Nghị luận nêu con người không có tri thức thì sẽ ra sao
Con người chúng ta không phải khi mới xuất hiện đã làm chủ muôn loài. Từ chỗ chỉ là một loài vật nhỏ bé, yếu ớt, hoang dại trong thiên nhiên đến chỗ có thể đứng thẳng được dậy, giải phóng hai chi trước, não phát triển- quá trình tiến hóa và tiến bộ ấy chẳng phải bắt đầu từ những tri thức cổ sơ hay sao. Đó là tri thức sống, tri thức của lao động từ săn bắt, hái lượm, chăn nuôi trồng trọt rồi cải tiến nông cụ, loài người đã biết vượt lên đời sống bầy đàn tách thành bộ lạc, gia đình, họ tộc rồi vương quốc, đất nước. Quá trình tiến hóa vĩ đại kia có phải tự thân mà có hay do những phản xạ vô điều kiện, khi ta cứ lặp đi lặp lại một việc như cái máy? Hoàn toàn ngược lại, loài người chinh phục tự nhiên, phát triển các mối qua hệ xã hội được là nhờ đầu óc của mình: “Tôi tư duy tức là tôi tồn tại”. Không có nhận thức, suy nghĩ, con người sẽ yếu đuối và vô nghĩa không khác gì một “cây sậy”. Nhờ có tri thức mà xã hội con người phát triển và ngày càng văn minh với các phát minh khoa học. Không phải ai sinh ra cũng tự phát minh được ra bóng đèn, ti vi, tự khám phá được định luật vạn vật hấp dẫn,… Con người kế thừa thành tựu của tiền nhân để cải thiện điều kiện sống của mình, đồng thời biến những thành tựu ấy thành tiền đề cho những đột phá mới mẻ, to lớn hơn.
Qua tri thức, con người có được sức mạnh để cải tạo thực tế. Khi chúng ta chỉ là những con vượn ăn lông ở lỗ trong hang động, có ai ngờ rằng về sau con người đã được ăn no, mặc ấm, thậm chí ăn sang, mặc mốt, ở trong những toàn nhà chọc trời, đi xe hơi ra đường, và có một đời sống văn minh với những tiện nghi đầy đủ nhất trong tương lai. Sự khác biệt đó là nhờ sức mạnh của tri thức. Tri thức là nền tảng cho hai cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật vĩ đại của thế giới, từ nông cụ thô sơ dùng máy hơi nước, dùng điện, năng lượng hạt nhân, năng lượng sinh học… Con người không ngừng làm giàu có vốn tri thức của mình để trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với đói nghèo, lạc hậu, tăm tối, trong công cuộc chinh phục tự nhiên để có cuộc sống sung sướng, đầy đủ hơn. Thần kì biết bao, khi ngày xưa ta thờ cúng thần sông, thần suối, giờ ta bắt các con sông làm ra điện, xưa ta “lạy trời mưa xuống”, nay ta dùng tên lửa, xua mây, kéo mưa, gọi nắng; xưa ta chạy ma-ra-thôn đến kiệt sức để truyền tin thắng trận, nay chỉ một cú điện thoại hay kết nối internet, một buổi tường thuật trực tiếp, cả thế giới đã biết đến những sự kiện, tin tức quan trọng. Sức mạnh tri thức làm con người có thể đảo đổi các trật tự tưởng như nghìn năm bất dịch, làm được bao điều phi thường trong trong cuộc sống. Như khát khao bay lượn đã thành sự thật từ anh em nhà Wright, khát vọng thám hiểm mặt Trăng đã được hiện thực hóa từ phi thuyền Apollo. Bằng sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, con người đã biến những điều tưởng như chỉ có trong tiểu thuyết khoa học giả tưởng thành sự thật. Cho đến bây giờ, loài người vẫn tự hào bởi cuộc đua đến nam cực giữa Scott và Amundsen, cuộc chinh phục đỉnh Everest của Hillary, cuộc hành trình trên biển bằng con tàu Beagle của Darwin, thậm chí cả những vùng đất xa xôi nhất như Đại Tây Dương, Bắc Cực đều đã ghi dấu bước chân con người. Những kiệt tác nghệ thuật: thi ca, nhạc họa, điện ảnh,… cũng là sản phẩm của sự sáng tạo, “sức mạnh tri thức”. Vốn tri thức đa diện ấy đã nâng tâm hồn ta lên, nhân đạo hóa con người để ta sống có trái tim, biết yêu chuộng cái đẹp, căm ghét cái xấu và hơn thế từ những gì được biết được đọc, ta có thêm năng lực tư duy và khát khao được tìm tòi, khám phá làm tăng thêm chất người và làm phong phú thêm cái Tôi cá thể của mỗi người. Mỗi con người ta chỉ giống như một con kiến bé nhỏ nhưng nếu biết tích lũy góp nhặt tri thức như loài kiến kia thì sẽ có thêm ngày càng nhiều sức mạnh, vốn sống, vốn hiểu biết để đối mặt với những khó khăn, thử thách trong đời. Liệu có hành trang nào dành cho con người khi dấn thân vào cuộc sống khó khăn cần thiết hơn tri thức. Tri thức giúp chúng ta hoàng thiện mình, dũng cảm và tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động xã hội. Để làm giàu vốn tri thức của mình, con người có thể có rất nhiều môi trường để học tập: học không chỉ ở trường mà còn qua sách vở, thầy cô, bè bạn, cuộc sống. Một triết gia Hi Lạp cổ đại đã nói như sau: “Mỗi người tôi gặp đều có những điểm hay hơn tôi, đáng cho tôi học tập”. Thực tế cũng chứng minh, những người đạt đến đỉnh cao của vinh quang đều có vốn sống, vốn hiểu biết phong phú và nhu cầu cầu thị lớn. Những kẻ không chịu hiểu câu nói trên, cố tình lẩn tránh, coi việc tích lũy tri thức là thừa, vô dụng thì tất yếu sẽ nhận được hậu quả không mong muốn. Còn có những người mới học được chút ít tri thức đã tự coi là đủ, không chịu cố gắng hoặc chỉ chăm chăm học trong sách vở mà không chịu tìm tòi từ cuộc sống thì sớm muộn tri thức cũng rơi rớt, trở thành “ếch ngồi đáy giếng”, không thể là sức mạnh.