Thuyết minh thắng cảnh Suối Mỡ - Bắc Giang 1
Suối Mỡ thuộc xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, cách thành phố Bắc Giang khoảng 30km về phía Đông Bắc, nơi đây đã và đang là điểm hẹn, địa chỉ du lịch hấp dẫn của du khách gần xa vào những ngày nghỉ cuối tuần, các dịp nghỉ lễ bốn mùa trong năm.
Suối Mỡ khởi thủy từ dãy núi Yên Tử, rồi quanh co uốn lượn trong thung lũng của dãy núi Huyền Đinh – Yên Tử hùng vĩ quanh năm nước chảy qua các ghềnh đá cao thấp tạo thành những bậc thác ngoạn mục. Chúng tôi thật ấn tượng với cảnh sắc nơi đây, một bức tranh sơn thủy kỳ vĩ với thác nước rì rào giữa đại ngàn. Trên đường đi, dòng chảy của Suối Mỡ tạo thành những thác nước đổ dài theo vách đá. Trong tiếng rì rào của suối, của gió với cây rừng, chúng tôi như nghe thấy chuyện kể về lịch sử của vùng đất đầy những huyền thoại kỳ bí nhưng mang đậm tâm linh người Việt.
Suối Mỡ gắn liền với truyền thuyết cảm động về nàng công chúa Quế Mỵ Nương, người con của Vua Hùng thứ 9. Công chúa hiền thục, nết na, nhân hậu. Nàng được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng đều từ chối bởi nàng đam mê du ngoạn, đặc biệt là đến thung lũng Huyền Đinh – Yên Tử. Một lần, trong chuyến du ngoạn đến đây, chứng kiến đất đai khô nẻ, dân tình đói rách, công chúa rất đau lòng. Vào một ngày đầu xuân, khi đặt chân xuống thung lũng, nàng đã dùng năm đầu ngón tay ấn xuống từng phiến đá. Lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối, đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó, đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống người dân cũng ngày càng no đủ hơn. Ghi nhớ công ơn của công chúa Quế Mỵ Nương, dân làng đặt tên con suối ấy là Suối Mỡ (hay Suối Mẫu), lập đền thờ và gọi là đền Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Dọc hai bờ suối, người bản địa xây dựng ba ngôi đền kế tiếp nhau là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng để bày tỏ tấm lòng biết ơn nàng.
Thác Suối Mỡ với chiều dài khoảng 300m được tạo nên bởi năm bậc thác. Dưới chân mỗi bậc thác đều có các bồn tắm tự nhiên hết sức kỳ thú. Chính vì vậy, thác Suối Mỡ có sức lôi cuốn kỳ lạ đối với du khách khi đến tham quan. Bàn tay của mẹ thiên nhiên thật khéo léo khi ban tặng cho nơi đây những phiến đá khổng lồ với đủ hình thù lạ mắt. Năm bậc thác Suối Mỡ với năm vẻ đẹp riêng biệt, mỗi bậc thác lại là một cung bậc, càng lên cao càng nghe bao âm thanh réo rắt, trầm bổng. Khung cảnh Suối Mỡ tuyệt đẹp đầy chất thơ có thể ví như chốn bồng lai tiên cảnh.
Đặt chân đến Suối Mỡ, cảnh tượng đầu tiên thu hút du khách là dòng nước trong trẻo uốn mình như một dải lụa từ trong núi chảy ra. Hai bên bờ suối chảy róc rách là những cánh rừng đại ngàn xanh tươi. Trên những dãy núi trùng điệp, nhiều loại cây như Tùng, Bách, Thông được trồng xen kẽ tạo thành một tấm thảm xanh khổng lồ, bất tận. Tất cả như hoà quyện với nhau làm cho thiên nhiên, đất trời nơi đây trở nên rất trong lành và thoáng đãng.
