Về đặc trưng thể loại: Truyền kì là một kiểu truyện ngắn có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện thời Đường, tiếp tục phát triển qua các thời Tống, thời Minh. Thể loại này được truyền vào Việt Nam và thực sự phát triển ở thế kỉ XV, phát triển rực rỡ ở thế kỉ XVI với Truyển kì mạn lục của Nguyễn Dữ.
Đặc điểm nổi bật của truyền kì là sự kết hợp giữa yếu tố kì ảo và hiện thực. Yếu tố kì ảo có thể là nhân vật, sự vật, cốt truyện. Do truyện truyền kì dùng tố kì ảo làm phương thức nghệ thuật để phản ánh cuộc sống nên người viết đã lấy cái kì để nói cái thực. Yếu tố kì ảo sẽ làm câu chuyện thêm hấp dẫn, tăng chất trữ tình lãng mạn cho truyện. Yếu tố thực tăng tính xác thực và làm cho câu chuyện có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Về cốt truyện, nhân vật, lời văn: nhiều truyện truyền kì có cốt truyện từ dân gian, dã sử, được lưu truyền rộng rãi trong nhân. Mỗi tác phẩm đều có cốt truyện riêng và không nhất thiết kể hết cuộc đời của nhân vật, thậm chí chỉ trong một giấc mộng, một cuộc trò chuyện, một cuộc gặp gỡ. Nhân vật truyền kì có đặc điểm rõ ràng với sự phân loại thiện – ác, tốt - xấu, tính cách rõ ràng, đôi lúc có bóng dáng “con người cảm nghĩ” bên cạnh “con người hành động”. Nhiều truyện truyền kì có sự đan xen giữa văn xuôi và thơ.
“Truyền kỳ mạn lục”, là tác phẩm của danh sĩ Nguyễn Dữ, sống vào khoảng thế kỷ XVI tại Việt Nam. Nguyễn Dữ là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm, sống vào nửa đầu thế kỉ XVI, thời kì rối ren của lịch sử phong kiến nưởc ta. Truyền kì mạn lục do Nguyễn Dữ viết gồm hai mươi truyện bằng văn xuôi chữ Hán, kể chuyện dân gian, chuyện thật trong đời và một số truyền thuyết. “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” là một trong những truyện đặc sắc trong “Truyền kì mạn lục”. Đây là tác phẩm được Hà Thiện Hán viết lời tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm (thầy dạy tác giả) phủ chính, Nguyễn Thế Nghi, dịch ra chữ Nôm, và đã được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702-?), đánh giá là một áng "Thiên cổ kỳ bút".
Tác phẩm gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn (văn xuôi), xen lẫn biền văn (văn có đối) và thơ ca, cuối mỗi truyện có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả. Hầu hết các truyện xảy ra ở đời Lý, đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê sơ từ Nghệ An trở ra Bắc.
Lấy tên sách là “Truyền kỳ mạn lục”, dường như Nguyễn Dữ muốn thể hiện thái độ khiêm tốn của một người chỉ ghi chép truyện cũ. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất của các truyện thì thấy Truyền kỳ mạn lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam vân lục... mà là một sáng tác văn học với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Đó là một tập truyện phóng tác, đánh dấu bước phát triển quan trọng của thể loại tự sự hình tượng trong văn học chữ Hán.
Nhân vật chính của truyện là Ngô Tử Văn, đây là hình tượng tiêu biểu của kẻ sĩ cương trực, khảng khái, kiên quyết chống gian tà. Khi xây dựng nhân vật, tác giả đã chọn một thời điểm có ý nghĩa nhất để bộc lộ đầy đủ tính cách của nhân vật. Câu chuyện giống như một màn kịch ngắn, mở màn là hành động châm lửa đốt đền, nơi thờ tên tướng giặc họ Thôi, tranh chiếm miếu đền của Thổ công sở tại, làm yêu quái trong dân gian. Theo quan niệm của người xưa, đốt đền là việc động chạm đến "thần", một quyền lực tối cao, mà đền là nơi chỉ thờ những thần có công lao giúp nước, hộ dân. Nếu coi đây là một cuộc chiến thì ngay từ đầu đã thể hiện sự gay go quyết liệt. Cũng ngay từ đầu, tính cách của Ngô Tử Văn cũng được bộc lộ khá rõ. Nó được thể hiện qua lời kể của tác giả “Chàng vốn khảng khái nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”. Tính cách ấy được khắc họa rõ nét qua hành động cử chỉ của nhân vật: trước khi đốt đền, Tử Văn tắm gội sạch sẽ, khấn trời. Đây là phản ứng của Tử Văn trước thói xấu, thói ác, đó cũng là tấm lòng thành khẩn của Tử Văn đối với trời đất. Như vậy, hành động đốt đền của Tử Văn xuất phát từ một ý thức rõ ràng, từ một con người cương trực, thấy sự gian tà thì không chịu được.
