Thuyết minh về làng Sen - Quê bác
Làng Sen – quê nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một làng quê thơm ngát hương sen, đó chính là nơi người đã sống trong thời niên thiếu (1901-1906).
Có một ngôi làng mà những hình ảnh thân thương gần gũi đã đã in sâu vào tâm thức người Việt. Nơi ấy có những mái nhà tranh dưới những lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru ầu ơ của mẹ, có câu dân ca mênh mang cùng đồng ruộng núi sông… Ngôi làng mang tên làng Sen vì luôn ngát hương sen; là quê hương của Bác Hồ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc!
Làng Sen thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An- mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Từ thành phố Vinh đi theo Quốc lộ 46 khoảng 15km là tới làng Sen, quê Bác.
Dẫu đã qua cả thế kỷ, vạn vật đổi thay nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ Bác vẫn được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương sáng cho mọi những thế hệ.
Đó là giếng Cốc, cây đa, đền làng Sen, nhà thờ họ Nguyễn Sinh… và đặc biệt là ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc- thân phụ Bác, nơi gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ, cũng là khởi nguồn cho một tinh thần yêu nước và ý chí lớn lao của người anh hùng dân tộc sau này.
Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, là một niềm vinh dự với gia đình, họ tộc và cả làng Sen. Dân làng Sen đã dựng một ngôi nhà gỗ mái tranh 5 gian để đón vị Phó bảng vinh quy bái tổ.
Cả gia đình đã từ làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) trở về sống tại Làng Sen. Ngôi nhà này đã gắn với tuổi thơ Bác Hồ từ năm 1901 đến năm 1906 (trước khi theo cha vào Huế).
Đó là một ngôi nhà gỗ 5 gian, lợp mái tranh, nhỏ bé, mộc mạc, giản dị dưới màu xanh của vườn cây và những bóng tre. Đây là nơi ở chính của cả gia đình, kế bên là nhà ngang sử dụng làm nhà bếp.
Cả hai nếp nhà đều thấp, khiêm nhường, và điển hình cho những nếp nhà ở làng quê nông thôn Việt Nam, với vì kèo gỗ, với mái hiên cùng những tấm giại- liếp; với cổng ngõ khoảng sân phía trước – gắn liền với không gian khoáng đạt của thiên nhiên.
Hai gian nhà phía ngoài là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách- đàm đạo chuyện thế sự của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Gian thứ ba là nơi ở của bà Nguyễn Thị Thanh- chị cả của Bác Hồ. Hai gian còn lại là nơi nghỉ và sinh hoạt của cả gia đình.
Ở gian thứ tư có kê bộ phản gần cửa sổ là nơi cụ Phó bảng thường nằm đọc sách.
Gian thứ năm kê bộ phản là nơi nghỉ của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tức Bác Hồ).
Dù đã đỗ đạt song gia đình cụ Phó bảng vẫn sống thanh đạm. Phần lớn các đồ đạc trong nhà đều do dân làng tặng, những kỷ vật tới giờ được gìn giữ gần như nguyên vẹn.
Ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã gắn bó với một giai đoạn quan trọng đầy ý nghĩa thời niên thiếu của cuộc đời Bác Hồ từ năm 11- 16 tuổi.
Ngôi nhà là những ân tình làng xóm quê hương, là nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành; là nơi ghi dấu cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc- bước tiền đề cho con đường cứu nước sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà tranh lịch sử là cụm di tích quan trọng bậc nhất của Khu di tích lịch sử Kim Liên – được xây dựng từ những năm 60 thế kỷ trước, cùng nhiều hạng mục kiến trúc khác, được nâng cấp và tôn tạo nhiều lần.
Khu di tích lịch sử Kim Liên còn bao gồm các kiến trúc mới như khu hành lễ, nhà lưu trữ và trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa– chính trị liên quan. Khu di tích lịch sử Kim Liên là một trong bốn khu di tích quan trọng nhất về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia từ năm 1979.