Phân tích bài ca dao: Muối ba năm muối đang còn mặn… Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa
Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa.
Bài ca dao có vẻ đẹp chân mộc, chắc thiệt, thực sự mang bản chất của gừng cay, muối mặn.
Hai dòng thơ đầu tiên nói về đặc tính của muối và gừng – những đặc tính mà hầu như con người ta ai cũng biết. Như vậy, giá trị của chúng không phải là cung cấp thông tin, vì những thông tin kia chẳng có gì mới cả. Điều quan trọng là chúng dọn đường cho ta đi tới chỗ cảm nhận được quyết tâm của nhân vật trữ tình: sống có tình, có nghĩa, mãi thủy chung với người yêu – người bạn đời đã cùng mình nếm trải bao buồn vui, sướng khổ. Phải từ hai dòng thơ sau nhìn ngược lên ta mới thực sự thấy hết ý nghĩa của việc tái khẳng định chân lí gừng cay, muối mặn. Một sự khẳng định trong trạng thái trầm tư, mang tính chất của hành động lòng tự dặn lòng. Việc tạo ra một cặp đối xứng gồm: “Muối ba năm muối đang còn mặn" và "Gừng chín tháng gừng hãy còn cay", về bản chất, giống như một hình thức trùng điệp, có tác dụng khắc đậm ý niệm về sự bền lâu. Thông tin quan trọng ở đây dồn tụ vào hai cụm từ đang còn, hãy còn, chứ không phải vào hai từ cay và mặn. Chính ý niệm về sự bền lâu ấy mới quyết định khả năng xứng hợp của hai đối tượng khác nhau là muối và gừng trong lời nói của nhân vật trữ tình. Nó cũng là điểm mấu chốt có thể gắn kết hai nửa của bài ca dao lại với nhau thành một chỉnh thể. Tất nhiên, người đọc ngày nay vẫn muốn tìm thấy một cái gì khác hơn nữa đã đảm bảo tính logic của liên tưởng đi từ chuyện muối, gừng sang chuyện đôi ta. Nếu thấu hiểu những nét đặc thù trong sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam xưa, ta sẽ thấy những đòi hỏi có lý trên được giải tỏa nhẹ nhàng. Muối và gừng không chỉ tồn tại như một thứ gia vị quen thuộc, thậm chí tối cần thiết trong các món ăn mà còn tồn tại như một vị thuốc dân dã cần dùng trong nhiều trường hợp như đau ốm. Chẳng thế mà trong một bài ca dao khác, người xưa từng nói: "Tay nâng chén muối, đĩa gừng – Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau". Thì ra thế! Nhân vật trữ tình đã trải qua những ngày được chăm sóc yêu thương bởi tay người bạn đời. Muối và gừng, do vậy, ngoài hương vị vốn có của nó, còn tỏa ra hương vị của tình yêu, tình chồng vợ. Thật hoàn toàn tự nhiên khi nói chuyện muối, gừng, ta có thể nghĩ đến chuyện thủy chung son sắt và ngược lại.
Dòng cuối của bài ca dao nêu một giả định: (dù) có xa nhau… Nếu thực sự hiểu đời, ta hẳn phải biết rằng: trong cuộc sống, hạnh phúc lứa đôi và nhiều thứ hạnh phúc khác luôn chịu những tác động và ngược chiều có tính chất "phá ngang". Tuy đang sống bình yên, người ta vẫn có thể phải nghĩ tới thời gian phía trước với bao thử thách. Nhân vật trữ tình trong bài ca dao này cũng vậy. Anh (hay chị) ấy đã thấy, đã thốt lên (dù) có xa nhau, nhưng ngay lập tức, chính anh (hay chị) lại đã khẳng định: "ba vạn sáu ngàn ngày mới xa". Ba vạn sáu ngàn ngày là một trăm năm – con số ước định chỉ giới hạn một đời người. "Ba vạn sáu ngàn ngày mới xa” nghĩa là đến chết mới xa, cũng có nghĩa là chẳng bao giờ xa cả.
Một sự khẳng định không dựa trên cảm xúc bồng bột mà đặt cơ sở trên những trải nghiệm sâu sắc về cuộc đời! Đây là một trong các lý do chính đã khiến bài ca dao để lại được trong lòng người tiếp nhận, người đọc bao thế hệ những ấn tượng tốt đẹp về tình – nghĩa – Việt Nam.