Cảm nghĩ của anh/chị về phương pháp dạy và học ở cấp Trung học phổ thông
Ngày mai tôi sẽ ra sao? Tương lai, sự nghiệp của tôi sẽ thế nào? Tất cả đều phụ thuộc vào mấy tháng này đây! Do đó, tôi phải cố gắng hết sức, phấn đấu học tập và rèn luyện hết mình để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, ba mẹ và hơn hết là bản thân tôi thực hiện được ước mơ của mình.
Nhìn lại khoảng thời gian đã qua, tôi thấy mình chơi nhiều hơn học. Tôi chợt nghĩ nếu tôi không đỗ trong kì thi này thì bao kì vọng của ba mẹ vào tôi xem như sụp đổ. 12 năm đèn sách hao tốn của ba mẹ không biết bao nhiêu tiền của mà tính,… mồ hôi, nước mắt, đôi khi có cả máu nữa. Ba mẹ lam lũ, cực khổ, nhịn ăn, nhịn mặc để cho tôi học hành nên người, mai sau có nghề nghiệp ổn định, có tương lai tươi sáng không như ba mẹ kham khổ cả đời. Vậy mà tôi lại … chơi bời, lêu lổng, không quan tâm đến việc học hành, tu tâm, dưỡng tính. Trời ơi! Nếu sự thật đó xảy ra thì tôi thật là có lỗi với ba mẹ nhiều nhiều lắm. Không – Tôi không cho phép điều đó xảy ra, bằng mọi giá tôi phải thay đổi thôi, kiên cường lên tôi ơi! Đừng nhụt chí!
Và giờ đây với định hướng và con đường tôi đã chọn, không còn cách nào khác ngoài chính bản thân tôi phải thực hiện thật tốt phương pháp học tập dành cho mình. Trên tổng thể các môn học, thi cuối cấp xem lại môn nào còn yếu kém phải khắc phục ngay lập tức, bằng mọi cách: nhờ bạn bè, nhờ thầy cô, nhờ google, … trợ giúp. Thiết kế lại thời gian biểu cho phù hợp, hạn chế hoặc chấm dứt hẳn các trò chơi vô bổ, các buổi tiệc tùng chiếm thời gian vô ích làm ảnh hưởng đến thời gian học. Lên lịch học rõ ràng trong ngày, các môn nào cần học trước, làm trước, các môn nào cần học sau, làm sau. Tăng cường việc tự học thêm các môn trong ban thi đã chọn. Dành thời gian giải lao, nghỉ ngơi hợp lý, học là học – nghỉ là nghỉ đừng lẫn lộn để ảnh hưởng đến sức khoẻ mà hiệu quả học tập không cao. Nhất nhất tuân theo thời gian biểu đã đề ra, phạm là phạt ngay.
Đối với việc học thuộc lòng có thể học mọi lúc, mọi nơi. Vậy nên sắp xếp các bài lý thuyết kèm theo trong giờ làm việc chân tay hoặc lúc phụ giúp gia đình, có thể trong buổi chăn trâu tranh thủ học thuộc vài câu lý thuyết chẳng hạn. Người ta thường nói: “Đừng để nước đến chân rồi mới nhảy” hàm ý rằng mọi việc cần phải lo trước, để nước đến chân rồi mới chạy thì sao mà kịp nữa. Áp dụng cho mình tôi thấy “nước đã đến đầu” rồi,… phải bơi thôi, tôi ơi – đừng tuyệt vọng, bởi tôi là một tay bơi cừ khôi của lớp mà. Có ai học hoá 12 mà phải ôn lại hoá lớp 10 như tôi không? Nếu có thì bạn hãy cố gắng cùng tôi nhé!
Dẫu biết rằng con đường “đại học” không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Nhưng sao tôi vẫn cảm thấy nếu tôi đỗ đại học thì niềm vinh hạnh thật lớn lao cho tôi và cho cả gia đình. Bạn bè tôi có người nói ông Bill Gates, ông Steve Jobs một ông bỏ học và một ông bị đuổi học mà vẫn giàu nhất nhì thế giới đó thôi, cậu cần gì phải học. Tôi bảo bạn tôi rằng: Hai ông ấy không học tiếp đại học bởi vì hai ông đó quá giỏi, quá thông minh việc học ở trường không giúp cho công việc của ông ta mà còn làm chậm chân ông ta đến với điều mà ông ta đam mê. Hai ông đã trải qua quá trình tự học, tự nghiên cứu và làm việc cần mẫn với biết bao sóng gió mới có được ngày hôm nay đấy. Còn bạn? Bạn có gì? Bạn có đủ tự tin để theo đuổi đam mê của mình không?
Ai đó đã từng nói rằng: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”. Thật vậy nếu muốn thành công, có sự nghiệp vững vàng thì chính bản thân ta phải nỗ lực, chăm chỉ phấn đấu cho mục tiêu đã đề ra. Và đừng bao giờ nghĩ: “Ngồi mát ăn bát vàng”, “Trời sinh voi, sinh cỏ” mà phải luôn luôn tâm niệm rằng: “có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Học tập cần cù, kiên nhẫn, chịu khó tư duy chắc chắn sẽ thành công như người xưa đúc kết: “Gươm có mài mới sáng”, “Ngọc bất trác bất thành”.