Đến với khu du lịch sinh thái Suối Mỡ vào mùa xuân, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh tịnh, đầy hấp dẫn nơi đây. Sự linh thiêng của hệ thống tam Đền: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và một số ngôi đền phụ cận chính là địa điểm quý khách xa gần về dâng hương. Quý khách sẽ được tận hưởng không gian tĩnh lặng, linh thiêng và sẽ cảm thấy tâm hồn ấm cúng hơn, cơ thể như được tiếp thêm sinh khí, mọi buồn phiền sẽ ở lại năm cũ và đón nhận một năm mới nhiều may mắn hơn. Trong không khí tĩnh mịch, u huyền của hương khói, quý khách sẽ cảm thấy lòng mình thanh thản, nhẹ nhõm và như được trút hết bụi trần. Đặc biệt, vào dịp này, du khách sẽ được tham dự Lễ hội đền Suối Mỡ được mở rất lớn từ ngày 30 tháng 3 đến mùng 2 tháng 4 âm lịch hàng năm. Tại đây, sẽ diễn ra Lễ rước kiệu nàng công chúa Quế Mỵ Nương – người đã có công khai mở Vực mỡ. Vào ngày hội chính, dân làng Dùm rước kiệu Thánh về đền Hạ tế lễ bái vọng lên đền Thượng, dân làng Quỷnh rước kiệu Thánh về đền Trung tế lễ. Trong ngày hội, dân làng mở đấu vật, đánh đu, chọi gà, bắn cung, võ dân tộc, hát chầu văn, hầu bóng thâu đêm suốt sáng…
Điểm đầu tiên trong chuỗi thắng cảnh là đền Hạ, ngôi đền nằm kề bên đường tỉnh 293. Đây là một trong 3 ngôi đền có quy mô và diện tích lớn nhất trong hệ thống đền Suối Mỡ. Đền tọa lạc trên thế đất “hoàng long”. Trước cửa đền có núi Tai Voi làm án có tác dụng ngăn không cho tà khí bay vào đền và giữ lại những tài lộc do long mạch bên trong thúc ra.
Nằm tách biệt với khu dân cư, từ xa nhìn lại, đền Trung tọa lạc trên mảnh đất có vị trí như một hòn đảo được bao bọc bởi suối và cây xanh tạo nên vẻ tĩnh mịch, huyền bí và linh thiêng cho ngôi đền. Với điểm tựa gối đầu là núi Bà Bô; án là rừng Thông và sườn Giông Khế, theo thuyết phong thủy đây là mảnh đất tụ linh và ngôi đền nằm trên thế đất “tựa Sơn đạp Thuỷ”. Lối đi duy nhất vào đền là cây cầu bán nguyệt được coi như nối cõi trần với nơi đất thánh. Trong đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương – Thượng Ngàn Thánh Mẫu và một số bệ thờ theo tín ngưỡng thờ mẫu. Đền trung có cả thảy 5 thác nước, trong những nét nguyên sơ của đá và nước, cùng cỏ cây xung quanh tạo nên nét kì bí và thú vị cho những du khách đến đây.
Đền thượng nằm giữa lưng chừng núi có kiến trúc khá đơn sơ, hầu như giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc ban đầu từ thuở mới tạo dựng. Đền chỉ có một gian rộng lấy một tảng đá lớn bên trên làm mái, lấy vách đá xung quanh làm tường, ba bề trên dưới là đá, cả điện thờ cũng nguyên khối đá. Tại đền Thượng, bên dòng Suối Mỡ thơ mộng, chúng tôi còn được thưởng thức những điệu hát chầu văn mượt mà, say đắm lòng người. Vào mùa hạ và mùa thu, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của chốn đại ngàn nơi sông Lục, núi Huyền. Dòng Suối Mỡ chảy quanh co, uốn lượn như dải lụa trong thung lũng núi Huyền Đinh, Yên Tử - nơi có nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xoá và nhiều bồn tắm thiên nhiên. Suối bắt nguồn từ khu vực Đá Vách và Hố Chuối rồi xuôi dòng. Dòng suối lớn dần, chảy len lỏi theo khe núi. Do sự kiến tạo của địa chất tự nhiên, những phiến đá lớn xếp chồng lên nhau theo nhiều dạng, nhiều cấp độ đã làm cho lòng suối thay đổi độ dốc đột ngột tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ khác nhau.
Men theo con đường uốn lượn dẫn lên suối, du khách sẽ bắt gặp những thắng tích như đấu Đong Quân, chùa Hòn Trứng, chùa Hồ Bấc, đỉnh Tròi Xoan, bãi Quần Ngựa, thác Thùm Thùm...
