Hình ảnh người cha trong em
Xã hội ngày càng phát triển, con người tấp nập với guồng quay cuộc sống của mình nhưng rồi tất cả chúng ta ai cung sẽ tìm về cho mình một chốn bình yên trong cuộc sống ấy. Đối với tôi cũng vậy, chốn bình yên ấy của tôi chính là gia đình, là hình ảnh người cha mà tôi yêu thương nhất trong cuộc đời của minh. Hình ảnh ấy sẽ mãi là nguồn an ủi lớn lao theo tôi đến hết cuộc đời.
Cha tôi không đặc biệt, giống như bao người cha khác. Ông chỉ là một người nông dân chất phác thật thà, quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất bán lưng cho trời, lam lũ quanh năm chỉ vì miếng cơm manh áo của gia đình. Mới chỉ bước vào tuổi bốn mươi nhưng trông cha già hơn hẳn những người bạn đồng trang lứa. Có lẽ do cái nắng đặc trưng của vùng miền Tây Nam xứ Nghệ mà da ông có màu nâu sẫm, nay đã có những vết hằn của thời gian. Mái tóc đen ánh nhưng đã lún phún vài sợi bạc. Cha tôi vốn cao nay đã gầy càng làm hiện lên bao vất vả mà ông phải chịu đựng. Từ lúc sinh ra đến nay, ông vốn đã không được may mắn như bao người, bởi lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng nhưng đi qua gần nửa chặng đời của con người mà cha tôi vẫn không được sống một cuộc sống đầy đủ, sung sướng.
Gia đình tôi vốn không khá giả là bao. Mọi chi tiêu trong gia đình đều dựa cả vào cha mẹ nhưng chủ yếu vẫn là cha. Một mình cha làm lụng nuôi năm cái miệng ăn trong gia đình. Dù gặp bao khó khăn vất vả nhưng cha chưa bao giờ lùi bước hay than vãn dù chỉ một câu. Cha vượt lên tất cả, kiếm ra những đồng tiền bằng chính sức lao động của mình. Hằng ngày cha phải đi làm từ sáng sớm đến trưa mới về, chiều lại tiếp tục. Dù là làm trên ruộng đồng hay trong nương rẫy, cha vẫn đi làm đều đặn mặc cái nóng 39-40 độ mùa hè hay cái rét cắt da cắt thịt vào mùa đông, mặc mưa giông mưa dầm. Bởi vậy tôi luôn tự hào khi cha tần tảo giàu, đức hi sinh như vậy. Phải chăng cũng chính vì vậy mà ca dao dân ca luôn nói: "Công cha như núi Thái Sơn". Công lao của cha lớn lao, không gì sánh được.
Cha tôi không chỉ là một người chịu thương chịu khó mà còn rất giàu tình yêu thương. Cha luôn dành cho ba chị em chúng tôi những tình cảm tốt đẹp nhất trên thế gian này. Vì thế mọi người vẫn hay nói đùa: "Bố thương con thế này, thảo nào mà mẹ toàn sinh công chúa". Những lúc như vậy cha chỉ cười, nhưng là một nụ cười thật tươi. Mặc dù chỉ là một người nông dân nghèo khổ nhưng cha tôi luôn có ta ý chí tâm, tinh thần cầu tiến rất cao, biết đặt gánh nặng gia đình con cái lên hàng đầu. Cha vẫn thường nói: "Đời bố sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh chị em nên học hành không đến nơi đến chốn, nhưng các con sinh ra trong xã hội này dù thế nào cũng phải được học hành, được giáo dục đầy đủ". Có lẽ vì thế nên cha luôn dành thời gian quan tâm đến việc học chị em tôi. Tôi vẫn nhớ như in những lần cha đưa đón tôi đi học hồi cấp hai. Nhà xa trường, có những lúc phải đi học thêm ban đêm, cha không bao giờ ngần ngại khi đưa đón tôi, chỉ vì lo sợ con gái đi học thêm ban đêm một mình nguy hiểm. Dù là những buổi tối mùa hè đi làm về muộn, cha luôn ăn vội bát cơm rồi chở tôi đi học hay đêm đông lạnh giá cha vẫn chờ tôi đến tận khuya để đón về. Thật đúng khi có người nói rằng: "Tấm lòng của cha là một tuyệt tác mà tạo hoá đã ban tặng".
Vào những lúc rảnh rỗi, cha thường dạy tôi biết bao bài học quý giá. Tôi vẫn nhớ như in những lời dạy của cha: Cố gắng học hành trở thành người có ích cho xã hội hay "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Đói cho sạch rách cho thơm",… Và phải chăng những điều cha đã dạy cho tôi còn nhiều hơn cả những bài học mà tôi được học ở trường ở lớp. Những bài học ấy sẽ trở thành hành trang cho tôi bước vào đời.
Mẹ là người cho ta một sinh mệnh thì cha lại chính là người cho ta cả cuộc sống. Tuy âm thầm lặng lẽ nhưng chứa đựng bao tình cảm nồng ấm:
"Cha là bóng máy giữa trời
Cha là điểm tựa bên đời cho con"
Sau này khi con đã trưởng thành, đã đủ lông đủ cánh để tung bay ra ngoài xã hội bao la thì cha luôn là điểm tựa, là bến đỗ cho con tìm về mỗi lần vấp ngã.