Trao duyên là khúc dạo đầu cho bản nhạc đầy bi thương oai oán của cuộc đời Thúy Kiều
Truyện Kiều là sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Du và là tác phẩm kinh điển trong kho tàng văn học Việt Nam. Đoạn trích trao duyên là đoạn trích mở đầu cho chuỗi ngày lưu lạc của Thúy Kiều, là thời điểm chấm dứt mối tình đẹp giữa Kiều và Kim Trọng.
Toàn bộ đoạn trích thể hiện nỗi lòng và tâm trạng của Thúy Kiều khi phải dứt tình với Kim Trọng. Bằng tài năng của mình Nguyễn Du luôn “gài” nhận vật vào tình thế hiểm để buộc nhân vật phải bộc lộ sâu sắc tính cách. Thế hiểm của Kiều là thế trao duyên - tức là cái thế dồn tận chân tường. Cái khổ nhất của người đàn bà chưa phải là mất tình duyên, mà là phải chính mình trao duyên mình cho kẻ khác (dù là em gái). Khó khăn đối với cả nhân vật và tác giả là: Kiều làm sao có thể thuyết phục được Thúy Vân chấp nhận mối tình của Kiều trao lại một cách thoải mái, trong khi chính Kiều cũng cảm thấy không thoải mái chút nào - nói đúng hơn là Kiều đứt ruột trao duyên? Tài năng của Nguyễn Du là đã khơi đúng dòng chảy tâm lý tinh tế, phức tạp, đầy mâu thuẫn của Kiều, qua lời thỉnh cầu thiết tha và lời sám hối nhức buốt của người đàn bà bất hạnh.
Mở đầu đoạn trích là lời thỉnh cầu chân thành của Thúy Kiều với Thúy Vân:
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Với giọng điệu của câu mở đầu như vậy, người đọc đã có thể hình dung ra điều mà Thúy Kiều muốn nói là không bình thường, “cậy” (khác “nhờ”): sâu nặng tin cậy với gửi gắm, nương tựa “chịu” (khác với “nhận”) đầy van vỉ, ép nài. Quả là chỉ đưa mấy chữ, Nguyễn Du đã cân được sức nặng của một tình thế, một tâm trạng - lắt léo, trớ trêu và khó nói. Đặc biệt là tư thế, đảo lộn cả quan hệ chị em (nhất là trong gia đình nề nếp xưa) em “ngồi lên” - quyền uy, chị “lạy”, “thưa” - bề dưới, nhún nhường. Kiều đã tạo ra tư thế lụy phiền bằng cách hạ mình rất thấp. Kiều ý thức sâu sắc cái khó khăn, tế nhị của tình thế, ở cả phía mình và phía Vân, khiến khúc nhạc dạo đầu của bi kịch trao duyên đã thấm đầm tâm trạng.
Sau khi Vân chịu lắng nghe Kiều nói, Kiều bắt đầu kể lại cảnh ngộ khó xử của mình (câu 3 - câu 8 “giữa đường đứt gánh... hai bề vẹn hai”). Chỉ sáu câu trần thuật mà gói gọn xử - lý - tình. Sự (nhắc lại chuyện Kiều phải dứt tình thâm với Kim Trọng để bán mình chuộc cha), lý (khi hiếu tình xung đột, Kiều phải hi sinh chữ tình cho chữ hiếu để hợp đạo làm con), tình (thuật chuyện mà cứ thổn thức, nồng nàn nên càng chua chát: đứt gánh tương tư - keo loan - điệp từ “khi”...). “Sự” làm nền, “lí” thuyết phục, “tình” gợi cảm thông. Ba điều ấy hội tụ đủ dọn một con đường cảm thông từ Kiều sang Vân.
Sau khi trình bày hoàn cảnh của mình với Vân, Vân cũng thể hiện thái độ đồng cảm với chị mình nên Kiều mới tha thiết thỉnh cầu (câu 9 đến 12: “Ngày xuân em hãy còn dài... còn thơm lây”). Lời thỉnh cầu có ba tầng bậc: cậy vào tuổi trẻ của Vân “hãy còn dài”, tha thiết hơn là cậy đến chỗ thẳm sâu của “tình máu mủ” để đẩy tới cao trào là lấy cả linh hồn kẻ bạc phận để biết ơn “ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”. Ba tầng bậc cũng hướng về một nguyện ước “thay lời nước non”. Thật tha thiết, chân thành mà chặt chẽ. Kiều tỏ ra rất hiểu mình, hiểu người - điều tạo nên sức mạnh thuyết phục. Nhiệm vụ chính đã hoàn thành.