Thác Thùm Thùm là con thác cao nhất trong hệ thống suối thác được khoác trên mình một tấm áo choàng bằng nước như từ trên trời đổ xuống. Đứng trên đỉnh thác phóng tầm mắt ra thật xa du khách sẽ bao quát được toàn bộ quần thể thắng cảnh nơi đây. Một không gian vừa hùng vĩ, vừa nên thơ sẽ đem đến cho du khách cảm giác thư thái đến bất ngờ. Và thật sảng khoái, sau một hồi chiêm ngưỡng phong cảnh núi non nguyên sơ, hùng vĩ, du khách sẽ được đắm mình trong làn nước trong xanh, mát lành của thiên nhiên ban tặng dưới những dòng thác hay trong những bồn tắm tự nhiên. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những thứ đặc sản hết sức độc đáo, mang đậm phong vị của vùng đất hiền hòa, tươi đẹp nơi đây.
Cùng với vẻ đẹp kỳ vĩ nên thơ của những bậc thác, những ngôi đền, cây rừng, đá núi, khu du lịch Suối Mỡ còn khá ấn tượng với vẻ đẹp của Hồ Suối Mỡ. Đây là công trình mang tính chiến lược có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển du lịch sinh thái, đồng thời đảm bảo cung cấp nguồn nước phục vụ nông nghiệp cho nhân dân trong vùng.
Đến với Suối Mỡ, du khách không chỉ được trở về với những truyền tích hàng nghìn năm lịch sử mà còn được chiêm ngưỡng, đắm mình trong vẻ đẹp và sức hấp dẫn nơi đây bởi sự hoang sơ, bình dị và thơ mộng. Suối Mỡ cũng là địa điểm hò hẹn của những đôi bạn trẻ mỗi dịp tết đến xuân về, bên dòng thác thơ mộng, trắng trong họ trao cho nhau những lời nói ngọt ngào như tình yêu bền lâu của đá và nước nơi này.
Thuyết minh thắng cảnh Suối Mỡ - Bắc Giang 2
Suối Mỡ là tên một con suối chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh – Yên Tử, tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xoá và nhiều bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Cảnh đẹp nhất nơi đây là đoạn suối có năm bậc thác mẹ con từ đền Thượng xuống đền Trung. Theo các tài liệu, đền Suối Mỡ là nơi thờ Công chúa Quế Mỵ Nương thời Hùng Vương, người có công mở dòng Suối Mỡ, dạy nhân dân làm ruộng, làm nương rãy.
Tại khu vực Suối Mỡ, các công trình tạo thành một khu liên hoàn: đền Hạ, đền Trung, đền Thượng (có từ thời nhà Lê, thế kỷ XV – XVI). Với nhiều loại hình du lịch để du khách có thể lựa chọn như: Tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, tắm suối, cắm trại, leo núi, khám phá thiên nhiên hoặc mua sắm, ẩm thực… Du khách có thể lựa chọn điểm du lịch sinh thái tại thác Suối Mỡ; thác Thùm Thùm; vọng Ngắm Trăng; đỉnh Rông Khế; hồ Suối Mỡ hoặc du lịch tâm linh tại đền Suối Mỡ (đền Hạ, đền Trung, đền Thượng); đền Trần; đền Quan; đền Cô Bé Cây Xanh.
Hàng năm, vào ngày 30 tháng 3 và 1 tháng 4 âm lịch đều diễn ra hội đền với phần lễ trang trọng và phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn.
Hiện nay, Suối Mỡ là khu du lịch đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Cùng với những dấu ấn lịch sử, những đền thờ dọc bên dòng suối, những cánh rừng nguyên sinh cùng mặt hồ nước mênh mông gợn sóng sẽ là điểm đến lý tưởng cho du khách.
Suối Mỡ gắn liền với truyền thuyết cảm động về nàng công chúa Quế Mỵ Nương, người con của Vua Hùng thứ 9. Công chúa hiền thục, nết na, nhân hậu. Nàng được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng đều từ chối bởi nàng đam mê du ngoạn, đặc biệt là đến thung lũng Huyền Đinh – Yên Tử.
Một lần, trong chuyến du ngoạn đến đây, chứng kiến đất đai khô nẻ, dân tình đói rách, công chúa rất đau lòng. Vào một ngày đầu xuân, khi đặt chân xuống thung lũng, nàng đã dùng năm đầu ngón tay ấn xuống từng phiến đá. Lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối, đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó, đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống người dân cũng ngày càng no đủ hơn.
Ghi nhớ công ơn của công chúa Quế Mỵ Nương, dân làng đặt tên con suối ấy là Suối Mỡ (hay Suối Mẫu), lập đền thờ và gọi là đền Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Dọc hai bờ suối, người bản địa xây dựng ba ngôi đền kế tiếp nhau là đền Hạ, đền Trung và đền Thượng để bày tỏ tấm lòng biết ơn nàng.