Mạn hứng)

Bùi một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Thuật hứng)

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

(Bảo kính cảnh giới)

Đặc biệt là Bình Ngô đại cáo, một thiên cổ hùng văn đã thể hiện lòng yêu nước thương dân sâu sắc.

Đó là lòng căm thù giặc nước:

Ngẫm thù lớn há đội trời chung,

Căm giặc nước thề không cùng sống.

Đó là niềm tự hào dân tộc xuất phát từ lòng yêu nước:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.

Vì thương dân (điếu) đang bị hành hạ mà khởi binh đánh dẹp (phạt) để diệt (trừ) lũ hung bạo (bạo):

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Tóm lại thơ văn Nguyễn Trãi chứa chan lòng yêu nước thương dân sâu sắc.

Bên cạnh nội dung yêu nước, thơ văn Nguyễn Trãi còn thể hiện một tâm hồn thanh cao và một tình yêu thiên nhiên tha thiết của một người chiến sĩ - nghệ sĩ vĩ đại.

Em hãy chứng minh Nguyễn Trãi có lòng yêu nước yêu dân sâu sắc 2

Nguyễn Trãi không những được người người khâm phục ở tài năng quân sự mà còn khâm phục ông là một con người tận trung ái quốc, yêu mến quê hương đất nước thiết tha.Văn võ song toàn,cống hiến suốt đời và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cứu và dựng nước, đáng là bậc anh hùng nước ta. Với những chiến lược quân sự tài ba, lời lẽ chau chuốt của một nhà ngoại giao chính trị, lời văn mượt mà tha thiết của một nhà văn hóa, Nguyễn Trãi đáng là một đại văn hào của dân tộc. Song ông cũng chịu nhiều bất hạnh oan uổng nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.

Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, sinh năm 1380 và mất năm 1442, quê ở Nhị Khê (Hà Tây), phụ thân là Nguyễn Phi Khánh, phụ mẫu là Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần..Vốn là học trò nghèo, hiếu học, năm 1400 ông đỗ Thái học sinh. Nguyễn Trãi sống vào thời đại nước nhà đang có nhiều biến động dữ dội, lên 6 tuổi mẹ qua đời, ông đỗ Thái học sinh vào năm 20 tuổi. Hai cha con cung ra làm quan với nhà Hồ. Năm 1407, giặc Minh tràn sang cướp nước ta, Nguyễn Phi khánh bị bắt sang Trung Quốc, Nguyễn Trãi đi theo chăm sóc cha. Nghe lời cha khuyên, ông trở về và tìm theo Lê Lợi góp công lớn vào đại thắng dân tộc sau hơn 10 năm chiến đấu. Sau khi đất nước sạch bóng quân thù, người dân nhà nhà đoàn tụ, buồn vì bị nghi kỵ, không được tin cây như trước nữa, Nguyễn Trãi đã cáo quan xin về Côn Sơn.

Đến năm 1440 Lê Thái Tông mời ông ra giao việc lớn,ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ án Trái Vải (Lệ Chi Viên - Bắc Ninh) nhà vua chết đột ngột, bọn gian thần vu cho ngô âm mưu giết vua, khép tội chu di tam tộc (1442) và hơn 20 năm sau (1464) Lê Thánh Tông mới giải tỏa nỗi oan này cho Nguyễn Trãi. Nhà vua cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai còn sống sót của Nguyễn Trãi phục hồi chức quan.

Nguyễn Trãi là một nhà tài năng lỗi lạc, ông không những là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao mà còn là một đại thi hào của nền văn học Việt Nam ta. Tác phẩm của ông cũng đồng số phận, cuộc đời, gian nan mà ông từng trải.Sau khi ông mất, nhiều tác phẩm từng bị ra lệnh tiêu hủy. Sau 20 năm, Lê Thánh Tông truyền lệnh sưu tầm tác phẩm của ông, nhưng rồi lại bị thất tán. Mãi đến đầu thế kỉ XIX mới tìm lại được và nửa cuối thế kỉ XIX mới được khắc in. Ông đã để lại cho kho tàng văn học nhiều tác phẩm có giá trị: về quân sự và chính trị, Nguyễn Trãi có "Quân trung từ mệnh tập" gồm những thư từ và giấy tờ giao thiệp với giặc Minh và triều đình nhà Lê.

"Bình ngô đại cáo" là áng "thiên cổ hùng văn" trong lịch sử, tổng kết cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh và mở ra một kỉ nguyên mới cho nước nhà. .. Về lục sử có "Lam Sơn thực lục" là cuốn sử về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và "Dư địa chí" viết về địa lý nước ta lúc bấy giờ.Về văn học, Nguyễn Trãi có "Ức trai thi tập, Quốc Âm thi tập". "Quốc Âm thi tập" được viết bằng chữ nôm, đánh dấu sự hình thành của nền thơ ca Tiếng Việt.Ông là người đứng đầu trong sự nghiệp khởi nghĩa dòng thơ Nôm trong hàng nghìn, vạn văn chương chữ Hán dày đặc đương thời.

Ngoài ra thơ văn của ông còn thấm nhuần tư tưởng nhân nghĩa, triết lí thế sự và tình yêu thiên nhiên, nổi bật trong thơ văn Nguyễn Trãi là tư tưởng nhân nghĩa mang nội dung yêu nước, thương dân.Yêu nước gắn với thương dân, việc nhân nghĩa nhằm làm cho nhân dân được sống yên ổn - đó là tư tưởng chủ đạo suốt đời của Nguyễn Trãi. Thơ Nguyễn Trãi thể hiện những triết lí thế sự sâu sắc mà giản dị, những trải nghiệm đau đớn về cuộc đời. Và trong thơ của ông còn tràn đầy tình yêu thiên nhiên, đối với ông thiên nhiên là bầu bạn, là gia đình ruột thịt.

Thơ văn Nguyễn Trãi là đỉnh cao chói lọi trong nền văn học dân tộc, ông là nhà văn có nhiều cống hiến to lớn cho văn học đất nước, cùng với các bài chiếu, biểu, lục, ông đã xây đắp nền móng văn hóa tư tưởng cho dân tộc. Thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi là một thế giới thẩm mĩ phong phú, vừa trữ tình, trí tuệ, vừa hào hùng, lãng mạn. Về thơ Nôm, Nguyễn Trãi là người tiên phong, để lại tập thơ xưa nhất và nhiều bài nhất. Đó là những bài thơ giàu trí tuệ, sâu sắc, thấm đẫm trải nghiệm về cuộc đời, được viết bằng ngôn ngữ tinh luyện trong sáng, đăng đối một cách cổ điển. Nguyễn Trãi là nhà thơ đã sớm đưa tục ngữ vào tác phẩm, ông cũng là người đã sáng tạo hình thức thơ thất ngôn xen lục ngôn, một hình thức khác với Đường Luật. Có thể nói Nguyễn Trãi là một nhân vật tài đức có đủ, trí dũng song toàn trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến.

Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa lỗi lạc và cũng là người có số phận bi thương nhất trong lịch sử Việt Nam. ông chẳng những góp phần tạo nên các trang hào hùng trong lịch sử giữ nước mà còn góp phần xây đắp nền móng vững chãi cho văn học dân tộc. Nguyễn Trãi nêu cao tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước, thương dân, gắn bó thiết tha với cảnh vật thiên nhiên đất nước, thể hiện tình yêu ngôn từ Việt nồng thắm. Năm 1980, Nguyễn Trãi được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.