Khi căn dặn Vân mọi bề, Kiều mới lấy những kỉ vật của mình với Kim Trọng trao cho em: chiếc thoa, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền... Bây giờ tình yêu không còn là hoài niệm mà hiện diện đầy đủ trong kỉ vật. Kiều cảm thấy mình đứng trước sự mất mát to lớn không gì bù đắp được. Cho nên, tay Kiều trao mà hồn Kiều run lên:
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Tình yêu là thứ không thể chia sẻ, nhưng khi trao duyên cho em, Kiều vẫn cố níu kéo một chút gì trong hai chữ “của chung”. Đó là nỗi bất lực trước một tình thế tuyệt vọng. Oái oăm thay, càng vớt vát, Kiều càng nhận ra sự mất mát. Cái vô lý của lời là cái có lý của một trái tim si tình đang giãy giụa. Nỗi đau phát triển thành hình ảnh oan hồn thật dữ dội (từ câu 19 đến 26: “Mai sau dầu có bao giờ... Rảy xin chén nước cho người thác oan”). Vi sao có hình ảnh thảm khốc này? Với Kiều, tình yêu là toàn bộ cuộc sống, nên tình mất, nghĩa là Kiều cũng chết. Hồn oan là một cái chết tinh thần, là ác mộng của kẻ đang tuyệt vọng. Hồn oan được miêu tả với hai câu đặc sắc: xóa nhòa hai ngôn ngữ (lời đối thoại với Vân thành lời độc thoại của Kiều - nỗi đau làm Kiều đánh mất ý thức về hoàn cảnh), xóa nhòa hai thế giới (thế giới thực hòa tan vào thế giới ảo, cõi âm vọng lời lên cõi trần, gợi ra hình ảnh hết sức ảo não mong manh nhưng sâu nặng vô cùng: “Trông ra ngọn cỏ lá cây - Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”). Hai chữ “chị về” thật quyết liệt: Kiều chỉ muốn chết thể xác mà không muốn chết tinh thần, tức là quyết giữ lấy cái đang bị mất, Kiều tột cùng đau thương, song cũng tột cùng với sự chống trả số mệnh. “Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng” - Kiều chao đảo giữa mất và còn, giữa trao đi và giữ lại, giữa bị tước đoạt và quyết giữ... Chính sự mâu thuẫn này làm hồn ma kia trở nên sát người, tiếng nói như vọng từ cõi âm mà rất trần thế. Lòng Kiều với đời, với tình yêu không gì phá vỡ được.
Sau khi trao gửi mọi thứ cho Vân, Kiều bắt đầu độc thoại với nội tâm của mình. Kiều càng bị giằng xé: một bên là nỗi mất mát không gì cứu vãn nổi (trâm gẫy, bình tan, tơ duyên ngắn ngủi...) một bên là dòng thác tình yêu càng thêm cuộn xiết (kế làm sao xiết muôn vàn ái ân). Càng nghĩ, hình ảnh Kim Trọng càng hiện rõ, bi kịch đẩy tới điểm đỉnh khi bóng hình Kim Trọng trùm lên, choáng ngợp hồn Kiều. Kiều thét lên để rồi chết ngất đi trong tiếng thét xé lòng của chính mình:
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Tên Kim Trọng vang lên hai lần trong một câu thơ, vừa nồng nàn vừa cuống quýt. Cuống quýt mà biết bao trân trọng: “Kim lang” (chứ không gọi chính tên). Từ “phụ” tạo một lối rẽ tâm lý bất ngờ. “Phụ” là bội ước, bội bạc. Tại sao Kiều - con người như biểu tượng của chu đáo, ân tình, chuyện bán mình là do hoàn cảnh khách quan dồn đến chân tường, không cho nàng một sự lựa chọn nào khác - bất ngờ lại tự phủ định, tự trút lỗi cho mình? Phải chăng có một chút lúng túng trong bút pháp Nguyễn Du, tác giả đã đi chệch đường biên của logic nghệ thuật? Phải chăng Kiều hoảng loạn nên mất thăng bằng?
Toàn bộ đoạn trích là nỗi lòng, là tình cảm của Kiều dành cho Kim Trọng. Dòng chảy tâm trạng Kiều bị chi phối bởi chiều sâu tính cách. Kiều sám hối không phải vì tội lỗi mà vì nhân cách. Logic của Kiều là logic của trái tim: tình thương của Kiều dành cho Kim Trọng lớn tới mức Kiều quên cả bản thân mình. Kiều thương nỗi đau của Kim Trọng hơn nỗi đau của mình, tạo ra một mặc cảm tội lỗi mà đầy cao thượng. Cho nên chữ “phụ” thắp sáng vẻ đẹp nhân cách của nàng Kiều.
Đoạn trích thể hiện nội tâm sâu sắc của Thúy Kiều, nàng đã phải trải qua sự đau khổ nhất trong cuộc đời đó là trao duyên cho người khác. Vì bất đắc dĩ phải làm chuyện đó nên nàng luôn dằn vặt, điều đó thể hiện nhân cách cao đẹp của nàng Kiều và thể hiện giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm. Tác giả đã có sự đồng cảm sâu sắc với nhân vật phải chịu những bất hạnh quá lớn trong đời.