Tuyên chiến với một kẻ thù đầy sức mạnh hiểm ác, lúc đầu Tử Văn “đơn phương độc mã” nhưng với niềm tin vào chính nghĩa, chàng vẫn ung dung ngồi “ngất ngưởng tự nhiên”. Trong cuộc chiến đấu, Tử Văn có được sự trợ giúp của thổ thần. Nhưng với một người bị đánh đuổi khỏi nơi ở của mình, không dám đấu tranh với thổ thần, không dám đấu tranh đến cùng “phải đến nương tựa ở đền Tản Viên”, “phải tạm ẩn nhẫn mà ngồi xó một nơi” thì Từ Văn trông mong điều gì nhiều ở “ngoại viện” ? Cho nên, về cơ bản Tử Văn không có âm phù, dương trợ. Trong khi đó cuộc đấu của chàng ngày càng gay go, quyết liệt. Khi đối chất cùng tướng giặc, Tử Văn hoàn toàn tin mình chính nghĩa và chàng có thêm sức mạnh. Nhưng lúc đó ở chốn âm cung, chàng khẳng định điều này đâu phải dễ. Do chỉ nghe một bên nguyên, Diêm Vương – vị quan tòa xử kiện, người cầm cân công lí cũng đã có lúc tỏ ra nóng vội. Chính khi đứng trước búa rìu pháp luật,Tử Văn càng tỏ rõ chàng là người có khí phách. Chàng không chỉ “kêu to”, khẳng định “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian”, chàng còn dũng cảm vạch mặt tên bại tướng gian tà với lời lẽ rất cứng cỏi không chịu nhún nhường chút nào. Giữa chốn công đường nơi âm phủ tính cách Tử Văn vẫn là bộc trực, khảng khái, vẫn một quyết tâm sắt đá. Chàng chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Cứ từng đòn, từng bước Ngô Tử Văn đã đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, cuối cùng đánh gục hoàn toàn viên tướng giặc.
Đối lập với Ngô Tử Văn là hình ảnh tên bách hộ họ Thôi - hiện thân của cái xấu, cái ác. Khi sống hắn là kẻ cướp nước, lúc chết hắn là đứa cướp nhà. Sống, hắn đã gieo rắc tội ác, chết hắn còn “làm yêu làm quái trong dân gian”. Từ hình ảnh viên bại tướng họ Thôi, tác giả đã vạch trần bộ mặt gian tà của không ít kẻ quen dùng chước dối lừa thích làm trò thảm ngược. Đặc biệt ngòi bút Nguyễn Dữ không chỉ lên án một số quan lại tham nhũng đương thời mà còn tố cáo mạnh mẽ hiện thực xã hội với “rễ ác mọc lan khó lòng lay động vì tham của đút đều bênh vực cho kẻ tà gian”. Qua lời Diêm Vương bảo các Phán quan, Nguyễn Dữ đã phơi bày sự thật về cái gọi là kỉ ương phép nước thời ông “Lũ các người chia tòa ở giữ chức sự cầm lệnh chí công làm phép chí công thưởng thì xứng đáng mà không thiên vị phát thì đích đáng mà không nghiệt ngã, vậy mà còn có sự dối trá càn bậy như thế...”. Ngay một lời buột miệng rất tự nhiên của Tử Văn khi nói với thổ thần: “Sao mà nhiều thần quá vậy” cũng cho ta thấy một khía cạnh của hiện thực xã hội đương thời.
Phê phán hiện thực xã hội qua hình tượng những nhân vật phản diện hoặc qua lời nói của các nhân vật trong truyện là cách Nguyễn Dữ thường làm. Và trong “Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên, ông thành công hơn cả. Mặt khác, đem tên bại tướng giặc làm đối tượng tố cáo, đả kích, Nguyễn Dữ đã thể hiện sâu sắc tinh thần tự hào dân tộc. Viên tướng bách hộ họ Thôi khi sống là một bộ tướng của Mộc Thạnh, bị tử trận khi quân Minh xâm lược Đại Việt. Hồn hắn bơ vơ ở Nam quốc, tranh chiếm miếu đền của Thổ Công, quen dùng chước dối lừa, thích làm trò thám ngược, hưng yêu tác quái…
Sau khi đền bị đốt, hắn đến nhà Tử Văn, hắn tự xưng là cư sĩ, dùng lí lẽ đạo Nho để buộc tội, lấy oai linh của quỷ thần để hăm dọa Tử Văn, không được thì tức giận, thề thốt, phất áo ra đi. Ở vương phủ, hắn đến trước Tử Văn để kêu cứu và kiện cáo, thấy Tử Văn cứng cỏi tâu trình, hắn ngoan cố vu vạ, không được thì lập lờ biện bạch. Cuối cùng, hắn bị trừng trị đích đáng: bị lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng, bỏ vào ngục Cửu u. Hành động của tên Bách hộ họ Thôi thể hiện tính cách của một tướng giặc Minh bại trận, lúc sống đã mang dã tâm đi xâm lược nước khác, mưu đồ làm việc phi nghĩa, đến lúc chết vẫn hiện nguyên hình một kẻ lừa đảo, lúc chết thành hồn ma lẩn quất trên đất Việt làm điều dối trá, càn bậy, hắn lại tiếp tục nếm mùi thất bại. Tính cách đó được thể hiện nhất quán trong mọi cử chỉ, hành động và cuối cùng bị Diêm Vương trừng trị đích đáng. Phải chăng đó là số phận chung cho những tên xâm lược?
