Bàn luận về tiền tài và hạnh phúc
Thời đổi mới, nền kinh tế thị trường phát triển, các ngành nghề sản xuất và kinh doanh phát triển. Nền kinh tế thị trường nước ta tăng trưởng mạnh, năm sau hơn hẳn năm trước. Đất nước trên đà đổi mới, ngày một đổi thay toàn diện. Đời sống nhân dân ngày một khá hơn; tỷ lệ hộ nghèo, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được giảm đáng kể.
Trong phong trào thi đua sản xuất và kinh doanh hiện nay đã xuất hiện nhiều doanh nhân trẻ, nhiều tỷ phú năng động và sáng tạo. Biệt thự mọc lên làm thay đổi bộ mặt các đô thị: nhiều gia đình mua sắm ô tô riêng, đi du lịch, cho con cái du học ở Mĩ, Pháp, Anh... đi chữa bệnh ở nước ngoài...
Trong bối cảnh ấy, bàn về vấn đề tiền tài và hạnh phúc thật có nhiều ý nghĩa.
Tiền tài, tiền bạc, tiền của đều cùng chung một khái niệm. Ở đời, tiền tài có khi mang lại hạnh phúc, nhưng cũng có trường hợp chỉ mang lại sự đổ vỡ, bất hạnh.
Tiền bạc là thước đo giá trị và phẩm hạnh. Ai tài giỏi sẽ làm được nhiều tiền. Trong khi lương công nhân chỉ được một hai triệu thì lương giám đốc có thể hàng chục triệu đồng. Đồng tiền do mồ hôi công sức, do chất xám mang lại thì thật quý giá và đáng tự hào. Sản xuất và kinh doanh làm giàu, ước mơ trở thành tỉ phú, được xã hội đồng tình, được khuyến khích và hoan nghênh, ở nông thôn hiện nay đã xuất hiện nhiều hộ nuôi cá, nuôi tôm, chăn nuôi gia súc, trồng rau, trồng hoa, trồng lúa cao sản, phát triển ngành nghề thủ công... mà trở nên giàu có. Họ xây nhà, mua sắm, sông sung túc, sang trọng, tích cực tham gia phong trào cứu đói xóa nghèo, đóng góp các quỹ từ thiện... Họ được tôn vinh, được cộng đồng ca ngợi. Qua đó, ta thấy tiền tài đem lại hạnh phúc, tiền tài gắn liền với hạnh phúc.
Nhưng tiền tài lại có những mặt trái của nó thật ghê gớm. Đồng bạc đâm toạc tờ giấy (Tục ngữ). Hoàng kim hắc nhân tâm (Cổ ngữ). Quan lại tham nhũng, cán bộ tham nhũng mà giàu có, mà xài sang, đổi với loại người này, tiền tài đã làm cho họ bị sa đọa, bị nhân dân coi khinh, bị pháp luật trừng trị. Chuyện bán tước mua danh chuyện chạy chức chạy quyền lâu nay đã cho thấy mặt trái của đồng tiền đã làm tha hóa đạo đức con người một cách cực độ. Báo chí gần đây (tháng 5-2008) đưa tin ông Bí thư Cà Mau, ông Chủ tịch Cao Bằng “dính" đến hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng... Thử hỏi, những con người này có còn là công bộc của dân nữa hay không? Những vụ trọng án từng làm ồn ào dư luận một thời, dù có mờ đi theo thời gian, nhưng tất cả đều nói lên một sự thật:Tiền tài không song hành với hạnh phúc. Càng hám danh lợi, tham lam bạc tiền thì càng bất hạnh. Đó là bài học đáng đời cho bất cứ ai.
Bàn về tiền tài và hạnh phúc chúng ta hãy cùng nhau nhắc lại, nhớ lại một đôi lời của các cụ ngày xưa, cũng là một cách ôn cố tri tân. Nguyễn Bỉnh Khiêm chê cười cái thói đời đen bạc:
Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết xôi hết rượu hết ông tôi.
Nguyễn Công Trứ chế giễu:
Tiền tài hai chữ son khuyên ngược,
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi!
Nguyễn Khuyến cũng hóm hỉnh châm biếm:
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?
Đời trước làm quan cũng thế a?
Tóm lại, sống ở đời ai cũng muốn được giàu sang, có nhiều tiền của. Xã hội hiện nay đang khuyến khích người người làm giàu, nhà nhà làm giàu; làm giàu chính đáng bằng tài năng, bằng sức lao động của bản thân mình. Biết làm ra tiền của, biết sử dụng tiền của, không thể vì tiền tài mà biến thành kẻ bất lương. Bàn về vấn đề tiền tài và hạnh phúc, ta càng cảm thấy bài học về cần, kiệm, liêm, chính của Bác Hồ dạy là vô cùng sâu sắc.
Tuổi trẻ chúng ta hãy nỗ lực học giỏi, tu dưỡng đạo đức để mai sau bước vào đời đem tài năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, biết làm giàu trên cương vị một doanh nhân giỏi, một chuyên gia giỏi, một nhà quản lý tài năng, để trở nên giàu sang, sông hạnh phúc và góp phần đem lại hạnh phúc cho cộng đồng. Chúng ta hãy hướng về mục tiêu dân giàu nước mạnh thì càng thấy rõ ý nghĩa rộng lớn và sâu sắc của vấn đề tiền tài và hạnh phúc.