Tính hài hước trong bài ca dao: Cưới nàng anh toan dẫn voi… Dẫn con chuột béo mời dân, mời làng
Cưới nàng anh toan dẫn voi
Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn.
Dẫn trâu, sợ họ máu hàn
Dẫn bò, sợ họ nhà nàng co gân.
Miễn là có thú bốn chân
Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng.
Đây là vế đối, lời của chàng trai! Trong đời sống, người ta vốn không ưa loại người "Mười voi không được bát nước xáo", nghĩa là loại người khoác lác, huênh hoang, nói nhiều, hứa nhiều nhưng chẳng làm được cái gì cho ai khác. Vế đối của bài ca dao này bề ngoài có vẻ đang cho ta tiếp cận một con người, một chàng trai thuộc loại đó. Thực ra thì không phải vậy. Chàng trai quả có nói khoác, nhưng anh ta tự biết mình đang nói khoác và cũng chẳng che giấu người nghe sự nói khoác ấy. Nói khoác cho vui – bất cứ ai muốn nghe chàng nói đều phải hiểu quy ước ấy để khỏi có đánh giá lầm lẫn về một con người.
Trong hệ thống những thủ tục cưới xin ngày trước, thách cưới thường đặt ra cho người con trai đi hỏi vợ một vấn nạn. Nhà nghèo mà phía gia đình cô gái đòi hỏi đồ dẫn cưới quá cao thì chàng trai chỉ còn cách chào thua. Hoặc giả, anh cũng muốn chuẩn bị lễ vật thật hậu hĩnh cho xứng với nàng, và đặc biệt là để thể hiện tấm thịnh tình của anh, nhưng tình trạng "kiết xác" khiến anh bị bó tay. Rất có thể chàng trai trong bài ca dao này gặp phải một tình huống dở khóc dở cười như vậy. Thôi thì đành mượn tiếng cười bông lơn để che giấu "nỗi đau" vậy. (Hoàn toàn có thể giả định một hoàn cảnh diễn xướng khác: tất cả chỉ là chuyện dựng lên để gây cười – một tiếng cười vô tư, nhẹ nhõm trong giao tiếp hằng ngày của các chàng trai, cô gái).
Cái hay của vế đối trong bài ca dao dĩ nhiên gắn liền với thủ pháp cường điệu, phóng đại. Nhưng để cảm nhận cho thấu đáo điều này, ta không thể không chú ý tới trình tự xuất hiện từ to đến nhỏ của những đồ dẫn cưới mà chàng trai từng dự tính đưa tới nhà nàng. To hay nhỏ không thuần túy thuộc phạm trù khối lượng mà chủ yếu thuộc phạm trù sang, quý, có giá trị. Chàng trai quả là suy tính rất ráo riết. Hết phương án này đến phương án khác được đưa ra nhưng khổ thay cuối cùng đều không thực hiện được. Ta không thể trách chàng về sự thiếu hiểu biết và thái độ quan tâm chu đáo. Chàng không chỉ biết lo cho xong việc mình mà còn biết lo cho người khác, đặc biệt là lo cho họ nhà gái nữa (sợ họ máu hàn không ăn được thịt trâu, sợ họ nhà nàng co gân khi dùng thịt bò). Thì ra vấn đề chỉ là lý do khách quan chứ không phải vì lý do bó buộc về "kinh tế”. Chàng đã từng dự tính đem voi làm đồ dẫn cưới cơ mà! Quả là một dự tính "hoành tráng" – "hoành tráng" tới mức huyễn hoặc. Đáng tiếc là nó đổ vỡ bởi chàng chợt nhớ ra voi chính là hàng quốc cấm. Biết làm sao bây giờ? Một sáng kiến mới nảy ra. Voi, trâu, bò tuy khác nhau nhưng đều có chung một đặc điểm là thú bốn chân. Hóa ra đồ dẫn cưới phải cần tới thú bốn chân chứ gì? Việc này có thể giải quyết được! Thế là chàng trai đi tới quyết định (quyết định chứ không phải nêu dự tính nữa): "Dẫn con chuột béo, mời dân, mời làng". Thế là xong nhé, chuột ở đây cũng là chuột béo chứ chả phải đùa. Ai dám bảo đồ dẫn cưới này không xứng đáng với nàng, với họ nhà nàng?.
Đến với vế đối của bài ca dao, ta được thưởng thức tài nói khoác đã đạt tới mức "thượng thừa" của chàng trai. Nói khoác nhưng rất có bài bản. Mọi tình tiết đưa ra đều hợp lý để thuyết phục mọi người tin rằng cái quyết định cuối cùng là… đại hợp lý. Dĩ nhiên, muốn bắc được chiếc cầu từ voi, trâu, bò (những thứ đồ sính lễ "đáng kể") tới chuột (đồ sính lễ đáng gọi là bôi bác, không thể chấp nhận), chàng trai đã phải sử dụng đến một xảo thuật hay một phép ngụy biện tài tình: thì chúng giống nhau cả, chỉ là loài thú bốn chân chứ có khác gì đâu. Trong khi người nghe lời chàng trai đã trôi tới điểm kết thúc. Chàng trai đã nói xong và đã "kích hoạt" được trung khu thần kinh gây cười ở mọi người!
Riêng đối với chàng trai, tiếng cười mà anh đưa tới cho chúng ta rất có thể trước đó đã giúp chính anh quên đi phần nào mặc cảm nghèo hèn để tiếp tục sống, tiếp tục mơ mộng và… nói khoác.