Màn kịch khép lại với thắng lợi thuộc về Ngô Tử Văn. Kết thúc có hậu này chứng tỏ nhà nho Nguyễn Dữ cùng đã tìm về cội nguồn truyền thống nhân đạo và yêu nước của dân tộc Việt Nam từng được thể hiện trong nhiều câu chuyện cổ tích: chính nghĩa thắng gian tà, tinh thần dân tộc thắng ngoại xâm. Triết lí của ông già thổ thần: "Người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau" là triết lí mang tư tưởng lập danh của Nho gia mà nhà nho Nguyễn Dữ đã tiếp thu một cách sâu sắc. Tuy nhiên, triết lí đó cũng rất phù hợp với quan niệm sống cao đẹp của nhân dân Việt Nam.
Lời bình cuối truyện hoàn toàn thống nhất với cảm hứng của tác giả khi thể hiện hình tượng nhân vật. Và, nếu là lời bình là của chính tác giả thì ở đấy đã có sự phù hợp giữa nhà văn tài năng Nguyễn Dữ và nhà nho tích cực Nguyễn Dữ.
Như vậy, tác phẩm thành công khi kể về sự đấu tranh sống còn giữa một bên là con người (do Ngô Tử Văn đại diện), một bên là thần linh ma quỷ (Minh ti, hồn ma viên Bách hộ họ Thôi…). Ý nghĩa của cuộc đấu tranh này là khẳng định chính nghĩa thắng gian tà, cái thiện thắng cái ác. Hơn nữa, tác giả viết truyện này vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVI, có thể phản ánh xã hội đương thời: chế độ phong kiến suy vi (nhà Lê dần suy yếu, chính quyền chuyển sang tay nhà Mạc). Chính ý nghĩa khách quan của truyện (ca ngợi đức tính cương trực, lòng nghĩa khí, khẳng định chính nghĩa thắng gian tà, lên án giặc ngoại xâm, tố cáo sự cấu kết của thần quyền hãm hại dân lành) cũng là một nội dung hiện thực đáng chú ý.
Trong “Chuyện chức phận phán sự đền Tản Viên”, Nguyễn Dữ đã sử dụng kết hợp thành công bút pháp hiện thực và bút pháp kì ảo. Chuyện có vẻ như “người thực, việc thực” bởi cách dẫn người, dẫn việc cụ thể xác đáng đến cả thời gian, địa điểm: Ngô Tử Văn tên là Soạn người huyện Yên Dũng đất Lạng Giang, “Năm Giáp Ngọ, có người ở thành Đông Quan vốn quen biết với Tử Văn...”. Nhưng câu chuyện lại cũng đầy tính chất li kì bởi sự xuất hiện của thế giới âm cung với những hồn ma, bóng quỷ, với những cảnh vật khác thường, với chuyện người chết đi, sống lại.... Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa những yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo thì yếu tố kì ảo là biện pháp nghệ thuật để tăng tính hấp dẫn của câu chuyện. Cảm hứng của nhà văn Nguyễn Dữ khi sáng tác Chuyện phán sự đền Tản Viên nói riêng và Truyền kì mạn lục nói chung là: lấy xưa nói nay, lấy cái kì nói cái thực.
Bằng nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn, bao phủ nhiều yếu tố siêu nhiên, giàu tính biểu tượng, Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đã lôi cuốn người đọc qua những xung đột liên tiếp, giàu kịch tính.
Truyền kỳ mạn lục là mẫu mực của thể truyền kỳ, là “thiên cổ kỳ bút”, là “áng văn hay của bậc đại gia”, tiêu biểu cho những thành tựu của văn học hình tượng viết bằng chữ Hán dưới ảnh hưởng của sáng tác dân gian