Thuyết minh về Tháp bà Ponagar
Trên con đường thiên lý Bắc Nam, qua đèo Hải Vân- Đệ nhất Hùng quan đến tận Ninh Thuận, ở đâu cũng bắt gặp những dấu tích của văn hóa Chămpa cổ cách đây hơn 1000 năm. Kiến trúc Chămpa mang một phong cách riêng biệt (đền, đài hình tháp) lại được xây dựng trên đồi, núi cao bằng một vật liệu duy nhất- gạch đỏ nên dễ dàng nhận biết, nhớ mãi, dù chỉ thoáng đến thăm hay vô tình bắt gặp trên đường.
Quần thể di tích Tháp bà Ponagar tọa lạc trên đồi Cù Lao, mặt hướng ra cửa Sông Cái, thuộc phường Vĩnh Phước (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) được xây dựng từ giữa thế kỷ thứ VIII đến thế kỷ thứ XIII dưới triều đại Panduranga- Vương quốc Chămpa cổ. Nơi đây thờ nữ thần Ponagar (Người mẹ xứ sở của dân tộc Chămpa) và được tôn thờ là Thiên Y Thánh mẫu của dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết: “…Nữ thần Ponagar được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển. Mẹ tạo dựng nên sự sống và dạy dỗ con dân lao động, mưu sinh trong cuộc sống. Mẹ là vị thần rất linh thiêng: che chở, bảo vệ, độ trì, ban phúc lành và ước nguyện cho muôn dân… được nhân dân tôn kính”.
So với các công trình đền, tháp Chămpa khu vực miền Trung, quần thể di tích Tháp bà được các chuyên gia khảo cổ học đánh giá là còn giữ được nhiều công trình kiến trúc độc đáo và tương đối hoàn chỉnh. Năm 1979 (sau 4 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), Tháp bà được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng Di tích cấp Quốc gia- Điều này chứng tỏ tầm quan trọng và giá trị nhân văn đặc sắc của kiến trúc xây dựng cũng như vốn quý văn hóa của dân tộc Chămpa trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Đứng trên sân vườn Tháp bà Ponagar du khách có thể thưởng ngoạn toàn bộ cảnh đẹp của thành phố biển Nha Trang với đẩy đủ các yếu tố: Núi, sông, rừng, biển, đảo. Chính vì thế, nơi đây trở thành địa điểm du lịch, thăm quan không thể thiếu của du khách khi đến với thành phố biển Nha Trang.
Bước vào khu Đền thờ, du khách thực sự ấn tượng bởi dấu tích sót lại của khu tiền đình Mandapa với 22 trụ tháp cao, bề thế, xếp thẳng hàng. Nơi đây được sử dụng làm sân hành lễ vào những ngày lễ trọng đại của người Chăm.
Khuôn viên khu đền thờ hiện còn 4 ngôi tháp (Tháp Chính, Tháp Giữa, Tháp Đông Nam, Tháp Tây Bắc) trên đỉnh đồi với những kích cỡ, hình dáng khác nhau, vươn cao lên nền trời mang giá trị kiến trúc độc đáo với nhiều tác phẩm điêu khắc, hoa văn trang trí trên đá, tường gạch, trên gỗ… rất đặc sắc, tinh tế, thể hiện một nền văn minh rực rỡ và văn hóa trường tồn của dân tộc Chămpa cổ. Tháp Chính thờ nữ thần Ponagar, cũng là tháp lớn nhất, tập trung đông người hành lễ vào dịp lễ hội của người Chăm. Tháp Giữa thờ Cri Cambhu- một hóa thân của thần Shiva, trong tháp có tượng thờ Nam thần. Tháp Đông Nam thờ thần Skanda là con trai của thần Shiva (biểu tượng của chiến tranh). Tháp Tây Bắc thờ Ganesha, con của thần Shiva (biểu tượng của trí tuệ, may mắn). Vật liệu xây dựng ở đây chỉ có gạch và đá trang trí bậc thềm, tượng voi, sư tử, dê, ngỗng (là những con vật thiêng các vị thần cưỡi), ngoài ra còn có các tượng vũ công, nhạc công, nữ thần, tu sỹ… Dù đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu chất kết dính của các viên gạch trong quá trình xây dựng tháp nhưng kết quả đến nay vẫn là một ẩn số. Đặc biệt, trong kiến trúc đền tháp của văn hóa Chămpa không thể thiếu được biểu tượng Linga và Yoni làm bằng đá được thờ trong lòng tháp và gắn trên đỉnh tháp với ý nghĩa, khát vọng về một cuộc sống sinh sôi, hạnh phúc.
Trải qua hơn 10 thế kỷ, trước sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian, chiến tranh, quần thể di tích vẫn trường tồn. Tháp bà Ponagar vẫn tiếp tục được trùng tu, tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá Việt Nam.